'
The Economist
Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch
https://nghiencuuquocte.org/2023/08/01/the-gioi-hom-nay-01-08-2023/
Chính quyền quân sự sau đảo chính của Niger đã bắt giữ một số
chính trị gia cấp cao của chính phủ dân sự. Trước đó, phát ngôn viên của quân đội
cáo buộc Pháp lên kế hoạch giải cứu tổng thống Mohamed Bazoum đang bị quân đội
giam giữ. Pháp, cường quốc từng là ông chủ thực dân ở Niger, từng triển khai
1.500 binh sĩ ở Niger để giúp nước này chống lại các phần tử thánh chiến. Hôm
Chủ nhật, Cộng đồng Kinh tế Các Quốc gia Tây Phi đã đe dọa “sử dụng vũ lực” đối
với quân đội Niger.
Nền kinh tế khu vực đồng euro tăng trưởng 0,3% trong quý hai.
Tăng trưởng tốt ở Pháp và Tây Ban Nha trở thành đầu kéo trong khi nền kinh tế lớn
nhất khối là Đức đứng yên. Tuy nhiên lạm phát vẫn là một mối lo ngại cho Ngân
hàng Trung ương châu Âu. Lạm phát cốt lõi, tức không tính giá thực phẩm và năng
lượng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, không đổi so với tháng 6.
Hoạt động nhà máy ở Trung Quốc giảm tháng thứ tư liên tiếp trong
tháng 7 vì nhu cầu trong nước và toàn cầu yếu. Chỉ số quản lý mua hàng sản xuất
chính thức tăng lên 49,3 từ 49,0 của tháng 6, nhưng vẫn dưới ngưỡng 50 điểm.
Các quan chức Trung Quốc đã mô tả quá trình phục hồi kinh tế của đất nước là
“khúc khuỷu” và hứa hẹn các biện pháp “chính xác và mạnh mẽ” để thúc đẩy tăng
trưởng.
Riad Salameh từ chức giám đốc ngân hàng trung ương của Lebanon
sau 30 năm tại vị. Từng được ca ngợi vì giúp khôi phục ổn định kinh tế sau cuộc
nội chiến của đất nước, ông Salameh sau đó lại trở thành người tổ chức một
chương trình rót tiền gửi ngân hàng của người dân vào ngân sách chính phủ, vốn
được ví như một vụ lừa đảo kiểu Ponzi. Ông mắc vào nhiều cáo buộc tham nhũng và
rửa tiền ở Lebanon cũng như nhiều nước trên khắp châu Âu.
Thủ tướng Úc Anthony Albanese nói ông có thể tổ chức một cuộc bầu
cử sớm nếu chính phủ của ông không thể thông qua dự luật nhà ở trị giá 10 tỷ đô
la Úc (6,7 tỷ đô la). Hồi tháng 6, các đảng đối lập ở thượng viện đã chặn dự luật
rót 500 triệu đô la Úc hàng năm để xây dựng nhà ở xã hội; nếu họ tiếp tục làm vậy,
ông Albanese có thể sẽ giải tán quốc hội.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết chính phủ ông sẽ cấp hơn một
trăm giấy phép mới để khoan dầu khí ở Biển Bắc. Ông Sunak tuyên bố các dự án mới
giúp nước Anh độc lập hơn về năng lượng. Ông cũng công bố việc xây dựng hai nhà
máy thu hồi và lưu trữ carbon mới, trong nỗ lực hướng tới một nền kinh tế trung
hoà carbon vào năm 2050.
Các tướng lĩnh Myanmar đã gia hạn thêm 6 tháng cho tình trạng khẩn
cấp có từ vụ đảo chính năm 2021. Do đó, họ cũng sẽ trì hoãn luôn các cuộc bầu cử
theo lịch. Myanmar rơi vào nội chiến hai năm trước, sau khi quân đội phế truất
chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi, người hiện đang ngồi tù vì những cáo
buộc nguỵ tạo.
Con số trong ngày: 30%, là tỷ lệ ngân sách viện
trợ nước ngoài của Anh được chi tiêu trong nước, chủ yếu là tiền khách sạn cho
những người xin tị nạn.
TIÊU ĐIỂM
Liệu Úc có tăng lãi suất?
Có nhiều lý do để ngân hàng trung ương Úc giữ nguyên lãi suất trong
tháng thứ hai liên tiếp khi họp vào thứ Ba. Lạm phát đang giảm dần xuống còn 6%
trong tháng 6 so với mức đỉnh 7,8% của tháng 12, trong khi nền kinh tế chậm lại
vì chi tiêu tiêu dùng giảm. Người Úc đang bắt đầu cảm thấy áp lực. Cho tới nay
thế chấp có lãi suất cố định đã bảo vệ nhiều người khỏi tác động của lãi suất
tăng, nhưng gần 900.000 khoản vay mua nhà sẽ hết hạn trong năm nay, khiến những
người vay thế chấp phải trả nợ cao hơn.
Những điều kiện như vậy khiến người ta cho rằng chu kỳ thắt chặt của
Ngân hàng Dự trữ Úc đã kết thúc. Nhưng nhiều nhà kinh tế tin sẽ có thêm một lần
tăng nữa. Họ dự đoán lãi suất sẽ được nâng lên 4,35% (từ 4,1%). Mặc dù có hạ
nhiệt gần đây, lạm phát vẫn cao hơn gấp đôi so với mục tiêu 2-3%. Cũng như ở Mỹ
và châu Âu, nơi các ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất vào tuần trước, ngân
hàng trung ương của Úc có thể sẽ muốn làm tới cùng với lạm phát.
Nạn lao động trẻ em tăng ở Mỹ
Nếu đến một bể bơi hay cửa hàng kem của Mỹ, bạn sẽ dễ dàng thấy một thiếu
niên ở quầy cứu hộ hoặc thùng kem. Những công việc mùa hè như vậy là hoàn toàn
hợp pháp. Từ 14 tuổi, thanh thiếu niên có quyền làm một số công việc miễn là
không quá khung giờ quy định. Những việc khác, chẳng hạn như liên quan đến máy
xay thịt hay phục vụ rượu, đều bị cấm.
Nhưng các nhà tuyển dụng đôi khi cũng ngó lơ quy định. Trong mười tháng
qua, bộ lao động Mỹ đã phát hiện gần 4.500 thanh thiếu niên làm việc bất hợp
pháp, tăng 44% so với năm trước. Một số tiểu bang thậm chí còn đang nới lỏng
quy định.
Vào thứ Ba, Arkansas sẽ bỏ yêu cầu người dưới 16 tuổi phải xác minh tuổi
với cơ quan cấp bang trước khi được tuyển dụng. Thống đốc Cộng hòa của bang,
Sarah Huckabee Sanders, gọi tiêu chuẩn này là “nặng nề và lỗi thời”. Các nhà lập
pháp ở Minnesota thậm chí muốn cho phép thanh thiếu niên 16 tuổi làm việc tại
các công trường xây dựng. Hồi tháng Hai, một công ty dọn dẹp các nhà máy đóng
gói thịt ở hai bang này đã bị phạt vì sử dụng trái phép hơn 100 trẻ em. Một số
trẻ thậm chí bị bỏng hóa chất.
Pháp bỏ giới hạn tăng giá năng lượng
Người tiêu dùng Pháp được bảo vệ khá tốt khỏi giá năng lượng cao đã
hoành hành khắp châu Âu, nhờ chính phủ giới hạn mức tăng giá của hóa đơn năng
lượng hộ gia đình. Quyết định này cũng giúp kìm hãm lạm phát chung, vốn trong
tháng 7 đã giảm xuống còn 5%, tỷ lệ năm thấp nhất trong 16 tháng và dưới mức
trung bình của khu vực đồng euro. Nhưng từ thứ Ba, các hộ gia đình Pháp sẽ
không còn đặc quyền đó khi chính phủ bỏ trợ giá.
Giới hạn giá năng lượng đã tiêu tốn của nhà nước hàng tỷ euro. Vì vậy,
chính phủ đã rút dần các khoản trợ cấp có từ năm 2021, bao gồm cả hạn chế tăng
giá nhiên liệu động cơ. Động thái mới nhất sẽ cho phép hóa đơn tiền điện tăng
thêm 10%.
Mỗi khi mức trần được nâng lên, và các hộ gia đình đối mặt hóa đơn lớn
hơn, lại có thêm lo lắng về khả năng xảy ra bất ổn xã hội. Các chính trị gia nhận
thức sâu sắc rằng chính việc tăng thuế carbon đối với nhiên liệu đã châm ngòi
cho phong trào biểu tình gilets jaunes (áo khoác vàng) hồi năm 2018.
No comments:
Post a Comment