Saturday, 9 September 2023

VIỆT - MỸ CẦN MỘT CƠ CHẾ ĐỐI TÁC "MẬT THIẾT HƠN và NĂNG ĐỘNG HƠN" (Trọng Thành / RFI)

 



ĐIỂM BÁO

Việt - Mỹ cần một cơ chế đối tác ‘‘mật thiết hơn và năng động hơn’’

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 08/09/2023 - 16:09

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20230908-vi%E1%BB%87t-m%E1%BB%B9-c%E1%BA%A7n-m%E1%BB%99t-c%C6%A1-ch%E1%BA%BF-%C4%91%E1%BB%91i-t%C3%A1c-m%E1%BA%ADt-thi%E1%BA%BFt-h%C6%A1n-v%C3%A0-n%C4%83ng-%C4%91%E1%BB%99ng-h%C6%A1n

 

Giải vô địch bóng bầu dục thế giới khai mạc tối hôm nay, 08/09/2023, tại Stade de France, Paris, với trận Pháp – New Zealand, ba lần vô địch thế giới, là chủ đề trang nhất của hầu hết các báo Pháp. Đội tuyển Pháp đang phong độ. Nhiều người hy vọng đội tuyển quốc gia vô địch có thể mang lại một không khí phấn chấn trong xã hội, và giải thể thao 7 tuần lễ này nếu thành công sẽ là một trắc nghiệm quý giá cho khâu chuẩn bị Thế Vận Hội Paris 2024.

 

https://s.rfi.fr/media/display/2a60081e-4e4d-11ee-abca-005056bf30b7/w:980/p:16x9/000_33UF3A4.webp

Một nhân viên cầm chiếc áo có in hình tổng thống Mỹ Joe Biden tại một cửa hàng lưu niệm ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 06/09/2023. AFP - NHAC NGUYEN

 

Trọng tâm chính trị quốc tế cuối tuần lễ đầu tiên tháng 9 là tại châu Á với tiêu điểm là thượng đỉnh G20 ra tại Ấn Độ trong hai ngày 09 và 10/09. Việt Nam với chuyến công du Hà Nội của tổng thống Mỹ Joe Biden là chủ đề chính trong mục Thế giới của nhật báo kinh tế Les Echos. Sau khi dự thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ, tổng thống Mỹ tới Hà Nội ngày Chủ nhật 10/09. Bài ‘‘Mỹ - Việt sẵn sàng siết chặt hợp tác’’ của Les Echos nhấn mạnh, trong lúc quan hệ Mỹ - Trung ‘‘liên tục khủng hoảng’’, Washington và Hà Nội tìm cách ‘‘tăng cường quan hệ đối tác’’.

 

Về trao đổi thương mại, quan hệ song phương Việt - Mỹ được ghi nhận đang trên đà vọt tiến. Chỉ tính riêng từ năm 2019 đến 2022, xuất khẩu hàng Việt Nam sang Mỹ đã tăng gần gấp đôi, với 127 tỉ đô la. Xuất khẩu của Mỹ tăng gấp 20 lần hiện nay so với năm 2002, theo bộ trưởng Tài Chính Janet Yellen, người vừa đến Việt Nam hồi tháng 7/2023. Phó tổng thống Kamala Harris và ngoại trưởng Antony Blinken cũng đến Việt Nam mới đây. Trước thềm chuyến đi Hà Nội của nguyên thủ Mỹ, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan khẳng định Mỹ và Việt Nam đứng trước ‘‘nhiều thách thức chung, từ Biển Đông cho đến các công nghệ trọng yếu và mới trỗi dậy’’, Washington và Hà Nội sẽ phải cùng nhau xác định‘‘một tầm nhìn chung cho thế kỷ XXI’’, và điều này cần đến ‘‘một cơ chế đối tác mật thiết hơn và năng động hơn’’.

 

Theo nhận định của chuyên gia Gregory Poling, giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS, chuyến công du của tổng thống Mỹ sẽ là dịp để hai bên nâng cấp quan hệ, ít nhất cũng là lên hàng ‘‘đối tác chiến lược’’, hoặc thậm chí nhảy vọt lên thành ‘‘đối tác chiến lược toàn diện’’. Vị chuyên gia Viện CSIS cũng nhấn mạnh là cụm từ này, đối với nhiều người Mỹ, có thể chỉ là một thứ danh xưng không mấy ý nghĩa, nhưng tại Việt Nam, đây là điều ‘‘thực sự quan trọng’’.

 

Cho đến nay, chính quyền Việt Nam mới chỉ có quan hệ ‘‘đối tác chiến lược toàn diện’’ với bốn nước Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc. Theo Gregory Poling, Việt Nam có một chiến lược quan hệ ngoại giao ‘‘khá cứng nhắc’’ do mô hình ‘‘nhà nước cộng sản kiểu Lênin’’. Tuy nhiên, viễn cảnh siết chặt quan hệ với Mỹ bị cản trở không chỉ do chiến lược ngoại giao ‘‘cứng nhắc’’. Vấn đề không chỉ nằm ở ý thức hệ.

 

 

Kinh tế Việt Nam phụ thuộc nặng vào Trung Quốc

 

Les Echos ghi nhận một thực tế là kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc nặng nề hơn vào Trung Quốc. Theo một nghiên cứu của Viện Peterson Institute for International Economics (PIIE), công bố hôm thứ Tư 06/09, tỉ lệ tăng trưởng về xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong thập niên vừa qua vượt Mỹ, với 20% trên tổng lượng hàng hóa xuất khẩu vào năm 2021 so với chỉ 9% vào năm 2010. Trong khi đó, xuất khẩu của Hoa Kỳ chiếm 29% vào năm 2021 so với 24% vào năm 2010.

 

Vẫn về Việt Nam, Les Echos trong một bài viết khác (‘‘Đến lượt Việt Nam bị ảnh hưởng bởi đà suy trầm của kinh tế thế giới’’) nêu bật tình hình kinh tế không khả quan của Việt Nam hiện tại. Sau giai đoạn tăng trưởng vọt tiến với hơn 8% GDP hồi năm ngoái, tăng trưởng của Việt Nam năm nay có nguy cơ tụt xuống dưới 5%. Nhiều biểu hiện rõ rệt cho thấy mức sụt giảm mạnh này. Xuất khẩu sang Mỹ trong 8 tháng đầu năm sụt đến 19%. Xuất khẩu sang châu Âu sụt 8,3%. Tổng cộng xuất khẩu sụt giảm 10%. Tất cả các lĩnh vực đều bị tác động.

 

 

Tăng trưởng chững lại: Xuất khẩu Samsung giảm mạnh

 

Việc xuất khẩu điện thoại di động Việt Nam gia công cho tập đoàn Hàn Quốc Samsung là một trong các lĩnh vực bị tác động mạnh nhất, sụt giảm hơn 22% trong quý một năm nay. Samsung lắp ráp một nửa số điện thoại xuất khẩu tại các nhà máy ở Việt Nam, và 25% hàng hóa xuất khẩu Việt Nam là các sản phẩm của Samsung.

 

Nhiều yếu tố tác động đến xu thế thoái lùi này. Bên cạnh việc ‘‘nhu cầu tiêu thụ sụt giảm’’ trong bối cảnh xung đột bùng phát ở nhiều nơi, ‘‘những đợt cắt điện’’ liên tục xảy ra tại Việt Nam cũng là một tác nhân khác. Thiếu điện nghiêm trọng đến mức mà Phòng Thương Mại châu Âu tại Việt Nam đã phải kêu gọi Hà Nội ‘‘nhanh chóng hành động để bảo vệ uy tín của Việt Nam với tư cách nhà cung ứng đáng tin cậy’’.

 

Dù sao, Les Echos cũng khép lại bài viết với một hy vọng vào khả năng kinh tế Việt Nam ‘‘sẽ bật dậy trong 24 tháng tới, khi nhu cầu của thế giới bắt đầu gia tăng trở lại và chính quyền Việt Nam giải quyết được các vấn đề nội bộ’’ (theo S&P Global Ratings). ‘‘Các vấn đề nội bộ’’ của Việt Nam không chỉ là nạn thiếu điện mà còn là các cuộc đấu đá nội bộ, mà Les Echos chỉ nhắc gợi qua việc Việt Nam có chủ tịch nước mới, sau khi người tiền nhiệm xin ‘‘từ chức’’, trong bối cảnh ‘‘cuộc chiến chống tham nhũng gia tăng’’.  Nhiều nhà quan sát vẫn đặt hy vọng Việt Nam vượt qua thách thức có thể thay thế một phần Trung Quốc, trong bối cảnh giới đầu tư muốn giảm lệ thuộc vào Trung Quốc.

 

 

Thượng đỉnh G20 : Hố sâu ngăn cách phương Tây và phần còn lại

 

Mục thế giới của nhật báo kinh tế Les Echos dành nhiều hồ sơ cho thượng đỉnh G20, gồm 19 nền kinh tế lớn nhất thế giới và Liên Hiệp Châu Âu, tổ chức tại Ấn Độ. Bài ‘‘Tại New Delhi, nhóm G20 đánh cược uy tín chính trị và tính hiệu quả của mình’’ cho biết thượng đỉnh G20 diễn ra trong bối cảnh thế giới đang chia rẽ sâu sắc do cuộc chiến xâm lăng Ukraina của Nga. Thượng đỉnh G20 thể hiện rõ mức độ chia rẽ đó, trước hết với việc tổng thống Nga và chủ tịch Trung Quốc không đến dự thượng đỉnh. Theo Les Echos, điều này ‘‘làm gia tăng hố sâu ngăn cách giữa phương Tây và phần còn lại của thế giới’’.

 

Thách thức rõ ràng đặt ra với Ấn Độ, quốc gia chủ nhà, chủ tịch luân phiên G20, là đạt được một tuyên bố chung, thể hiện mức độ đồng thuận nhất định về hàng loạt vấn đề toàn cầu. Theo chuyên gia Pierre Jaillet (Viện Iris), việc thượng đỉnh G20 lần này không ra được tuyên bố chung sẽ cho thấy đà suy yếu của diễn đàn quốc tế này, vốn được coi là ‘‘nơi duy nhất’’ mà các nước phương Tây có thể ngồi cùng bàn với các quốc gia trỗi dậy phương Nam.

 

 

Ấn Độ dùng G20 để chặn ảnh hưởng Trung Quốc

 

Ấn Độ nằm ở vị trí bản lề trong những biến động quốc tế hiện nay. Ấn Độ là thành viên của nhóm BRICS, nơi Trung Quốc có vai trò lớn. BRICS vừa kết nạp thêm 6 thành viên mới. Chủ trương của New Delhi là không để cho ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng với việc thao túng BRICS, biến BRICS thành thế lực cạnh tranh với phương Tây. Chiến lược của Ấn Độ mở rộng G20 với việc kết nạp Liên Hiệp Châu Phi, và cổ vũ cho quyền lợi của các nước đang phát triển, đặc biệt trong vấn đề cung cấp tài chính cho cuộc chiến khí hậu, là nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua BRICS.

 

Về vấn đề này, Ấn Độ và Pháp có cùng quan điểm, theo phủ tổng thống Pháp. Điện Elysée hôm 06/09 đã ra một thông báo, nhận định là đòi hỏi của Ấn Độ cải tổ các định chế tài chính thế giới (như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế) không phải là chống lại phương Tây, mà là nhằm tạo lập ‘‘các điều kiện công bằng hơn’’. Les Echos cảnh báo, nếu G20 không đạt được các thỏa hiệp về các vấn đề quốc tế lớn, thì chắc chắn nhóm BRICS ‘‘sẽ thế chân’’, cụ thể như với ảnh hưởng gia tăng của Ngân hàng Phát triển của nhóm BRICS (chẳng hạn với sự gia nhập trong tương lai của các "đại gia", như Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất). Uy tín quốc tế của G20 ‘‘được quyết định tại New Delhi’’ lần này là vì lẽ đó. 

