Thursday, 7 September 2023

HOA KỲ CÓ ĐANG BẤT CHẤP NHÂN QUYỀN ĐỂ CẢI THIỆN QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM? (Trường Sơn, RFA)

 



Hoa Kỳ có đang bất chấp nhân quyền để cải thiện quan hệ với Việt Nam?

Trường Sơn, RFA
07-09-2023

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/us-vietnam-ties-upgraded-without-human-rights-improvement-09072023113525.html

 

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Bien sắp sửa có chuyến thăm Việt Nam vào ngày 10 tháng 9. Nhân sự kiện này, giới quan sát cũng cho rằng rất có thể hai nước sẽ nâng cấp mỗi quan hệ ngoại giao lên một tầm cao mới.  

 

Hoa Kỳ hiện đang là đối tác toàn diện của Việt Nam, và dự kiến sẽ trở thành đối tác chiến lược sau chuyến thăm của tổng thống Biden, thậm chí có đồn đoán cho rằng hai nước sẽ nâng cấp lên thành đối tác chiến lược toàn diện, mức cao nhất trong hệ thống đối tác ngoại giao của Việt Nam.  

 

Không ít những ý kiến tích cực trước thông tin trên, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn lo ngại về vấn đề nhân quyền, cụ thể, giới quan sát cho rằng việc Hoa Kỳ chủ động cải thiện quan hệ với chính quyền Hà Nội, sẽ dẫn đến việc gia tăng đàn áp giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam.

 

 

Có lợi cho Việt Nam nói chung

 

Sự kiện tổng thống Hoa Kỳ tới thăm Việt Nam và qua đó nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã nhận được sự ca ngợi của một tổ chức không ngờ tới, đảng Việt Tân. Đây là tổ chức chính trị có trụ sở tại hải ngoại tự nhận đối lập với đảng Cộng sản Việt Nam, và hiếm khi bày tỏ sự đồng tình với các chính sách của chế độ trong nước, nhưng lần này là một ngoại lệ.  

 

Trao đối với đài RFA, ông Trần Đức Tuấn Sơn, một uỷ viên trung ương của đảng Việt Tân, cho biết quan điểm của tổ chức đối với việc nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ: 

 

“Phía Việt Tân cho rằng chuyến thăm của tổng thống Biden đến Việt Nam là một cơ hội tốt cho dân tộc Việt Nam. Trong thời gian vừa qua mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã ở mức khá cao, cho nên chuyến đi này sẽ giúp cân bằng lại cán cân quan hệ giữa Mỹ, Việt Nam, và Trung Quốc. Mà chúng tôi cho rằng đại đa số người Việt đều muốn thoát khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Đặc biệt, trong bối cảnh mà Trung Quốc gần đây đã trở nên hung hăng hơn trên khu vực Biển Đông, việc thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ sẽ rất có lợi cho Việt Nam. Ngoài ra, về khía cạnh kinh tế, khi mà Trung Quốc suy yếu thì sẽ tác động xấu đến Việt Nam, nên việc liên minh với Mỹ sẽ giúp Việt Nam phát triển.” 

 

Luật sư Nguyễn Văn Đài, một nhà bất đồng chính kiến khác, người thường xuyên chỉ trích các chính sách của đảng Cộng sản Việt Nam, lần này cũng tỏ ra ủng hộ động thái thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ, ông cho biết quan điểm của mình:  

 

“Các cụ đã có câu gần mực thì đen gần đèn thì rạng, nước Mỹ là một nước dân chủ, tự do, văn minh do vậy khi chính quyền Việt Nam đi gần với Mỹ sẽ học được những điều tốt đẹp, về kinh tế, chính trị, và những lĩnh vực khác. Nhưng chúng ta cũng không quên bài học Trung Quốc, khi vào năm 1972 Trung Quốc bỏ bóng tối để bước chân theo Mỹ, nhưng họ vẫn duy trì chế độ độc đảng cho đến nay. Họ chỉ học từ Mỹ cách làm kinh tế, để rồi bây giờ quay lại chống Mỹ. Nên chúng ta cần phải nhắc nhở nước Mỹ rằng khi quan hệ với Việt Nam đừng chỉ giúp phát triển kinh tế, mà cần phải giúp người dân lẫn nhà cầm quyền ở Việt Nam nhận ra giá trị của dân chủ và nhân quyền.”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/nhan-quyen-2.png/@@images/690486c6-604f-420d-8792-c7233c9275a4.png

Cựu Dân biểu liên bang Leslie Byrne phát biểu trong Ngày Nhân Quyền Việt Nam 11/5/2023. Ảnh chụp màn hình video RFA


Càng cải thiện quan hệ với Mỹ thì càng đàn áp trong nước?  

 

Mặc dù mối quan hệ giữa hai nước cựu thù có chiều hướng đi lên và ngày càng trở nên chặt chẽ, nhưng ở khía cạnh nhân quyền lại có xu hướng ngược lại, khi tình hình đàn áp, bắt bớ những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam ngày càng trầm trọng hơn. 

 

Do vậy, giới quan sát cho rằng triển vọng để Hoa Kỳ giúp cải thiện vấn đề nhân quyền ở Việt Nam kể cả khi nâng cấp quan hệ là không cao.

 

Từ Cộng hoà Liên bang Đức, nhà báo Võ Thị Hảo cho Đài Á Châu Tự Do biết quan điểm của bà về vấn đề này:  

 

“Tôi nghĩ rằng các cường quốc dân chủ, nhân quyền vẫn có phần ngây thơ trước việc nói một đằng, làm một nẻo của những người đứng đầu các nước độc tài.  Theo số liệu, khi tổng thống Obama thăm Việt Nam vào năm 2016 thì có khoảng 100 nhà bất đồng chính kiến đang bị cầm tù, từ đó đến nay tình hình nhân quyền ở Việt Nam đã xấu đi rất nhiều, theo thống kê của các tổ chức nhân quyền trên thế giới hiện nay đang có khoảng 193 người bất đồng chính kiến bị cầm tù.” 

 

Ông Trần Đức Tuấn Sơn còn chỉ ra rằng xu hướng đàn áp trong những năm qua còn mở rộng ra khỏi nhóm đối tượng là giới bất đồng chính kiến, bất chấp việc Việt Nam đã trở thành thành viên của Hội đông Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc:  

 

“Từ năm 2016 đến nay thì việc đàn áp nhân quyền càng ngày càng thô bạo hơn, việc đàn áp, bỏ tù, bắt bớ người bất đồng chính kiến vẫn diễn ra, và không chỉ giới bất đồng chính kiến không, ngay cả những người hoạt động về môi trường, và làm cho những viện nghiên cứu cũng bị bắt. Đây là xu hướng rất xấu cho những người muốn thay đổi Việt Nam. Chúng tôi nghĩ rằng tình hình này sẽ không thay đổi trong thời gian tới.”

 

Về phần mình, luật sư Nguyễn Văn Đài cũng cho rằng xu hướng thực tế cho thấy chính quyền Việt Nam sẽ trở nên độc đoán hơn khi Hoa Kỳ chủ động muốn cải thiện quan hệ, ông cho hay: 

 

“Từ năm 2011 cho đến nay, khi quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ càng gần gũi thì tình hình nhân quyền càng xấu đi. Đặc biệt là khi Hoa Kỳ chủ động muốn cải thiện quan hệ với Việt Nam về mặt kinh tế, chính trị, và quân sự, do vậy sẽ bỏ lơ vấn đề nhân quyền.”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/nhan-quyen-3.jpeg/@@images/1f4b2dae-b4cb-4269-b65e-d4938fc1822b.jpeg

Các đại biểu người Việt tham dự Ngày Nhân quyền Việt Nam ở thủ đô Washington (Hoa Kỳ)


Mỹ có bỏ rơi vấn đề nhân quyền ở Việt Nam không?

 

 Với việc mức độ đàn áp ngày càng gia tăng ở trong nước, đã xuất hiện nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại cho rằng Hoa Kỳ đã bỏ rơi vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, để hướng tới việc cải thiện quan hệ với chính quyền Cộng sản.

 

 Tuy nhiên, những người quan sát tình hình chính trị Việt Nam được đài RFA phỏng vấn lại có ý kiến khác.

 

 Luật sư Nguyễn Văn Đài thậm chí còn khẳng định chuyện Hoa Kỳ bỏ rơi vấn đề nhân quyền ở Việt Nam sẽ không xảy ra, ông nói:

 

 “Mỹ và Châu Âu sẽ không bao giờ bỏ rơi vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, có thể ngay lúc này, họ đang chú trọng đến vấn đề ngoại giao và kinh tế, nhưng điều đó không có nghĩa là họ bỏ rơi vấn đề nhân quyền. Họ vẫn sẽ theo dõi và sẽ lên tiếng khi có dịp.

 Nhưng điều quan trọng hơn đó là bản thân người Việt Nam phải đứng lên đòi hỏi quyền con người cho mình, thì lúc đó những nước như Mỹ và Châu Âu mới nhận thấy lợi ích ủa việc lên tiếng.”

 

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Đức Tuấn Sơn cũng cho rằng phương tây sẽ không bất chấp tình trạng nhân quyền để đổi lấy quan hệ với Việt Nam, ông cho biết quan điểm của mình: 

 

“Tôi nghĩ là phương tây đang thực hiện cả hai việc cùng lúc, vừa cải thiện quan hệ ngoại giao, vừa thúc đẩy nhân quyền. Nhưng có thể là trong lĩnh vực nhân quyền thì họ không làm công khai như trước đây. Mà sẽ được nêu ra ở đằng sau hậu trường, bên hành lang, và sẽ xảy ra thường xuyên. Có thể sẽ có lúc vấn đề nhân quyền không được ưu tiên, nhưng không có nghĩa là nó bị bỏ rơi.”

 

Nhà báo Võ Thị Hảo cho rằng, Hoa Kỳ và phương tây sẽ khó có thể ngó lơ vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, bởi vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của họ:

 

“Khi họ muốn đảm bảo được quyền lợi về mặt thương mại, kinh tế, hay những quyền lợi chính đáng khác thì họ cần sự mình bạch. Chỉ sự minh bạch mới đảm bảo được quyền lợi cho Mỹ và NATO. Thì sự minh bạch này chỉ có được ở một chế độ dân chủ, có nhân quyền. Với việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam, hệ quả tất yếu là tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam sẽ có chuyển biến.”

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats