Saturday, 5 August 2023

SẮP VÀO NĂM HỌC MỚI QUỐC HỘI LẠI BÀN CHUYỆN BỘ GIÁO DỤC SOẠN THÊM BỘ SÁCH GIÁO KHOA (Quốc Phương, RFA)

 



Sắp vào năm học mới Quốc hội lại bàn chuyện Bộ Giáo dục soạn thêm bộ sách giáo khoa

Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
2023.08.04

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-parliament-discusses-new-school-books-08042023122228.html

 

Chỉ còn vài tuần nữa, hàng triệu học sinh ở Việt Nam sẽ bước vào năm học mới, tuy nhiên, theo dõi công luận và truyền thông mạng Việt Nam, dường như chủ trương về vấn đề sách giáo khoa vẫn còn chưa thống nhất, trong một số ban, ngành hữu quan ở Việt Nam, đặc biệt từ quan điểm trong nội bộ các cơ quan quyền lực của nước này như Quốc hội, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Trung ương Mặt trận Tổ Quốc.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-parliament-discusses-new-school-books-08042023122228.html/@@images/574f8d20-541d-4caa-8657-d384e1162f5f.jpeg

Học sinh Việt Nam tại một hội chợ sách ở Hà Nội năm 2015 (minh hoạ) .  AFP

 

Trước hết, trong một bức thư gửi đến Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Việt Nam, được giới quan sát quan tâm chủ đề giáo dục Việt Nam và chủ trương, chính sách đối với vấn đề sách giáo khoa chia sẻ từ đầu tuần này, mà RFA Tiếng Việt đọc được, tác giả thư, nhà khoa học, Tiến sĩ Tô Văn Trường viết:

 

Chiều 27/7/2023, tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội với Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông (GDPT), Đoàn giám sát có yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức biên soạn một bộ SGK. Đề nghị này đã gây ra những ý kiến trái chiều trong cuộc họp và trong dư luận, chủ yếu là không đồng tình. Đến Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cũng không hiểu đề nghị đó dựa trên những căn cứ nào."

 

Theo tường thuật của báo chí, tại cuộc họp, để giải thích cho đề xuất của Đoàn giám sát, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục (UBVHGD), đặt câu hỏi: “Nếu giao cho tất cả các lực lượng xã hội hóa, các tổ chức, cá nhân thì ai sẽ chịu trách nhiệm trong việc phát triển, cập nhật chương trình? Trách nhiệm của Nhà nước ở đâu?”.

 

Ông Vinh cho rằng: “Ở đây không chỉ trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT). Bộ GDĐT chỉ tổ chức còn như ở nhiều nước vẫn có hội đồng quốc gia chịu trách nhiệm về nội dung SGK. Không nhất thiết phải viết bộ SGK mới, cái quan trọng cuối cùng vẫn là Nhà nước phải có bản quyền về nội dung một bộ SGK và không tính tiền bản quyền về biên soạn SGK, còn các doanh nghiệp có thể khai thác nội dung đó để phát hành SGK, phục vụ cho người dân một cách tốt nhất.”.

 

Ông Vinh cũng nói: “Hiện, SGK chưa ban hành hết, vẫn còn một số lớp chưa xong. Giả sử nếu các đơn vị xuất bản SGK hiện nay gặp vấn đề gì đó thì cả nền GDPT của nước ta có dừng lại để chờ các nhà xuất bản khắc phục vấn đề của họ xong rồi làm tiếp không? Đoàn giám sát muốn nhấn mạnh trách nhiệm của Nhà nước đối với nền GDPT, luôn giữ trong tay phương án an toàn nhất, bảo đảm quyền lợi của học sinh, của người dân.” (Trích báo Thanh Niên, ngày 28/7/2023).

 

‘Bất đồng quan điểm’

 

Bức thư của Tiến sĩ Tô Văn Trường cũng chỉ ra lý do vì sao lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục (UBVHGD) của Quốc hội Việt Nam lại có ý tưởng trên, đồng thời ông Trường cũng cho biết về phản ứng của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo của Việt Nam ra sao, bức thư có đoạn:

 

Qua phát biểu của ông Chủ nhiệm UBVHGD, ai cũng hiểu mong muốn của ông là cần có một bộ SGK của Bộ GDĐT để giữ an toàn cho việc triển khai chương trình GDPT mới. Đây cũng chính là lý do mà Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội yêu cầu: “Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn.”

 

Tuy nhiên, trên thực tế, như báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại cuộc họp: 

 

“Thực hiện chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK, đến nay đã có nhiều tổ chức, cá nhân liên kết với nhiều nhà xuất bản có chức năng xuất bản SGK để tổ chức biên soạn, đề nghị thẩm định SGK. Mỗi môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình GDPT đã có nhiều SGK được phê duyệt đưa vào sử dụng, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình, SGK mới.”

 

Căn cứ thực tiễn triển khai SGK thực hiện chương trình GDPT mới, Quốc hội khoá XIV đã ban hành Nghị quyết 122/2020 quy định: 

 

“Khi thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó.”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-parliament-discusses-new-school-books-08042023122228.html/000_aph2002083004526.jpg/@@images/ab32b0c0-9d84-4fda-80b0-ae9377c8e951.jpeg

Học sinh và phụ huynh tìm sách giáo khoa cũ được bán trên đường phố ở Bắc Ninh trước đây (minh hoạ). AFP

 

 

‘Đừng quay lại độc quyền’

 

Trong ý kiến tại bức thư được cho là có tính chất phản biện của mình, Tiến sĩ Tô Văn Trường viết tiếp:

 

Về vấn đề này, tôi đã có bài viết Đừng quay lại “độc quyền” sách giáo khoa trên VietNamNet ngày 31/7.  Nay, xin có thêm ít dòng trao đổi về ý kiến của ông Chủ nhiệm UBVHGD. Trước hết, nói về trách nhiệm phát triển chương trình GDPT thì theo quy định tại khoản 3, Điều 31, Luật Giáo dục và điểm b, khoản 3, Điều 2, Nghị định 86/2022 của Chính phủ, đó là trách nhiệm của Bộ GDĐT. SGK chỉ là tài liệu dạy học, dù do Bộ GDĐT tổ chức biên soạn như đề nghị của Đoàn giám sát hay do các tổ chức, cá nhân khác biên soạn, cũng phải cập nhật chương trình GDPT, khi chương trình có sự phát triển (điều chỉnh).

 

Xã hội hoá biên soạn SGK không có nghĩa là Nhà nước buông bỏ vai trò quản lý. Luật Giáo dục và Nghị định 86 của Chính phủ đã có các quy định bảo đảm trách nhiệm của Nhà nước đối với phát triển giáo dục nói chung và việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK GDPT nói riêng.

 

Ở nước nào cũng vậy, trách nhiệm của Nhà nước là tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi cho người dân sinh sống, làm ăn, chứ không phải là ôm đồm, làm những việc không đúng chức năng quản lý nhà nước.

 

Trong lĩnh vực SGK, Nhà nước bảo đảm an toàn cho người dân và các nhà đầu tư bằng các biện pháp quản lý như ban hành chương trình làm căn cứ biên soạn SGK và thực hiện các hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá; thẩm định, phê duyệt SGK; quản lý giá SGK; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm,… theo quy định của pháp luật. Giữa lúc việc đổi mới chương trình, SGK đang đi đến chặng cuối mà Bộ GDĐT lại đứng ra làm một bộ SGK của Bộ” thì đó mới là giải pháp không an toàn, vừa rũ rối tình hình, vừa làm cho các nhà đầu tư giảm niềm tin vào một môi trường đầu tư thiếu ổn định.”

 

 

Phải nói là ‘cạn lời’

 

Ngay lập tức, trên mạng xã hội Việt Nam cũng đã có nhiều phản ứng xung quanh vấn đề ‘rối ren’ trong quan điểm, chủ trương về sách giáo khoa này, trong đó có quan điểm từ trong nội bộ cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một đoàn thể chính trị - xã hội quan trọng được cho là ‘cánh tay nối dài’ của Nhà nước và ĐCSVN trong cộng đồng, xã hội, mà một trong số phản ứng đó là ý kiến được công bố công khai trên trang mạng xã hội Facebook cá nhân của nhà giáo Thái Hạo mà RFA đọc được ngay trong đầu tháng 8/2023.

 

Trong một mục dòng trạng thái (status) có tựa đề “Những tù nhân của sách giáo khoa”, ông Thái Hạo viết:

 

Cho đến hôm nay, đã là năm thứ năm triển khai Chương trình Giáo dục Phổ thông mới của cuộc “Đổi mới căn bản toàn diện” thế mà nhà nước và dân tình vẫn còn đang cãi nhau những chuyện như “Bộ Giáo dục có nên biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa không?” thì phải nói là cạn lời.

 

Không những thế, trong Hội nghị góp ý kiến về triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông 2018” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 2/8/2023, ông GS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Dân chủ, Pháp luật của Ủy ban còn phát biểu "Không nên xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa mà Nhà nước nên đầu tư để có bộ sách giáo khoa chuẩn cho học sinh".

 

Ô, thế nào là “chuẩn”? Những bộ đã biên soạn và in cho học sinh học mấy năm nay không chuẩn” à, thế ai đã duyệt, ai đã cấp phép, ai đã cho in? Lấy gì để làm căn cứ cho một bộ sách do BGD biên soạn sẽ là “chuẩn” hơn? Rồi những bộ sách trước đây (như bộ 2000) là ai biên soạn, có chuẩn không mà lại phải thay?”

 

 

Trở lại vạch xuất phát?

 

Nhà giáo Thái Hạo cũng đề cập và so sánh vấn đề chính sách với sách giáo khoa hiện nay của Việt Nam so với thời Pháp thuộc ở đầu thế kỷ trước, cũng như với thời Việt Nam Cộng Hòa trước đây, và ông đặt vấn đề liệu đã có sự đòi quay trở lại với ‘vạch xuất phát’, bài viết trên FB của nhà giáo này viết tiếp:

 

"Thời Pháp thuộc, cái thời mà “chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào” (HCM) nhưng một ông giáo tiểu học nếu thích viết sách giáo khoa thì cứ việc viết, xong thì mang lên Nha học chính cho họ duyệt, ok” thì mang in rồi đưa ra cửa hàng mà bán. Ai cũng có thể viết, bao nhiêu bộ thì tùy, giáo viên và học sinh thích bộ nào thì mua bộ ấy về mà học mà dạy. Thời VNCH cũng thế, rồi các nước trên thế giới bây giờ đều thế cả.

 

Nhưng lạ thay, sau khi cả hệ thống chính trị vào cuộc” và hạ được cái quyết tâm lịch sử để đến được cái ngày xửa ngày xưa” đó, là “Một chương trình nhiều bộ sách”, thì nay người ta lại đòi quay về với vạch xuất phát: một bộ sách.

 

Cuộc “đổi mới” cứ càng làm càng đi thụt lùi. Vì bàn lùi. Từ chỗ “nhiều bộ sách”, rồi chốt năm bộ, cuối cùng thì quyết ba bộ; từ môn Lịch sử là tự chọn, đến khi chuẩn bị vào năm học mới thì “rầm rộ đấu tranh” để cuối cùng thành bắt buộc; từ tích hợp liên môn, giờ cũng đang la ó đòi trở lại đơn môn...

 

Có lẽ đúng, giáo dục VN là dành cho người VN, nên nó chỉ cần dùng một bộ sách thôi, như Kinh Thánh ấy, thi là tụng cho thuộc rồi vào mà chép lại, kiểu Tử viết...”, là ok. Suốt ngày kêu la rằng giáo dục xuống cấp, trị trệ, bó buộc, ngột ngạt, nào là nạn văn mẫu, nào là nạn đọc chép, nào là ghi nhớ máy móc, nào là nhồi nhét kiến thức v.v., nhưng thả ra một cái là “Em chã. Em chã”.

 

Các bộ ban ngành thì đầu voi đuôi chuột, hô “đổi mới” rõ to nhưng triển khai thì hình thức, qua loa, đại khái, lúng túng, bị động, tập huấn cưỡi ngựa xem hoa, trường ốc thiếu thốn đủ bề...; giáo viên và dân tình thì “ối dồi ôi, ai lại làm thế, biết thi làm sao, biết dạy làm sao. Em chã, em chã...”.

 

Cũng trong dịp này, RFA đọc được chia sẻ của một nhà khoa học, cựu Đại Biểu Quốc Hội Việt Nam, trong một số nhiệm kỳ trước đây, nêu quan điểm riêng về vấn đề sách giáo khoa và chủ trương, chính sách liên quan tại Việt Nam như được đề cập ở trên, ý kiến (xin không nêu danh tính này – PV) bình luận:

 

Liên quan đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo đứng ra làm một bộ SGK "của Bộ", thực tế, việc này theo tôi không đúng chức năng quản lý nhà nước của Bộ và đã không thực hiện được.

Quốc hội khoá trước đã ra Nghị quyết số 122 nêu rõ: Không chi ngân sách nhà nước làm SGK nữa, trừ trường hợp một môn học nào đó chưa có SGK được phê duyệt. Giáo sư Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng, cũng phản đối đề nghị này.

 

Vấn đề đặt ra theo tôi là bây giờ, mọi việc đang tiến triển bình thường, Bộ Giáo dục & Đào tạo đứng ra làm một bộ sách của Bộ (như các quan chức nào đó đặt vấn đề) thì sẽ làm rối tình hình, đẩy lùi xã hội hoá, quay trở lại tình trạng độc quyền.

 

Một số người trước đây tin theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, bỏ vốn, thế chấp cả nhà cửa để lập công ty, làm SGK. Bây giờ xoá bỏ xã hội hoá thì họ phá sản. Và điều đó sẽ khiến nhiều nhà đầu tư mất niềm tin vào môi trường đầu tư thiếu ổn định ở Việt Nam.”

 

Trở lại với bài viết trên trang Facebook cá nhân của nhà giáo Thái Hạo, kết thúc bài nêu quan điểm của mình, ông Thái Hạo, người vốn là một nhà thơ, nhà văn nghệ được nhiều người biết đến tại Việt Nam, mượn hình ảnh văn chương và thơ ca, phúng dụ viết thêm:

 

Loay hoay một hồi thì cái máng của ông lão đánh cá lại lờ mờ hiện ra trong sương mù. Thôi, thì cứ thế đi cho nó đậm đà bản sắc dân tộc. Bỗng nhớ mấy câu thơ, không biết của ai:

 

Con đường hàng tỉnh tôi đi

Ba mươi năm ấy có gì đổi thay

Vẫn là mái rạ tường xây

Ven đường vẫn một hàng cây xà cừ

Cái lão dong trâu đi bừa

Là con ông cụ ngày xưa đi cày”.”

 

Xem ra, chỉ còn vài tuần nữa là vào năm học mới 2023-2024, mà giáo dục Việt Nam, đặc biệt là chủ trương về sách giáo khoa trong nội bộ nhiều cơ quan của đảng, nhà nước Việt Nam vẫn còn chưa hoàn toàn thống nhất, nếu như không muốn nói là có phần khá rối ren’, như có ý kiến trong công luận đặt ra.

 

--------------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

Giá sách giáo khoa vẫn là gánh nặng cho phụ huynh

Đề xuất Bộ GD&ĐT độc quyền phát hành sách giáo khoa: trở lại vạch xuất phát?

Nhà nước định giá sách giáo khoa: Ma trận “lợi ích nhóm” của quan chức giáo dục?

Bộ trưởng giải thích giá sách giáo khoa cao vì giấy tốt: dân không đồng ý!

Sách Giáo khoa mới và đường hướng dạy người khi nào tương thích?





No comments:

Post a Comment

View My Stats