 

 

Thúc đẩy quyền lợi của nước nghèo: Ấn Độ nỗ lực tìm thỏa hiệp cho G20

 

Cũng trong số báo này, Les Echos có bài phỏng vấn chuyên gia về quan hệ quốc tế Harash V. Pant, trường College Luân Đôn và thành viên trung tâm tư vấn Oberver Researche Foundation ở New Delhi. Vị chuyên gia này nhấn mạnh đến việc Ấn Độ cần tranh thủ diễn đàn này để thúc đẩy trước hết quyền lợi của các quốc gia dễ bị tổn thương.

 

Châu Phi là châu lục của một phần lớn các nước dễ bị tổn thương. Thượng đỉnh G20 lần này mở cửa kết nạp Liên Hiệp Châu Phi với 55 thành viên. Trong một bài viết khác liên quan đến việc kết nạp châu Phi, Les Echos cho biết vấn đề căn bản hiện nay là ‘‘hệ thống tài chính quốc tế chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu phát triển bền vững của châu Phi, trong bối cảnh dân số châu lục đang trên đà tăng vọt, với viễn cảnh sẽ tăng gấp đôi trước năm 2050’’. Theo chuyên gia Caroline Roussy, Viện Iris, việc kết nạp Liên Hiệp Châu Phi chỉ là ‘‘bước đi mang tính biểu tượng’’, vấn đề chủ yếu giờ đây là châu lục phải ‘‘tìm thấy được các phương tiện để khẳng định vị thế’’. Bản thân Liên Hiệp Châu Phi – với tư cách là một tổ chức liên chính phủ – cần khẳng định trước hết tiếng nói chung của mình, và đây quả là thách thức không dễ hóa giải.

 

 

G20 : Đối lập lên án chính quyền Modi lợi dụng thượng đỉnh

 

Vẫn về G20, La Croix có hồ sơ ‘‘Thượng đỉnh G20, sự lên ngôi của Ấn Độ và thủ tướng Modi’’. Nhật báo Công Giáo lột tả ý nghĩa hai mặt của thượng đỉnh đối với chính quyền Modi, về đối ngoại và về đối nội. Đối ngoại để phục vụ đối nội. Thượng đỉnh đã là dịp để chính quyền Modi biến New Delhi thành một đô thị hào nhoáng, người vô gia cư phải di dời, các khu nhà ổ chuột bị che giấu. Thành công của thượng đỉnh được đồng nhất với thành công của thủ tướng và đảng cầm quyền, trong bối cảnh Ấn Độ chuẩn bị bầu cử Quốc Hội vào năm tới.

 

Chiến thuật của thủ tướng Modi bị đối lập lên án kịch liệt. Nghị sĩ Karti Chidambaram tố cáo đảng cầm quyền biến sự kiện quốc tế này thành cuộc vận động chính trị cho thủ tướng, và biến chức chủ tịch luân phiên G20 trở thành ‘‘một đặc ân cho Ấn Độ, nhờ công lao của thủ tướng Modi’’. Tương tự như Les Echos, theo La Croix, ‘‘thách thức khổng lồ’’ với Ấn Độ là đạt được một đồng thuận để G20 ra được thông cáo chung. Nếu ngược lại, đây là sẽ là đòn đau với nước chủ nhà, bởi ‘‘Ấn Độ có thể trở thành quốc gia chủ tịch đầu tiên của một thượng đỉnh G20 không có tuyên bố chung’’.

 

 

Phương Tây tái khẳng định hậu thuẫn Ukraina

 

Trong lúc cuộc chiến tranh tại Ukraina ít được nhắc đến tại G20, Le Figaro ghi nhận một thay đổi đáng chú ý, với bài ‘‘Phương Tây tái khẳng định hậu thuẫn Ukraina’’. Theo Le Figaro, sau giai đoạn đầy hoài nghi trong mùa hè, các đồng minh phương Tây tỏ ra hy vọng vào ‘‘sức bật mới’’ của cuộc phản công Ukraina, sau khi quân đội Ukraina chiếm được ngôi làng Robotyne.

 

 

Pháp : Khủng hoảng nhà ở và tăng trưởng giảm

 

Về thời sự nước Pháp, khủng hoảng nhà ở là một chủ đề chính của Le Monde. Xã luận của báo này khẳng định đây là một cuộc khủng hoảng ‘‘có thể dự báo trước’’. Số lượng xây dựng mới sụt giảm mạnh, đi liền với việc gia tăng lãi suất tín dụng địa ốc, số lượng người mua nhà giảm. Đây là điều đã được giới chuyên gia dự báo từ nhiều tháng nay. Theo Le Monde, để cuộc khủng hoảng giờ đây trở nên ‘‘không thể tránh khỏi’’ có phần trách nhiệm lớn của chính quyền các thời. Về chủ đề này, Les Echos mô tả tình trạng ‘‘đa số người Pháp bất bình vì phải trả quá nhiều tiền cho nhà ở’’.

 

Trang nhất nhật báo kinh tế Les Echos dành cho hồ sơ tăng trưởng sụt giảm. GDP của nước Pháp trong quý ba dự kiến chỉ tăng 0,1%, và 0,2% trong quý tư, theo Insee. Tình trạng lạm phát và lãi suất cao đè nặng lên các hoạt động kinh tế.

 

 

Giải vô địch bóng bầu dục: Nước Pháp phấn chấn mong đợi thành công

 

Trái ngược với không khí tương đối ảm đạm về kinh tế, giải vô địch thế giới rugby tại Pháp được báo chí vui mừng đón nhận. Trang nhất Le Figaro chạy tựa ‘‘Rugby : Nước Pháp trên con đường chinh phục thế giới’’, trên nền hình ảnh 15 thành viên đội tuyển Áo Lam tay trong tay. Bài xã luận Le Figaro ‘‘Hơn cả rugby’’ tin tưởng rằng ‘‘các chiến thắng của đội tuyển Pháp sẽ mang lại đôi cánh cho toàn đất nước, cho kỳ Thế vận hội tới và còn hơn cả các sân chơi thể thao…’’

 

‘‘Làm bùng lên ngọn lửa’’ là tựa đề trang nhất của La Croix, trên nền bức hình một góc sân vận động chật kín các cổ động viên với những lá quốc kỳ ba màu, với nhận định ‘‘từ Giải vô địch bóng bầu dục đến Thế vận hội, nước Pháp đang bước vào một năm thể thao, có thể sẽ làm tái sinh tình đoàn kết xã hội’’. Nhật báo kinh tế Les Echos có bài trang nhất ‘‘Cúp thế giới bóng bầu dục: một trắc nghiệm quan trọng về tính hấp dẫn của nước Pháp’’. Theo Les Echos, khoảng 2,5 triệu khán giả, trong đó có 600.000 người nước ngoài, sẽ tham dự, với rất nhiều thách thức đặt ra.

 

Cúp rugby thế giới tại Pháp cũng là chủ đề chính của Libération với tựa đề : ‘‘Khát vọng màu lam’’, trên nền hình ảnh một vận động viên áo lam cầm trái bóng, được hai đồng đội nâng bổng. Xã luận Libération ‘‘Giấc mơ hợp lý’’ nhận định, nước Pháp đang gần với viễn cảnh vô địch. Đội tuyển của huấn luyện viên Fabien Galthié đã liên tục giành nhiều chiến thắng trong các cuộc thử sức gần đây, từ giải Grand Chelem 2022 đến vòng thi đấu 6 quốc gia, với ngôi vị á quân, xếp sau Ireland, cũng là một ứng viên vô địch.

 

Bên ngoài chuyện thành công hay thất bại của đội Áo Lam, Libération nhận xét : ‘‘Nước Pháp, đang trong tâm trạng khá ảm đạm, sẽ được soi xét kỹ lưỡng về khả năng biến một cuộc tranh tài thể thao như vậy thành một ngày hội, cho tất cả, cho các cổ động viên Pháp cũng như hàng nghìn du khách nước ngoài. Và về chuyện này cũng thế, chúng ta muốn tin vào thành công’’. 





No comments:

Post a Comment

View My Stats