Wednesday, 30 August 2023

QUAN HỆ VIỆT - MỸ SẼ NÂNG CẤP LÊN "ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC TOÀN DIỆN" TRONG NĂM NAY? (Diễm Thi / RFA)

 



Quan hệ Việt Mỹ sẽ nâng cấp lên “đối tác chiến lược toàn diện” trong năm nay?

Diễm Thi, RFA
2023.08.30

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/will-vietnam-us-relations-jump-to-comprehensive-strategic-partnership-this-year-08302023110544.html

 

Theo thông báo chính thức từ tòa Bạch Ốc, Tổng thống Hoa Kỳ Joseph Biden sẽ tới Hà Nội vào ngày 10 tháng 9 năm 2023. Khi ở Hà Nội, Tổng thống Biden sẽ gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo chủ chốt khác để thảo luận các biện pháp tăng cường hơn nữa hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Diễm Thi phỏng vấn TS. Hà Hoàng Hợp, nhà quan sát chính trị quốc tế trước chuyến thăm này. 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/will-vietnam-us-relations-jump-to-comprehensive-strategic-partnership-this-year-08302023110544.html/@@images/e9b98b2a-dd2f-4840-9765-93322ed3c6d9.jpeg

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ tại Phnom Penh vào ngày 12 tháng 11 năm 2022.  (AFP)

 

.

Diễm Thi: Thưa tiến sĩ, truyền thông quốc tế suy đoán rằng chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joseph Biden vào ngày 10 tháng 9 năm 2023 có thể dẫn đến việc nâng cấp quan hệ song phương, nhảy vọt từ “đối tác toàn diện” để chuyển thẳng lên cấp độ “đối tác chiến lược toàn diện” mà có thể bỏ qua cấp độ “đối tác chiến lược”. Ông đánh giá sao về việc này?

TS. Hà Hoàng Hợp: Tôi tin rằng Tổng thống Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ cùng nhau tuyên bố nâng cấp quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam thành Đối tác Chiến lược Toàn diện trong chuyến thăm Việt Nam ngày 10 tháng 9 tới đây của Tổng thống Biden. Thực tế, quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ từ 10 năm qua đã ở mức độ đối tác chiến lược, có những khu vực còn cao hơn thế, ví dụ hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại, hợp tác quốc phòng – an ninh, đối thoại nhân quyền, tham vấn về chính trị.

Việt Nam và Hoa Kỳ đã vượt qua rất nhiều khó khăn sau để có được mối quan hệ tốt đẹp hiện nay. Hai nước đã vượt qua hậu quả chiến tranh dai dẳng trong quá khứ. Hai nước từng là kẻ thù trong chiến tranh Việt Nam, vết thương lòng người hai bên vẫn chưa lành lại, nhưng hai nước đã cố vượt qua sự khác biệt về chế độ chính trị. 

Việt Nam theo chủ nghĩa xã hội trong khi Mỹ theo chủ nghĩa tư bản. Hai bên đã cố gắng vượt qua những bất đồng và khác biệt về nhân quyền, dân chủ. Hai nước đã và đang tập trung vào lợi ích chung về thương mại, đầu tư, an ninh, giao lưu con người. Việt Nam cần Mỹ để cân bằng Trung Quốc. Mỹ cần Việt Nam để cư xử tích cực hơn với Trung Quốc. 

Việc tới đây khả năng cao Việt Nam và Hoa Kỳ cùng nhau tuyên bố nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược toàn diện là có cơ sở. Thực sự ra thì hai nước đã định xây dựng mối quan hệ này từ trước rồi, nhưng trong 10 năm qua có nhiều sự kiện xảy ra khiến nó chậm lại. Bây giờ cả hai bên đều thấy rằng cần phải đi đúng nhịp điệu của nó. Do đó, khả năng rất cao là hai nước sẽ tiến tới quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm tới đây của Tổng thống Hoa Kỳ.    

 

.

Diễm Thi: Xin ông giải thích kỹ hơn về sự khác nhau giữa “đối tác toàn diện”, “đối tác chiến lược” và “đối tác chiến lược toàn diện”.

TS. Hà Hoàng Hợp: Có thể nói đơn giản như sau. Đối tác toàn diện là mối quan hệ hợp tác sâu rộng giữa hai quốc gia trên nhiều lĩnh vực như chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân… Hai bên cùng có lợi ích và cam kết lâu dài với nhau. 

Đối tác chiến lược là đối tác quan trọng nhấn mạnh ở một số lĩnh vực then chốt liên quan đến chiến lược, lợi ích quốc gia của nhau. Ví dụ đối tác quốc phòng, đối tác chính trị - an ninh, năng lượng... 

Đối tác chiến lược toàn diện là mối quan hệ đối tác vừa sâu rộng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, vừa có tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển và lợi ích quốc gia của cả hai bên, xây dựng và củng cố niềm tin chiến lược giữa hai quốc gia. Đây là mối quan hệ đối tác thân thiện và tin cậy cao hơn hai mức đối tác kể trên. 

 

.

Diễm Thi: Việc Việt Nam đột nhiên nâng cấp quan hệ song phương như vậy có thể làm phật lòng Trung Quốc. Liệu Trung Quốc có động thái gì để “cảnh báo” Việt Nam trước chuyến thăm của ông Biden hay không, theo ông?

TS. Hà Hoàng Hợp: Trung Quốc có thể không được vui khi thấy quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ được làm sâu sắc và mở rộng, nhưng Trung Quốc cũng đã hiểu rằng quan hệ tốt Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ tốt cho Trung Quốc, giúp cho quan hệ Trung Quốc với Mỹ, với Việt Nam và các nước khác trở nên tốt hơn. Cho nên, để cho thế giới thấy Trung Quốc là một nước lớn, Trung Quốc rất nên kiềm chế các hoạt động chiến thuật vùng xám từ nay cho đến cuối năm 2023.
Trung Quốc có thể lo ngại mối quan hệ Mỹ - Việt Nam sẽ làm suy yếu ảnh hưởng của họ đối với Việt Nam. Từ đó Trung Quốc tăng cường các chính sách ngoại giao và kinh tế nhằm giữ vững ảnh hưởng đối với Việt Nam. Trung Quốc cũng sẽ tăng cường hợp tác quân sự, an ninh với các nước láng giềng Việt Nam để làm đối trọng ảnh hưởng của Mỹ. Điều này có thể làm gia tăng căng thẳng khu vực. 

Về kinh tế, Trung Quốc có thể sử dụng các biện pháp thương mại, đầu tư để gây sức ép lên Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Trung Quốc có thể tăng cường các hoạt động chiến thuật vùng xám ở Biển Đông, làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông. 

 

.

Diễm Thi: Thưa tiến sĩ, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện nếu có giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có lợi cho chính phủ Việt Nam và cho cả Đảng Cộng sản Việt Nam ra sao? 

TS.Hà Hoàng Hợp: Quan hệ đối tác chiến lược hoặc đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trước hết có lợi cho cả hai nước, lợi ích quốc gia của cả hai nước đều được củng cố và phát triển do hai nước cũng góp phần giữ ổn định và làm cho khu vực trở nên an toàn, thịnh vượng. Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác lớn hơn của Mỹ trong các lĩnh vực then chốt như kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực.

Việt Nam sẽ có thể mở rộng quy mô thị trường xuất khẩu hàng hóa và thu hút đầu tư của Mỹ vào Việt Nam, tạo động lực tăng trưởng kinh tế đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế khi có quan hệ đối tác chiến lược với siêu cường Mỹ; tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh giữa hai nước; giúp cân bằng quan hệ với các nước lớn khác, tạo thế đan xen chiến lược, tạo thế cân bằng động về chiến lược, tránh phụ thuộc nhiều vào một nước hay một nhóm nước.

Có một điểm rất quan trọng là Chính phủ Việt Nam thông qua tham vấn chính trị và đối thoại nhân quyền hàng năm với Hoa Kỳ để thúc đẩy thực thi các công ước, các cam kết về nhân quyền, tiếp tục tiến trình cải cách tư pháp gắn với các giá trị nhân quyền phổ quát, xây dựng một nền quản trị nhà nước minh bạch, hiệu quả và dân chủ hơn nữa. 

Lợi ích trực tiếp đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, trong tư thế đảng cầm quyền, từ quan hệ tốt với Hoa Kỳ, là đặt lợi ích quốc gia lên cao nhất, trong đó có chủ quyền quốc gia và an ninh con người. 

Trong tình hình quốc tế đang biến động rất nhanh và phức hợp, tôi hy vọng rằng Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục đổi mới, đi những bước đi chiến lược phù hợp với xu thế phát triển – dựa vào trí tuệ con người, vào công nghệ, vào đổi mới để tiến tới phồn thịnh và đủ mạnh để bảo vệ đất nước. Đấy là cái lợi lớn nhất đối với Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

.

Diễm Thi: Một khi Việt Nam và Hoa Kỳ tiến tới “đối tác chiến lược” hoặc “đối tác chiến lược toàn diện”, Việt Nam cần làm gì để Bắc Kinh không trả đũa hay trừng phạt về kinh tế, về Biển Đông…, thưa tiến sĩ? 

TS. Hà Hoàng Hợp: Việt Nam cần thể hiện rõ thiện chí hợp tác vì hòa bình và phát triển chung, đồng thời giữ vững độc lập, tự chủ trong đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa. Việt Nam có thể xem xét một số biện pháp sau: 

Thứ nhất, tiếp tục đối thoại cấp cao với Trung Quốc, giải thích rõ mục đích hợp tác với Mỹ không nhằm chống lại bất kỳ nước thứ ba nào. Thứ hai, tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc thông qua việc mở rộng thương mại, đầu tư, kết nối hạ tầng giữa hai nước. Điều này giúp thể hiện Việt Nam không có ý định cắt đứt hoặc giảm quan hệ kinh tế với Trung Quốc. 

Thứ ba, duy trì các cơ chế đối thoại, tham vấn chính trị, an ninh, quốc phòng với Trung Quốc ở cấp cao. Đồng thời, tăng cường hợp tác trên các vấn đề cùng quan tâm như an ninh khu vực, chống khủng bố, an ninh phi truyền thống… 

Thứ tư, thể hiện thiện chí bảo vệ hòa bình, ổn định ở Biển Đông, sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc về vấn đề này trên cơ sở luật pháp quốc tế. Thứ năm, chủ động đóng góp vào các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, để cùng duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển. 

 

.

Diễm Thi: Có thông tin cho rằng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến thăm Việt Nam trước chuyến thăm của Tổng thống Joseph Biden. Việc này có ảnh hưởng gì đến lịch trình của Tổng thống Hoa Kỳ đến Việt Nam không, thưa ông?

TS. Hà Hoàng Hợp: Theo tôi thì ông Tập Cận Bình sẽ không đến Việt Nam trước ngày 10 tháng 9. Và nếu có sang thì không ảnh hưởng gì đến cuộc gặp của Tổng thống Hoa Kỳ Joseph Biden và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, cũng như những dự tính của hai nước trong chuyến thăm này. 

 

.

Diễm Thi: Xin cảm ơn Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp đã dành thời gian cho RFA.

 

---------------------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

Cam kết của Mỹ với Đông Nam Á bị nghi ngờ khi Biden bỏ qua Hội nghị thượng đỉnh khu vực

 

Việt Nam cùng lúc nâng cấp quan hệ với Úc và Mỹ có làm Trung Quốc tức giận?

 

Hà Nội xích lại gần Washington và việc hoà giải với đồng bào gốc Việt

 

Việt Nam quan ngại gì khi miễn visa cho nhiều nước trừ Mỹ?

 

Quan hệ với Mỹ được nâng cấp có giúp cải thiện nhân quyền tại Việt Nam?

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats