Saturday, 9 September 2023

NÂNG CẤP QUAN HỆ VỚI HOA KỲ, VIỆT NAM CHỨNG TỎ KHÔNG PHẢI LÀ "MỘT TRUNG QUỐC THU NHỎ"? (PGS,TS Phạm Quý Thọ)

 



Nâng cấp quan hệ với Mỹ, Việt Nam chứng tỏ không phải là “một Trung Quốc thu nhỏ”?

PGS,TS Phạm Quý Thọ

2023.09.09

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/vietnam-wants-to-prove-that-it-is-not-mini-china-09092023081928.html

 

Bài bình luận của ông Phạm Quý Thọ- PGS,TS nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/vietnam-wants-to-prove-that-it-is-not-mini-china-09092023081928.html/@@images/9926a8b0-e5bf-483f-9940-8d84b2cb2436.jpeg

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng VN Phạm Minh Chính tại Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ ở Phnom Penh hôm 12/11/2022 (minh hoạ)  -  AFP

 

 

 

Kể từ khi hai nước Việt - Mỹ bình thường hoá năm 1995 mỗi khi có tin về Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam dư luận trên mạng xã hội lại dậy sóng. Hơn thế, ở những quốc gia có tự do báo chí, đặc biệt ở Mỹ các phóng viên có dịp săn lùng, dự đoán và phân tích sự kiện trong khi truyền thông Nhà nước, vốn độc quyền ở Việt Nam, ‘thận trọng’ và ‘chờ lệnh’.

 

Lần này cũng vậy, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm cấp nhà nước tới Việt Nam trong hai ngày 10-11/9/2023 sắp tới đã được biết trước từ mấy tháng trước, bắt đầu từ cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ quốc gia, các chuyến công du của các quan chức chuẩn bị cho chuyến đi này.

 

Sự khác biệt chế độ chính trị tạo ra lý do có ‘thái độ’ khác nhau về thông tin nhưng ẩn giấu thực chất sâu xa một điểm chung nhưng được diễn tả khác nhau bởi các ngôn từ chính trị, ngoại giao, liệu Việt Nam có độc lập tự chủ, thoát khỏi sự phụ thuộc vào nước ngoài bởi bất kỳ vấn đề nhạy cảm nào để quyết định vận mệnh của đất nước và liệu Mỹ triển khai cạnh tranh chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương thế nào? Lần này, nâng cấp quan hệ với Mỹ, Việt Nam lần nữa chứng tỏ không phải là “một Trung Quốc thu nhỏ” (mini-china) như các nhà phân tích phương Tây ám chỉ!

 

Hai tin quan trọng đang được giới quan sát chú ý. Ngay trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 5/10/2023  truyền thông Nhà nước Việt Nam mới đồng loạt loan tin. Một là, theo lời mời của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Mỹ sẽ thăm cấp nhà nước tới Việt Nam trong hai ngày 10-11/9. Mục đích chuyến thăm để "thảo luận những biện pháp làm sâu sắc hơn hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam".

 

Sự kiện diễn ra vào dịp hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện và, đây sẽ là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Biden kể từ khi ông nhậm chức từ đầu năm 2021.

 

Hai là, Báo Nhân dân, “tiếng nói của Đảng, Nhà nước” chỉ đăng ảnh và giật tít: “Sáng 5/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp ông Lưu Kiến Siêu, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thăm và làm việc tại Việt Nam.” Người ta khó có thể biết điều gì diễn ra trong hậu trường, nhưng chắc chắn rằng ĐCS Trung Quốc cũng rất quan tâm đến sự kiện nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ.

 

‘Danh tiếng’ “mini-china” đã từng không làm giới lãnh đạo quá phiền lòng. Chính sách Cải cách và Mở cửa ở Trung Quốc (mốc khởi đầu 1976 sau Mao Trạch Đông chết) và Đổi mới ở Việt Nam (năm 1986 tại Đại hội 6) đều là cách tránh sự sụp đổ của mô hình toàn trị Xô Viết mà hai quốc gia từng là thành viên của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa được tạo nên từ mô hình này. Mô hình Trung Quốc với chế độ toàn trị của Đảng CS lãnh đạo chuyển đổi kinh tế sang thị trường, thay thế kế hoạch hoá tập trung, từng là ‘lý tưởng’ cho các nước đang phát triển, trong đó Việt Nam là ‘nổi bật’ với sự tương đồng sẵn có về chế độ chính trị và quan hệ “truyền thống”. Cả hai nước đều thành công về kinh tế với mức độ khác nhau trong khoảng hơn một phần ba thế kỷ. Sự tăng trưởng kinh tế “thần kỳ” của Trung Quốc không những chỉ có xuất phát điểm sớm hơn 10 năm, với thị trường tỷ dân… mà còn nhờ tư tưởng thực dụng (được cho là của Đặng Tiểu Bình ‘thấm đậm’ trong từng chính sách và phương thức điều hành kinh tế. Các đặc khu hành chính – kinh tế, khu chế xuất, công nghiệp tự do… thịnh vượng như Thượng Hải, Thâm Quyến… luôn làm cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam mong muốn “học hỏi” nhưng không mấy thành công.

 

Hơn thế, Đảng CS TQ đã sử dụng các nhà lý luận “cung đình”, nổi bật là Vương Hộ Ninh - người làm quân sư cho ba đời Tổng bí thư, để luận cứ cho các đường lối, chính sách. Tư tưởng thực dụng được vận dụng để phân tích, nhận định về ưu nhược của mỗi chế độ chính trị, cộng sản và tư bản, trong bối cảnh quốc tế cụ thể. Ông Vương Hộ Ninh, hiện năm 2023 là nhân vật thứ tư của Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, từng viết “Nước Mỹ chống lại nước Mỹ” (tiếng Anh: America Against America, năm 1981) dự đoán nước Mỹ sẽ đi xuống vì chính các mâu thuẫn nội tại. Ngoài ra, lý thuyết về chủ quyền quốc gia vốn có nguồn gốc từ phương Tây ở thế kỷ 16 cũng được cụ thể hoá với Trung Quốc. Ông ta vẫn được Tập Cận Bình tin dùng, tuy nhiên những chính sách như Một vành đai một con đường (tên mỹ miều là “con đường tơ lụa”), đường mười (mới thêm 1 gần đây năm 2023) đoạn, tôn giáo và nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng, dân chủ nói chung và ở Hồng Kông, kiểm soát thông tin và mỗi công dân theo “thang điểm tín nhiệm”… đều in đậm ý thức hệ toàn trị theo mô hình cai trị cũ nhưng nhờ độc quyền truyền thông kết hợp với tiến bộ khoa học công nghệ kể cả trí tuệ nhân tạo (AI)

 

Các nhà nghiên cứu phương Tây, Mỹ, vốn tự do tư tưởng, bị ‘chia rẽ’ khi nhận định về mô hình Trung Quốc. Số ít cho rằng sự thành công là do Trung Quốc có nền văn minh lâu đời, pháp trị Tần Thuỷ Hoàng, tư tưởng đời Tống, triết lý đạo giáo, khổng giáo… nhưng số nhiều nhà phân tích từ quan điểm tư tưởng thời “khai sáng”, tự do và dân chủ, ở châu Âu cho rằng dù Trung Quốc thành công về kinh tế nhưng không bền vững. Đại diện là GS F. Fukuyama (năm 1952) từ Đại học Stanford, Mỹ – nhà nghiên cứu chính trị, tác giả cuốn The End of History and the Last Man, năm 1992 (Hồi kết của Lịch sử và Người đàn ông cuối cùng) và những nhận định của ông ấy về xu hướng thể chế dân chủ trong thế kỷ 21. Trong cuộc tranh luận khoa học công khai với các nhà lý luận ủng hộ chế độ toàn trị về mô hình Trung Quốc (The China Model, năm 2011) trong bối cảnh Trung Quốc vẫn tăng trưởng kinh tế với hai con số,  khi đặt câu hỏi: “… hệ thống nào sẽ bền vững trong hai đến ba thập niên sắp tới?” F. Fukuyama đã ‘đánh cược’:  “Sự ưu tiên của tôi vẫn sẽ dành cho hệ thống Hoa Kỳ hơn là hệ thống Trung Quốc.”

 

Đã hơn một thập niên kể từ đó! Và, bất chấp sự “bảo lưu” ý kiến, vô số sự kiện xoay quanh chủ đề này vẫn tiếp tục. “Thế giới phẳng” trong con mắt của Tom L. Friedman đã bị ‘phá huỷ’ bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt sau đại dịch COVID-19 và chiến tranh Nga – Ukraine đang diễn ra. Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đang “trỗi dậy” hung hăng với vị thế cường quốc thứ hai thế giới muốn lật đổ sự thống trị phương Tây, Mỹ trong khi kinh tế đã qua “thời hoàng kim” và đang suy giảm… Nghịch lý tăng trưởng nhanh đồng thời với tham nhũng nghiêm trọng đang đe doạ sự tồn vong chế độ, tha hoá quyền lực thách thức quyền lực tuyệt đối. Ngoài ra, sự “hung hăng” của Tập và Putin đang làm tổn hại đến lợi ích của nhiều quốc gia… Mặc dù ‘xem xét lại’ quan điểm từ đầu những năm 1970, từng cho rằng ủng hộ Trung Quốc hội nhập với thị trường thế giới có thể khiến chế độ toàn trị chuyển đổi dân chủ hơn, nhưng Mỹ và các nước phương Tây khác không dễ gì tách rời ngay khỏi TQ về kinh tế. Các tập đoàn tư bản xuyên quốc gia, vốn tham lam “xuất khẩu tư bản” tìm kiếm lợi nhuận, có tính độc lập tương đối về thương mại và đầu tư…

 

Người ta hay nói “các nước lớn thường có tư tưởng lớn!”, nhưng Việt Nam, không tự ty là nước ‘yếu’ về kinh tế. Mặc dù không thể chối bỏ, rằng có rất nhiều biểu hiện như “một Trung Quốc thu nhỏ” (mini-china), nhưng giới lãnh đạo nỗ lực tìm sự cân bằng giữa các cường quốc, cụ thể là Trung Quốc. Họ thận trọng trong khi người dân mong chờ sự kiện nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất. Các nhà nghiên cứu cho rằng Việt Nam và Mỹ có “lợi ích chiến lược… rất tương đồng trong… cán cân quyền lực trong khu vực, … đều không muốn Trung Quốc lộng hành ở Biển Đông và không muốn Trung Quốc bá chủ Đông Nam Á… đều muốn (TQ) tôn trọng luật pháp quốc tế…” (GS. Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye - DKI APCSS - tại Hawaii). Hơn thế, Việt Nam cần coi sự kiện này như “một cú hích” vượt qua tình hình kinh tế khó khăn, chống tham nhũng đang gặp thách thức và cải cách trì trệ.

 

Khi mọi thứ mang màu ảm đạm, dự đoán tương lai là công việc khó khăn, nhưng “phép biện chứng” Hegel (như đã biết, K. Mác đã dựa vào) cho chúng ta tầm nhìn lạc quan hơn. Trong sách Bài giảng về Triết học của Lịch sử Thế giới, năm 1830, W. Friedrich Hegel đã đưa ra một cách nhìn về những thời kỳ đen tối trong lịch sử không tô hồng, rằng tiến trình lịch sử không phải là đường thẳng và, rằng lịch sử vẫn sẽ tiến lên dù có gì đi nữa.

 

Ý kiến người viết cho rằng trong bối cảnh thế giới hiện nay, dù sớm hay muộn Việt Nam phải độc lập tự chủ quyết định vận mệnh dân tộc dựa vào nguyện vọng của toàn dân (một cách thực chất). Nâng cấp quan hệ với Mỹ cần được nhìn nhận như một cơ hội thể hiện Việt Nam không phải là “một Trung Quốc thu nhỏ”, hoà nhập vào quỹ đạo phát triển văn minh nhân loại!

 

------------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats