Saturday 9 September 2023

TỔNG THỐNG MỸ BIDEN ĐỀ RA NHỮNG ƯU TIÊN TRƯỚC THƯỢNG ĐỈNH G20 (Minh Anh / RFI)

 



NỘI DUNG :

Tổng thống Mỹ Biden đề ra những ưu tiên trước thượng đỉnh G20

Minh Anh  -  RFI

.

Trước thượng đỉnh G20, tổng thống Mỹ Biden gặp thủ tướng Ấn Độ Modi

Thùy Dương  -  RFI

 

====================================================

.

.

Tổng thống Mỹ Biden đề ra những ưu tiên trước thượng đỉnh G20

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 08/09/2023 - 13:11

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230908-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-m%E1%BB%B9-biden-%C4%91%E1%BB%81-ra-nh%E1%BB%AFng-%C6%B0u-ti%C3%AAn-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-g20

 

Thượng đỉnh G20, nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu (gồm 19 quốc gia và  Liên Hiệp Châu Âu) sẽ khai mạc tại Ấn Độ ngày mai, 09/09/2023. Tổng thống Nga Vladimir Putin không dự thượng đỉnh và cũng không có bài phát biểu trực tuyến như năm ngoái. Còn Trung Quốc thông báo thủ tướng Lý Cường sẽ thay mặt chủ tịch Tập Cận Bình đến New Delhi.

 

https://s.rfi.fr/media/display/790f2020-31f7-11ee-85ac-005056a90321/w:980/p:16x9/000_33Q46VF.webp

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Auburn, bang Maine, Hoa Kỳ, ngày 28/07/2023. © AFP / BRENDAN SMIALOWSKI

 

Thông báo này của Bắc Kinh khiến tổng thống Mỹ Joe Biden thất vọng. Dù vậy, trước khi lên đường đến Ấn Độ, nguyên thủ Mỹ cho biết một số ưu tiên của Mỹ trong kỳ họp này.

 

Từ New York, thông tín viên đài RFI, Guillaume Naudin tường thuật :

 

« Điều trước tiên mà tổng thống Mỹ thể hiện trước khi đi dự G20 là nỗi thất vọng. Ông thất vọng vì không thể gặp trực tiếp nhân vật số một Trung Quốc Tập Cận Bình, sẽ không đến dự cuộc họp. Như vậy, sẽ không có một cuộc gặp giống như năm ngoái ở Bali và như vậy, bớt đi một cơ hội để cố gắng làm giảm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

 

Việc tổng thống Vladimir Putin vắng mặt 2 năm liên tiếp, đối với ông Biden, là một cơ hội để trình bày mô hình của ông trước các nước dự thượng đỉnh. Các cố vấn của ông giải thích rằng tổng thống tin tưởng vào cơ chế của G20, dù rằng nhiều tác nhân quan trọng đang xa lánh nhóm này và hiện giờ thì không chắc là thượng đỉnh sẽ ra được một thông cáo chung.

 

Tổng thống Mỹ muốn tán dương Bidenomics, tức là chính sách kinh tế của ông và nhấn mạnh đến phương pháp đầu tư của ông vào cơ sở hạ tầng và tập trung vào các thách thức về khí hậu và công nghệ. Chính vì vậy mà Hoa Kỳ ủng hộ cải tổ Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) để tạo thuận lợi cho các nền kinh tế đang trỗi dậy.

 

Điều này sẽ được bắt đầu từ nước chủ nhà Ấn Độ. Một cuộc hội đàm giữa tổng thống Mỹ và thủ tướng Narendra Modi dự trù diễn ra trước thượng đỉnh. Nhà Trắng cũng vui mừng chào đón Liên Hiệp Châu Phi lần đầu tiên trở thành thành viên chính thức của nhóm. »

 

================================================

Trước thượng đỉnh G20, tổng thống Mỹ Biden gặp thủ tướng Ấn Độ Modi

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 08/09/2023 - 11:25

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230908-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-g20-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-m%E1%BB%B9-biden-g%E1%BA%B7p-th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99-modi

 

Chưa đầy 3 tháng sau chuyến thăm cấp nhà nước ở Hoa Kỳ của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, tổng thống Mỹ Joe Biden hôm nay, 08/09/2023, đến New Delhi. Trước khi thượng đỉnh G20 khai mạc ngày mai 09/09, theo dự kiến, hôm nay hai nhà lãnh đạo Mỹ - Ấn có cuộc gặp trực tiếp tại phủ thủ tướng ở New Delhi.

 

https://s.rfi.fr/media/display/d3c10496-4e23-11ee-bb42-005056a90321/w:980/p:16x9/2023-08-22T180927Z_109204435_RC23P1AG3PKJ_RTRMADP_3_USA-INDIA-G20.webp

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (P) và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hội đàm tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 23/06/2023. REUTERS - EVELYN HOCKSTEIN

 

AP nhắc lại là tổng thống Mỹ Joe Biden, thuộc đảng Dân Chủ, và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, có tư tưởng dân tộc Hindu bảo thủ, hầu như không có điểm chung về hệ tư tưởng, nhưng cả hai nhà lãnh đạo ngày càng xích lại gần nhau do các hoạt động quân sự và kinh tế của Trung Quốc trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Kể từ năm 2021, tổng thống Mỹ Joe Biden và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có hơn chục cuộc gặp, trực tiếp hoặc trực tuyến, để thắt chặt quan hệ đối tác Mỹ-Ấn trong bối cảnh có những mối lo ngại lớn chung.

 

Nhà Trắng rất kín tiếng về những thông báo quan trọng có thể sẽ được đưa ra trong cuộc đàm phán mới nhất của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Ấn. Nhưng chính quyền Biden dường như muốn tiếp tục bước tiến đã đạt được từ chuyến thăm cấp nhà nước hồi tháng 06/2023 của thủ tướng Ấn Độ Modi đến Mỹ, trong các lĩnh vực khí hậu, y tế, không gian và một số dự án lớn trong khu vực tư nhân.

 

AP nhận định cuộc họp hôm nay của tổng thống Mỹ Joe Biden và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dường như khó có thể mang lại nhiều thỏa thuận quan trọng. Tuy nhiên, theo Richard Rossow, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, thủ tướng Ấn Độ Modi muốn chính quyền Biden tập trung nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ Dương khi Washington điều chỉnh lại chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ.

 

Nhà Trắng đã tìm cách làm giảm mức độ khác biệt trong quan điểm của Biden và Modi về chiến tranh Ukraina. Còn Ấn Độ hiện có mối lo ngại về an ninh do « Mỹ tập trung quá mức vào Đài Loan, Biển Đông, Biển Hoa Đông và các đảo Thái Bình Dương, nên không chú ý đủ nhiều vào khu vực Ấn Độ Dương », theo chuyên gia Rossow.

 

---------------------------

Các nội dung liên quan

MỸ - ẤN ĐỘ - QUỐC PHÒNG

Hoa Kỳ và Ấn Độ đạt đồng thuận về chương trình hợp tác quốc phòng

.

PHÂN TÍCH

Ấn Độ muốn gia tăng ảnh hưởng để khống chế Trung Quốc ở Biển Đông

.

PHÂN TÍCH

Hoa Kỳ và Ấn Độ siết chặt quan hệ quốc phòng để đối phó với Trung Quốc

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats