Tuesday, 22 August 2023

NHỮNG BÓNG MÂY ĐEN BAO PHỦ NỀN KINH TẾ TRUNG QUỐC (Chi Phương / RFI)

 



Những bóng mây đen bao phủ nền kinh tế Trung Quốc

Chi Phương  –  RFI

Đăng ngày: 21/08/2023 – 15:44

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20230821-nh%E1%BB%AFng-b%C3%B3ng-m%C3%A2y-%C4%91en-bao-ph%E1%BB%A7-n%E1%BB%81n-kinh-t%E1%BA%BF-trung-qu%E1%BB%91c

Trung Quốc phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng chưa từng có, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt với cú nổ của quả bong bóng địa ốc, kinh tế bị chững lại một cách nghiêm trọng, là chủ đề được nhiều báo số ra hôm nay, 21/08/2023 quan tâm. 

https://s.rfi.fr/media/display/551d2dd4-4024-11ee-a5b9-005056a90284/w:980/p:16×9/2023-08-11T101303Z_869275285_RC2KL2AWL9TL_RTRMADP_3_CHINA-PROPERTY-DEBT%20%281%29.webp

Một công nhân nhìn lên tòa chung cư đang xây dựng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 11/08/2023 REUTERS – TINGSHU WANG

Nếu như Le Monde đặt câu hỏi « Liệu kinh tế Trung Quốc có trên bờ vực sụp đổ hay không? » thì Les Echos liệt kê những dấu hiệu tiêu cực đối với nền kinh tế Trung Quốc : nhu cầu nội địa cũng giảm, đồng nhân dân tệ bị sụt giá mạnh trước đồng đô la (khoảng 7,3 nhân dân tệ đổi 1 đô la, ở mức thấp nhất hôm 19/08). Tình trạng lạm phát gia tăng ở các nước phương Tây khiến xuất khẩu bị sụt giảm, chưa kể đến cuộc chiến kinh tế Mỹ-Trung với các hạn chế mà Mỹ áp đặt.

Nếu như Trung Quốc được gọi là « công xưởng của thế giới », sự phát triển, trên thực tế, một phần đến từ đầu tư công vào hạ tầng cơ sở vật chất và đầu tư tư nhân trong lĩnh vực địa ốc, như nhận định của Le Monde. Về phần mình, trong bài « Mây đen bao phủ nền kinh tế Trung Quốc », Les Echos cho biết, bất động sản là một trong những trụ cột lớn của nền kinh tế Trung Quốc, chiếm tới 25 % GDP và 20 % việc làm. Những khó khăn của các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này như Country Garden và Evergrande đã khiến hệ thống tài chính của Trung Quốc bị căng thẳng.

Ngoài ra, phải kể đến tập đoàn Zhongzhi, quản lý khối tài sản trị giá hơn 1000 tỷ nhân dân tệ, đã đầu tư vào nhiều dự án do những phục hồi vào năm ngoái. Tuy nhiên doanh nghiệp này đã đặt cược nhầm và hiện phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thanh khoản, không thể chi trả các nhà đầu tư, đã phải kêu gọi xin tái cấu trúc nợ vào cuối tháng Bảy vừa qua. Không chỉ các doanh nghiệp tư nhân, theo dữ liệu từ Bloomberg được Les Echos trích dẫn, 18 trong số 38 doanh nghiệp có vốn Nhà nước trong lĩnh vực này tại Hồng Kông và Hoa Lục đều đã tuyên bố lỗ vào quý trước, trong khi cách nay hai năm, con số này chỉ là hai doanh nghiệp.

Những vòng luẩn quẩn

Le Monde cho biết nhiều dự án bất động sản đã bị ngừng xây dựng vì thiếu nguồn vốn, do vậy một số đường dây vay tín dụng đặc biệt đã được mở ra để cho phép hoàn thiện các công trình này. Các doanh nghiệp Nhà nước đã buộc phải tiếp nhận lại các dự án bất động sản từ các doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn. Một vòng luẩn quẩn đã được tạo ra : giá nhà giảm, người dân đề phòng, các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về tài chính.

Các ngân hàng của Nhà nước Trung Quốc cũng đã buộc phải hành động, mua nhân dân tệ để bình ổn giá đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên một vòng luẩn quẩn khác là đồng nhân dân tệ giảm khiến các nhà đầu tư bỏ chạy, khi không còn nguồn đầu tư thì nhân dân tệ lại càng giảm. Vào tháng Bảy, nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát.

Theo nhật báo kinh tế Pháp, « có những thứ bị mục rữa trong triều đại của Tập Cận Bình ». Nền kinh tế Trung Quốc vốn khó có thể phục hồi ở mức trước đại dịch Covid-19, lại càng khó đạt được tăng trưởng ở mức 5 % vào năm nay. Xã luận của Les Echos thì đề cập đến cuộc khủng hoảng niềm tin tại các gia đình Trung Quốc. Khi các doanh nghiệp địa ốc phải đối mặt với một « kho nhà khổng lồ không bán được », thì các nhà đầu tư, đặc biệt là những người cao tuổi phải chịu tác động lớn nhất vì đó là khoản tiền tiết kiệm của họ.

Trung Quốc đang bước vào thời kỳ tăng trưởng chậm như vậy thì kinh tế thế giới sẽ bị tác động ra sao? Giới chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng mà Trung Quốc phải đối mặt chưa đến mức nghiêm trọng như cuộc khủng hoảng hồi năm 2008 mà có thể giống hơn với trường hợp năm 1991 ở Nhật Bản, khủng hoảng kinh tế khiến kinh tế bị chững lại trong một thời gian dài. Điều đáng lo ngại là rủi ro cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản lan sang lĩnh vực tài chính.

Tác động từ cuộc khủng hoảng ở Trung Quốc đối với thế giới chủ yếu là đến thị trường năng lượng và nguyên liệu thô. Trung Quốc tiêu thụ 56 % đồng của thế giới. Các đối tác kinh tế chính của Trung Quốc, như Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, cũng sẽ bị liên lụy. Hồi tháng Bảy, Đức đã đưa ra kế hoạch nhằm giảm thiểu những rủi ro từ Trung Quốc, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhưng điều này lại có hơi hướng chính trị nhiều hơn.

Giới chuyên gia dẫu sao vẫn cho rằng Trung Quốc có nguồn lực để giải quyết các khoản nợ đó, ví dụ như ngân hàng Trung ương tăng lãi suất, nhưng các biện pháp mà chính quyền đưa ra là chưa đủ, theo nhận định của Le Monde. Ngoài ra, Bắc Kinh còn tìm mọi cách để che đậy những khó khăn về kinh tế, ví dụ như ngừng công bố số liệu những người trẻ thất nghiệp. Tuy nhiên, Le Monde kết luận « dù tình hình kinh tế không mấy tích cực nhưng quyền lực của Tập Cận Bình không vì thế mà bị suy yếu ».

Linh kiện vũ khí của phương Tây được phát hiện trong vũ khí của Nga

Về chiến sự tại Ukraina, Le Monde quan tâm đến nguồn gốc các loại vũ khí mà Nga sử dụng với bài phóng sự được gửi về từ Ukraina có tựa đề « Tại Kiev, cuộc giải phẫu vũ khí của Nga tiết lộ những bí mật ». Các chuyên gia về chất nổ ở thủ đô Ukraina phân tích từng linh kiện trong drone hay tên lửa của Nga, được mang về từ chiến trường ở miền đông, để xác định nguồn gốc. Có những linh kiện được xác định là được sản xuất từ các doanh nghiệp của Áo, Hàn Quốc, Đài Loan và thậm chí là từ Hoa Kỳ, thông qua số seri và thương hiệu. Với những thông tin trên, cơ quan phụ trách điều tra này sẽ truyền thông tin cho chính quyền nước đó với hy vọng ngăn chặn các nhà sản xuất này chuyển giao linh kiện cho quân đội Nga.

Về phần mình, Les Echos quan tâm đến những người tị nạn Ukraina ở Đức, được xem như là một nguồn lực lao động đầy hứa hẹn. Trong số hơn 1 triệu người tị nạn đã đến Đức, đa số đều muốn ở lại và làm việc lâu dài tại nền kinh tế hàng đầu châu Âu. Tuy nhiên, những người tị nạn Ukraina, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, vẫn còn nhiều rào cản, đặc biệt là về ngôn ngữ để có thể tìm được việc phù hợp.

Le Figaro quan tâm đến tình hình tại Ba Lan, nơi tập trung đông đảo người tị nạn Ukraina và người nhập cư từ Belarus. Với cuộc khủng hoảng chính trị tại Belarus vào năm 2020, nhiều người phản đối sự lãnh đạo của tổng thống Alexandre Lukaschenko, đã lựa chọn rời khỏi đất nước và đến Ba Lan. Khi chiến tranh Ukraina nổ ra, ông Lukaschenko là đồng minh thân cận của Nga, những người nhập cư Belarus tại Ba Lan đã bị kỳ thị, không khác gì người Nga.

Theo một nghiên cứu được công bố vào năm ngoái, 31 % người Belarus sống tại Ba Lan đã bị kỳ thị, bị gây hấn. Nếu như những người Ba Lan đa số, tỏ ra cởi mở với những người Belarus chạy trốn khỏi chế độ hiện hành, chính quyền Ba Lan cũng hỗ trợ nhiều, về mặt hành chính cũng như tài chính, thì những kỳ thị đó đến từ cộng đồng hơn 2 triệu người tị nạn Ukraina ở Ba Lan. Một số người Ukraina bày tỏ khó có thể tin tưởng người Belarus vì « trách nhiệm cộng đồng », liên quan đến cuộc chiến mà Nga tiến hành ở Ukraina với sự hỗ trợ từ chế độ của Lukaschenko.

Nhân loại trước nguy cơ thiếu nước

Vấn đề về nắng nóng, khô hạn cũng bao trùm khắp các mặt báo lớn của Pháp. Libération quan tâm đến báo cáo của World Resources Institut về tình trạng thiếu nước, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 25 quốc gia, từ Trung Đông, Nam Á, cho đến các nước ở châu Âu, như Tây Ban Nha, Bỉ hay Pháp. Đến năm 2050, khi mà dân số thế giới có khả năng lên đến 10 tỷ người, nhu cầu về nước ngày càng gia tăng, trong khi quỹ nước ngày càng sụt giảm, đặc biệt là do biến đổi khí hậu, khô hạn, sông ngòi ở nhiều nơi cạn kiệt. Theo tổ chức tư vấn của Hoa Kỳ, để tránh cuộc khủng hoảng nước ngày càng trở nên nghiêm trọng, cần phải có hành động, hỗ trợ tài chính để quản lý nước tốt hơn, đặc biệt là sử dụng nước tưới tiêu trong nông nghiệp và công nghiệp.

Cũng về khí hậu, nhật báo thiên hữu Le Figaro chú ý đến hiện tượng « nóng muộn tại Pháp ». Trong những ngày cuối hè, vào cuối tuần qua, 28 tỉnh của Pháp trong tình trạng báo động vì nắng nóng, có nơi lên đến 40 độ C, hoặc thậm chí cao hơn. Nhiều lĩnh vực đã bị tác động, nhất là trong ngành điện, EDF đã tính đến việc giảm sản xuất điện tại hai nhà máy điện hạt nhân ở Bugey (Ain) và Tricastin (Drôme), miền trung nam nước Pháp, để tránh làm nước sông Rhône nóng thêm, vốn được dùng để làm mát các lò phàn ứng. Giới chuyên gia cho rằng hiện tượng trái đất bị hâm nóng ảnh hưởng đến tất cả các mùa trong năm, do vậy « mùa nóng sẽ kéo dài, bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn ».

Vì thời tiết nắng nóng, theo Les Echos, chính phủ Pháp cũng khẩn trương công bố danh sách các ngành công nghiệp phải « nỗ lực tiết kiệm nước ». Theo thông cáo của bộ Chuyển đổi Năng lượng Pháp, được công bố hôm nay, « tiết kiệm nước là đòn bẩy đầu tiên trong việc điều chỉnh cách quản lý nước trước tình trạng biến đổi khí hậu ». Theo đó, 12 trong số 50 khu công nghiệp trên toàn nước Pháp sẽ được Nhà nước hỗ trợ trong việc tiết kiệm nước, về mặt kỹ thuật cũng như tài chính. Danh sách nói trên chủ yếu liên quan đến các ngành công nghiệp nặng như luyện kim hoặc hóa dầu, lọc dầu.

Nạn buôn ma túy xuyên lục địa

Về thời sự quốc tế, cả Libération và Le Monde đều quan tâm đến nạn buôn ma túy. Với tựa « Cocain, Đại Tây Dương, vùng biển của các trận chiến », cuộc điều tra của Libération đề cập đến các chiến dịch phá vỡ các kế hoạch vận chuyển ma túy qua đường biển. Các phương thức vận chuyển hàng cấm liên tục được đổi mới để băng châu Đại Dương, ngăn cách châu Mỹ la tinh với châu Âu. Theo Libération, lực lượng hải quan của châu Âu hiện đang phải đối mặt với “cơn sóng thần cocain”, càn quét các bờ biển, ví dụ như vụ bắt giữ hơn 100 tấn cocain tại cảng Antwerp, Bỉ, vào năm 2022. Bảy quốc gia châu Âu (gồm Pháp, Ireland, Ý, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh trước Brexit), đã ký một hiệp ước vào năm 2007 để phối hợp cùng nhau đối phó triệt phá các đường dây buôn ma túy xuyên lục địa.

Hiện nay, ngày càng xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất ma túy ngay tại châu Âu, các sản phẩm ngày càng được tinh chế, mạnh hơn và dễ tiêu thụ hơn. Theo chuyên gia Laurent Laniel, được Libération trích dẫn, các đường dây sản xuất, buôn ma túy thường đi kèm với bạo lực, tham nhũng. « Những kẻ buôn ma túy là những nhà kinh doanh tư bản, liên tục thích ứng với thị trường, công nghệ mới, cùng với việc cung cấp dịch vụ theo nhu cầu của người tiêu dùng ».

Mục quốc tế của Le Monde cũng quan tâm đến chủ đề ma túy, cụ thể là ở Cộng hòa Ecuador. Đất nước phải chịu nhiều thiệt hại do tệ nạn ma túy từ 5 năm qua đang chuẩn bị bầu ra tổng thống mới, mà vòng bầu cử đầu tiên diễn ra vào Chủ Nhật vừa qua. Trước đó gần 2 tuần, ứng cử viên Fernando Villavicencio đã bị bắn chết, ngay sau buổi mít tinh vận động tranh cử hôm 09/08. Cảnh sát Ecuador nhanh chóng cáo buộc một nhóm sát nhân Colombia chịu trách nhiệm về vụ ám sát này. Chính quyền Ecuador cũng quy trách nhiệm cho các ông trùm, các nhóm tội phạm buôn ma túy về tình trạng bạo lực ở nước này. Không chỉ ông Villavicencio bị ám sát, mà nhiều chính trị gia khác cũng chịu chung số phận. Trong cuộc bầu cử địa phương hồi tháng Hai, 29 ứng viên tranh cử đã bị sát hại. Theo Le Monde, Ecuador bị mắc kẹt ở giữa các quốc gia sản xuất cocain lớn nhất thế giới như Colombia và Peru, quốc gia này không sản xuất mà chủ yếu là nước rửa tiền và quá cảnh ma túy đến Bắc Mỹ và châu Âu.

——————————-

Các nội dung liên quan

ĐIỂM BÁO

Trung Quốc : Khủng hoảng địa ốc lan sang khủng hoảng tài chánh

TRUNG QUỐC – THÂT NGHIỆP

Trung Quốc ngừng công bố tỉ lệ thất nghiệp của giới trẻ

BẤT ĐỘNG SẢN

Tập đoàn bất động sản Trung Quốc Evergrande tuyên bố phá sản ở Mỹ

.

.




No comments:

Post a Comment

View My Stats