Sunday, 17 September 2023

SAU CHUYẾN THĂM CỦA BIDEN, MỘT VẬN HỘI MỚI VỚI PHONG TRÀO DÂN CHỦ? (Trần Hùng / Thông Luận)

 



Sau chuyến thăm của Biden, một vận hội mới với phong trào dân chủ ?

Trần Hùng

11/09/2023

https://thongluan-rdp.org/component/k2/item/30027-sau-chuy-n-tham-c-a-biden-m-t-v-n-h-i-m-i-v-i-phong-trao-dan-ch

 

 Cách đây chưa đầy ba tháng, Washington đã trải thảm đỏ đón thủ tướng Ấn Độ, với mục đích rất rõ ràng về mặt địa chính trị là tăng cường hợp tác để ngăn chặn Trung Quốc. Cách đây chưa tới một tháng, Biden đã chủ trì một hội nghị thượng đỉnh tại trại David với thủ tướng Nhật Bản và tổng thống Hàn Quốc, trong đó lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ hai quốc gia Đông Á đã đồng ý bỏ qua những bất đồng nhằm cùng với Mỹ củng cố quan hệ đồng minh mà mục đích không gì khác hơn là để đối đầu với Trung Quốc. Và ngày hôm nay chính quyền Việt Nam đã trải thảm đỏ đón Biden, rồi nâng thẳng mối quan hệ lên cấp độ "đối tác chiến lược toàn diện".

 

Đây chắc chắn không phải là ngẫu nhiên, mọi chuyến thăm cấp cao giữa các nước đều đã được tính toán cẩn thận từ rất lâu trước khi nó diễn ra. Việt Nam đã theo chân Ấn - Nhật - Hàn nghiêng về phía Mỹ trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung ?

 

https://live.staticflickr.com/65535/53177815567_f86ee96b91.jpg

Ngày hôm nay chính quyền Việt Nam đã trải thảm đỏ đón Biden, rồi nâng thẳng mối quan hệ lên cấp độ "đối tác chiến lược toàn diện".

 

 

Lý do nào ? 

 

Cách đây hai năm, vào tháng 8/2021 trong chuyến thăm của bà phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, nhiều người đã chờ đợi chính quyền Việt Nam sẽ nâng cấp mối quan hệ Việt - Mỹ lên mức "đối tác chiến lược" từ mức "đối tác toàn diện". Nhưng rồi chính quyền Việt Nam đã từ chối vào phút chót, một phần vì e ngại Trung Quốc, một phần vì nội bộ quá chia rẽ và không thống nhất được hành động. Còn hôm nay thậm chí mức quan hệ "đối tác chiến lược" đã bị bỏ qua để tiến thẳng tới cấp độ "đối tác chiến lược toàn diện".

 

Cái gì đã xảy ra ? Tại sao chỉ trong hai năm thái độ của chính quyền cộng sản lại thay đổi hoàn toàn như vậy ? 

 

Sự suy sụp quá nhanh của Trung Quốc cũng như của nền kinh tế Việt Nam là lý do chính. Cách đây vài năm còn có những chuyên gia dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ soán ngôi Mỹ trong một hai thập kỷ tới. Giờ đây những tiếng nói này đều đã im bặt, khi nhắc tới Trung Quốc các chuyên gia chỉ còn nhắc tới hai từ "khủng hoảng". Nhưng khác với những cuộc khủng hoảng kinh tế theo chu kỳ ở nhiều nước phát triển, khủng hoảng ở Trung Quốc có gốc rễ là khủng hoảng về mô hình tăng trưởng và thể chế chính trị cũng như khủng hoảng về môi trường và nhân khẩu học, đây đều là những vấn đề không có giải pháp dưới một chế độ cộng sản. Việt Nam học theo mô hình tăng trưởng của Trung Quốc, kết quả là đã rơi vào khủng hoảng cùng với Trung Quốc. Kinh tế khủng hoảng, trong khi lại không thể dựa vào người hàng xóm phương bắc được nữa, chính quyền Việt Nam đã buộc phải tìm tới Mỹ, và vội vã nâng cấp mối quan hệ với Mỹ lên thẳng cấp độ "đối tác chiến lược toàn diện". Sự vội vã này là một sự thú nhận rằng kinh tế Việt Nam đang nguy ngập và chế độ đã hiểu rõ rằng Trung Quốc không còn là một chỗ dựa. 

 

Đối tác chiến lược toàn diện là gì ? 

 

Đây là cấp độ hợp tác cao nhất giữa hai quốc gia có thể có theo những định nghĩa từ chính quyền Việt Nam, có thể hiểu là hai quốc gia có thể hợp tác sâu rộng về mọi lĩnh vực bao gồm cả an ninh, quốc phòng. Nhưng đây không phải là một hiệp ước, nó không có những điều khoản rõ ràng hay những ràng buộc cụ thể. Nó mở ra những cơ hội hợp tác cho cả hai bên nhưng cũng có thể chỉ là biểu tượng, là khẩu hiệu nếu hai bên không có nhu cầu thúc đẩy những hợp tác. Như vậy để nhìn rõ những gì cấp độ quan hệ này mang tới cần phải nhìn vào "cái thế" của hai bên chứ không phải nhìn vào cái "tên gọi mới".

 

Việt Nam ngày một cần Mỹ hơn trong khi Mỹ ngày càng ít cần Việt Nam hơn.

 

Theo như Biden, chính phía Hà Nội đã chủ động đề nghị với Mỹ nâng thẳng mối quan hệ lên cấp độ "đối tác chiến lược toàn diện" ngang hàng với Nga và Trung Quốc cách đây vài tháng. Điều này chứng tỏ chính quyền cộng sản đang rất bối rối và rất cần Mỹ. Lý do như đã phân tích là sự sụp đổ của Trung Quốc và kinh tế Việt Nam khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng của Trung Quốc là không có lối thoát vì vậy Việt Nam ngày một cần Mỹ hơn, trong khi mô hình kinh tế Việt Nam quá lệ thuộc vào ngoại thương, trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, họ càng cần phải tăng cường hợp tác với Mỹ. 

 

Nhưng với Washington thì ngược lại. Liên tiếp là các cuộc gặp với các lãnh đạo của Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, Biden không hề che giấu ý định lôi kéo các nước láng giềng Trung Quốc để hình thành một liên minh chống lại Trung Quốc. Mỹ cần Việt Nam vì Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc đang sụp đổ, mối đe dọa từ Trung Quốc sẽ giảm dần. Vai trò của Việt Nam trên bàn cờ chiến lược của Mỹ vì vậy sẽ ngày một ít quan trọng hơn. Họ sẽ không còn cần Việt Nam tới mức hợp tác bất chấp những những vi phạm về nhân quyền nữa. Trong khi chính quyền Việt Nam lại quá cần Mỹ, điều này buộc họ sẽ phải thực hiện ngày một nhiều hơn những nhượng bộ.

 

https://live.staticflickr.com/65535/53177815557_b8fbef6411.jpg

Hình thành được các lực lượng dân chủ hiện là vấn đề quan trọng nhất của phong trào dân chủ và cũng là của đất nước.

 

 

Phong trào dân chủ đang đứng trước một vận hội mới ? 

 

Trước đây không ít người đã hi vọng chính quyền có thể thay đổi bằng những kiến nghị và góp ý. Nhưng kết quả chỉ là con số không. Không thể khác. Các chế độ bạo ngược không thay đổi vì những "lời khuyên", nó chỉ thay đổi vì tình thế buộc phải thay đổi, hoặc là chết. Đó là những gì đã diễn ra sau năm 1986, và đó cũng sẽ là những gì diễn ra sắp tới. Nga đã ngã quỵ với cuộc xâm lược vào Ukraine, trong khi Trung Quốc đang sụp đổ, chính quyền cộng sản Việt Nam, ngay cả khi không muốn, cũng buộc phải tăng cường hợp tác với Mỹ để đổi lấy những quyền lợi về kinh tế, với hệ quả là phải chủ động thực hiện những nhượng bộ về dân chủ và nhân quyền. Với một đảng cuồng tín, logic này có thể sai, nhưng với một đảng phái đã mất hết lý tưởng và chỉ còn biết đến quyền lợi, đây là logic tự nhiên. Phong trào dân chủ đang đứng trước một vận hội lớn.

 

Tuy vậy, dù những điều kiện bên ngoài có thuận lợi tới đâu, dù đảng cộng sản có kiệt quệ tới đâu, thì chặng đường dân chủ hóa đất nước vẫn sẽ phụ thuộc rất lớn vào các lực lượng dân chủ. Nga đã là thí dụ rõ ràng nhất cho thấy rằng một nền dân chủ không thể được xây dựng và gìn giữ bởi những tàn dư của một chế độ độc tài.

 

Một nền dân chủ chỉ có thể được xây dựng và bảo vệ bởi các lực lượng dân chủ, bởi những con người dân chủ thực sự. Như vậy hình thành được các lực lượng dân chủ hiện là vấn đề quan trọng nhất của phong trào dân chủ và cũng là của đất nước. Chỉ khi có lực lượng mạnh chúng ta mới có thể tận dụng được vận hội này. 

 

Trần Hùng

(11/09/2023)

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats