Saturday 5 August 2023

HÀ NỘI MUỐN "KHẮC XUẤT KHẮC NHẬP" ĐỂ XÓA QUẬN HOÀN KIẾM LỊCH SỬ? (Trần Quốc Quân / BBC News Tiếng Việt)

 



Hà Nội muốn “khắc xuất khắc nhập” để xóa quận Hoàn Kiếm lịch sử?

Trần Quốc Quân

Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Warsaw

5 tháng 8 2023, 16:41 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-66415423

 

Trong nhà tôi thì ba người: tôi, vợ và con gái sinh ra ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, và chỉ có con trai chào đời ở thủ đô Warsaw của Ba Lan. Tuổi thơ và thời học đại học, đi làm, tới năm 30 tuổi tôi sống ở quận "trái tim thủ đô" nước Việt Nam cho đến khi sang Ba Lan du học.

 

Trước tin ngày 12/7/2023 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025, tôi ngồi ở Ba Lan mà không khỏi băn khoăn.

 

Văn bản của QH nói qui định diện tích tối thiểu và dân số tối thiểu đặt Hoàn Kiếm vào thế thua mất rồi.

 

Vì họ nói diện tích tối thiểu cho huyện là 35 km2, mà quận Hoàn Kiếm chỉ rộng 5,347 km2, và dân số tối thiểu đối với cấp huyện là 150.000 người trong khi quận Hoàn Kiếm có 212.921 người, theo các số liệu chính thức.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/BECE/production/_130664884_hanoistreetlife.jpg

Quang cảnh một phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm

 

 Nhưng đối chiếu với qui định trên đây thì quận Hoàn Kiếm phải tăng diện tích lên hơn 6,5 lần. Nghĩa là địa danh quận Hoàn Kiếm sau khi sát nhập bao trùm lên cả 4 quận nội thành cũ là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa.

 

Cùng lúc, tôi thấy trong Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 có điều khoản quy định "về các trường hợp không bắt buộc phải sắp xếp lại đơn vị hành chính":

 

b) Có địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định và từ năm 1945 đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào;

 

c) Có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

 

Vậy mà ngày 31/07/2023, trong hội nghị trực tuyến toàn quốc về sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã, ông Trần Sỹ Thanh Chủ tịch thành phố Hà Nội đã nói rằng, quận Hoàn Kiếm là đơn vị cấp huyện duy nhất của thành phố thuộc diện phải sát nhập trong giai đoạn 2023-2025.

 

Câu chuyện Michelin Guide tới Việt Nam gắn danh hiệu cho các quán ăn

Phán quyết của phiên xử 'Chuyến bay giải cứu' có thuyết phục?

 

Cứ phải to mới đúng?

 

Có ý kiến cho rằng, quận Hoàn Kiếm quá nhỏ cần phải mở rộng theo qui định.

 

Nhưng tôi xin nêu vài ví dụ để thấy trên thực tế quận trung tâm thủ đô các nước không to và không đông. Quận 1 (Trung tâm) thủ đô Paris của Pháp có diện tích 5,59 km2 và dân số 100.196 người.

 

Quận Śródmieście (Trung tâm) thủ đô Ba Lan có diện tích 15,57 km2 và dân số 135.000 người. Không giống như các tỉnh và vùng ngoại ô, cơ quan hành chính ở khu vực trung tâm thủ đô Warszawa chỉ có đến cấp quận, không có cấp phường. Trung tâm tài chính quốc tế City of London chỉ có đúng một dặm vuông từ hàng trăm năm nay, nằm trong thủ đô London to rộng của Anh.

 

Nhà hát Opera Hà Nội: Ý kiến phản biện quanh dự án 'nhiều bất cập' - Bài 1

Về dự án chung cư cao cấp 58 Tây Hồ và chỉ đạo của TP Hà Nội

 

Hà Nội là đô thị lâu đời nhất đất nước, có bề dày lịch sử hàng nghìn năm. Mà phần cốt lõi, trung tâm là quận Hoàn Kiếm. Tên địa danh Hoàn Kiếm gắn liền với sự tích hào hùng của cây gươm thiêng, biểu tượng cho sức mạnh của dân tộc thời Lê chống giặc ngoại xâm và đuổi giặc thành công sau nhiều năm nhà Minh trực trị, ghép đất nước của người Việt vào thành một phần của TQ.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/E5DE/production/_130664885_lythaitostatue.jpg

Tượng đài Lý Thái Tổ gần hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội

 

Khi nói đến Hà Nội, người ta thường nhắc đến Phố Cổ Hà Nội với 36 phố phường. Cả Phố Cổ, cả 36 phố phường Hà Nội có từ hàng trăm năm nay (tên phố bắt đầu bằng chữ Hàng…) đều nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

 

Nhiều nhà văn hóa, kiến trúc sư cho rằng, việc sáp nhập một địa danh như Hoàn Kiếm là vấn đề "khó, phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến lịch sử, đến văn hóa… nên không thể áp dụng máy móc, cứng nhắc".

 

Với các đặc thù riêng về hành chính, địa lý, văn hóa và lịch sử phát triển, quận Hoàn Kiếm phải được bảo tồn tên gọi, địa danh, các ký ức lịch sử và văn hóa. Quận Hoàn Kiếm nên được áp dụng các qui định riêng ngoài quy định hành chính "cho cấp huyện".

 

Ý chí của các quan ngoại tỉnh?

 

Có ý kiến cho rằng, sát nhập địa danh nhằm tăng hiệu quả làm việc của bộ máy hành chính công và tinh giản biên chế? Thực ra đây không phải là mục đích chính mà chất lượng phục vụ dân mới là tối thượng.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/133FE/production/_130664887_operahouse.jpg

Nhiều địa danh của Hà Nội, như Nhà Hát Lớn, nằm ở quận Hoàn Kiếm

 

Năm 2018 về Hà Nội, tôi được chứng kiến hình ảnh hàng trăm người đứng ngồi chật kín căn phòng tiếp dân ngột ngạt ở Công an quận Hoàn Kiếm để làm chứng minh thư, để nhập tách hộ khẩu… Bây giờ tưởng tượng cảnh người dân phải đi xa hơn nữa, phải chen chúc chờ đợi lâu hơn nữa để làm các thủ tục hành chính sau khi quận Hoàn Kiếm mở rộng gấp 6,5 lần mà kinh hãi.

 

 

Năm 2008 cả tỉnh Hà Tây được sát nhập vào Hà Nội với ảo tưởng làm giảm nhẹ bộ máy hành chính công và dùng thành thị làm đòn bẩy thúc đẩy nông thôn phát triển là một sai lầm lớn. Sau 15 năm, đến nay cả 2 mục đích đó đều không đạt được, mà việc đó chỉ tạo điều kiện cho quan chức trung ương và địa phương đầu cơ buôn bán đất.

 

Đến bây giờ thành thị và nông thôn, miền núi của Hà Nội mở rộng đâu vẫn hoàn đó, chẳng khác gì trước khi sát nhập.

 

Thay đổi địa giới hành chính là nhu cầu của quan, không phải của dân. Thực tế cho thấy, mỗi lần nhập vào hay tách ra từ cấp xã phường, cấp quận huyện, đến tỉnh thành đều dẫn tới một cuộc chạy đua quyết liệt giữa các quan để giành và giữ ghế.

 

Cũng phải nêu ra một điều lạ là, Hà Nội nghìn năm văn vật, mang danh đất địa linh nhân kiệt nhưng sáu đời chủ tịch gần đây, Hà Nội không có nổi một người gốc địa phương được đảm nhiệm chức vụ cao nhất, mà toàn là người từ các nơi khác do trung ương điều động đến.

 

Không lẽ Hà Nội thiếu người tài, thiếu người đủ bản lĩnh chính trị để lãnh đạo và nâng tầm thủ đô, thay vì ra các quyết định như trên.

 

Cuối cùng, xin đặt ra câu hỏi là, sự ra đời của Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 có thực sự vì động cơ ích nước, lợi dân hay chỉ vì lợi quan? Người Hà Nội và người dân Hoàn Kiếm có được lên tiếng trong việc này hay là không?

 

-----------------------

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của doanh nhân, nhà văn Trần Quốc Quân, người sinh ra và lớn lên ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Warsaw, Ba Lan.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats