.
Vì
sao không phải Chủ tịch nước mà là Tổng bí thư chủ trì lễ đón tổng thống Mỹ?
Trường Sơn, RFA
11-09-2023
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (trái) và
Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (phải) tại lễ đón ở Hà Nội ngày
10/9/2023. ( AFP)
Tổng thống
Hoa Kỳ Joe Biden đã thực hiện chuyến thăm mang tính lịch sử tới Việt Nam vào
ngày 10 tháng 9. Đây là chuyến thăm mang tầm vóc rất lớn đối với cả hai quốc
gia, bởi nhân dịp này hai nước đã chính thức nâng tầm mối quan hệ ngoại giao
lên mức Chiến lược Toàn diện, cấp cao nhất trong chính sách ngoại giao của Việt
Nam
Tuy nhiên, một điều đáng chú ý đó là mặc
dù chuyến thăm trên được thông báo ở cấp nhà nước, nhưng người chủ trì việc tiếp
đón tổng thống Mỹ lại không phải là Chủ tịch nước- người trên danh nghĩa là
nguyên thủ quốc gia của Việt Nam. Thay vào đó, người đứng ngang hàng với ông
Joe Biden trên bục duyệt đội danh dự trước phủ chủ tịch chính lại là Tổng bí
thư Nguyễn Phú Trọng.
Từ trước tới nay thì việc đón tiếp người đứng
đầu chính phủ Hoa Kỳ mỗi khi tới thăm Việt Nam vẫn được thực hiện bởi Chủ tịch
nước, để đảm bảo nguyên tắc của Hiến pháp về vai trò của Chủ tịch nước, vốn là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà XHCN Việt
Nam về đối nội và đối ngoại.
Ông Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu Đảng Cộng
sản Việt Nam, vốn là một đảng chính trị do vậy trên danh nghĩa thì ông Trọng
không có tư cách nguyên thủ quốc gia. Thế nên, câu hỏi đặt ra là tại sao lại có
hiện tượng người đứng đầu đảng chứ không phải Chủ tịch nước, đứng ra chủ trì sự
kiện cấp nhà nước này?
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (trái) và Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng
(phải) tại tiệc trưa ngày 11/9/2023. AFP
Dấu ấn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong nền
chính trị Việt Nam
Trên thực tế thì đã xuất hiện nhiều dấu hiệu
cho thấy Đảng, chứ không phải Nhà nước, mới là bên chủ trì chuyến thăm của Tống
thống Hoa Kỳ tới Việt Nam.
Hồi tháng 3 năm nay, chính Tổng bí thư Nguyễn
Phú Trọng đã có cuộc điện đàm cấp cao với Tổng thống Joe Biden, qua đây người đứng
đầu Đảng Cộng sản đã mời Tổng thống Hoa Kỳ tới thăm Việt Nam.
Sau đó, hồi tháng 7 vừa rồi, Trưởng ban Đối
ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, người đứng đầu bộ phận phụ trách lĩnh vực đối
ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã tới Hoa Kỳ. Đây là chuyến đi được cho là để
chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Việt Nam. Và cũng chính ông
này là người đã xuất hiện sân bay Nội Bài hôm 10 tháng 9 để nghênh đón Tổng thống
Mỹ.
Việc các quan chức của Đảng tham gia trực tiếp
và đóng vai trò chủ chốt trong việc hoạch định chính sách ngoại giao của Việt
Nam, theo giới chuyên gia, là dấu hiệu cho thấy sự kiểm soát “tuyệt đối” của Đảng
đối với nền chính trị Việt Nam.
Trao đổi với đài Á châu Tự do, tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, học giả khách mời của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore,
cho biết nhận định của ông:
“Thực tế mà nói thì từ năm 2016, và đặc biệt là từ
năm 2021 trở lại đây thì rõ ràng vai trò của Đảng trong hệ thống chính trị là
quá mạnh. Chúng ta nhìn vào thực tế trong Bộ chính trị thì thấy việc phân quyền
theo nguyên tắc lãnh đạo tập thể không còn rõ ràng như trước nữa. Mà trên thực
tế là vai trò lãnh đạo và vai trò hạt nhân của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được
đánh giá rất là cao. Và gần như là có vai trò tuyệt đối trong hệ thống.”
Theo truyền thống, Đảng Cộng sản Việt Nam theo
đuổi mô hình lãnh đạo tập thể, biểu tượng là việc quyền lực được chia đều cho bốn
quan chức cao nhất, hay còn gọi là tứ trụ gồm Tổng bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch
Quốc hội, và Chủ tịch nước.
Tuy nhiên trong thập niên gần đây, Tổng bí thư
Nguyễn Phú Trọng đã nổi lên là vị lãnh đạo nắm nhiều quyền lực nhất trong nhóm
tứ trụ, bằng chứng rõ ràng nhất là việc ông đã nắm giữ vị trí đứng đầu Đảng đến
nhiệm kỳ thứ ba mặc dù đã quá tuổi quy định.
Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế và là người quan sát chính trị
Việt Nam lâu năm, cho rằng sự kiện này còn đặt câu hỏi liệu đây có phải nỗ lực
xây dựng di sản của vị Tổng bí thư, ông nói:
“Diễn giải điều này một cách xa hơn thì có thể hỏi rằng
liệu đây có phải là nỗ lực để lại di sản của ông Nguyễn Phú Trọng? Thông qua sự
kiện này ông ấy có thể tuyên bố rằng tôi không những đã tiêu diệt tham nhũng,
mà còn bảo vệ chủ quyền quốc gia. Bởi vì dù sao thì công chúng ở Việt Nam vẫn ủng
hộ việc xích lại với Hoa Kỳ.”
Chiến thắng chung của đảng Cộng sản
Ở Việt Nam thì Hoa Kỳ bấy lâu nay vẫn được coi
là nước lãnh đạo của thế giới phương tây, và chủ nghĩa tư bản. Vốn đối lập với
mô hình chính trị Xã hội Chủ nghĩa ở Việt Nam.
Đảng Cộng sản cũng thường xuyên cảnh báo người
dân về nguy cơ xảy ra diễn biến hoà bình hoặc cách mạng màu, mà nguyên nhân là
sự can thiệp của nước ngoài thông qua điều mà nhà nước gọi là “chiêu bài dân chủ
và nhân quyền”. Không cần nêu đích danh nhưng ai cũng ngầm hiểu Hoa Kỳ là con
ngáo ộp đằng sau mối hoạ mất chế độ ở Việt Nam.
Với việc tổng thống Hoa Kỳ giờ đây đứng ngang
hàng với Tổng bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam trong một sự kiện cấp nhà nước,
hơn nữa, phía Mỹ lại cam kết tôn trọng chế độ chính trị của Việt Nam. Rõ ràng
đây là một chiến thắng vang đội của chế độ hiện hành trong việc khẳng định tính
chính danh của minh.
Nhận định về khía cạnh này, tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, cho biết quan điểm của ông:
“Việc ông Biden đến thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng
bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thì nó có hàm ý là Mỹ tôn trọng hoàn toàn
thế chế chính trị của Việt Nam, và muốn hợp tác dựa trên mối quan hệ đấy, dựa
trên niềm tin đấy giữa hai thể chế chính trị với nhau.
Thứ hai là nó cũng cho thấy Mỹ nhìn nhận ra vài trò
cốt cát của Đảng Cộng sản trong việc đưa ra tất cả các quyết định chính sách, từ
chính sách ngoại giao cho tới chính sách kinh tế.
Tất nhiên đối với Việt Nam thì đây là một chiến thắng
rất lớn về mặt chính trị vì nó cho thấy nước Mỹ thừa nhận hoàn toàn vai trò
lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Nhà nước Việt Nam. Và họ không có vấn
đề gì khi thừa nhận điều đó. Với Hà Nội thì đây là chiến thắng chính trị rất lớn.”
Trước đây, rào cản lớn nhất đối với Việt Nam
và Hoa Kỳ vẫn được cho là nằm ở vấn đề nhân quyền, khi Mỹ là nước luôn yêu cầu
chính quyền Hà Nội cải thiện tình hình nhân quyền trong nước, và không ngại ngần
chỉ trích những vụ bắt bớ và đàn áp giới bất đồng chính quyền.
Tuy nhiên, ở lần thăm Việt Nam của Tổng thống
Biden, nhân quyền đã không còn là ưu tiên trong thứ tự các vấn đề bang giao giữa
hai quốc gia nữa. Trên thực tế, trong bản tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước
thì nhân quyền được đề cập áp chót, và một cách chung chung.
Sự vắng bóng của chủ đề nhân quyền trong chuyến
thăm lần này đã được báo giới nêu ra trong buổi họp báo của Tổng thống Biden tại
Hà Nội, trước câu hỏi liệu Hoa Kỳ có đang bất chấp vấn đề nhân quyền để theo đuổi
mục tiêu chiến lược, ông Biden cho biết đã nêu vấn đề này (nhân quyền) đối với
những lãnh đạo Việt Nam mà ông gặp.
Theo giáo sư Carlyle Thayer thì điều này sẽ
giúp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thuyết phục đội ngũ đảng viên của ông tin tưởng
vào đường lối xích lại với Hoa Kỳ mà không phải lo lắng về an ninh chế độ:
“Ông Trọng có thể nói với bất cứ ai trong hệ thống
mà vẫn còn đang lo ngại và có thiên hướng tìm kiếm sự ủng hộ của Trung Quốc để
đối phó với áp lực thay đổi chế độ Xã hội Chủ nghĩa, rằng, từ nay có thể yên
tâm. Hai nước đã giải quyết xong vấn đề này. Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam trở nên thịnh
vượng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.”
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (trái) hội đàm cùng Thủ tướng Việt Nam Phạm
Minh Chính (phải) ngày 11/9/2023. AFP
Không trái với nguyên tắc của Hiến pháp
Tuy đứng ra mời và chủ trì lễ đón tổng thống
Hoa Kỳ, và cũng là người tuyên bố việc nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa hai nước,
nhưng theo các chuyên gia thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không làm trái với
nguyên tắc của Hiến pháp.
Lý do là vì Hoa Kỳ và Việt Nam mới chỉ dừng lại
ở việc đưa ra tuyên bố chính trị, vốn không có ràng buộc pháp lý.
Nói thêm về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Khắc
Giang cho hay:
“Việc tuyên bố này không phải là một hiệp ước, nó chỉ là một tuyên bố, nên tính ràng buộc không cao. Cho nên kể cả việc ông Tổng bí thư, tức là người thực chất là lãnh đạo Việt Nam, bắt tay với Tổng thống Mỹ, người thực chất là lãnh đạo của Mỹ, thì việc đó về mặt nguyên tắc không có vấn đề gì cả. Hai bên ngầm hiểu với nhau ai là người nắm quyền lực thực tế của cả hai nước, và họ bắt tay với nhau là vì điều đó.”
Đồng tình với ý kiến trên, giáo sư Carlyle
Thayer cho rằng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chưa ký bất cứ hiệp định nào, mà mới chỉ
đưa ra tuyên bố không ràng buộc, nên việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng ra
tiếp đón Tổng thống Mỹ là không có vấn đề gì.
No comments:
Post a Comment