Tuesday, 22 August 2023

TRUNG QUỐC : NƯỚC TRUNG GIAN HÒA GIẢI Ở TRUNG TÂM BÀN CỜ ĐỊA CHÍNH TRỊ THẾ GIỚI? (Thùy Dương / RFI)

 



Trung Quốc : Nước trung gian hòa giải ở trung tâm bàn cờ địa chính trị thế giới ?

Thùy Dương  –  RFI

Đăng ngày: 21/08/2023 – 11:07

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230821-trung-qu%E1%BB%91c-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-trung-gian-h%C3%B2a-gi%E1%BA%A3i-%E1%BB%9F-trung-t%C3%A2m-b%C3%A0n-c%E1%BB%9D-%C4%91%E1%BB%8Ba-ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi

Hồi tháng 03/2023, sau 7 năm gián đoạn quan hệ ngoại giao, Iran và Ả Rập Xê Út đã tái lập các quan hệ, qua trung gian của Trung Quốc. Không muốn dừng lại ở thành công này, Bắc Kinh tiếp tục sự năng động về ngoại giao trong nhiều hồ sơ khác.

https://s.rfi.fr/media/display/9ce084ca-10f6-11ee-b150-005056bfb2b6/w:980/p:16×9/AP23117375815770.webp

Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian (T), ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (G), và đồng nhiệm Ả Rập Xê Út Faisal bin Farhan Al Saud tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 06/04/2023. AP – Ding Lin

Cũng hồi đầu năm nay, Trung Quốc đã đề xuất « quan điểm về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraina ». Bắc Kinh hy vọng « đóng một vai trò mang tính xây dựng trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán ». Và hiện giờ, Trung Quốc mong muốn đóng một vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.

Trong bài viết « Phải chăng Trung Quốc là nước trung gian hòa giải ở trung tâm bàn cờ địa chính trị thế giới ? » đăng ngày 16/08/2023 trên trang mạng nghiên cứu The Conversation, tiến sĩ địa chính trị Lina Kennouche của Đại học Loraine, Pháp, nhận định hơn bao giờ hết Trung Quốc thể hiện là một cường quốc lưu tâm đến việc tái lập hòa bình và duy trì sự ổn định. RFI giới thiệu bài viết của tiến sĩ địa chính trị Lina Kennouche.

Theo nhà sử học Alfred McCoy, cách tiếp cận nói trên của Trung Quốc ngày càng thu hút các nước phương Nam (các nước đang phát triển) dường như bộc lộ sự biến chuyển sâu sắc trong cán cân quyền lực quốc tế : « Từ hơn 200 năm nay, các cuộc hòa đàm không chỉ giải quyết xung đột mà thường báo hiệu sự xuất hiện của một cường quốc mới của thế giới ở trung tâm (…) Từ cuộc gặp của Iran-Ả Rập Xê Út đến chuyến thăm của tổng thống Pháp Macron tới Bắc Kinh, chúng ta có thể đang quan sát thấy những dấu hiệu đầu tiên của sự thay đổi về chính trị quốc tế ».

Khi tìm cách khôi phục các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine, Trung Quốc đang muốn lấp khoảng trống và báo hiệu sự kết thúc thời kỳ của phương Tây, trong đó Hoa Kỳ đóng một vai trò quan trọng.

« Môi giới lừa đảo » và « môi giới trung thực »

Nếu Trung Quốc có thể giữ vị thế nhà trung gian hòa giải giữa Israel và Palestine, thì đó trên hết là vì Hoa Kỳ không còn thực sự đảm nhận được vai trò này. Đa phần các nhà phân tích đồng ý rằng Washington không phải là một « nhà môi giới trung thực ». Nhà sử học Rashid Khalidi, giám đốc khoa Trung Đông của Đại học Columbia, Mỹ, cho rằng Washington chưa bao giờ thực sự tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột giữa Palestine và Israel. Theo sử gia này, Mỹ, vốn dĩ không ngừng cam kết ủng hộ chính quyền Israel và hướng các cuộc thảo luận theo hướng có lợi cho Tel Aviv, đã không tạo ra bất kỳ triển vọng dàn xếp nào.

Nhà nghiên cứu người Mỹ Seth Anziska cũng có cùng quan điểm. Tìm hiểu về sự thất bại của tiến trình hòa bình cho Palestine, ông thấy rằng sự bất cân xứng sâu sắc giữa Israel và Palestine đã càng được các đời chính quyền Mỹ nối tiếp nhau củng cố. Nhà nghiên cứu Seth Anziska nhắc lại rằng Washington đã hậu thuẫn một cách vô điều kiện đồng minh Israel, thậm chí cho rằng việc Israel tiếp tục xây các khu định cư ở các vùng chiếm đóng của người Palestine không gây trở ngại cho việc ký kết một thỏa thuận hòa bình.

Các hiệp định Oslo I và II (năm 1993 và 1995) trong một thời gian đã tạo ra ảo tưởng dẫn đến việc thành lập một Nhà nước Palestine – điều chưa bao giờ được đề cập trong các văn bản – nhưng cuối cùng các hiệp định này cũng tan biến. Các công trình nghiên cứu học thuật nghiêm túc nhất đã chứng minh rằng tiến trình hòa bình chỉ là một ảo ảnh, dù cho phép thành lập một bộ máy Nhà nước Palestine trong chính quyền chiếm đóng, nhưng không bao giờ dẫn tới việc khai sinh ra một Nhà nước Palestine.

Tiến trình hòa bình bị đình trệ trong những năm 1990. Thất bại tồi tệ của thượng đỉnh Trại David (Mỹ) và việc tái khởi động hồi tháng 09/2000 phong trào nổi dậy Intifada đã làm mất mọi khả năng đạt được giải pháp cho cuộc xung đột. Trong giai đoạn này, việc Mỹ can dự, đứng về phía Israel đã giúp Israel duy trì ưu thế quân sự và bảo đảm cho Tel Aviv một ưu thế trong khu vực. Sự hỗ trợ của Washington được cụ thể hóa bằng viện trợ tài chính đáng kể và việc cung cấp vũ khí, điều này phản ánh tính bền vững của mối liên kết sống còn giữa Mỹ với đồng minh Israel.

Các nỗ lực khởi động lại các cuộc đàm phán đều kết thúc thất bại một cách có hệ thống do sự không khoan nhượng của Israel, vốn dĩ chưa bao giờ đồng ý có một thỏa hiệp nào dù là nhỏ nhất (từ chối chấm dứt việc chiếm đóng, từ chối thả tù nhân người Palestine, bác bỏ giải pháp hai Nhà nước). Bất chấp sự bế tắc mang tính cấu trúc này, Trung Quốc, nước tìm cách xóa bỏ uy thế toàn cầu của Mỹ, hy vọng làm hồi sinh một quá trình đã bị đình trệ kể từ năm 2014.

Palestine ủng hộ Bắc Kinh làm trung gian

Về hồ sơ Israel – Palestine, Bắc Kinh có hai lợi thế lớn. Một mặt, việc khởi động lại Sáng kiến H​òa bình Ả Rập 2002 sẽ được các nước Ả Rập hoan nghênh bởi họ ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ với Israel. Mặt khác, đề xuất hòa giải của Trung Quốc cũng nhận được phản hồi tích cực từ phía Palestine. Việc có đến 80% dân Palestine ủng hộ Trung Quốc đứng ra làm trung gian sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán giữa hai bên (60% số người được hỏi cho rằng Mỹ không phải là một nhà hòa giải đáng tin cậy).

Tháng 6 vừa qua, chủ tịch Palestine, được Bắc Kinh tiếp đón, đã kêu gọi Trung Quốc gây áp lực đối với Israel để tạo điều kiện tìm ra một giải pháp cho cuộc xung đột. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn chưa có đòn bẩy để đưa Israel đến bàn đàm phán.

.

Đối với Tel Aviv, Bắc Kinh chưa có tầm quan trọng như Washington

Bắc Kinh đã phát triển các quan hệ quân sự và thương mại chặt chẽ với Tel Aviv trong những thập kỷ qua. Năm 2017, thỏa thuận quan hệ đối tác toàn cầu đổi mới đã được đôi bên ký kết để tăng cường hợp tác trong mọi lĩnh vực, nhất là về công nghệ (492 trong tổng số 507 hiệp định thương mại song phương được ký kết từ năm 2002 đến 2022 là về công nghệ). Là đối tác thương mại lớn thứ ba của Israel, chỉ sau Liên Âu và Mỹ, Trung Quốc đầu tư vào xây dựng và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của Israel.

Tuy nhiên, Israel vẫn lưu tâm đến việc bảo đảm lợi ích cho Mỹ. Vào năm 2021, Trung Quốc đã lập một cổng soi hàng tự động ở cảng container Haifa, cảng lớn nhất của Israel. Mỹ lo ngại việc lắp đặt công nghệ giám sát của Trung Quốc có thể khiến Hạm đội Sáu của Hoa Kỳ bị theo dõi. Bất chấp những khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc, cuối cùng Israel đã chọn Ấn Độ.  

Đến năm 2022, các cơ quan an ninh Israel cũng đã tăng cường cuộc chiến chống gián điệp, nhắm tới các công ty Trung Quốc đang tìm cách tiếp cận công nghệ quân sự của Israel.

Tất cả những điều đó cho thấy Bắc Kinh có rất ít cơ may làm Israel thay đổi đường lối chính trị. Tháng 4 vừa qua, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng ngụ ý cho thấy là đối với Tel Aviv, Hoa Kỳ vẫn được xem là nhà trung gian hòa giải có giá trị duy nhất, thông qua phát biểu : « Chúng tôi tôn trọng Trung Quốc, chúng tôi hợp tác rất nhiều với họ. Nhưng chúng tôi cũng biết rằng chúng tôi có một liên minh cần thiết với Mỹ, người bạn lớn của chúng tôi ».

.

Một nỗ lực hòa giải trên hết mang tính chiến lược

Ngay cả khi các nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc không thành công, Bắc Kinh dẫu sao cũng vẫn quan tâm đến việc thúc đẩy Pax Sinica (nền hòa bình kiểu Trung Quốc). Trong chiến lược thách thức trật tự quốc tế của Mỹ, việc hợp tác với các nước Trung Đông là mối quan tâm hàng đầu của Bắc Kinh. Nhiều nước đã tự giải phóng khỏi sự giám hộ của Washington để bảo vệ lợi ích chủ quyền của họ. Tập Cận Bình muốn nâng Trung Quốc lên hàng cường quốc hàng đầu thế giới vào năm 2049 (năm đại lễ kỷ niệm 100 năm đảng Cộng Sản Trung Quốc lên nắm quyền) : điều này đồng nghĩa với việc Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát các vấn đề và các không gian cho đến nay vẫn dành cho Hoa Kỳ.

Nhà khoa học địa chính trị Nadeem Ahmed Moonakal nhận định : « Bắc Kinh tin tưởng vào ý tưởng đạt được hòa bình thông qua phát triển bằng cách tăng cường « nhận thức chung về an ninh ». Điều này khác với « nhận thức truyền thống về an ninh » do phương Tây dẫn dắt, tập trung vào việc tìm kiếm an ninh thông qua việc đánh bại kẻ thù và duy trì các liên minh quân sự độc quyền. »

Theo quan điểm nói trên, Bắc Kinh đã tăng cường quan hệ với các quốc gia trong khu vực thông qua các sáng kiến ​​ngoại giao (Thượng đỉnh Trung Quốc-Các nước Ả Rập hoặc Trung Quốc-Hội đồng các nước Ả Rập vùng Vịnh vào năm 2022) và các quan hệ đối tác chiến lược và thỏa thuận ghi nhớ cho các hoạt động kinh tế, chủ yếu thông qua các dự án đầu tư mang tên « Những con đường tơ lụa mới » (Sáng kiến ​​Một vành đai và Một con đường), đòn bẩy chính của chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.

Đào sâu quan hệ với các nước Trung Đông, Trung Quốc tìm cách đánh bại chiến lược ngăn chặn của Mỹ. Thông qua hành động, Bắc Kinh định hình lại quan hệ trong khu vực, dẫn đến việc thách thức ưu thế của Mỹ. Washington sẽ ngày càng khó dựa vào các cường quốc khu vực để duy trì trật tự quốc tế của Mỹ.

—————————–

Các nội dung liên quan

TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM

Xung đột Nga-Ukraina : Trung Quốc thực tâm hay chỉ « vờ » làm trung gian hòa giải ?

TRUNG QUỐC – AFGHANISTAN

Trung Quốc : Trung gian hòa giải ở Afghanistan ?

SCO- IRAN – TRUNG QUỐC

Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải : Hạt nhân Iran, Trung Quốc muốn làm trung gian

.




No comments:

Post a Comment

View My Stats