Friday, 8 September 2023

THANH NIÊN TRUNG QUỐC 'THẢNG BÌNH' và 'BẠI LẠN' (Ngô Nhân Dụng)

 



Thanh niên Trung Quốc ‘thảng bình’ và ‘bại lạn’

Ngô Nhân Dụng

07/09/2023

https://www.voatiengviet.com/a/thanh-nien-trung-quoc-thang-binh-va-bai-lan-/7258234.html

 

Hai từ đang rất thịnh hành trên các mạng xã hội, là tang ping và bai lan, báo Economist kể. Tang ping, có thể đọc theo âm Hán Việt là “thảng bình,” nghĩa là nằm dài, nằm ườn, nằm thẳng cẳng. Bai lan, đọc là “bại lạn,” nghĩa là hư hỏng, như trái cây đã thối rữa.

 

https://gdb.voanews.com/6c315447-d185-482c-b5a6-a60bd7edf196_w650_r1_s.jpg

Thanh niên Trùng Khánh tại một hội chợ việc làm, tháng Tư, 2023.

 

Hồi đầu tháng Bảy, một thanh niên Trung Hoa từ Thẩm Quyến đi qua Hồng Kông, mang trong túi đeo lưng $8,000 đô la Mỹ tiền mặt, dù biết lệnh cấm không ai được đem theo hơn $5,000 đô la khi xuất ngoại. Tại sao anh liều lĩnh vậy? Bởi vì, “Kinh tế Trung Quốc không ổn định, nên đem tài sản gửi ngân hàng ở Hương Cảng.” Anh ta phải đứng xếp hàng chờ 40 phút mới đến lượt; nhiều người trong lục địa cũng đi ký thác tiền như anh. Câu chuyện kể trên tờ South China Morning Post (Hoa Nam Tảo Báo) ngày 4 tháng Bảy, 2023.

 

Nhiều người Trung Hoa không chỉ lo chuyển tài sản ra ngoài mà còn bỏ đi luôn. Trung Quốc đang diễn ra một cuộc “xuất não” (brain drain) – những người đầu óc có khả năng tìm đường ra nước ngoài. Từ năm 2010, mỗi năm trung bình có 9,000 người Trung Hoa khá giả bỏ đi, theo nhật báo Wall Street Journal. Khá giả, tức là những người có tài sản trên một triệu mỹ kim. Ký giả George Glover, viết trên báo mạng Insider ghi nhận từ năm 2018 số người ra nước ngoài đã tăng, năm nay sẽ đến 13,500 người. Họ tìm cơ hội cho mình và con, cháu, qua Mỹ hay Âu châu, nơi quyền tư hữu được tôn trọng, chế độ ổn định hơn vì dựa trên luật pháp.

 

Người khá giả đi tới đâu họ cũng sẽ tìm cơ hội đầu tư, xây dựng doanh nghiệp, kiếm lời và tạo công việc làm cho người lao động ở đó. Tại sao họ phải rời bỏ quê hương? Vì lo lắng về các chính sách của ông Tập Cận Bình, trợ cấp để nâng cao doanh nghiệp nhà nước, ngăn không cho tư doanh phát triển.

 

Trong mấy năm qua, những công ty lớn và thành công nhất đã bị cản trở. Tháng 11 năm 2020, Bắc Kinh không cho công ty Ant Group phát hành cổ phiếu lần đầu trên thị trường chứng khoán để tăng vốn, trị giá có thể tới $37 tỷ mỹ kim. Ant Group (Mã Nghĩ Tập Đoàn, 蚂蚁集团), chuyên làm dịch vụ chuyển tiền, do công ty Alibaba của tỷ phú Jack Ma lập ra. Sau bước hụt cẳng của “Kiến Càng,” giới đầu tư biết Đảng muốn kìm hãm tư doanh. Cổ phiếu của các công ty kỹ thuật cao hàng đầu đã tụt giá. Từ tháng Ba 2021 đến tháng Bảy 2023 tổng cộng $1.1 ngàn tỷ mỹ kim – bằng kinh tế nước Hòa Lan – biến mất.

 

Theo bản tin Reuters, giá trị của Alibaba giảm 70%; Meituan (chuyên giao thức ăn mua trên mạng) mất 59%; JD.com (mua bán trên mạng như Amazon) mất 59%; Baidu (giống như Google ở Mỹ) mất 45%, Tencent (Đằng Tấn, 腾讯, một công ty internet lớn nhất thế giới) mất 40%. Thử tưởng tượng ở Mỹ, trong hai năm, các công ty Microsoft, FaceBook, Google, Amazon cùng đi xuống!

 

Khi các công ty kỹ thuật tân tiến không phát triển được, thì sinh viên ra trường khó kiếm ra việc làm. Ký giả Li Yuan, trên báo New York Times ngày 28, tháng Sáu 2023, nghiên cứu các báo cáo tài chánh, đã tìm ra trong ba tháng đầu năm nay số nhân viên được ba đại công ty Alibaba, Tencent và Baidu tuyển thêm đã giảm 9% so với lúc mướn thêm nhiều nhất trong thời gian còn bệnh dịch. Chưa kể, năm ngoái các công ty xây dựng địa ốc đã bớt người làm, cắt giảm từ 30% tới 50%, có nơi cắt 70%.

 

Tháng Năm, 2023, tỷ lệ thất nghiệp trong giới thanh niên đã lên 20.8%. Con số đáng nghi ngờ thấp hơn sự thật. Vì theo phương pháp thống kê ở Bắc Kinh, người nào đi làm một giờ trong tuần cũng được coi là không thất nghiệp. Với lối tính toán đó, ở các thành phố năm nay chỉ có 5% người thất nghiệp, thấp hơn thời 2019, trước bệnh Covid! Sau đó, Sở Thống Kê đã ngưng không cung cấp tỷ số này nữa.

 

Nếu con số 20.8% đúng thì trong số 360 triệu người trong lớp tuổi từ 16 đến 35 có 72 triệu đang thất nghiệp. Theo tuần báo Economist, trong năm 2021, sau vụ Ant Group bị chặn, 70 phần trăm người trẻ thất nghiệp là sinh viên đã ra trường. Không có việc làm thì họ ngồi lại trường, học tiếp. Trong số những sinh viên mới kiếm được việc ở các thành phố lớn, 39% thấy mình đã “học nhiều quá,” trung bình dư hai năm trau dồi kiến thức, không cần thiết. Ngoài các thành phố đó, tỷ lệ này lên tới 70%.

 

Ông Tập Cận Bình đã khuyên các sinh viên không kiếm được việc hãy “về nông thôn,” theo gương ông hồi trẻ từng đi học tập nông dân lao động! Ông đã dạy thành ngữ “ngậm đắng nuốt cay” cho giới trẻ. Đó là cảnh chịu đựng gian khổ của Câu Tiễn, vua nước Việt thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên, “nằm gai nếm mật” chờ cơ hội lật đổ Phù Sai, vua nước Ngô.

 

Chắc ông Tập Cận Bình không khuyến khích thanh niên Trung Quốc “ngậm đắng nuốt cay” chờ ngày lật đổ chế độ cộng sản! Năm ngoái, họ đã đi biểu tình tại hầu hết các đại học, chỉ để phản đối chính sách ngăn cấm để phòng ngừa Covid. Mỗi nơi chỉ quy tụ được trăm người. Đông nhất ở Thượng Hải cũng chỉ trên ngàn người, đã dám hô khẩu hiệu đòi Tập Cận Bình từ chức và chấm dứt vai trò lãnh đạo của đảng Cộng Sản.

 

Có thể nói, gọng kìm kiểm soát của đảng Cộng sản khiến thanh niên Trung Quốc bây giờ không còn khí phách như thời Ngũ Tứ Vận Động, 1919, hay cuộc biểu tình đòi Dân Chủ ở Thiên An Môn, 1989. Nhưng họ cũng không muốn đi làm lao động, lãnh lương thấp như thế hệ cha, anh! Họ lớn lên khi chung quanh mọi người đang làm giàu. Đến lượt mình, tại sao họ không được hưởng?

 

Báo Economist, ngày 15 tháng 8, 2023, đã thấy tinh thần bi quan tràn ngập khi theo dõi chuyện trò trao đổi trên các trang blog của giới trẻ. Một thanh niên 27 tuổi ở thị xã Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông, nói, “Chúng tôi không có chút hy vọng nào.” Một thanh niên khác họ Trương (Zhang), ngoài 20 tuổi, đang làm pha cà phê trong quán, kiếm 4,000 đồng nguyên một tháng, gửi một nửa về cho cha mẹ già ở quê, còn vửa đủ sống. Nhưng anh này không muốn đi làm ở một nhà máy điện tử, lương cao hơn, từ 4,500 đến 6,000 nguyên ($620 đến $830 đô la Mỹ). “Tôi không thể nào ngồi làm công việc lắp ráp mấy đồ đó!”

 

Như nhiều thanh niên Trung Quốc cùng tuổi, anh họ Trương không thể nào lập gia đình. Vì muốn cưới vợ, trước hết phải có chỗ ở. Không hy vọng! Năm ngoái trong cả nước chỉ có 6.8 triệu đám cưới, bằng một nửa con số trước đây 10 năm. Cưới rồi, lấy tiền đâu để nuôi con? Theo điều tra của tổ chức Nghiên Cứu Nhân Khẩu tên là Dục Oa ở Bắc Kinh, nuôi một đứa trẻ cho tới 18 tuổi bây giờ tốn trung bình 485,000 đồng nguyên, tương đương $67,000 mỹ kim. Người ở Mỹ coi như thế là quá rẻ. Ở Trung Quốc, số tiền đó lớn gấp bảy lần lợi tức chia cho đầu người.

 

Người ta sợ có con, hiểu được. Nhưng sợ đến cả quan hệ tính dục thì thật bất ngờ. Báo Economist thuật lại một bài nghiên cứu của ba giáo sư Đại học Bắc Kinh và Phục Đán (Thượng Hải), họ báo động: “Không biết giới trẻ Trung Quốc chán chuyện tính dục (sex) không, và tại sao họ chán, đó là một vấn đề cần tìm hiểu thêm.” Năm 2020, một cuộc nghiên cứu thấy rằng trong lớp người từ 17 đến 25 tuổi, đã lập gia đình hoặc có người tình rồi, 14.6% phụ nữ và 10.1% đàn ông cho biết họ không hề giao hợp một lần, trong suốt năm trước.

 

Ông Tập Cận Bình đang thúc đẩy người Trung Hoa sanh đẻ nhiều vì dân số đang giảm. Chắc giới trẻ không thể cộng tác với kế hoạch này. Năm ngoái, một thanh niên bị phạt vì không theo đúng các luật lệ đề phòng Covid. Viên cảnh sát khuyên bảo: Anh bị Covid thì sẽ hại đến cả ba thế hệ chứ không phải hại một mình anh! Người thanh niên đáp: Cảm ơn ông. Sau tôi, sẽ không còn thế hệ nào nữa!

 

Hai từ đang rất thịnh hành trên các mạng xã hội, là tang ping và bai lan, báo Economist kể. Tang ping, có thể đọc theo âm Hán Việt là “thảng bình,” nghĩa là nằm dài, nằm ườn, nằm thẳng cẳng. Bai lan, đọc là “bại lạn,” nghĩa là hư hỏng, như trái cây đã thối rữa.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats