Monday, 4 September 2023

BIDEN THĂM VIỆT NAM : HY VỌNG GÌ? (Huỳnh Hoa / Saigon Nhỏ)

 



Biden thăm Việt Nam: Hy vọng gì?

Huỳnh Hoa  -  Saigon Nhỏ

3 tháng 9, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/biden-tham-viet-nam-hy-vong-gi/

 

Quan hệ Việt - Mỹ sẽ như thế nào sau chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Joe Biden?

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/GettyImages-479793618.jpg

TBT Nguyễn Phú Trọng được Tổng thống Obama đón tiếp và hội đàm tại Tòa Bạch Ốc tháng 7-2015. Nay ông Trọng mời Tổng thống Biden thăm Hà Nội, bàn về nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ. Ảnh Martin H. Simon-Pool/Getty Images

 

                                                                  *

 

Trước chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Joe Biden vào ngày 10 Tháng Chín sắp tới, vấn đề quan hệ Việt-Mỹ lại được bàn tán rất sôi nổi, đặc biệt trên truyền thông của người Việt hải ngoại. Các bình luận gia đưa ra nhiều phỏng đoán, phần lớn rất lạc quan về một giai đoạn mới trong quan hệ Việt – Mỹ, theo đó Mỹ sẽ trở thành “đối tác chiến lược toàn diện” (comprehensive strategic partnership) của Việt Nam ngang hàng với Trung Quốc và Nga; Việt Nam sẽ được Mỹ bảo vệ chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc; tình trạng tự do và nhân quyền của Việt Nam sẽ được cải thiện, vân vân…

 

Những lời phỏng đoán này dường như bắt đầu từ một tiết lộ của chính ông Biden cuối tháng trước. Hôm 28 Tháng Bảy, trong cuộc vận động tranh cử ở Freeport, bang Maine, ông Biden nói ông nhận được điện thoại của “người đứng đầu” Việt Nam, “hết sức mong muốn” gặp ông trên đường ông đi dự hội nghị G20 tại Ấn Độ và “muốn nâng Hoa Kỳ thành một đối tác quan trọng ngang hàng với Nga và Trung Quốc”.

 

Thực ra khi ấy Biden chỉ nhắc tới Việt Nam thoáng qua khi trình bày chiến lược ngoại giao của chính phủ Hoa Kỳ mà không chủ tâm nói về mối quan hệ giữa hai nước. Để hiểu hiện trạng của mối quan hệ đó cần xem lại quy chế về ngoại giao của chính phủ Hà Nội: Việt Nam sắp xếp quan hệ với thế giới thành nhiều cấp cao thấp khác nhau và đối xử tương ứng với từng cấp. Quan hệ với Trung Quốc nằm ở mức cao nhất, là “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện,” cộng với phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt; với Nga, Ấn Độ và Nam Hàn là “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện;” ở cấp thấp hơn có “quan hệ đối tác chiến lược” với Nhật Bản và 12 quốc gia khác; quan hệ với Hoa Kỳ nằm ở cấp thấp nhất, là “quan hệ đối tác toàn diện,” ngang với Myanmar hoặc Venezuela.

 

 

Nâng cấp tới mức nào?

 

Quan hệ Việt-Mỹ được trở lại bình thường năm 1995 dưới thời Tổng thống Bill Clinton, sau đó được nâng lên thành “quan hệ đối tác toàn diện” trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama năm 2013 và giữ nguyên trạng thái đó cho đến nay. Gần đây Washington đã nhiều lần thúc đẩy Hà Nội nâng cấp quan hệ song phương nhưng Hà Nội đều tìm cách né tránh. Trong chuyến thăm Việt Nam tháng Tám năm 2021, tức chỉ nửa năm sau ngày nhậm chức, Phó Tổng thống Kamala Harris đã trực tiếp đề nghị các nhà lãnh đạo Việt Nam nâng cấp mối quan hệ nhưng không được Hà Nội đáp ứng. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhắc lại đề nghị đó hồi Tháng Ba vừa qua khi ông đến Việt Nam dự kỷ niệm 10 năm thiết lập “quan hệ đối tác toàn diện” và khởi công xây dựng trụ sở Đại sứ quán Hoa Kỳ, nhưng một lần nữa, Hà Nội không thẳng thắn từ chối mà cũng không nhiệt tình chấp nhận. Nhắc lại như vậy để thấy nâng cấp quan hệ song phương Việt – Mỹ là một vấn đề gai góc, hoàn toàn không dễ dàng.

 

Lời khẳng định quan hệ Việt-Mỹ sẽ được nâng lên cấp “đối tác chiến lược toàn diện” được báo The Washington Post nêu ra hôm 1 Tháng Chín. Tờ báo dẫn nguồn một quan chức cao cấp trong chính quyền Biden và hai người am hiểu vấn đề ở Hà Nội cho biết: “Việc thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” sẽ trao cho Mỹ một vị thế ngoại giao mà cho đến nay Việt Nam chỉ dành cho một vài nước khác: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Nam Hàn”. Nhà nghiên cứu Việt Nam Alexander Vuving thuộc Trung tâm Đông Tây ở Honolulu, viết trên mạng X (Twitter) rằng Việt Nam sẽ đồng ý “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, sẽ được Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí Thư đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng công bố vào cuối tuần tới tại Hà Nội”. 

 

Chúng tôi không nghĩ quan hệ Việt – Mỹ sẽ có bước nhảy vọt đột ngột từ “đối tác toàn diện” hiện nay lên “đối tác chiến lược toàn diện”, bỏ qua cấp “đối tác chiến lược” như các lời khẳng định vừa kể mà giỏi lắm chỉ nâng một cấp, theo đó quan hệ Việt-Mỹ sẽ là quan hệ “đối tác chiến lược” như quan hệ Việt – Nhật.

 

Thông cáo của Tòa Bạch Ốc về chuyến công du của Tổng thống Biden cũng không đề cập tới tên gọi của mối quan hệ. “Trong thời gian ở Hà Nội, Tổng thống Biden sẽ gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các nhà lãnh đạo chủ chốt khác để thảo luận các phương cách làm sâu sắc thêm sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Các nhà lãnh đạo sẽ tìm hiểu những cơ hội thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam tập trung vào công nghệ và được thúc đẩy bởi sự sáng tạo, mở rộng giao lưu nhân dân thông qua trao đổi về giáo dục và các chương trình phát triển nguồn nhân lực, chống biến đổi khí hậu, tăng cường hòa bình, thịnh vượng và ổn định trong khu vực”, thông cáo chỉ vắn tắt như thế.

 

 

Lợi ích cho ai?

 

Cho dù nâng cấp quan hệ lên mức nào thì điều đó cũng mang lại lợi ích cho cả Mỹ và Việt Nam. 

 

Trong cuộc cạnh tranh địa chính trị hiện nay với Trung Quốc, chính quyền Biden nỗ lực tối đa để xây dựng mạng lưới đối tác và đồng minh ở châu Á. Vài năm gần đây Washington coi Hà Nội là đối tác không thể thiếu trong việc thực hiện chiến lược Châu Á-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, muốn Việt Nam, nếu chưa là đồng minh của Mỹ như Philippines, Nhật hoặc Nam Hàn thì cũng phải thoát dần ra khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc. 

 

Trong chiến lược “giảm rủi ro” (de-risk) cho các hoạt động kinh tế-thương mại, Mỹ cũng muốn Việt Nam đóng vai trò tích cực hơn trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Cho đến nay, Việt Nam nằm trong số ít quốc gia ký kết tham gia Khung Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương Vì Sự Thịnh Vượng (IPEF) do chính quyền Biden đề xướng, tập trung vào những vấn đề như phối hợp trong chuỗi cung ứng, kiểm soát xuất khẩu và tiêu chuẩn cho trí tuệ nhân tạo… Những đề nghị giúp Việt Nam phát triển nguồn nhân lực, tăng trưởng kinh tế dựa vào công nghệ và sáng tạo mà ông Biden sắp đưa ra ở Hà Nội không chỉ đem lại lợi ích cho Việt Nam mà còn nằm khuôn khổ IPEF, trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực.

 

Nhưng Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất khi mối quan hệ được nâng cấp. Mỹ nhiều năm nay là thị trường tiêu thụ nhiều nhất hàng hóa xuất cảng của Việt Nam và thặng dư thu được từ Mỹ giúp Hà Nội bù đắp khoản thâm hụt trong buôn bán với Trung Quốc, cân bằng được cán cân thương mại. Quan hệ đối tác với Mỹ cũng giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn với thế giới dân chủ, với các định chế quốc tế. Người Việt, cả trong và ngoài nước, hầu hết đều cho rằng, Việt Nam nhất thiết phải siết chặt quan hệ với Mỹ, bây giờ đã là quá muộn màng và nhiều cơ hội đã bị bỏ lỡ.

 

 

Nỗi sợ hãi sâu kín

 

Tuy vậy, hàng ngũ lãnh đạo chóp bu của đảng Cộng sản Việt Nam vẫn “đi hàng hai”, không muốn nâng cấp quan hệ với Mỹ lên ngang với quan hệ Việt-Trung, Việt-Nga, vì nhiều lý do. Đảng Cộng sản Việt Nam một mặt vẫn không tin tưởng người Mỹ, lo sợ “diễn biến hòa bình” dẫn tới sự sụp đổ của chế độ toàn trị. “Theo Mỹ mất đảng” vẫn là một niềm tin, một nỗi sợ hãi sâu kín trong hàng ngũ lãnh đạo và đảng viên của đảng cầm quyền. Tưởng cần nhắc lại năm 2013, để nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ từ mức ngoại giao bình thường lên mức “đối tác toàn diện”, Tổng thống Obama đã phải công khai cam kết “Mỹ tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam và không làm gì để thay đổi điều đó”. Các giới chức cao cấp nhất của ngoại giao Mỹ hiện nay vẫn luôn nhắc lại rằng Mỹ không buộc Việt Nam phải chọn phe mà chỉ muốn Hà Nội tự do lựa chọn giải pháp phù hợp với quyền lợi của mình, với ý nguyện của người dân, phù hợp với luật pháp quốc tế.

 

Mặt khác, Việt Nam bị ràng buộc nặng nề với Trung Quốc cả về ý thức hệ, mô hình thể chế lẫn phụ thuộc sâu sắc về kinh tế. Kinh tế Việt Nam sẽ nhanh chóng sụp đổ nếu Bắc Kinh ngăn chặn xuất cảng linh kiện, phụ tùng và hàng hóa sang Việt Nam hoặc ngăn chặn nhập cảng nông sản Việt Nam như thỉnh thoảng họ vẫn làm mỗi khi cần gây sức ép với Hà Nội. Giới lãnh đạo Việt Nam cũng lo sợ những đòn thù tinh vi và tàn độc của các đồng chí Bắc Kinh nếu tỏ dấu hiệu thân thiện hơn với Washington.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/GettyImages-479785348.jpg

Người Việt quốc gia biểu tình trước Tòa Bạch Ốc đòi tự do cho tù nhân chính trị và tôn giáo ở Việt Nam nhân sự kiện TBT Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ hội đàm với TT Obama ở Phòng Bầu dục ngày 7-7-2015. Ảnh Alex Wong/Getty Images

 

 

Việt Nam phải tìm chỗ dựa nhưng sẽ không “theo Mỹ”

 

Nếu có một sự thay đổi trong lập trường của Hà Nội, nâng cấp quan hệ với Mỹ lên “đối tác chiến lược” thì đâu là lý do chính? Có thể là sự chèn ép của Trung Quốc ngày càng nặng nề buộc Việt Nam phải tính tới chuyện tìm một chỗ dựa. Sự kiện Trung Quốc liên tục ngăn chặn các tập đoàn nước ngoài hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông, quấy nhiễu các giàn khoan, tấn công các ngư dân nhỏ bé và yếu đuối làm ăn ở các ngư trường truyền thống… đặt Hà Nội vào tình huống rất khó xử: vừa không thể cứng rắn với “đồng chí” Trung Quốc lại vừa không thể đàn áp nỗi phẫn nộ của dân chúng trong nước. 

 

Hôm 28 tháng Tám, Trung Quốc công bố “bản đồ tiêu chuẩn năm 2023” với đường lưỡi bò 10 đoạn bao trùm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hoặc cho tàu hải cảnh dùng vòi rồng tấn công một tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi đã khiến Việt Nam phải lên tiếng phản đối, mạnh mẽ hơn những lời “quan ngại” sáo rỗng vẫn nhắc đi nhắc lại từ trước tới nay. “Ngày 31 Tháng Tám, bà Phạm Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, khẳng định hành động của Trung Quốc là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của mình được xác định theo Công Ước của Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS),” báo Tuổi Trẻ trong nước tường thuật.

 

Rõ ràng, sự chèn ép liên tục của Trung Quốc và nguy cơ mất nước đã khiến đảng CSVN phải tính tới chuyện tìm một chỗ dựa về an ninh và kinh tế. Như lời của Tổng thống Biden phát biểu hôm 10 tháng Tám tại bang Utah thì Việt Nam cả Cambodia, đều muốn có quan hệ mật thiết hơn với Mỹ vì muốn chứng tỏ cho Trung Quốc biết rằng họ không đơn độc. Cuộc chiến tranh ở Ukraine làm cho những nhà lãnh đạo Hà Nội thấy họ không thể an tâm với tham vọng khó lường của các “đồng chí” Nga và Trung Quốc. Bản thân “hai ông anh lớn” tham lam và chuyên chế này cũng đang liêu xiêu trước một thế giới dân chủ ngày càng đoàn kết đối phó với các thế lực hiếu chiến.Việt Nam không thể lẽo đẽo đi theo Moscow và Bắc Kinh mà không biết khi nào các “đối tác chiến lược toàn diện” này sẽ thọc dao vào sườn của mình, như là chuyện đang xảy ra với Ukraine.

 

Tình trạng suy thoái nặng nề về kinh tế, thương mại của Việt Nam hiện nay cũng là yếu tố thúc đẩy Hà Nội phải thay đổi thái độ đối với Hoa Kỳ. Các nhà hoạch định chính sách của đảng CSVN biết rõ rằng kinh tế sẽ không thể phục hồi nếu không có sự hỗ trợ từ Mỹ và các đồng minh về vốn liếng, công nghệ và thị trường; tình trạng suy thoái hiện nay kéo dài thì sụp đổ là khó tránh khỏi.

 

Nhưng nếu từ sự kiện Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên mức đối tác chiến lược để suy luận rằng Hà Nội sẽ đứng cùng Washington chống lại ảnh hưởng kinh tế và quân sự của Bắc Kinh ở châu Á-Thái Bình Dương thì đó là một ý nghĩ quá lạc quan, xa thực tế.

 

Do những vấn đề lịch sử, ý thức hệ và mô hình thể chế, Việt Nam sẽ không bao giờ “theo Mỹ mất đảng”, mà chỉ lợi dụng sự nhân nhượng của Mỹ để thực hiện tham vọng riêng của giới lãnh đạo: duy trì sự cai trị độc tôn của đảng CS, phát triển kinh tế để xoa dịu sự phản kháng của người dân. Cũng đừng mong sau khi siết chặt quan hệ với Mỹ, Việt Nam sẽ ra mặt chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc; mối dây ràng buộc giữa hai đảng cộng sản, hai chế độ độc tài toàn trị đã có từ rất lâu và bền chặt hơn rất nhiều so với lợi ích quốc gia mà người dân Việt Nam đòi hỏi.

 

Người Mỹ sẽ rất ảo tưởng nếu nghĩ rằng với một mối quan hệ mật thiết hơn giữa hai nước, Việt Nam sẽ là tiền đồn ngăn chặn sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc. Việt Nam sẽ không bao giờ là một Nhật Bản, một Nam Hàn, một Philippines hay thậm chí là một Singapore trong chiến lược châu Á của Mỹ. Quan hệ “chung vận mệnh” với Trung Quốc và đường lối quân sự “bốn không” của Việt Nam bảo đảm cho Hà Nội luôn luôn nằm trong quỹ đạo ảnh hưởng của Bắc Kinh chừng nào đảng CSVN còn “muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ”. Quan hệ Việt – Mỹ được nâng cấp lên hàng “đối tác chiến lược”, thậm chí “đối tác chiến lược toàn diện” cũng không làm thay đổi điều đó.

 

 

Kỳ vọng gì cho dân chủ, nhân quyền?

 

Các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam hy vọng, chuyến thăm của Tổng thống Biden và việc nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ sẽ giúp cho xã hội Việt Nam dân chủ hơn, người dân có nhiều tự do hơn và nhân quyền được tôn trọng. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”; “đi với Bụt mặc áo cà sa” thì Việt Nam sẽ thay đổi theo hướng tiến bộ khi làm bạn với Hoa Kỳ. Có đến 40 tổ chức xã hội gửi thư cho Tổng thống Biden, yêu cầu ông đặt vấn đề cải thiện nhân quyền, thực thi tự do tôn giáo và phóng thích tù nhân lương tâm khi làm việc với các nhà lãnh đạo đảng CSVN ở Hà Nội.

 

Niềm hy vọng này có phần giống với niềm tin của giới trí thức phương Tây khi giúp Trung Quốc phát triển kinh tế và hội nhập toàn cầu mấy chục năm trước. Họ tin Trung Quốc mở cửa với thế giới, trở nên giàu có thì sẽ trở thành một nước dân chủ. Niềm tin đó đã vỡ vụn trước thực tế tàn bạo dưới sự cai trị của đảng CS Trung Quốc: người dân Hoa Lục đã giàu có hơn rất nhiều nhưng tự do và nhân quyền vẫn hoàn toàn vắng bóng.

 

Ở Việt Nam cũng vậy. So với thời các thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Việt Nam hiện nay đã hội nhập khá sâu rộng với thế giới về kinh tế và một số thành phần dân chúng đã giàu có hơn. Nhưng xã hội Việt Nam hiện nay còn ngột ngạt hơn trước, tham nhũng tràn lan và cái bóng của chế độ công an trị đè nặng lên số phận của mỗi người dân, ai cũng nơm nớp lo sợ, cẩn trọng từng lời ăn tiếng nói. Mười năm quan hệ “đối tác toàn diện” với Mỹ, tình trạng tự do và nhân quyền của Việt Nam chẳng những không được cải thiện mà còn suy thoái thêm. Liệu có thể hy vọng một sự nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ sẽ giúp dân chủ hóa, tự do hóa đất nước?

 

Thực tế chính trị thế giới cho thấy, các thể chế độc tài ít khi thay đổi do sức ép bên ngoài mà tự sụp đổ do mâu thuẫn từ bên trong. Dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam chỉ có thể trông mong vào cuộc đấu tranh của người dân trong nước và là một tiến trình lâu dài, gian khổ; quan hệ mật thiết hơn với Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ khác không thể làm thay đổi hiện trạng trong một sớm một chiều.

 

Nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ, lên mức đối tác chiến lược hoặc cao hơn nữa, rõ ràng là có lợi lớn cho Việt Nam trong tiến trình hội nhập với thế giới văn minh và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Việt Nam cũng cần siết chặt quan hệ với Mỹ – ngang với Nga và Trung Quốc – để chứng tỏ Hà Nội có một đường lối đối ngoại độc lập và cân bằng và có đối trọng để chống lại những áp lực không mong muốn từ Trung Quốc.

 

Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về các vấn đề Việt Nam của Học viện Quốc phòng Hoàng gia Úc, nhận định: “Việc nâng cấp [quan hệ Việt-Mỹ] nếu muốn thực hiện thì phải thực hiện ngay bây giờ hoặc không bao giờ.” Chúng tôi nghĩ rằng, bây giờ đã là quá muộn nhưng cũng không nên đặt nhiều kỳ vọng rằng sự nâng cấp đó sẽ mang lại nhiều thay đổi, nếu không muốn sớm thất vọng.

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats