Tuesday, 5 September 2023

THẾ GIỚI HÔM NAY : 04/09/2023 (The Economist)




 


THẾ GIỚI HÔM NAY : 04/09/2023

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

04/09/2023

https://nghiencuuquocte.org/2023/09/04/the-gioi-hom-nay-04-09-2023/

 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã miễn nhiệm bộ trưởng quốc phòng Oleksii Reznikov và thay ông bằng Rostem Umerov, người đứng đầu quỹ tài sản nhà nước. Từ lâu đã có tin đồn về vị thế của Reznikov: cấp phó của ông bị sa thải hồi tháng 1 vì các cáo buộc tham nhũng tại bộ (mà ông Reznikov bác bỏ). Tờ Ukrainska Pravda đưa tin hôm thứ Năm là ông sắp mất chức.

 

Tướng Oleksandr Tarnavsky, người chỉ huy cuộc phản công ở miền nam của Ukraine, cho biết quân đội Ukraine đã chọc thủng tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga gần Zaporizhia. Quân đội dường như đang tăng tốc nhờ ưu thế có được sau khi giải phóng Robotyne, một ngôi làng phía nam Zaporizhia, hôm 28 tháng 8. Ukraine cũng cho biết phòng không nước này đã bắn hạ 22 trên 25 máy bay không người lái Nga tấn công vào khu vực Odessa. Số còn lại đã tấn công vào các cơ sở hạ tầng cảng trên sông Danube.

 

Một nhóm tình nguyện địa phương cho biết cuộc không kích của quân đội Sudan vào một khu phố ở thủ đô Khartoum đã giết chết ít nhất 20 người. Đây là đòn tấn công nhắm vào các thành viên của Lực lượng Phản ứng Nhanh, nhóm bán quân sự đang trong xung đột với quân đội kể từ tháng 4. Kể từ đó hơn 5.000 thường dân đã thiệt mạng và hơn 2 triệu người đã phải sơ tán.

 

Cơ quan vũ trụ Ấn Độ cho biết tàu thám hiểm trên Mặt trăng của họ đã được đặt ở “chế độ ngủ”; trừ khi được đánh thức, nó sẽ tiếp tục ngủ với tư cách là “đại sứ mặt trăng của Ấn Độ.” Hôm 23 tháng 8, tàu không người lái của Delhi đã hạ cánh cách cực nam của Mặt trăng 600km. Mới đây vào thứ Bảy, Ấn Độ đã phóng một tên lửa thực hiện sứ mệnh nghiên cứu mặt trời và gió mặt trời gây ra cực quang.

 

Bão Haikui tấn công vùng đông nam Đài Loan với tốc độ gió 155 km/h. Gần 3.000 người đã được sơ tán khỏi khu vực có nguy cơ cao và hàng trăm chuyến bay bị hủy. Haikui hiện đang di chuyển theo hướng tây về phía nam Trung Quốc. Cơn bão này nối đuôi Saola, một cơn bão mạnh hơn với tốc độ gió trên 200 km/h, vốn gây thiệt hại nặng nề ở Hồng Kông, Ma Cao và miền nam Trung Quốc, vào thứ Bảy.

 

Những người tham dự Burning Man, một lễ hội thường niên ở sa mạc Nevada, được yêu cầu “trú ẩn tại chỗ” sau trận mưa lớn hôm thứ Bảy vốn khiến khu trại ngập bùn. Lễ hội kết thúc vào thứ Hai nhưng hơn 60.000 người tham gia không thể rời đi, không thể mang vật dụng vào, và không thể dọn sạch nhà vệ sinh. Chương trình đốt các tác phẩm nghệ thuật, trong đó có người gỗ khổng lồ, đã bị hủy bỏ.

 

Con số trong ngày: 45%, là tỷ lệ người Mỹ nghe nhạc đồng quê ít nhất mỗi tháng một lần.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Erdogan muốn nối lại thoả thuận ngũ cốc Nga-Ukraine

Các đối tác NATO của Thổ Nhĩ Kỳ không hoan nghênh tình bạn của Recep Tayyip Erdogan dành cho Vladimir Putin. Họ cũng không thích việc Thổ Nhĩ Kỳ trục lợi từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây để thúc đẩy thương mại với Nga. Song giờ đây mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo có thể hoá hữu ích cho thế giới bên ngoài.

 

Vào thứ Hai, ông Erdogan sẽ tới khu nghỉ dưỡng Sochi của Nga để thuyết phục ông Putin khôi phục thỏa thuận ngũ cốc mà nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp môi giới vào mùa hè năm ngoái. Thoả thuận này quy định Nga nới lỏng phong tỏa hải quân đối với Ukraine, cho phép 33 triệu tấn ngũ cốc và các lô hàng thực phẩm khác tiếp cận thị trường toàn cầu – trong đó có các nước đang phải trải qua nạn đói. Nga rút khỏi thoả thuận từ tháng 7, cáo buộc phương Tây làm gián đoạn việc vận chuyển ngũ cốc và phân bón của họ. Kể từ đó họ đã đẩy mạnh ném bom các cảng của Ukraine.

 

Ông Putin đã ra tín hiệu rằng ông có thể gia hạn thỏa thuận, nhưng chỉ khi các nước phương Tây nới lỏng một số lệnh trừng phạt đối với Nga. Liên Hợp Quốc đã gửi cho Nga một loạt đề xuất. Ông Erdogan hy vọng có thể thuyết phục được người bạn của mình ký vào thoả thuận.

 

Châu Phi họp thượng đỉnh khí hậu

Hội nghị thượng đỉnh khai mạc hôm nay tại Nairobi, thủ đô Kenya, được coi là cuộc họp lớn nhất từ trước đến nay tại lục địa này nhằm đối phó biến đổi khí hậu. Sẽ có những tuyên bố chỉ trích sự bất công vốn có của cuộc khủng hoảng khí hậu: châu Phi chiếm 18% dân số thế giới nhưng chỉ thải ra 2-3% lượng khí nhà kính. (Trung bình một chiếc tủ lạnh của Mỹ dùng nhiều điện hơn cả một người dân châu Phi.)

 

Trong những năm gần đây, một số viện trợ quốc tế nhằm xoá nghèo ở châu Phi đã được chuyển hướng sang giải quyết biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Tại thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo châu Phi sẽ kêu gọi các nước giàu chi nhiều tiền hơn để giúp đối phó hiện tượng ấm lên, mà không hạn chế sự phát triển của đất nước họ. Họ cũng sẽ đưa ra những sáng kiến của riêng mình, chẳng hạn như mở rộng thị trường tín dụng carbon địa phương, trước thềm COP28 ở Dubai vào cuối năm nay. Châu Phi hầu như không phải chịu trách nhiệm cho biến đổi khí hậu. Nhưng họ muốn là một bên giúp tìm ra giải pháp.

 

Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số của EU chính thức có hiệu lực

Tuần này Liên minh châu Âu sẽ bắt đầu thực thi một đạo luật đầy tham vọng để quản lý các nền tảng trực tuyến lớn. Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số, được thông qua năm ngoái, nhằm mục đích tạo sân chơi bình đẳng giữa các công ty công nghệ lớn và các đối thủ nhỏ hơn. Ủy ban châu Âu giờ đây sẽ chỉ định những công ty nào phải tuân thủ tất cả các điều khoản của DMA, chẳng hạn như không thiên vị dịch vụ của riêng mình.

 

Những công ty “gác cổng” này dự kiến ​​bao gồm các nghi phạm công nghệ lớn thông thường, từ Alphabet đến Meta, và những bất ngờ khác, chẳng hạn như Samsung và ByteDance, công ty sở hữu TikTok. Tiền phạt cho những vi phạm lặp đi lặp lại có thể lên tới 20% doanh thu hàng năm trên toàn thế giới — mà trong trường hợp của Meta là gần 25 tỷ USD. Cũng như Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số, cũng đang được thực hiện theo từng giai đoạn và nhằm mục đích quản lý mạng xã hội, câu hỏi lớn là liệu ủy ban có đủ khả năng thực thi các quy tắc sâu rộng hay không.

 

Nước Anh lo ngại chất lượng công trình trường học

Mùa tựu trường thường giúp các bậc phụ huynh thở phào. Nhưng nước Anh đang kẹt trong một vụ bê bối về an toàn. Trong giai đoạn giữa những năm 1950 và 1980, nhiều tòa nhà công đã được xây dựng bằng “bê tông khí chưng áp gia cố” (reinforced autoclaved aerated concrete), một loại vật liệu nhẹ, rẻ tiền nhưng không may lại dễ bị sập. Hồi năm 2018 mái nhà của một trường học ở Kent đã bị sập, và những sự cố khác trong mùa hè này tiếp tục làm dấy lên lo ngại rộng khắp.

 

Nhiều phòng học đáng lẽ phải được bảo trì trong thập niên qua đã không được sửa chữa vì cắt giảm chi tiêu, trong khi chính phủ Bảo thủ phản ứng chậm chạp dù rủi ro gia tăng. Hồi tháng 6, một cơ quan giám sát phát đi cảnh báo không rõ có bao nhiêu trường học ở Anh bị ảnh hưởng. Đến thứ Sáu vừa qua, ba ngày trước khi kỳ học bắt đầu, chính phủ đã nói với 150 trường rằng họ sẽ phải đóng cửa các tòa nhà. Một số thậm chí có thể bị đóng cửa suốt nhiều tháng. Bộ trưởng giáo dục Gillian Keegan cho biết: “Nếu bạn không nghe thấy gì, đừng lo lắng.” Nhưng chỉ lời nói là không đủ để trấn an phụ huynh, giáo viên và học sinh.

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats