Trong tự truyện “Du học Mỹ tuổi mười sáu” của cô bé Vi Trịnh (ái nữ của ông bạn Bá Ninh Trịnh) có một chuyện nhỏ nhưng phản ánh tầm cỡ khổng lồ của một nền giáo dục.
Hôm đó có giờ giảng của thầy về chiến tranh. Nhưng vì thầy biết trong lớp có một sinh viên người Việt và thầy không muốn cô bé bị tổn thương thêm, vì thế, thay vì giảng oang oang trên bục, thầy cho sinh viên về nhà tự học qua sách vở, tài liệu rồi lặng lẽ trả bài cho thầy.
Quyết định của thầy giáo, cho thấy hai điều:
Thứ nhất, thầy đặt tính nhân bản cao hơn tất cả. Không có lập trường tư tưởng chính trị gì ở đây cả. Chỉ có sự cảm thông và tôn trọng phẩm giá.
Và thứ hai: Hành động sư phạm của thầy được dẫn dắt chỉ bởi lương tâm và sự từng trải văn hóa, vốn là thứ người thầy nào cũng phải có.
Thêm một lần nữa chính trị, vốn là một công cụ thuần túy vụ lợi (vì thế nó chấp nhận mọi phương tiện để đạt tới, kể cả thứ nhơ bẩn), bị ném xuống đất.
Tôi không có ý dùng thứ nọ để chê thứ kia, nhưng vẫn phải kể câu chuyện tiếp theo.
Lần này là tại một trường học ở Việt Nam.
Một hôm con trai tôi, lúc đó đang học lớp 10, về nhà hỏi tôi:
– Người Mỹ độc ác lắm hả bố?
– Ai nói với con như vậy?
– Cô giáo con. Cô bảo ở Mỹ cứ ra đường là bị bắn chết.
Tôi chết điếng người, máu sôi lên vì giận cô: Ngay cả khi cô (hoặc người lớn nói chung) nghĩ thế thật, cũng không được phép nói với những đứa trẻ như vậy. Nhưng cũng vốn từng là nhà giáo, nên tôi bảo con tôi:
– Có thể cô giáo của con đọc tin giả ở đâu đấy rồi vì cả tin nên cứ nghĩ là thật. Người Mỹ mà xấu thế sao ai cũng muốn sang đó du học và đa số những người du học Mỹ đều tìm mọi cách để ở lại.
-Con biết chuyện đó, từ những anh chị bạn con, họ nói khác về người Mỹ, chính vì thế mới thắc mắc lời cô.
-Cô không lừa con đâu. Cô bị tin giả lừa. Đầy tin giả ở nước ngoài bảo ở Việt Nam đến khoai sắn cũng chả có mà ăn, con thấy có đúng không?
Tất nhiên là con tôi tin tôi, nhất là khi nó biết bố nó từng sang tận nơi nước Mỹ.
Nhưng biết bao đứa trẻ bạn con tôi sẽ lưu lại, có thể là mãi mãi, điều cô giáo nói.
Tôi tự hỏi: khi nói như vậy, do cô dốt, do cô nuôi chí thù hận, hay là hậu quả của tuyên truyền chính trị mà cô bị nhồi nhét ngày này sang tháng khác?
Có thể là tất cả. Nhưng như vậy thì nền giáo dục thất bại ngay từ việc đào tạo đội ngũ thầy giảng?
Còn nếu chỉ vì muốn chứng tỏ lập trường chính trị một cách mù quáng, thì loại thầy cô như vậy đang tàn phá nền giáo dục ở đoạn móng.
Chính trị có sứ mệnh riêng to lớn của nó. Chính trị sáng suốt là phải biết tránh những nơi nó trở thành kẻ phá đám mà thấy rõ nhất là lĩnh vực Giáo dục.
Khi giáo dục bị chính trị thao túng, nó sẽ bỏ bê việc chính là đào tạo con người biết yêu thương, biết dấn thân cho cộng đồng, để lao theo việc tạo ra những cỗ máy hình người có khả năng nhắc lại chính xác từng chữ được nhồi nhét.
Những người máy ấy còn có một khả năng “ưu việt” nữa là hủy diệt khủng khiếp mọi thứ tốt đẹp trên đời.
Kể lại chuyện này nhân sắp khai giảng năm học mới, tôi CHỈ MUỐN nói:
Đừng tiếp tục đao to búa lớn, đại ngôn, khoe khoang ưu việt nọ kia nữa. Giáo dục, đơn giản là không bôi bẩn tờ giấy trắng mà hãy cẩn trọng, nắn nót viết lên tờ giấy ấy những nguyên tắc làm người ngắn gọn nhất:
CHĂM CHỈ.
TIẾT KIỆM.
TRUNG THỰC.
VỊ THA.
VÀ KHÔNG ĐỔI PHẨM GIÁ LẤY BẤT CỨ THỨ GÌ.
.
No comments:
Post a Comment