Monday 21 August 2023

NÂNG CẤP QUAN HỆ VỚI HOA KỲ : VIỆT NAM CẦN "CÚ HÍCH" ĐỂ THOÁT KHỎI THỰC TRẠNG KHÓ KHĂN (PGS,TS Phạm Quý Thọ)

 



Nâng cấp quan hệ với Mỹ: Việt Nam cần “cú hích” để thoát khỏi thực trạng khó khăn

PGS,TS Phạm Quý Thọ

2023.08.21

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/vn-us-relationship-elevation-vn-needs-a-boost-08212023101852.html

 

Bài bình luận của ông Phạm Quý Thọ- PGS,TS nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/vn-us-relationship-elevation-vn-needs-a-boost-08212023101852.html/@@images/a43a1579-9495-4b64-b618-640469872c92.jpeg

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và Thủ tướng VN Phạm Minh Chính tại Hà Hội hôm 25/8/2021 (minh họa)   -   AFP

 

                                                                *

 

Nâng cấp quan hệ Việt- Mỹ, cả hai quốc gia cùng có lợi ích kinh tế. Hơn thế, Mỹ thêm một bước hiện thực hoá chiến lược ‘xoay trục’ sang Châu Á trong khi Việt Nam cần ‘cú hích’ vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế hiệu quả hơn.

 

Đây là một trong những chủ đề được quan tâm nhất hiện nay. Truyền thông Việt Nam còn thận trọng; trong khi phía Mỹ, giới lãnh đạo đã phát tín hiệu trong năm nay với ‘tần suất’ cao. Gần đây nhất, trang tin Politico của Mỹ vào ngày 18/8/2023 dẫn các nguồn tin ‘giấu tên’ biết về thoả thuận này cho biết rằng, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ ký thoả thuận nâng cấp quan hệ Mỹ - Việt Nam từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược trong chuyến thăm tới Việt Nam vào tháng chín tới.

 

Bài viết cho rằng đây là cơ hội cho cả hai nước đã nắm bắt mặc dù mức độ ưu tiên có khác nhau tuỳ thuộc vào vị thế quốc tế của mỗi quốc gia. Giới lãnh đạo Mỹ dường như đã ‘sẵn sàng’ trong khi Việt Nam phải ‘cân nhắc’. Mỹ “sẵn sàng” bởi vì đây là một nội dung của chiến lược xoay trục sang châu Á, nó hình thành từ thời Tổng thống Barack Obama, được thúc đẩy bởi hai Tổng thống kế nhiệm, Donald Trump và nay là Joe Biden trong bối cảnh trật tự thế giới thay đổi nhanh, phức tạp, trong đó hai sự kiện nổi bật sau đại dịch COVID-19 là Trung Quốc trỗi dậy ‘hung hăng’ và cuộc chiến tranh Nga – Ukraine. Đối với Việt Nam cần ‘cú hích’ để vượt qua khó khăn từ hai nhóm vấn đề lớn liên quan: (1)Tăng trưởng kinh tế và duy trì chế độ; (2)Hiệu quả quan hệ với các cường quốc trong bối cảnh quốc tế nêu trên.

 

Nhóm ‘khó khăn’ thứ nhất nằm trong quá trình cải cách từ sau chính sách Đổi mới từ 1986, trong đó tăng trưởng kinh tế tương đối nhanh ở giai đoạn hơn 10 năm đầu, sau đó ‘trồi sụt’ và ‘mất đà’ trong bối cảnh “bất ổn” kinh tế vĩ mô. Tương ứng với sự biến thiên tăng trưởng là sự ổn định chế độ. Một trong những nguyên nhân trực tiếp là đằng sau tăng trưởng khá nhanh là vấn nạn tham nhũng tràn lan và ngày càng nghiêm trọng. Duy trì chế độ Đảng Cộng sản toàn trị chống tham nhũng đồng thời thanh lọc bộ máy lãnh đạo là chính sách ưu tiên. Tuy nhiên, nghịch lý tăng trưởng đồng thời với tham nhũng đã ‘chi phối’ tăng trưởng theo hướng gây bất ổn thể chế và làm bộc lộ cấu trúc kinh tế bất cập, mất cân đối dẫn đến tăng trưởng khó khăn.

 

Củng cố Đảng – Nhà nước là sự thay đổi ‘ngược’ hướng cải cách, trong đó ông Nguyễn Phú Trọng, là “trường hợp đặc biệt” vượt qua quy định của Đảng CS về giới hạn tuổi và hai nhiệm kỳ, người đã nắm giữ cương vị Tổng bí thư đảng liên tục ba nhiệm kỳ năm năm (2011-2026). Ông từng được coi là ‘cứu tinh’ của chế độ. Tuy nhiên, hiện ông Trọng đang gặp thách thức khi chính sách chống tham nhũng không đạt ‘kết quả như mong muốn’ và tăng trưởng kinh tế suy giảm.

 

Sự quyết tâm “vào cuộc của cả hệ thống chính trị” không thể ‘đánh bại’ thị trường. Các nhà đầu tư quan tâm đến tín hiệu thị trường thay vì ‘nghe ngóng’ các ‘chỉ thị’ từ Chính phủ “hạ lãi suất” ngân hàng để cứu doanh nghiệp hay “kỷ luật” các quan chức ‘trì trệ’ trong đầu tư công. Thị trường chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh HOSE có vốn hóa thị trường khoảng 180 tỷ USD, nhỏ nhất trong các nền kinh tế lớn ASEAN, nhưng hoạt động kém nhất toàn cầu năm 2022, giảm hơn 30%. Và, nó vẫn ‘mong manh’, chẳng hạn, trong phiên ngày 18/9/2023 đã ‘lao dốc’ giảm 55,5 điểm tương ứng 4,5%, còn 1.178 điểm -  mức thấp nhất trong hơn một năm qua trong bối cảnh khủng hoảng lĩnh vực bất động sản.

 

Ngoài ra, sự kiện nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc và nguyên hai Phó Thủ tướng, các lãnh đạo được cho là ‘kỹ trị’, ‘đột ngột’ từ chức hồi đầu năm 2023 khiến cho các nhà đầu tư có lý do để lo lắng rằng các ưu tiên an ninh ý thức hệ đang lấn át tiến bộ kinh tế. Thực trạng trì trệ về kinh tế và ‘trì hoãn’ cải cách thể chế trong khi tăng cường chống tham nhũng nhưng vấn nạn vẫn tràn lan, nghiêm trọng dấy lên sự nghi ngờ về hiệu quả kiểm soát quyền lực bằng đạo đức. Ngày 18/8/2023 Đảng CS đã ban hành Quy định số 117-QĐ/TW “về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan” dường như để trấn an trong nội bộ Đảng. Kêu gọi ‘đột phá’ trong chính sách và hành động để thoát khỏi tình hình, Đảng đang ‘bế tắc’ về giải pháp. Trước tình hình này việc nâng cấp quan hệ với Mỹ có thể được coi là một thứ vũ khí củng cố quyền lực tuyệt đối của Đảng CS cầm quyền.

 

Trong hoàn cảnh đó nâng cấp quan hệ Việt- Mỹ sẽ là một ‘cú hích’ nằm trong sự tính toán của giới lãnh đạo, trong đó có lợi ích kinh tế thu được, đồng thời hài hoà mối quan hệ với Trung Quốc và Nga. Đây là nhóm ‘khó khăn’ thứ hai mang tính lịch sử, ý thức hệ, địa chính trị và kinh tế là rất phức tạp.

 

Trước hết, với phương châm “khép lại quá khứ (cựu thù) hướng tới tương lai (đối tác)”, hai nước Mỹ - Việt sau 10 năm (2013-2023) là đối tác toàn diện của nhau quan hệ trong nhiều lĩnh vực được cải thiện, đặc biệt kim ngạch thương mại song phương tăng gần 470% (138,92 tỷ/29,69 tỷ $). Hơn thế, Mỹ không những chỉ ‘sẵn sàng’ cho nâng cấp quan hệ để thúc đẩy chiến lược xoay trục sang Châu Á, kìm chế sự hung hăng của Trung Quốc, đảm bảo tự do hàng hải quốc tế… mà còn luôn tỏ ra thiện chí thông qua xúc tiến năng nổ của các Đại sứ Mỹ ở Việt Nam hơn ba nhiệm kỳ, trong đó nổi bật là vai trò của ngài Đại sứ Ted Osius, các chuyến thăm ‘con thoi’ giữa các nhà lãnh đạo cao cấp, các doanh nghiệp lớn của Mỹ… Ngoài ra, Mỹ và Việt Nam đã ‘hiểu’ nhau hơn khi ‘tôn trọng’ sự khác biệt thể chế chính trị của nhau.

 

Đối với Trung Quốc và Nga Việt Nam cân nhắc mối quan hệ truyền thống, trong đó với Trung Quốc có vấn đề địa chính trị, ý thức hệ, tranh chấp lãnh hải và kinh tế và, với Nga – nhà cung cấp chủ yếu về trang thiết bị, phụ tùng cho hơn 80% số vũ khí hiện có.

 

Trong tâm thế người dân, mỗi khi Việt Nam có động thái xích lại gần Mỹ thì Trung Quốc thường tạo ‘sức ép’ như tập trận, đưa các tàu thăm dò… vào thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trung Quốc đã ‘mất uy tín’ bởi các dự án đầu tư kéo dài, giang dở, không hiệu quả, nhưng đôi khi ‘nhắc nhở’ về ý thức hệ gây ‘khó xử’ cho các lãnh đạo. Mới đây, ngày 16/8 Ngoại trưởng Vương Nghị (TQ) đề nghị Việt Nam cùng Trung Quốc duy trì lý tưởng cộng sản, bảo vệ an ninh chế độ, chống sự can thiệp từ các thế lực bên ngoài trong cuộc gặp với ông Phó thủ tướng Trần Lưu Quang (VN)  ‘bên lề’ Hội chợ Trung Quốc - Nam Á lần thứ 7 tại Vân Nam… Đối với Nga, trong khi không còn quá ‘bận tâm’ về ý thức hệ, thì vấn đề về vũ khí vẫn nhạy cảm…

 

Việt Nam nỗ lực ‘độc lập, tự chủ’ giải quyết những vấn đề do lịch sử để lại nhưng chắc cần thời gian. Trong bối cảnh chiến tranh Nga – Ukraine trên các diễn đàn xuất hiện khái niệm “Ngoại giao cây tre”. Đây là chính sách ngoại giao chứa đựng hàm ý ‘tư tưởng thực dụng’, vì lợi ích dân tộc vượt qua ý thức hệ ‘giáo điều’, củng cố vị thế quốc gia trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh giữa các nước lớn và, đương nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng CS. Phát biểu của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao toàn quốc ngày 14/12/2021, rằng “Quyết tâm xây dựng và phát triển một nền ngoại giao cây tre Việt Nam có đặc sắc vừa hiện đại vừa dân tộc.” Theo văn hóa Nho giáo, cây tre thường tượng trưng người quân tử khiêm nhường trọng khí tiết và, trong lĩnh vực quan hệ quốc tế “trọng đoàn kết, trọng nhân ái nhưng kiên quyết bảo vệ lợi ích dân tộc.”

 

Giới lãnh đạo Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ông Tổng Bí thư Đảng CS Nguyễn Phú Trọng nỗ lực vận dụng chính sách ngoại giao cây tre cho phép Việt Nam ứng biến linh hoạt, trong đó có việc nâng cấp quan hệ với Mỹ lần này. Như đã biết, phong cách của các Tổng thống Mỹ khi đến thăm Việt Nam hay gây ấn tượng bằng cách sử dụng hình tượng ‘văn hoá bản địa’, chẳng hạn ông Barack Obama trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 5 năm 2016 đã dùng hình ảnh cây tre để ám chỉ tinh thần bất khuất của người Việt Nam. Vì vậy, hình ảnh cây tre không còn quá xa lạ.

 

Tóm lại, nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ sẽ thúc đẩy lợi ích của cả hai quốc gia. Vấn đề còn lại là nâng lên cấp nào? Có ba cấp quan hệ ngoại giao: toàn diện, chiến lược và chiến lược toàn diện. Cho đến nay Việt Nam có bốn Đối tác Chiến lược Toàn diện, trong đó: Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016) và Hàn Quốc (2022); 13 Đối tác Chiến lược (ngoài bốn Đối tác Chiến lược Toàn diện) và 13 Đối tác Toàn diện, trong đó có Mỹ. Cùng với Mỹ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược, Việt Nam thể hiện sự tự tin và thận trọng để đạt mục tiêu. Tuy nhiên, ý kiến cá nhân tác giả bài viết muốn quan hệ Việt - Mỹ lần này được nâng vượt cấp lên Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện của nhau để ‘đột phá’ phát triển vì lợi ích của nhân dân hai nước.

 

------------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

 

------------------

Tin, bài liên quan

BLOG

Việt - Mỹ sắp nâng cấp quan hệ?

Cơ hội không được bỏ lỡ

Những đột phá bởi chuyến thăm Hà Nội của Blinken

Việt Nam đón Blinken: Có bước ngoặt nào trong quan hệ hay không?

“Đối tác chiến lược” không thay thế được nội trị…

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats