Sunday, 20 August 2023

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG BỊ SẠT LỞ NGHIÊM TRỌNG DO CÁT TẶC (Lê Thiệt / Saigon Nhỏ)

 



Đồng bằng sông Cửu Long bị sạt lở nghiêm trọng do cát tặc

Lê Thiệt  -  Saigon Nhỏ

20 tháng 8, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/dong-bang-song-cuu-long-bi-sat-lo-nghiem-trong-do-cat-tac/

 

Ngày 20 Tháng Tám, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, chỉ tính 3 năm gần đây, toàn tỉnh đã xảy ra 35 vụ sạt lở nhiều khu vực dân cự dọc tuyến sông Bạc Liêu – Cà Mau, “nuốt chửng” gần 200 căn nhà. Thiệt hại ước tính gần 23 tỷ đồng.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/04-sat-lo-1.jpg

Sạt lở bờ sông đe dọa tính mạng, tài sản người dân tại Thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Lao Động

 

Theo báo Lao Động, để hạn chế thiệt hại do sạt lở gây ra, tỉnh Bạc Liêu cần đến 3.400 tỷ đồng (hơn 142 triệu đô la Mỹ) để đầu tư xây dựng các công trình chống sạt lở cấp bách. Đó là chưa kể các công trình di dân tái định cư tại vùng sạt lở đến nơi an toàn.

 

Thị xã Giá Rai là nơi có nhiều điểm bị sạt lở nghiệm trọng, đã cuốn theo một số công trình, nhà cửa của các hộ dân xuống lòng sông. UBND xã khuyến cáo người dân nên di dời khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm, để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản. Tuy nhiên hầu hết người dân sinh sống nơi đây đều khó khăn, không có đất nơi khác nên họ chẳng biết di dời đi đâu. Việc này cũng nằm ngoài khả năng và trách nhiệm của chính quyền xã.

 

Nguyên nhân gây sạt lở mà ai cũng biết, đó là nạn cát tặng đã hoành hành ở các con sông vùng Đồng bằng Sông Cửu Long hàng chục năm nay. Có người nói bọn cát tặc như con rắn 9 đầu trong thần thoại, cứ chặt đầu này, nó mọc đầu khác. Cách hình dung đó nói lên sự bất lực của chính quyền, tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng chính quyền địa phương là 1 trong 9 cái đầu rắn đó.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/04-sat-lo-2.png

Sạt lở bờ sông Trà Ôn – một nhánh của sông Hậu tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long làm 8 nhà dân bị kéo xuống sông – Ảnh: Tiền Phong

 

Một luật sư nhận định rằng, nói chính quyền “buông lỏng kỷ cương”, hay “không có biện pháp hữu hiệu” ngăn chặn nạn cát tặc là nói “trớ” đi nguyên nhân thật. Nhiều người dân cho biết khi họ phát hiện cát tặc lộng hành, gọi điện cho chính quyền địa phương, thì bọn cát tặc lẳng lặng rời đi, rồi công an xã, huyện mới tới. Y như chúng được thông báo “lánh mặt” trước vậy.

 

Khi lực lượng công an xã rút về, chúng quay trở lại tiếp tục hút cát, như không có gì xảy ra.

 

Điều này chỉ có thể giải thích rằng, bọn cát tặc đã “bắt tay ăn chia” với công an, UBND xã, huyện, làm cạn kiệt nguồn cát. Thế thì sạt lở là điều tất yếu xảy ra.

 

Thêm nữa, hiện nay tuyến cao tốc Bắc – Nam đoạn qua khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu cát đắp nền làm ảnh hưởng tiến độ. Chính quyền trung ương đã cho phép khai thác cát trên sông Tiền, sông Hậu để làm cao tốc. Theo ý kiến của các nhà khoa học, nếu tiếp tục khai thác cát trên sông Tiền, sông Hậu sẽ làm trầm trọng sạt lở và sụt lún ở Đồng bằng Sông Cửu Long.

 

Do đó, không chỉ Bạc Liêu mới cần 3.400 tỷ đồng để chống sạt lở, mà các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đều cần, nên con số có thể lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng (!?) Có người ví chuyện cát tặc, khai thác cát làm cao tốc, rồi sạt lở, như chuyện con rắn đói quá ăn đuôi của nó. Rồi có một ngày, cả khu vực dân cư rộng lớn này sẽ đổ sụp xuống lòng sông, mang theo nhiều đô thị trù phú. Sẽ có nhiều người dân chết rồi mà vẫn không biết tại sao mình phải chết!

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats