Saturday, 9 September 2023

HÀ NỘI VE VÃN MỸ NHƯNG VẪN ĐI CỬA SAU MUA VŨ KHÍ NGA (Minh Đăng / Saigon Nhỏ)

 



Hà Nội ve vãn Mỹ nhưng vẫn đi cửa sau mua vũ khí Nga

Minh Đăng  -  Saigon Nhỏ

9 tháng 9, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/ha-noi-ve-van-my-nhung-van-di-cua-sau-mua-vu-khi-nga/

 

Đó là tiết lộ của The New York Times trong bài báo ngày 9 Tháng Chín 2023, một ngày trước khi Tổng thống Joe Biden đến Hà Nội theo lời mời của Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, với mục đích nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/gg.jpg

Tàu ngầm Kilo của quân đội Việt Nam (mua từ Nga) – ảnh: NLĐ

 

Ngay trong bối cảnh Việt Nam đang xích lại gần Mỹ hơn bao giờ hết nhằm có thể “dựa hơi” Washington trong cuộc đối đầu Trung Quốc, Hà Nội vẫn thực hiện các kế hoạch bí mật mua vũ khí từ Nga, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.

 

Văn bản Bộ Tài chính Việt Nam đề Tháng Ba 2023 (không nêu rõ ngày) với nội dung được giới chức Việt Nam đương nhiệm lẫn nghỉ hưu xác minh, cho thấy Việt Nam hiện đại hóa quân đội bằng cách bí mật mua sắm quốc phòng thông qua một liên doanh dầu khí Việt Nam-Nga ở Siberia. Được ký bởi một thứ trưởng tài chính Việt Nam, tài liệu ghi rằng Việt Nam, thời điểm hiện tại, đang đàm phán một thỏa thuận vũ khí mới với Nga nhằm “củng cố niềm tin chiến lược” vào thời điểm “Nga đang bị các nước phương Tây cấm vận về mọi mặt”.

 

Từng là một trong 10 nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, Việt Nam từ lâu đã phụ thuộc vào vũ khí Nga. Việc Hoa Kỳ tuyên bố trừng phạt các quốc gia mua vũ khí Nga đã làm ảnh hưởng kế hoạch cải tổ quân đội của Việt Nam, trong bối cảnh chủ quyền quốc gia Việt Nam luôn bị đe dọa trước sự xâm lấn Trung Quốc, đặc biệt ở Biển Đông. Trước lệnh cấm vận của Mỹ, Việt Nam phải xoay sở luồn lách để vẫn có thể mua vũ khí Nga. Hà Nội vốn lâu nay nổi tiếng nhảy múa ngoại giao giữa các cường quốc thế giới nhưng việc theo đuổi một thỏa thuận vũ khí với Nga chắc chắn ảnh hưởng ít nhiều khả năng tiếp cận của Việt Nam với Hoa Kỳ.

 

Ian Storey, thành viên cấp cao Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore và là tác giả cuốn sách sắp xuất bản về quan hệ của Nga với Đông Nam Á, cho biết: “Tôi cảm thấy ở một khía cạnh nào đó, Mỹ có những kỳ vọng không thực tế ở Việt Nam (America has unrealistic expectations of Vietnam). Tôi không chắc họ có hiểu hết mức độ nhạy cảm của mối quan hệ Việt Nam với Trung Quốc, cũng như mối quan hệ của Việt Nam với Nga sâu đậm đến mức nào. Hiểu sai những điều này có thể khiến nước Mỹ bị bỏng.”

 

Văn bản của Bộ Tài chính Việt Nam cho thấy chi tiết cách mà Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ trả tiền cho các thương vụ vũ khí Nga. Để tránh sự giám sát của Mỹ, tiền mua vũ khí Nga sẽ được chuyển vào sổ sách kế toán của một liên doanh Nga-Việt có tên Rusvietpetro, một công ty có các hoạt động khai thác dầu khí tự nhiên ở miền Bắc nước Nga. Tài liệu viết: “Đảng và nhà nước chúng ta vẫn xác định Nga là đối tác chiến lược quan trọng nhất về quốc phòng và an ninh”.

 

Hai tháng sau đề xuất của Bộ Tài chính, Dmitri A. Medvedev, cựu Thủ tướng Nga và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đã có chuyến thăm lặng lẽ tới Hà Nội. Các điều khoản của thỏa thuận vũ khí mới với Nga cho thấy giao dịch trị giá $8 tỷ trong vòng 20 năm. Những chi tiết này đã phần nào giúp giải thích tại sao Hà Nội luôn né tránh chỉ trích cuộc xâm lược Ukraine của Nga; và thậm chí Việt Nam đã bỏ phiếu chống lại việc đình chỉ Nga tham gia Hội đồng Nhân quyền. Tại một hội nghị an ninh ở Moscow vào tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei K. Shoigu của Nga cũng không giấu giếm khi nói Việt Nam là khách hàng lý tưởng mua vũ khí Nga. Về phần mình, Hoa Kỳ đã cố kéo Việt Nam ra khỏi quỹ đạo Nga. Năm 2016, Washington dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Hà Nội.

 

Thật ra, ngay cả trước khi cuộc chiến Ukraine bộc lộ nhiều khiếm khuyết của một số khí tài quân sự Nga, Hà Nội đã bắt đầu mở rộng nguồn cung cấp khi tìm mua vũ khí từ Israel, Cộng hòa Czech cũng như một số nước khác. Việc Nga xâm chiếm Crimea vào năm 2014 đã buộc Việt Nam phải mua tàu khu trục ở Nga nhưng lại mua các bộ phận quan trọng của tàu ở… Ukraine. Mỹ đã áp dụng một loạt lệnh trừng phạt đối với Nga vào năm 2017, đồng thời răn đe trừng phạt các quốc gia nào làm ăn với quân đội hoặc cơ quan tình báo Nga. Sau khi Nga xâm chiếm Ukraine vào năm 2022, Mỹ cũng loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu mà Việt Nam sử dụng để mua thiết bị quân sự.

 

Nguyễn Thế Phương, nhà phân tích quốc phòng giảng dạy tại Đại học Kinh tế Tài chính ở Sài Gòn, cho biết: “Nếu Việt Nam tiếp tục mua vũ khí từ Nga, uy tín quốc tế của chúng tôi sẽ bị tổn hại. Việc nhập khẩu vũ khí từ Nga sẽ có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế trong tương lai của Việt Nam vì Hoa Kỳ và các đối tác châu Âu là nguồn xuất khẩu chính của chúng tôi. Do đó, điều này (việc luồn lách mua vũ khí Nga) là không đáng.” Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng quân đội Việt Nam vẫn gắn bó sâu đậm với Nga – và việc thay đổi điều đó có thể mất nhiều năm, nếu không muốn nói là nhiều thập niên. Nhiều thế hệ tướng lĩnh hàng đầu của quân đội Việt Nam đều được đào tạo ở Liên Xô và sau này là Nga. Hầu như phi công Việt Nam đều được đào tạo ở Nga.

 

Ngoài ra, còn có một lý do khác để Hà Nội tiếp tục giao dịch với Moscow: Việc mua vũ khí của phương Tây luôn đòi hỏi sự minh bạch, trong khi làm ăn với Nga có thể được thực hiện bằng những trò luồn tay dưới gầm bàn. Tướng lĩnh Việt Nam chẳng tử tế gì. Quốc phòng và bảo vệ biên cương có khi chỉ là thứ được nhân danh để đám tướng tá chóp bu trong Bộ Quốc phòng Việt Nam có cơ hội tư túi tham nhũng.

 

Hơn nữa, về mặt tư tưởng và ý thức chính trị, đám chóp bu trong Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng không thật sự tin Mỹ. Zachary Abuza, giáo sư Đại học Chiến tranh Quốc gia (National War College) ở Washington và là tác giả một cuốn sách sắp ra mắt về quân đội Việt Nam, cho biết Việt Nam còn lo ngại rằng Washington có thể thông qua vấn đề mua bán vũ khí với Mỹ để gắn kèm các điều kiện nhân quyền vào việc mua vũ khí trong tương lai, gián tiếp thúc đẩy cuộc cách mạng dân chủ ở Việt Nam.

 

Chiến lược quan trọng nhất của ngoại giao Việt Nam trong thực tế luôn là trò đu dây, cái mà Hà Nội gọi là “ngoại giao cây tre”, được thực thi với sự linh hoạt để duy trì mối quan hệ trong một khu vực chính trị biến động với cái bóng phủ trùm của Trung Quốc. Thậm chí có tin rằng Tập Cận Bình và có lẽ cả Vladimir V. Putin sẽ đến Việt Nam trong năm nay, ngay sau chuyến công du lịch sử của Tổng thống Joe Biden ngày 10 Tháng Chín 2023.







No comments:

Post a Comment

View My Stats