Saturday, 5 August 2023

HỢP TÁC ĐẤT HIẾM : HOA KỲ - MÔNG CỔ ĐỀU MUỐN "THOÁT TRUNG" (Thu Hằng / RFI)

 



Hợp tác đất hiếm : Hoa Kỳ - Mông Cổ đều muốn “thoát Trung”

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 04/08/2023 - 16:20

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20230804-h%E1%BB%A3p-t%C3%A1c-%C4%91%E1%BA%A5t-hi%E1%BA%BFm-hoa-k%E1%BB%B3-m%C3%B4ng-c%E1%BB%95-%C4%91%E1%BB%81u-mu%E1%BB%91n-tho%C3%A1t-trung

 

Chuyến công du Mỹ của thủ tướng Mông Cổ Luvsannamsrain Oyun-Erdene hôm 02/08/2023 là bước tiếp theo trong kế hoạch thắt chặt hợp tác song phương, đặc biệt là về các loại quặng quan trọng và đất hiếm cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Mục tiêu chính của cả Ulan Bator và Washington là tìm cách “thoát Trung” : Mỹ cần đa dạng hóa nguồn cung, Mông Cổ tìm cách giảm thế độc quyền của các nhà đầu tư Trung Quốc.

 

https://s.rfi.fr/media/display/4ead77ce-32c8-11ee-b570-005056a90284/w:980/p:16x9/AP23215607441468.webp

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd J. Austin, (phải) tiếp phái đoàn của thủ tướng Mông Cổ Luvsannamsrain Oyun-Erdene, tại Lầu Năm Góc. Ảnh ngày 03/08/2023. AP - Kevin Wolf

 

Cùng muốn “thoát Trung”

 

“Từ nay đến 10 năm nữa, tình trạng khan hiếm một số khoáng sản quan trọng như lithium, graphite và đồng sẽ làm tăng giá và làm giảm tốc độ triển khai các loại năng lượng sạch”. Nguy cơ này được ông Jose Fernandez, thứ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ phụ trách Tăng trưởng kinh tế, Năng lượng và Môi trường, nhấn mạnh trong một sự kiện được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - CSIS tổ chức. Nguy cơ khủng hoảng trong tương lai buộc chính quyền của tổng thống Joe Biden đa dạng hóa nguồn cung, trong khi Trung Quốc, nhà cung cấp chính của thế giới, đã triển khai các biện pháp hạn chế để khống chế thị trường.

 

Thứ trưởng Jose Fernandez liên tục công du từ đầu năm 2023 để củng cố, mở rộng sáng kiến Đối tác An ninh Khoáng sản (MSP), hiện có 14 nước tham gia (chủ yếu là các nước phương Tây và một số nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc). Ông đến châu Phi, tìm kiếm hợp tác với Nam Phi, CHDC Congo, đàm phán với Mêhicô và Achentina về các loại quặng hiếm. Tháng 06/2023, ông đến đất nước được gọi là “Minegolia”, nổi tiếng dồi dào trữ lượng đồng, vàng, than và đất hiếm.

 

Mông Cổ sản xuất khoảng 1,4% đồng và 1% molybdenum (khoáng chất cần cho pin mặt trời và điện gió) của thế giới. Nguồn tài nguyên của quốc gia Bắc Á này được cho là rất lớn, trong khi phần lớn lại chưa được khai thác. Hoạt động khai thác mỏ của Mông Cổ phụ thuộc chặt chẽ vào Trung Quốc, vừa là nhà nhập khẩu để gia công vừa là nhà trung chuyển.

 

Theo trang Scientificamerican ngày 31/07, một phần tư kinh tế đất nước phụ thuộc vào khai thác mỏ, xuất khẩu quặng mỏ chiếm gần 90% thu nhập. Sự lệ thuộc quá lớn và nguy hiểm này được ông Amar Aiya, nhà cựu ngoại giao hiện điều hành Mongolia Weekly, trang thông tin dành cho các nhà đầu tư, cảnh báo là chỉ cần Trung Quốc nói “ngừng mua than và đồng thì nền kinh tế Mông Cổ sẽ dừng lại”.

 

Nằm kẹt giữa Nga và Trung Quốc, Mông Cổ không thể thoát khỏi sự ảnh hưởng và phụ thuộc vào hai nước lớn này. Nhưng đây cũng là điều thôi thúc chính quyền Ulan Bator “tìm cách duy trì quan hệ kinh tế với nhiều nước khác, ngoài Nga và Trung Quốc, để giữ cân bằng lợi ích chính trị và kinh tế của họ”, theo ông Piper Campbell, nguyên đại sứ Mỹ tại Mông Cổ dưới thời tổng thống Obama. Ví dụ gần đây, chính quyền Ulan Bator đã ký với Pháp một thỏa thuận cung cấp khoáng sản, trong đó có uranium, nhân chuyến công du của tổng thống Macron vào tháng 05.

 

Lúc nào mới thoát được Trung Quốc ?

 

Hoa Kỳ đã hỗ trợ kỹ thuật cho Mông Cổ để lập bản đồ các nguồn tài nguyên, cải thiện tính minh bạch trong quá trình mời thầu. Bước tiếp theo, có thể là giúp triển khai một dự án, theo thứ trưởng Jose Fernandez. Nhưng việc này khó được triển khai một sớm một chiều và cũng đặt ra nhiều thách thức. Trước tiên là vấn đề vận chuyển vì mọi ngả đường ngoài biên giới của Mông Cổ đều dẫn đến Nga và Trung Quốc. Giới chuyên gia cho rằng trong tương lai, một số khoáng sản có thể sẽ được chuyển bằng máy bay đến Hàn Quốc, sau đó chuyển sang Mỹ hoặc các nước đồng minh.

 

Tuy nhiên, đối với các vật liệu có kích thước lớn thì cần phải được gia công thu nhỏ tại chỗ. Việc này sẽ cần đến đầu tư lớn để xây dựng nhà máy. Những dự án này sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí về môi trường nếu không muốn bị người dân địa phương phản đối, trong khi khai thác mỏ luôn bị coi là hoạt động gây ô nhiễm môi trường cho các thảo nguyên Mông Cổ. Washington cũng phải thuyết phục nhiều nước rằng các công ty Mỹ không vắt kiệt đất đai và con người, rồi để lại những hệ quả đến môi trường.

 

Thứ trưởng Jose Fernandez cho rằng cả Hoa Kỳ và Mông Cổ có cơ hội hợp tác bền vững, lâu dài. Thực vậy, Mỹ “cần khẩn trương tìm ra các nguồn khoáng sản quan trọng và đất hiếm để đạt được các mục tiêu năng lượng sạch”. Mông Cổ có thể dựa vào nhu cầu cấp bách này, không chỉ của Mỹ, mà toàn bộ 14 nước tham gia Đối tác An ninh Khoáng sản (MSP). Ngoài nguồn cung đất hiếm, Mông Cổ còn được chú ý vì “vị trí địa-chiến lược quan trọng nằm giữa Nga và Trung Quốc và cũng là một thành trì dân chủ trong một khu vực thế giới phần nào bị xáo trộn”.  

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

Mông Cổ cam kết hợp tác khai thác đất hiếm với Hoa Kỳ

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats