Friday, 1 September 2023

CỖ MÁY THÁM HIỂM MẶT TRĂNG CỦA ẤN ĐỘ TÌM THẤY LƯU HUỲNH TRÊN BỀ MẶT NGUYỆT CẦU (Người Việt)

 



Cỗ máy thám hiểm Mặt Trăng của Ấn Độ tìm thấy lưu huỳnh trên bề mặt

Người Việt

August 31, 2023

https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/co-may-tham-hiem-mat-trang-cua-an-do-tim-thay-luu-huynh-tren-be-mat/

 

NEW DELHI, Ấn Độ (NV) – Phi thuyền thám hiểm Mặt Trăng của Ấn Độ đã xác nhận sự hiện diện của lưu huỳnh và phát giác một số nguyên tố khác gần Cực Nam trên đường tìm kiếm dấu hiệu của nước đóng băng một tuần sau khi thực hiện cuộc đổ bộ mang tính lịch sử, Cơ Quan Hàng Không Ấn Độ loan tin hôm Thứ Ba, 29 Tháng Tám, theo hãng thông tấn AP.

 

Dụng cụ quang phổ cảm ứng bằng tia laser của cỗ máy cũng đã thấy có nhôm, sắt, calcium, chromium, titanium, manganese, oxygen và silicon trên bề mặt Mặt Trăng, Tổ Chức Nghiên Cứu Vũ Trụ Ấn Độ (ISRO) cho biết trong một bài viết đăng tải trên trang mạng điện tử.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/08/TS-An-luu-huynh-mat-trang-1536x1024.jpg

Mọi người xem một buổi phát sóng trực tiếp khi phi thuyền Chandrayaan-3 hạ cánh thành công lên Mặt Trăng hôm 23 Tháng Tám. (Hình: Punit Paranjpe/AFP via Getty Images)

 

Cỗ máy thám hiểm Mặt Trăng đã đi xuống một đoạn đường dốc từ vị trí của phi thuyền mẹ sau khi hạ cánh gần Cực Nam hồi Thứ Tư tuần trước, 23 Tháng Tám. Dự kiến phi thuyền Chandrayan-3 sẽ thực hiện các cuộc thí nghiệm trong 14 ngày, cơ quan ISRO cho biết.

 

Cỗ máy thám hiểm “xác nhận rõ ràng có sự hiện diện của lưu huỳnh,” cơ quan ISRO nói. Phi thuyền này cũng đang tìm kiếm dấu hiệu của nước đóng băng nhằm hỗ trợ các phi hành gia trong sứ mệnh tương lai, như một nguồn nước uống tiềm năng hoặc sẽ được lấy làm nhiên liệu hỏa tiễn.

 

Con tàu cũng sẽ nghiên cứu bầu khí quyển và hoạt động địa chấn của Mặt Trăng, ông S. Somanath, chủ tịch ISRO, cho biết.

 

Hôm Thứ Hai, hành trình của cỗ máy thám hiểm đã được tái lập khi đến gần một miệng núi lửa rộng 13 foot (4 mét). “Giờ đây cỗ máy đã sẵn sàng cho chặng đường mới phía trước,” cơ quan ISRO nói.

 

Cỗ máy di chuyển với vận tốc chậm khoảng 4 inch/giây (10 centimeter/giây) để giảm chấn động và tình trạng hư hỏng do địa hình gồ ghề của Mặt Trăng.

 

Sau nỗ lực hạ cánh bất thành vào năm 2019, tuần vừa rồi đánh dấu sự tham gia của Ấn Độ với cương vị là quốc gia thứ tư cùng với Hoa Kỳ, Liên Xô và Trung Quốc, đạt được thành tựu này.

 

Sứ mệnh thành công cho thấy vị thế không ngừng gia tăng của Ấn Độ với tư cách là cường quốc kỹ nghệ và vũ trụ, đồng thời khớp với hình ảnh mà Thủ Tướng Narendra Modi đang cố gắng hướng tới: một quốc gia có uy thế khẳng định chỗ đứng trong giới ưu tú toàn cầu.

 

Sứ mệnh này khởi sự cách đây hơn một tháng với chi phí ước tính khoảng $75 triệu.

 

Thành tựu Ấn Độ đạt được chỉ xảy ra vài ngày sau khi Luna-25 của Nga, đưa Cực Nam Mặt Trăng vào tầm ngắm, xoay mòng mòng vào một quỹ đạo không kiểm soát được rồi bị rơi. Đáng lý ra đó là lần đổ bộ lên Mặt Trăng thành công đầu tiên sau khoảng thời gian 47 năm dài đằng đẵng. Người đứng đầu tập đoàn vũ trụ quốc doanh Roscosmos cho rằng thất bại là do thiếu tinh thông vì khoảng thời gian đóng cửa nghiên cứu Mặt Trăng kéo dài sau sứ mạng Liên Xô cuối cùng vào năm 1976.

 

Mẫn cán từ thập niên 1960, Ấn Độ đã tự lực phóng các vệ tinh cho chính họ và cho các quốc gia khác, và đã thành công khi đưa được một vệ tinh vào quỹ đạo quanh Hỏa Tinh vào năm 2014. Ấn độ đang lên kế hoạch cho sứ mệnh thẳng tiến Trạm Vũ Trụ Quốc Tế ISS lần đầu tiên vào năm sau, hợp tác với Hoa Kỳ. (TTHN)





No comments:

Post a Comment

View My Stats