Wednesday 6 September 2023

PUTIN và KIM JONG UN CÓ THỂ GẶP NHAU. NGA – TRIỀU TIÊN CẦN GÌ Ở NHAU? (AP)

 



NỘI DUNG :

Tình báo Seoul: Nga dường như đã đề nghị Triều Tiên tập trận ba bên với Trung Quốc

AP

.

Ông Kim Jong Un và ông Putin có thể gặp nhau. Nga-Triều Tiên cần gì ở nhau?

AP

.

Mỹ cảnh cáo Triều Tiên phải ‘trả giá’ nếu cấp vũ khí cho Nga

Reuters

 

================================================

.

.

Tình báo Seoul: Nga dường như đã đề nghị Triều Tiên tập trận ba bên với Trung Quốc

AP

06/09/2023

https://www.voatiengviet.com/a/tinh-bao-seoul-nga-duong-nhu-da-de-nghi-trieu-tien-tap-tran-ba-ben-voi-trung-quoc/7255778.html

 

Nga có thể đã đề nghị Triều Tiên tham gia cuộc tập trận hải quân ba bên với Trung Quốc, theo một nhà lập pháp tham dự cuộc họp kín với giám đốc cơ quan tình báo hàng đầu của Hàn Quốc hôm 4/9.

 

https://gdb.voanews.com/bd1aeaff-4fa1-4168-a0ad-6d90cc8c7aa3_cx0_cy3_cw0_w650_r1_s.jpg

Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gặp nhau tại Vladivostok, Nga, ngày 25/4/2019.

 

Cuộc họp báo diễn ra vài ngày sau khi đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora nói với truyền thông Nga rằng việc đưa Triều Tiên vào tham gia các cuộc tập trận chung giữa Nga và Trung Quốc “có vẻ phù hợp”. Theo hãng tin Tass của Nga, ông Matsegora nói thêm rằng đó là quan điểm riêng của ông và ông không biết về bất kỳ sự chuẩn bị nào.

 

Theo nhà lập pháp Yoo Sang-bum, khi Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc Kim Kyou-hyun được hỏi về khả năng tổ chức các cuộc tập trận như vậy, ông cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu có thể đã đề nghị tổ chức các cuộc tập trận hải quân ba bên với Triều Tiên và Trung Quốc trong khi gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Un hồi tháng 7 vừa qua.

 

Ông Kim đã mời ông Shoigu tham dự một cuộc duyệt binh lớn ở Bình Nhưỡng vào tháng 7, đồng thời cam kết mở rộng hợp tác quân sự với Moscow, điều mà các quan chức Mỹ cho rằng có thể liên quan đến việc Triều Tiên cung cấp pháo binh và các loại đạn dược khác khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tìm đến các nước khác để hỗ trợ cho cuộc chiến của ông chống Ukraine. Tuần trước, Tòa Bạch Ốc nói ông Kim và ông Putin đã trao đổi thư từ trong lúc Moscow tìm đến Bình Nhưỡng để mua thêm đạn dược.

 

Trong bối cảnh căng thẳng hạt nhân ngày càng sâu sắc với Mỹ-Nhật-Hàn, ông Kim đang cố gắng nâng cao tầm nhìn về mối quan hệ đối tác của mình với Moscow và Bắc Kinh khi ông tìm cách thoát khỏi sự cô lập ngoại giao và đưa Bình Nhưỡng trở thành một phần của mặt trận thống nhất chống lại Hoa Kỳ.

 

Ngoại giao giữa Bình Nhưỡng và Washington đã bị đình trệ kể từ năm 2019 do những bất đồng về các chế tài do Mỹ dẫn đầu chống lại Triều Tiên và các bước đi lưỡng lự của Triều Tiên nhằm giảm bớt chương trình vũ khí hạt nhân và phi đạn.

 

Trong cuộc họp báo, ông Kim Kyou-hyun cũng nói rằng các hoạt động thử nghiệm gần đây của Triều Tiên cho thấy máy bay chiến đấu của họ phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống hạt nhân chiến thuật vì mục tiêu của nước này là đạt được chiến thắng nhanh chóng trước miền Nam nếu chiến tranh nổ ra, vì quân đội được trang bị kém của họ sẽ vất vả để xử lý một cuộc chiến kéo dài, theo nhà lập pháp Yoo.

 

Ông Kim đã lợi dụng sự tập trung của quốc tế vào cuộc chiến của Nga với Ukraine để tăng cường các cuộc trình diễn vũ khí của mình, bao gồm hơn 100 vụ phóng phi đạn kể từ đầu năm 2022. Các cuộc phóng thử phi đạn của Triều Tiên được nhấn mạnh bởi những lời đe dọa về các cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu chống lại Hàn Quốc và các đối thủ khác nếu miền Bắc nhận thấy sự lãnh đạo của mình đang bị đe dọa.

 

----------------------------------

.

Ông Kim Jong Un và ông Putin có thể gặp nhau. Nga-Triều Tiên cần gì ở nhau?

AP

06/09/2023

https://www.voatiengviet.com/a/ong-kim-jong-un-va-ong-putin-co-the-gap-nhau-nga-trieu-can-gi-o-nhau/7255758.html

 

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có thể tới Nga để dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Vladimir Putin, một quan chức Mỹ nói, trong một chuyến đi sẽ nhấn mạnh sự hợp tác sâu sắc hơn khi hai nhà lãnh đạo bị cô lập này đang vướng vào các cuộc đối đầu riêng biệt với Mỹ.

 

https://gdb.voanews.com/c7744d67-ca46-41bf-bb06-dc986db7d994_w650_r1_s.jpg

Tổng thống Nga Vladimir Putin, phải, bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại cuộc họp ở Vladivostok, Nga, ngày 25/4/ 2019.

 

Các quan chức Mỹ cũng cho biết Nga đang tìm cách mua đạn dược từ Triều Tiên để bổ sung nguồn dự trữ đã cạn kiệt do cuộc chiến ở Ukraine. Đổi lại, các chuyên gia nói, Triều Tiên có thể sẽ muốn thực phẩm, năng lượng cũng như chuyển giao công nghệ vũ khí tinh vi.

 

Cuộc gặp với ông Putin sẽ là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của ông Kim với một nhà lãnh đạo nước ngoài kể từ khi Triều Tiên đóng cửa biên giới vào tháng 1 năm 2020. Họ gặp nhau lần đầu tiên vào tháng 4 năm 2019, hai tháng sau khi cuộc gặp ngoại giao hạt nhân cấp cao giữa ông Kim với Tổng thống Mỹ Donald Trump lúc đó, sụp đổ.

 

Theo các quan chức Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã tới Bình Nhưỡng vào tháng 7 vừa qua và yêu cầu ông Kim gửi thêm đạn dược tới Nga. Ông Shoigu cho biết Moscow và Bình Nhưỡng đang cân nhắc việc tổ chức tập trận lần đầu tiên.

 

Không rõ sự hợp tác quân sự giữa ông Kim và ông Putin có thể tiến xa đến đâu, nhưng bất kỳ dấu hiệu nào về mối quan hệ nồng ấm hơn sẽ khiến các đối thủ như Mỹ và Hàn Quốc lo lắng. Nga tìm cách ngăn chặn cuộc phản công của Ukraine và kéo dài chiến tranh, trong khi Triều Tiên đang gia tăng tốc độ thử phi đạn kỷ lục để phản đối các động thái của Mỹ nhằm củng cố liên minh quân sự với Hàn Quốc và Nhật Bản.

 

 

Nga muốn gì từ Triều Tiên?

 

Kể từ năm ngoái, các quan chức Mỹ đã nghi ngờ rằng Triều Tiên đang cung cấp cho Nga đạn pháo, phi đạn và các loại đạn dược khác, nhiều trong số đó có thể là các loại đạn dược thời Liên Xô.

 

“Nga đang cần khẩn cấp (vật tư chiến tranh). Nếu không, làm sao bộ trưởng quốc phòng của một nước hùng mạnh đang có chiến tranh lại đến một nước nhỏ như Triều Tiên?” ông Kim Taewoo, cựu giám đốc Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc của Seoul, cho biết. Ông nói Shoigu là bộ trưởng quốc phòng Nga đầu tiên đến thăm Triều Tiên kể từ khi Liên Xô tan rã năm 1991.

 

Mua đạn dược từ Triều Tiên sẽ vi phạm các nghị quyết của Liên hiệp quốc mà Nga đã ủng hộ, vốn cấm mọi hoạt động buôn bán vũ khí với quốc gia bị cô lập này. Nhưng giờ đây, khi phải đối mặt với các chế tài quốc tế và kiểm soát xuất khẩu vì cuộc chiến ở Ukraine, Nga đã tìm kiếm vũ khí từ các quốc gia bị trừng phạt khác như Triều Tiên và Iran.

 

Triều Tiên có kho vũ khí khổng lồ, nhưng ông Du Hyeogn Cha, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu chính sách Asan của Seoul, nghi ngờ liệu nước này có thể nhanh chóng gửi số lượng đáng kể tới Nga, bởi vì tuyến đường bộ hẹp giữa hai nước chỉ có thể xử lý một lượng giao thông đường sắt hạn chế.

 

 

Triều Tiên muốn ‘lại quả’ cái gì?

 

Các chuyên gia cho biết ưu tiên của ông Kim sẽ là các chuyến hàng viện trợ, công nghệ quân sự và uy danh.

 

Ông Nam Sung-wook, cựu giám đốc của Viện Chiến lược An ninh Quốc gia, một tổ chức nghiên cứu do cơ quan tình báo Hàn Quốc điều hành, nói: “Đây sẽ là một thỏa thuận ‘đôi bên cùng có lợi’, vì ông Putin đang bị dồn vào chân tường do kho vũ khí đã cạn kiệt trong khi ông Kim phải đối mặt với áp lực từ sự hợp tác ba bên Hàn-Mỹ-Nhật”. “Nhu cầu của họ bây giờ song hành hoàn hảo.”

 

Việc đóng cửa biên giới thời đại dịch đã khiến Triều Tiên gặp khó khăn nghiêm trọng về kinh tế và ông Kim có thể sẽ tìm kiếm nguồn cung cấp thực phẩm và năng lượng để giải quyết tình trạng thiếu hụt.

 

Ông Kim có thể cũng sẽ công bố việc mở rộng quan hệ với Moscow như một dấu hiệu cho thấy đất nước đang vượt qua những năm tháng bị cô lập. Các nhà lãnh đạo Triều Tiên từ lâu đã coi các cuộc gặp mặt trực tiếp với các nhà lãnh đạo thế giới là dấu hiệu có tầm quan trọng quốc tế và nhằm mục đích tuyên truyền trong nước.

 

Ông Hong Min, nhà phân tích tại Viện Thống nhất Quốc gia Triều Tiên tại Seoul, cho biết ông Kim có thể cũng đang tìm kiếm công nghệ của Nga để hỗ trợ kế hoạch chế tạo các hệ thống vũ khí công nghệ cao như phi đạn tầm xa mạnh mẽ, vũ khí đạn đạo siêu thanh, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và vệ tinh do thám.

 

Ông Cha nói không rõ liệu Nga có sẵn sàng cung cấp cho Triều Tiên các công nghệ tiên tiến liên quan đến vũ khí hạt nhân và ICBM hay không. Ông nói Nga luôn bảo vệ chặt chẽ các công nghệ vũ khí quan trọng nhất của mình, ngay cả từ các đối tác quan trọng như Trung Quốc.

 

 

Hai quốc gia có thể đến gần nhau như thế nào?

 

Ông Shoigu nói với các phóng viên hôm 4/9 rằng Nga và Triều Tiên đang cân nhắc khả năng tập trận song phương. Trước đó, cơ quan tình báo Hàn Quốc nói với các nhà lập pháp rằng ông Shoigu dường như đã đề nghị một cuộc tập trận ba bên có sự tham gia của Trung Quốc.

 

Dù sao đi nữa, đây sẽ là cuộc tập trận chung đầu tiên của Triều Tiên với nước ngoài kể từ khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-53. Đất nước này đã tránh huấn luyện với quân đội nước ngoài theo triết lý “tự lực cánh sinh” của mình.

 

Ông Kim Taewoo, cựu giám đốc của viện, cho biết việc mở rộng hợp tác an ninh Hàn Quốc-Hoa Kỳ-Nhật Bản có thể khiến ông Kim Jong Un phá bỏ điều cấm kỵ đó và lần đầu tiên tổ chức tập trận với Nga và Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, ông Nam, hiện là giáo sư tại Đại học Hàn Quốc, cho biết Triều Tiên có thể sẽ không chấp nhận lời đề nghị này vì điều này có thể khiến Triều Tiên thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc và Nga.

 

Ông Park Won Gon, giáo sư tại Đại học Phụ nữ Ewha ở Seoul, cho biết còn quá sớm để dự đoán chính sách ngoại giao của ông Kim có thể mang lại kết quả gì ngoài việc thể hiện thái độ thách thức Mỹ.

 

“Trong mọi trường hợp, Triều Tiên và Nga cần chứng tỏ rằng họ đang làm việc cùng nhau và đang đẩy mạnh sự hợp tác này”, ông Park nói. “Rõ ràng có những lĩnh vực hợp tác thực tế và cũng có một số khía cạnh mang tính biểu tượng mà họ muốn chứng tỏ với Hoa Kỳ.”

 

--------------------------------------------------

.

Mỹ cảnh cáo Triều Tiên phải ‘trả giá’ nếu cấp vũ khí cho Nga

Reuters

06/09/2023

https://www.voatiengviet.com/a/my-canh-cao-trieu-tien-phai-tra-gia-neu-cap-vu-khi-cho-nga/7255812.html

 

Các cuộc đàm phán vũ khí giữa Nga và Triều Tiên đang tiến triển tích cực, một quan chức Mỹ cho biết ngày 5/9 và cảnh cáo nhà lãnh đạo Kim Jong Un rằng đất nước của ông sẽ phải trả giá nếu cung cấp vũ khí cho Nga để sử dụng ở Ukraine.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0a00-0242-27bc-08db7f3b315c_w650_r1_s.jpg

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, ngày 5/9/2023, kêu gọi Triều Tiên tuân thủ các cam kết công khai không cung cấp vũ khí cho Nga.

 

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc rằng việc cung cấp vũ khí cho Nga “sẽ không tốt cho Triều Tiên và họ sẽ phải trả giá với cộng đồng quốc tế cho điều này”.

 

Trước đó, Điện Kremlin tuyên bố “không có gì để nói” về phát biểu của các quan chức Mỹ rằng ông Kim dự định tới Nga trong tháng này để gặp Tổng thống Vladimir Putin và thảo luận về việc cung cấp vũ khí cho Moscow.

 

Ông Kim kỳ vọng các cuộc thảo luận về vũ khí sẽ tiếp tục, kể cả ở cấp lãnh đạo và “thậm chí có thể là trực tiếp”, ông Sullivan nói.

 

“Chúng tôi tiếp tục siết chặt cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga”, ông Sullivan nói, và Moscow hiện đang “tìm kiếm bất kỳ nguồn nào họ có thể tìm thấy” đối với các loại hàng hóa như đạn dược.

 

Ông Sullivan nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi Triều Tiên tuân thủ các cam kết công khai không cung cấp vũ khí cho Nga vốn sẽ dẫn tới việc giết hại người dân Ukraine”.

 

Hôm 4/9, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Adrienne Watson nói ông Kim và ông Putin có thể đang lên kế hoạch gặp nhau, và tờ New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ và đồng minh giấu tên cho biết ông Kim có kế hoạch tới Nga ngay trong tuần tới để gặp ông Putin.

 

Khi được hỏi liệu ông có thể xác nhận các cuộc đàm phán này hay không, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Không, tôi không thể. Không có gì để nói cả”.

 

Theo các nhà phân tích chính trị, khi sự cô lập của Nga vì cuộc chiến ở Ukraine ngày càng gia tăng, nước này ngày càng nhận thấy giá trị ở Triều Tiên. Về phần Triều Tiên, quan hệ với Nga không phải lúc nào cũng nồng ấm như thời kỳ đỉnh cao của Liên Xô, nhưng giờ đây nước này đang thu được những lợi ích rõ ràng từ nhu cầu kết bạn của Moscow.

 

 

Hợp tác quốc phòng Moscow-Bình Nhưỡng

 

Một quan chức Bộ Quốc phòng Triều Tiên hồi tháng 11 năm ngoái nói Bình Nhưỡng “chưa bao giờ có ‘thỏa thuận vũ khí’ với Nga” và “không có kế hoạch làm như vậy trong tương lai”.

Moscow và Bình Nhưỡng đã hứa tăng cường hợp tác quốc phòng.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, người đã đến thăm Bình Nhưỡng vào tháng 7 năm nay để tham dự các buổi trình diễn vũ khí bao gồm phi đạn đạn đạo bị cấm của Triều Tiên, hôm 4/9 cho biết hai nước đang thảo luận về khả năng tập trận chung.

 

Ông Keir Giles, thành viên tư vấn cấp cao của Chương trình Nga và Á-Âu của Chatham House, nói: “Giống như bạn có thể nhận biết một người qua bạn bè của họ, bạn có thể nhận biết một quốc gia thông qua nước bạn mà quốc gia đó có”. “Trong trường hợp của Nga, nước bạn đó hiện bao gồm phần lớn các quốc gia bất hảo.”

 

Chuyến đi này sẽ là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Kim sau hơn 4 năm và là chuyến đầu tiên kể từ đại dịch virus corona.

 

Mặc dù thực hiện nhiều chuyến công du nước ngoài hơn cha mình với tư cách là lãnh đạo, nhưng chuyến đi của ông Kim thường được giữ bí mật và an ninh nghiêm ngặt. Không giống như cha mình, người được cho là không thích đi máy bay, ông Kim đã đi máy bay cá nhân do Nga sản xuất trong một số chuyến đi nhưng các quan chức Mỹ nói với New York Times rằng ông có thể đi tàu bọc thép qua biên giới đất liền mà Triều Tiên chia sẻ với Nga.

 

Ông Andrei Lankov, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Kookmin ở Seoul, cho biết ông Kim có thể muốn nhấn mạnh cảm giác được Nga hậu thuẫn và có thể tìm kiếm các thỏa thuận bán vũ khí, viện trợ và đưa lao động sang Nga.

 

Hoa Kỳ hồi tháng 8 đã áp đặt các chế tài đối với ba thực thể mà nước này cáo buộc có liên quan đến các thỏa thuận vũ khí giữa Triều Tiên và Nga.

 

Triều Tiên đã tiến hành sáu vụ thử hạt nhân kể từ năm 2006 và đã thử nhiều loại phi đạn khác nhau trong những năm gần đây.

 

Nga đã cùng với Trung Quốc chống lại các chế tài mới đối với Triều Tiên, ngăn chặn nỗ lực do Mỹ dẫn đầu và lần đầu tiên công khai chia rẽ Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc kể từ khi Hội đồng bắt đầu trừng phạt Bình Nhưỡng vào năm 2006.

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats