Friday, 18 August 2023

MỸ - NHẬT - HÀN, LIÊN MINH TAY BA KHIẾN TRUING QUỐC LO NGẠI (Anh Vũ / RFI)

 



Mỹ-Nhật-Hàn, liên minh tay ba khiến Trung Quốc lo ngại

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 18/08/2023 - 16:18

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20230818-m%E1%BB%B9-nh%E1%BA%ADt-h%C3%A0n-li%C3%AAn-minh-tay-ba-khi%E1%BA%BFn-trung-qu%E1%BB%91c-lo-ng%E1%BA%A1i

 

Hôm nay, 18/03/2023, tại Trại David, Mỹ, tổng thống Joe Biden tổ chức cuộc họp với lãnh đạo hai đồng minh quan trọng ở Đông Bắc Á, Nhật  Bản và Hàn Quốc. Cuộc gặp thượng đỉnh ba bên chưa từng có này được phần đông giới quan sát đánh giá như là một sự kiện ngoại giao lịch sử, thậm chí là một bước ngoặt địa chính trị thế giới.

 

https://s.rfi.fr/media/display/c94212ba-3dcc-11ee-8fa7-005056bf30b7/w:980/p:16x9/AP23230485524451.webp

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (T) đến Trại David, Mỹ, ngày 18/08/2023 để họp thượng đỉnh với đồng nhiệm Mỹ - Nhật. AP - Andrew Harnik

 

Mục đích của cuộc gặp là nhằm tạo dựng một mặt trận chung gắn bó nhất có thể, để chống lại những tham vọng về quân sự của Trung Quốc, cũng như các mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên trong khu vực. Địa điểm được chọn cho cuộc họp là Trại David, khu nghỉ dưỡng của các tổng thống Mỹ, cũng mang tính biểu tượng cao trong ngoại giao Hoa Kỳ. Đây cũng là nơi đã chứng kiến nhiều cuộc gặp dẫn đến các thỏa thuận, hiệp ước hòa bình, liên minh, liên kết mà Washington đứng ra dàn xếp.

 

Trong bối cảnh tình hình khu vực Châu Á đang rất căng thẳng, Hoa Kỳ và các đồng minh Hàn Quốc cũng như Nhật Bản, muốn có được sự bảo đảm về an ninh trước các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Để làm được điều này, Seoul và Tokyo đã phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua nhiều thử thách, gác lại những bất đồng lịch sử từ thời kỳ Nhật Bản đô hộ tàn ác trên bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến năm 1945. Vụ hòa giải này cũng mang nhiều dấu ấn ngoại giao của chính quyền Biden.

 

Robert Dujarric, chuyên gia về châu Á, thuộc Đại học Temple University tại Tokyo, được báo Pháp La Croix trích dẫn, nhận định là thượng đỉnh ba bên này « đáng chú ý, bởi vì cho thấy Seoul và Tokyo quyết tâm cùng hợp tác. Không hẳn là hai bên đã có quan điểm chung, nhưng ít ra là có thể nói chuyện về những vấn đề lớn vào thời điểm hiện tại. »

 

Mục đích của hội nghị thượng đỉnh đặc biệt đầu tiên này giữa ba nước là để « thúc đẩy tầm nhìn chung của họ về một khu vực châu Á-Thái Bình Dương tự do và cởi mở », theo lời của một quan chức Mỹ được nhật báo Anh, The Guardian trích dẫn. Nói cách khác, lãnh đạo của ba nước sẽ thảo luận về các mối đe dọa do Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đặt ra.

 

Kurt Campbell, Điều phối viên Nhà Trắng về các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong một sự kiện gần đây tại Mỹ, đã cho biết mối quan hệ hợp tác giữa Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ là một « mối quan hệ ba bên mang tính quyết định trong thế kỷ 21. Những gì các vị sẽ thấy vào thứ Sáu là một loạt các sáng kiến ​​​​rất tham vọng nhằm tăng cường cam kết ba bên, hiện giờ và trong tương lai ».

 

Trong khi đó, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, trước khi lên đường tới Mỹ, khẳng định thượng đỉnh ba bên « sẽ đặt ra một cột mốc mới trong hợp tác ba bên, góp phần vào hòa bình và phồn thịnh trên bán đảo Triều Tiên và trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương ».

 

Có thể thấy Ấn Độ-Thái Bình Dương, một trọng tâm trong chiến lược châu Á của Hoa Kỳ, được nhắc tới liên tục khi đề cập đến cuộc gặp thượng đỉnh hôm nay tại Trại David. Đó cũng chính là điều khiến Trung Quốc khó chịu. Không hài lòng với việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh Trại David, Bắc Kinh đã tuyên bố phản đối các quốc gia kết bè kết phái khác nhau, có hành vi làm trầm trọng thêm cuộc đối đầu và gây nguy hiểm cho an ninh chiến lược của các quốc gia khác.

 

Trả lời phỏng vấn trên đài RFI, Antoine Bondaz, chuyên gia về Trung Quốc, thuộc Quỹ nghiên cứu chiến lược tại Pháp giải thích : « Về phía Trung Quốc, đó là mối lo sợ một hình thái của một khối NATO nổi lên ở vùng Đông Á. Trong 2 chục năm qua, Bắc Kinh đã hưởng lợi từ mối quan hệ căng thẳng giữa Tokyo và Seoul, vốn được coi như là một góc chết trong quan hệ tam giác, Mỹ-Nhật-Hàn ».

 

Bắc Kinh vẫn luôn tìm cách gây chia rẽ mối quan hệ ba bên, cũng như việc Nhật Bản và Hàn Quốc quan hệ khăng khít với phương Tây. Ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị, trong một phát biểu hồi đầu tháng này đã cảnh báo Seoul và Tokyo : « Các vị có thể nhuộm vàng tóc, hay sửa mũi tùy theo mình muốn, nhưng các vị sẽ không bao giờ là người Châu Âu hay phương Tây, các vị không trở thành các nước phương Tây. Chúng ta phải biết đâu là cội rễ của mình ». Ông kêu gọi Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản hãy « cùng hợp tác ».

 

Trái lại, với cuộc họp thượng đỉnh ba bên lần này, Washington tin tưởng Nhật Bản và Hàn Quốc đã biết gác lại quá khứ đau thương để hướng tới tương lai với phương Tây. Như ngoại trưởng Antony Blinken đánh giá, « Nhật Bản và Hàn Quốc là những đồng minh chủ chốt (của Mỹ), không chỉ trong vùng mà trên toàn thế giới ». Còn bà Sheila Smith, chuyên gia của Council on Foreign Relation, được AFP trích dẫn, nhận định : « Tầm quan trọng của khuôn khổ quan hệ ba bên này vượt ra ngoài các vấn đề an ninh riêng biệt, liên quan đến Bắc Triều Tiên. Quan hệ này có thể phục vụ cho những mục đích rộng hơn », tất nhiên với điều kiện hòa giải Nhật -Hàn phải bền lâu.

 

---------------------------

Các nội dung liên quan

Mỹ - Nhật - Hàn tăng cường hợp tác toàn diện đối phó với Bắc Triều Tiên và Trung Quốc

 

Thượng Đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn đánh dấu thành công của TT Biden trong nỗ lực hòa giải giữa Tokyo và Seoul?

 

Mỹ, Nhật, Hàn Quốc triển khai các sáng kiến chung về công nghệ và quốc phòng

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats