Saturday, 5 August 2023

NGUY CƠ TRUNG QUỐC MẤT MỘT ĐỐI TÁC TRONG DỰ ÁN CON ĐƯỜNG TƠ LỤA (Thanh Hà / RFI)

 



Nguy cơ Trung Quốc mất một đối tác trong dự án Con Đường Tơ Lụa

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 04/08/2023 - 16:06

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20230804-nguy-c%C6%A1-trung-qu%E1%BB%91c-m%E1%BA%A5t-m%E1%BB%99t-%C4%91%E1%BB%91i-t%C3%A1c-trong-d%E1%BB%B1-%C3%A1n-con-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-t%C6%A1-l%E1%BB%A5a

 

Trước cuối năm 2023 Ý sẽ phải quyết định « đi » hay « ở lại » trong dự án Con Đường Tơ Lụa Mới –Một Vành Đai Một Con Đường BRI với Trung Quốc. Một số tín hiệu báo trước Roma có khuynh hướng rút lui khỏi thỏa thuận với Bắc Kinh ký kết hồi 2019. Thủ tướng Giorgia Meloni đứng trước một bài toán nan giải : « Thoái lui » như thế nào tránh để những đòn trả đũa của Trung Quốc tác động đến kinh tế Ý ?

 

https://s.rfi.fr/media/display/0405a484-1591-11ee-940c-005056bf30b7/w:980/p:16x9/AP23171605578467.webp

Thủ tướng Ý, bà Giorgia Meloni sắp phải quyết định có tiếp thục tham gia Con Đường Tơ Lụa với Trung Quốc hay không. Ảnh chụp tại Paris ngày 20/06/2023. © Ludovic Marin, Pool / via AP

 

Năm 2019 Trung Quốc hài lòng khi chinh phục được Ý, thành viên duy nhất trong khối 7 cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới G7 tham gia BRI. Bốn năm sau, một thành viên « nặng ký » trong nội các của thủ tướng Giorgia Meloni đánh giá « Ý không có lợi ích gì » tham gia Con Đường Tơ Lụa mới. Thủ tướng Giorgia Meloni Roma vốn có lập trường « không thân thiện » với Bắc Kinh, khi còn trong hàng ngũ đối lập, bà từng mạnh mẽ chỉ trích thủ tướng Giuseppe Conte trải thảm đỏ đón lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 23/03/2019, chính thức gắn kết nước Ý với Con Đường Tơ Lụa mới.

 

Giờ đây, ở cương vị lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ ba trong Liên Hiệp Châu Âu, Giorgia Meloni có triển hạn « thỏa thuận ghi nhớ » với Bắc Kinh hay không ?

 

« Bám » lấy Trung Quốc để ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu

 

Nhà báo Francesco Maselli, một cây bút trên tạp chí Le Grand Continent, trong bài viết hôm 09/07/2023 nhắc lại, lễ ký kết tham gia BRI hồi 2019 là « văn bản quan trọng nhất về chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ thủ tướng của ông Conte ».

 

Cần trở lại với bối cảnh chính trị của nước Ý khi đó : Giuseppe Conte là chủ tịch đảng Phong Trào 5 Sao, một lực lượng chính trị phi đảng phái. Sau bầu cử Quốc Hội hồi 2018 ông đã thành lập chính phủ liên minh với Lega Nord –Liên Đoàn Phương Bắc của ông Salvini. Lega Nord chủ trương bài châu Âu, bài Mỹ và thân Nga.

 

Một trong những nhân vật chủ chốt của Liên Đoàn Phương Bắc là Michele Geraci giữ chức thứ trưởng đặc trách về phát triển kinh tế. Trước khi tham gia chính trị ông từng giảng dậy 10 năm tại Trung Quốc. Ưu tiên của chính phủ liên minh khi đó là thu hút đầu tư nước ngoài. Geraci thành lập « một lực lượng đặc biệt » nhắm vào Trung Quốc. Liên minh cầm quyền tại Roma khi đó quan niệm tại sao phải lệ thuộc vào Bruxelles, phải tuân thủ những quy định của Liên Âu về chi tiêu ngân sách, về mức trần nợ, khi mà Ý có thể tìm được những đối tác khác như là Nga hay Trung Quốc ?

 

Francesco Maselli trích dẫn nhiều tờ báo của Ý, như Corriere della Sera hay Avvenire tiết lộ về những « đàm phán ở hậu trường » : Bộ trưởng Kinh Tế Giovanni Tria nhiều lần công du Bắc Kinh với nhiệm vụ « mời » Trung Quốc mua công trái phiếu của Ý, đàm phán « ở cấp cao với Ngân Hàng Nhân Dân Trung Quốc » cho dù Roma không biết rõ « những điều kiện và ý định » của Bắc Kinh.

 

Một chính trị gia hàng đầu của liên minh Phong Trào 5 Sao và Liên Đoàn Phương Bắc là ông Paolo Savona, sau này trở thành bộ trưởng đặc trách về Châu Âu, không giấu giếm về một kế hoạch B của chính phủ Conte lúc bấy giờ là chuẩn bị « ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu ». Để đạt được mục tiêu đó thì phải cần có những « điểm tựa khác », cho phép Ý « tách rời khỏi ảnh hưởng Liên Âu nơi mà Đức chi phối tất cả ».

 

Bài châu Âu, một khuynh hướng đã có từ lâu

 

Theo nghiên cứu của Viện MERICS tại Berlin được tác giả bài viết trên trang mạng Le Grand Continent trích dẫn, thỏa hiệp hồi 2019 giữa chính quyền của ông Conte với Bắc Kinh tham gia chương trình Một Vành Đai Một Con Đường chỉ là một sự tiếp nối trong chính sách đối ngoại của Ý. Roma từ « cả chục năm trước đó đã muốn chứng minh có chính sách ngoại giao độc lập với Mỹ và với Liên Hiệp Châu Âu ». Do vậy liên minh Phong Trào 5 Sao và Liên Đoàn Phương Bắc đã ký thỏa thuận ghi nhớ với Trung Quốc mà không cần tham khảo ý kiến các đối tác trong Liên Âu.

 

Có một điều chắc chắn là năm 2019 một phần công luận Ý, báo chí tại Roma và báo chí quốc tế hoài nghi về sự chọn lựa của nội các Giuseppe Conte. Đảng Dân Chủ trong hàng ngũ đối lập ý thức được rằng « thỏa thuận nghi nhớ về BRI sẽ dẫn tới nhiều hệ quả về mặt địa chính trị ». Bruxelles và Washington đương nhiên không hài lòng về quyết định nói trên của Roma. Nhưng theo lời Michele Geraci, ông chỉ bị các đối tác Mỹ « vặn hỏi » về hành động « phá rào này », phía châu Âu thì « hoàn toàn dửng dưng ».

 

Đầu tháng 3/2019, trước ngày chủ tịch Trung Quốc đến Roma đặt bút ký « thỏa thuận ghi nhớ » với Ý, lãnh đạo Liên Đoàn Phương Bắc Matteo Salvini bắt đầu hoài nghi qua tuyên bố : nếu BRI là phương tiện giúp các doanh nghiệp Ý đầu tư ra nước ngoài thì ông « sẵn sàng » nhưng nếu để biến nước Ý thành một « vùng thuộc địa hay để các hãng của Ý bị các cường quốc nước ngoài bóc lột thì không ».

 

Nhân vật chủ chốt trong cuộc bắc nhịp cầu giữa Trung Quốc và Ý, Michele Geraci, cũng phải nhìn nhận đối với Bắc Kinh thỏa thuận về BRI quan trọng về mặt « địa chính trị » trong lúc Roma đặt trọng tâm vào « thương mại ». Ý « không thể kiểm soát là phía Trung Quốc sẽ khai thác thỏa thuận này về phương diện chính trị như thế nào ». Roma « chỉ có thể tin tưởng vào các đối tác của mình mà thôi. Mức độ tin tưởng đó được đo lường qua tuyên bố của ông Tập Cận Bình ủng hộ Ý ». Tác giả bài báo trên Le Grand Continent, Francesco Maselli, kết luận « nội các Conte hoàn toàn ý thức được là Ý có thể trở thành một công cụ trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh ».

 

Tham gia BRI với Trung Quốc là « một sai lầm »

 

Bốn năm sau chuyến công nước Ý của ông Tập Cận Bình, « thâm hụt mậu dịch của Ý với Trung Quốc tăng lên thêm so với trước ». Ý xuất khẩu nhiều hơn sang Hoa Lục nhưng cũng mua vào nhiều hơn hàng của Trung Quốc. Tuy nhiên khác với Hy Lạp, dù không tham gia dự án BRI, Ý thận trọng hơn nhiều trong các chương trình chuyển nhượng cơ sở hạ tầng cho Trung Quốc và tác giả bài báo xem đây là một thất vọng của Bắc Kinh trong mối đối tác với Ý.

 

Tháng 2/2021 Mario Draghi thuộc xã hội dân sự lên cầm quyền thay thế Giuseppe Conte. Trong thời gian đứng đầu nội các hơn một năm rưỡi, ông đã 5 lần dùng quyền phủ quyết ngăn chận các công ty Trung Quốc mua lại một số các doanh nghiệp của Ý. Đầu mùa thu năm ngoái, sau cuộc bầu cử Quốc Hội, lãnh đạo đảng cực hữu của Ý là Giorgia Meloni thành lập nội các liên minh với cánh hữu. Một trong những phát biểu đầu tiên của vị nữ thủ tướng này là nước Ý trong tay bà sẽ là « một người bạn của Đài Loan ». Về dự án Con Đường Tơ Lụa mới, bà Meloni xem thỏa thuận với Trung Quốc là một « sai lầm ».

 

Nhà báo Francesco Maselli quả quyết : « Ở thượng tầng cơ quan quyền lực Roma, nhiều người cho rằng, không triển hạn thỏa thuận ghi nhớ với Trung Quốc là giải pháp duy nhất ». Lý do : « xét về mặt thương mại, thỏa thuận này không có giá trị, về thực chất văn bản được ký kết từng bước chỉ còn là một cái vỏ rỗng ».

 

« Ra đi » theo kịch bản nào ?

 

Dù vậy ở Roma « không ai muốn gây sự với Bắc Kinh ». Càng lúc càng có nhiều chính khách cho rằng « câu hỏi không còn là Ý sẽ rút khỏi BRI hay không mà là khi nào thì Roma chính thức hóa quyết định đó và thoái lui như thế nào » mà thôi.

 

Trung Quốc và BRI là một trong những hồ sơ chính nữ thủ tướng Ý đã đề cập với tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nhân chuyến công du Washington hồi tháng 7/2023. Trong khi đó một trong những thành viên quan trọng nhất của chính phủ và cũng là cố vấn trung thành của Giorgia Meloni là bộ trưởng Quốc Phòng Guido Crosetto, hôm 30/07/2023 nói thẳng, tham gia Con Đường Tơ Lụa là một quyết định « hồ đồ » và tệ hại cho nước Ý.

 

Ông nói thêm « cam của Ý thâm nhập thị trường Trung Quốc nhiều hơn trước, thế nhưng trong ba năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào Ý đã nhân lên gấp ba lần  so với trước. Paris chẳng cần thỏa thuận BRI mà vẫn xuất khẩu được máy bay cho Trung Quốc trị giá hàng chục tỷ euro ». Theo bộ trưởng Quốc Phòng Crosetto, Roma cần « bước ra khỏi » dự án Con Đường Tơ Lụa của Trung Quốc.

 

Ra đi như thế nào tránh để thiệt hại đến kinh tế của Ý ? Báo Il Giornale thuộc khuynh hướng bảo thủ phác họa ra ba kịch bản cho cuộc chia tay này.

 

Một là đơn giản thông báo cắt đứt thỏa thuận với Bắc Kinh. Chắc chắn là Trung Quốc sẽ phản công bằng những đòn kinh tế đang có trong tay. Giải pháp thứ nhì là vẫn duy trì thỏa thuận nhưng đàm phán thêm về một số điều khoản có lợi hơn cho Roma. Khả năng thứ ba là không triển hạn thỏa thuận ghi nhớ BRI nhưng đồng thời đề nghị một hiệp ước khác với Trung Quốc ít mang tính ràng buộc hơn về mặt địa chính trị, để đẩy mạnh giao thương và chủ yếu chỉ nhắm vào mảng kinh tế.  

 

Khúc mắc nằm ở chỗ lôi kéo được Roma vào dự án BRI đối với Bắc Kinh trước hết là một biểu tượng mạnh về mặt chính trị, bởi Ý là thành viên của G7 là một cột trụ trong Liên Hiệp Châu Âu.

 

Sau tuyên bố của bộ trưởng Quốc Phòng Ý, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã đáp lại rằng tham gia Một Vành Đai Một Con Đường đáp ứng lợi ích của Trung Quốc cũng như của Ý và từ 2019 đến nay thỏa thuận ghi nhớ song phương đã « thành công về mặt hợp tác nhiều kết quả cụ thể về kinh tế, về thương mại giữa các doanh nghiệp ».    

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats