Saturday, 26 August 2023

CHIẾN LƯỢC CỦA BẮC KINH ĐANG THẤT THẾ TẠI BIỂN ĐÔNG (Lê Đông Hải, RFA)

 



Chiến lược của Bắc Kinh đang thất thế tại Biển Đông

Bình luận của Lê Đông Hải
2023.08.24

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/beijing-strategy-failed-in-the-scs-08242023120128.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/beijing-strategy-failed-in-the-scs-08242023120128.html/@@images/38784810-b9c6-4020-940d-0f2554f48310.jpeg

Tàu hải cảnh của Trung Quốc chặn đường tàu tuần duyên của Philippines hôm 22/8/2023 khi các tàu này đang hộ tống một tàu dân sự đưa đồ tiếp tế do căn cứ của Philippines ở Biển Đông.   (AFP)

 

 

Sự hiếu chiến của Bắc Kinh giúp hồi sinh các liên minh của Mỹ

 

Tháng 12/2022, Nhật Bản công bố Chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên trong gần 10 năm qua (1). Thông qua chiến lược này, Tokyo cam kết củng cố liên minh Mỹ-Nhật ở tất cả các lĩnh vực. Và không chỉ có mình Nhật Bản. Trong nửa thập niên qua, gần như tất cả các đồng minh của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đều tăng cường quan hệ đối tác với Washington và hình thành các mạng lưới mới.

 

Thoạt nghe, điều này có lẽ khó hiểu. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thể hiện mong muốn Mỹ rút khỏi Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và Chính phủ Trung Quốc tiếp tục duy trì truyền thống lâu đời là thể hiện thái độ thù địch đối với các liên minh của Washington, vốn là nền tảng cho sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Nhiều nhà phân tích lập luận rằng Bắc Kinh có một chiến lược chặt chẽ, có tính nguyên tắc để gây chia rẽ giữa Mỹ với các đồng minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhưng khác xa với một chiến dịch được thực hiện tốt, nỗ lực của Bắc Kinh nhằm làm xói mòn các liên minh của Mỹ không chặt chẽ và không có tính nguyên tắc – giúp củng cố thay vì làm suy yếu các liên minh của Mỹ trong khu vực và tạo ra một liên minh mạnh mẽ do Mỹ dẫn dắt để kiềm chế Bắc Kinh trong những năm tới. 

 

Tham vọng của Bắc Kinh – nhằm cô lập Washington với các đồng minh châu Á – đã bị chệch hướng phần lớn bởi mong muốn giải quyết những vấn đề gây bất mãn trước mắt. Thay vì tập trung vào các mục tiêu chiến lược dài hạn, Trung Quốc lại bận tâm về việc làm thế nào để giành được lợi ích chiến thuật ngắn hạn trong tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng và có được sự sợ hãi từ các nước khác. Điều này dẫn đến những sai lầm lớn về chiến lược và cho thấy Bắc Kinh gần như không giỏi trong việc lập kế hoạch và thực hiện chiến lược dài hạn như nhiều người nghĩ.

 

 

Trường hợp Philippines

 

Việc Trung Quốc theo đuổi các tham vọng lãnh thổ làm xói mòn nỗ lực của họ trong việc phá hoại các liên minh của Mỹ được thể hiện rõ nhất ở Biển Đông. Năm 2016, việc Rodrigo Duterte được bầu làm Tổng thống Philippines mang lại cho Bắc Kinh cơ hội lôi kéo một đồng minh lâu đời của Mỹ. Sau nhiều tháng thể hiện thái độ thù địch đối với Mỹ và bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Trung Quốc, Duterte tuyên bố tách khỏi Washington và tiết lộ ý định thay đổi lập trường của Philippines. Trung Quốc chuyển sang tận dụng cơ hội trên – giảm các rào cản thương mại đối với Philippines và cam kết đầu tư đáng kể vào nước này. Ban đầu, Bắc Kinh cũng tìm cách giảm bớt xung đột xoay quanh các vùng lãnh thổ tranh chấp ở biển Đông – vấn đề dễ gây căng thẳng nhất trong quan hệ với Philippines. Đầu năm 2020, Trung Quốc suýt giành thắng lợi lớn trên mặt trận ngoại giao khi Duterte tuyên bố ý định chấm dứt Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA), vốn tạo điều kiện cho quân đội Mỹ hiện diện ở Philippines. 

 

Tuy nhiên, trước khi thỏa thuận chính thức chấm dứt, Trung Quốc lại không muốn kiềm chế hành vi của mình ở biển Đông. Một trong những hành động khiêu khích khác của Bắc Kinh là công khai tái khẳng định quyền kiểm soát đối với các khu vực tranh chấp. Bên cạnh đó, tàu hải quân của họ đã liên tục đe dọa tàu Philippines. Hành vi này khiến Duterte khó chịu và gây bất hòa vào đúng thời điểm Trung Quốc lẽ ra nên tìm cách xoa dịu những tranh chấp như vậy. Bắc Kinh đã phải trả giá cho hành động của mình. Tháng 6/2020, Manila lần đầu tiên đình chỉ quá trình chấm dứt thỏa thuận của Mỹ. Chỉ một năm sau, Duterte lại khôi phục hoàn toàn thỏa thuận này. Bắc Kinh không những không đạt được gì đáng kể ở biển Đông thông qua các hành động khiêu khích, mà còn lãng phí cơ hội vàng để loại bỏ một yếu tố quan trọng của liên minh Mỹ-Philippines. 

 

 

Marcos xoay trục

 

Trong số các quốc gia Đông Nam Á, nếu xét về mức độ thay đổi chính sách ngoại giao sau khi thay đổi chính quyền, thì Philippines có thể đứng hàng đầu. Trong sáu năm cầm quyền, cựu Tổng thống Philippines Duterte chưa bao giờ đến thăm Mỹ và cũng không che giấu sự bất mãn với Mỹ, nhưng đối với tổng thống hiện nay thì lại khác. Mặc dù mới chỉ nắm quyền được hơn một năm, nhưng Tổng thống đương nhiệm Marcos Jr. đã thực hiện sự nâng cấp quan hệ đồng minh Philippines-Mỹ. Sự thay đổi nhanh chóng này không chỉ tác động đến quan hệ song phương Mỹ-Philippines, mà còn tác động đến các nước khác. 

 

Cả Mỹ và Philippines đều có nhu cầu cấp thiết đối với việc nâng cấp quan hệ đồng minh. Vị trí địa lý của Philippines có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Quần đảo Philippines dài 1.850 km từ Bắc xuống Nam và rộng 1.100 km từ Đông sang Tây, là một phần của chuỗi đảo ở phía Đông châu Á. Quần đảo Philippines không chỉ phân bố rộng mà còn có nhiều eo biển bao quanh, chẳng hạn như eo biển Ba Sĩ giữa cực Bắc Philippines và đảo Đài Loan, eo biển Mindoro và eo biển Balabac giữa cực Nam và đảo Kalimantan.

 

Khi thúc đẩy Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Chính quyền Biden mong muốn rằng Philippines đóng vai trò là tiền đồn quân sự quan trọng, đồng thời bảo đảm sự hiện diện quân sự linh hoạt ở Philippines. Philippines là nước có lịch sử lâu đời nhất trong năm nước đồng minh của Mỹ ở châu Á. Mỹ và Philippines đã lần lượt ký kết Hiệp ước phòng thủ chung(MDT) năm 1951 (2), Hiệp định các lực lượng viếng thăm (VFA) năm 1998 (3) và Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) năm 2014 (4).

 

Có ba lý do khiến Philippines hoan nghênh việc nâng cấp quan hệ đồng minh với Mỹ: Thứ nhất, do có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, nên Philippines muốn sử dụng sức mạnh của Mỹ (đồng minh duy nhất) để cân bằng Trung Quốc. Philippines nghi ngờ về hiệu lực của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines được hai nước ký kết cách đây 72 năm, nên muốn Mỹ đưa ra cam kết mới và rõ ràng về việc đảm bảo an ninh cho Philippines. Thứ hai, tiến trình hiện đại hóa quân sự của Philippines diễn ra chậm chạp và Philippines hy vọng có được sự giúp đỡ của Mỹ. Là nước có tốc độ tăng trưởng không quá cao trong số các nước Đông Nam Á, nên việc Philippines muốn “mượn sức mạnh từ bên ngoài” là điều không có gì khó hiểu. Thứ ba, không thể bỏ qua các yếu tố chính trị nội bộ của Philippines. Trong hệ thống quân sự và ngoại giao của Philippines, có rất nhiều nhóm chủ trương cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Đảng cầm quyền, đảng đối lập và các lực lượng chính trị ở Philippines thường công kích lẫn nhau, tranh nhau sử dụng “quân bài” chủ nghĩa dân tộc, kích động tinh thần dân tộc và chuyển hướng sự chú ý trong nước. Chính quyền Marcos Jr. chủ trương củng cố và nâng cấp quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines và dựa vào Mỹ để kiềm chế Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, nhưng ở mức độ nhất định cũng xuất phát từ nhu cầu đấu tranh chính trị trong nước của Philippines.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/beijing-strategy-failed-in-the-scs-08242023120128.html/000_33ec6ht.jpg/@@images/de1f827d-f2bc-4369-a39d-70e912d641be.jpeg

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos duyệt đội danh dự ở Washington DC hôm 3/5/2023. AFP

 

Không có gì lạ khi Philippines và Mỹ tuyên bố muốn củng cố quan hệ đồng minh, nhưng kể từ khi Marcos Jr. lên cầm quyền, liên minh Mỹ-Philippines đã có nhiều sự nâng cấp mang tính thực chất, chủ yếu được thể hiện ở ba khía cạnh sau: Thứ nhất, Philippines cho phép Mỹ mở thêm căn cứ quân sự. Văn phòng Tổng thống Philippines ngày 3/4/2023 đã công bố vị trí của các căn cứ bổ sung cho quân đội Mỹ, lần lượt là căn cứ hải quân Camilo Osias ở Santa Ana và sân bay Lal đều thuộc tỉnh Cagayan, phía Bắc đảo Luzon, căn cứ Melchor Dela Cruz ở Gamu, tỉnh Isabela và căn cứ Balabac, thuộc đảo Palawan (5).

 

Điều đặc biệt đáng chú ý là ba căn cứ này nằm ở tỉnh Cagayan và Isabela phía Bắc đảo Luzon chỉ cách Đài Loan 400 km. Từ góc độ của Mỹ, 3 căn cứ này có thể đóng vai trò "giúp bảo vệ Đài Loan" khi cần thiết. Căn cứ gần đảo Palawan được coi là nhằm vào Trung Quốc, có ý định tăng cường khả năng can thiệp quân sự của Mỹ  Nam Hải.

 

Hiện trên lãnh thổ Philippines có tổng cộng chín căn cứ quân sự của Mỹ đang hoạt động. Có thông tin cho rằng Philippines có thể sẽ cho phép Mỹ mở thêm 8 căn cứ. Bằng cách này, Mỹ hy vọng đạt được ý đồ chiến lược là ngăn chặn Trung Quốc ngay ở chuỗi đảo thứ nhất.

 

Dấu hiệu thứ hai của việc Mỹ và Philippines nâng cấp quan hệ đồng minh là có cuộc tập trận chung quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Cuối tháng 4/2023, Philippines và Mỹ đã tổ chức một cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn chưa từng có ở vùng biển xung quanh Biển Đông. Cuộc tập trận chung Balikatan (Vai kề vai) Mỹ-Philippines kéo dài 2 tuần và có sự tham gia của 17.000 binh sĩ. Số lượng binh sĩ tham gia cuộc tập trận chung  năm nay nhiều gần gấp đôi so với năm 2022 (6).

 

Cuộc tập trận chung Mỹ-Philippines lần này nhằm củng cố liên minh và nâng cao khả năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của quân đội hai nước. Điều đáng chú ý là quy mô của cuộc tập trận không chỉ lớn chưa từng có, mà điều quan trọng hơn là nội dung cuộc tập trận đã vượt ra khỏi phạm vi bảo vệ an ninh của Philippines, hướng tới việc chuẩn bị đối phó với cuộc xung đột quy mô lớn, cường độ cao có thể xảy ra ở nước thứ ba.

 

Trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Philippines Duterte, cuộc tập trận "Vai kề vai" Mỹ-Philippines chủ yếu mang tính chất chống khủng bố và đối phó với khủng hoảng nhân đạo. Cuộc tập trận “Vai kề vai” năm nay nhằm giới thiệu và thể hiện năng lực quân sự truyền thống cũng như chuẩn bị đối phó với cuộc xung đột quy mô lớn trong khu vực. Chuyên gia an ninh Aaron-Matthew Lariosa của trang mạng USNI News (Mỹ) cho rằng cuộc tập trận này mang tính răn đe, cho thấy Mỹ có thể hòa nhập và hợp tác hiệu quả với quân đội Philippines khi cần thiết. Quân đội Mỹ đang kề vai sát cánh chiến đấu với quân đội Philippines là tín hiệu mạnh mẽ mà Mỹ muốn gửi tới đối thủ tiềm năng Trung Quốc (7).

 

Lấy sự hiện đại hóa của liên minh Mỹ-Philippines để thúc đẩy sự hiện đại hóa quốc phòng của Philippines là bằng chứng thứ ba về việc Mỹ và Philippines nâng cấp quan hệ đồng minh. Sau Đối thoại an ninh quốc phòng 2+2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết hai bên đã nhất trí hoàn tất lộ trình viện trợ quân sự của quân đội Mỹ cho Philippines trong 5-10 năm tới (8). Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo cho biết hai bên đã tăng cường cam kết hiện đại hóa liên minh Philippines-Mỹ: "Quan hệ đối tác của chúng tôi cần đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế" (9). Từ đó có thể thấy Philippines có ý định gắn bó chặt chẽ với Mỹ về xây dựng lực lượng quân sự.

 

 

Hiệu ứng domino sẽ xảy ra?

 

Động thái mới về quân sự của Mỹ và Philippines có thể tạo thành hiệu ứng hình mẫu ở Đông Nam Á.

 

Thời gian vừa qua, Philippines đã thay đổi thái độ một cách mạnh mẽ, đã công khai đối đầu và đưa ra công luận những hành vi đe doạ và hình ảnh xấu xí từ Bắc Kinh trong sự kiện Bãi Cỏ Mây ngày 5/8. Cho đến nay, căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines về Bãi Cỏ Mây dù đã tạm lắng, nhưng những tranh cãi trên truyền thông của cả hai bên vẫn chưa dừng lại.

 

Rõ ràng, do quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines được củng cố, nên lập trường của Philippines trong vấn đề Biển Đông đã trở nên cứng rắn hơn. Điều này sẽ gợi nhiều suy nghĩ cho các quốc gia Đông Nam Á khác cũng có liên quan đến tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông, bao gồm Indonesia, Malaysia và Việt Nam.

 

Biện pháp “an ninh hóa” quan hệ song phương Mỹ-Philippines có thể khiến các bên liên quan mở rộng và tăng cường quan hệ an ninh với các cường quốc tầm trung và lớn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm đối phó với thách thức an ninh khu vực nghiêm trọng, trong đó có Biển Đông. Đặc biệt là dựa vào các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và các cường quốc tầm trung như Australia, Hàn Quốc để “cân bằng” với Trung Quốc. Về hình thức hợp tác, có thể bao gồm việc tổ chức định kỳ đối thoại an ninh, quốc phòng, đào tạo nhân viên quân sự, tiến hành các cuộc tập trận chung song phương, đa phương hẹp và đa phương.

 

Đang có tin Việt Nam sẽ cùng với Mỹ nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức Đối tác Chiến lược (10). Việt Nam mới đây cũng tỏ ý sẽ cùng Australia nâng quan hệ lên mức cao nhất là Đối tác Chiến lược Toàn diện (11). Năm ngoái, Việt Nam và Hàn Quốc cũng đã đạt đến tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện. Cả Australia và Hàn Quốc đều là đồng minh của Mỹ.

 

Ngoài ra, các nước Đông Nam Á có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc trên Biển Đông sẽ tăng cường hợp tác với Philippines. Mặc dù một số nước Đông Nam Á có xung đột lợi ích trong vấn đề Biển Đông, nhưng lại có lợi ích chung trong việc cùng đối phó với mối đe doạ Trung Quốc. Cụ thể là Việt Nam và Philippines đang có xu hướng hợp tác trong vấn đề Biển Đông.

 

Trong tương lai, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei có thể tăng cường hợp tác đa phương hẹp về vấn đề Biển Đông. Bao gồm cả việc tổ chức đối thoại năm bên, thậm chí tổ chức các cuộc tập trận chung trên biển, tuần tra chung và các hoạt động giao lưu hữu nghị trên các đảo/đá trong khuôn khổ đa phương hẹp.

__________

Tham khảo:

 

1. https://www.cas.go.jp/jp/siryou/221216anzenhoshou/nss-e.pdf

 

2. https://www.officialgazette.gov.ph/1951/08/30/mutual-defense-treaty-between-the-republic-of-the-philippines-and-the-united-states-of-america-august-30-1951/

 

3. https://chanrobles.com/visitingforcesagreement1.htm

 

4. https://www.officialgazette.gov.ph/2014/04/29/document-enhanced-defense-cooperation-agreement/

 

5. https://time.com/6252750/philippines-us-military-agreement-china/

 

6. https://www.pna.gov.ph/articles/1200375

 

7. https://news.usni.org/2023/07/18/u-s-philippines-forces-training-in-tandem-as-countries-alliance-expands

 

8. https://apnews.com/article/taiwan-politics-united-states-government-ferdinand-marcos-jr-lloyd-austin-149f981290f849c62a684bea5d0d276b

 

9. https://www.csis.org/analysis/new-era-us-philippines-alliance-discussion-foreign-secretary-enrique-manalo

 

10. https://www.politico.com/news/2023/08/18/biden-vietnam-partnership-00111939

 

11. https://e.vnexpress.net/news/news/vietnam-australia-agree-to-comprehensive-strategic-partnership-4644824.html?

 

----------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

 

------------------------

Tin, bài liên quan

BLOG

 

Việt - Hàn chung tay đối phó Trung Quốc

 

Bài học cho Việt Nam từ sự kiện Bãi Cỏ Mây vừa qua

 

Tập Cận Bình có “ve vãn” được Philippines thông qua Duterte?

 

Hy vọng mịt mờ về Bộ quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông

 

Việt Nam cần thận trọng trước các sáng kiến toàn cầu của Trung Quốc





No comments:

Post a Comment

View My Stats