Friday 14 April 2023

MACRON CÔNG DU TRUNG QUỐC : THẤT BẠI NGOẠI GIAO (Thụy My / RFI)

 



Macron công du Trung Quốc: Thất bại ngoại giao

Thụy My  -  RFI / ĐIỂM BÁO

Đăng ngày: 13/04/2023 - 09:33

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20230413-macron-c%C3%B4ng-du-trung-qu%E1%BB%91c-th%E1%BA%A5t-b%E1%BA%A1i-ngo%E1%BA%A1i-giao

 

Các báo Pháp hôm nay 12/04/2023 chỉ trích tổng thống Pháp vì những phát biểu được hiểu là thiên về Bắc Kinh trong vấn đề Đài Loan, lại được đưa ra vào thời điểm Trung Quốc tập trận đe dọa Đài Bắc. Libération và Les Echos cho rằng đó là một chuyến đi thất bại - ngoại trừ kỷ niệm êm đềm về bàn tay thân ái mà nước Pháp giàu mạnh đã chìa ra cho một Trung Quốc cô độc, suýt chết chìm cách đây hơn sáu thập niên.

 

https://s.rfi.fr/media/display/104b0714-d47a-11ed-afd4-005056bf30b7/w:980/p:16x9/AP23096389278305.webp

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) bắt tay chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau cuộc họp báo tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 06/04/2023. AP - Ng Han Guan

 

Trang nhất các báo Pháp hôm nay dành cho những vấn đề khác nhau. Le Figaro đưa tin vui « Châu Âu thoát khỏi suy thoái », Les Echos chạy tựa « Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo về lạm phát kéo dài ». Le Monde quan tâm đến việc « Tìm một lối ra cho khủng hoảng về hưu trí ». Libération nhấn mạnh vấn đề môi trường « Côn trùng : Nếu chúng biến mất, chúng ta cũng không còn ». La Croix tỏ ra lo lắng trước hiện tượng « Trên mạng xã hội ai cũng đẹp », bộ lọc giúp làm đẹp của TikTok ảnh hưởng đến tâm lý thanh thiếu niên. Ở các trang trong, dư âm chuyến đi Trung Quốc của tổng thống Pháp, vụ rò rỉ tài liệu mật của Lầu Năm Góc và tình hình Ukraina tiếp tục được bàn luận.

 

Macron công du Trung Quốc

 

Về chuyến đi Trung Quốc của ông Emmanuel Macron, Libération cho rằng đó là « ngoại giao thất bại ». Khi vụng về bảo vệ chiến lược tự chủ quốc phòng châu Âu, tổng thống Pháp gây ra một tình hình rắc rối. Trong cuộc trả lời phỏng vấn ba cơ quan truyền thông trên chuyến bay trở về Pháp, Emmanuel Macron tạo cảm giác như ông thông cảm với yêu sách của Bắc Kinh về Đài Loan, và giữ khoảng cách với Hoa Kỳ - được cho là leo thang tại Biển Đông.

 

Đó là cách hiểu của phe cứng rắn trong đảng Cộng Hòa Mỹ, và đảng Dân chủ-Thiên Chúa giáo (CDU) ở Đức. Dân biểu Đức Norbert Röttgen (CDU) đả kích : « Macron đã thành công trong việc biến chuyến thăm Trung Quốc thành chiến dịch truyền thông cho họ Tập và thảm họa ngoại giao cho châu Âu. Với quan niệm về chủ quyền như vậy, tự coi là đối nghịch với Hoa Kỳ thay vì đối tác, ông ta càng bị cô lập hơn ở châu Âu ».

 

Một nhà ngoại giao Pháp cho rằng thực ra chỉ là việc tái khẳng định tính đặc thù của châu Âu trong một thế giới đang trở nên bất định, và sự cần thiết bảo vệ lợi ích của mình, như tất cả các cường quốc. Hôm qua, trong bài diễn văn 30 phút ở Hà Lan, Macron nhấn mạnh đến tự chủ kinh tế của châu Âu, nhưng không nhắc tới những ý về Đài Loan gây tranh cãi. Một số người lấy làm tiếc vì lẽ ra Emmanuel Macron cần phải nhắc lại trước Bắc Kinh chính sách của châu Âu : bác bỏ mọi việc dùng vũ lực để cưỡng chiếm và quân sự hóa Biển Đông, cũng như ủng hộ nền dân chủ Đài Loan.

 

Vấn đề là tuyên bố được đưa ra vào lúc Trung Quốc tập trận đe dọa Đài Loan. Bên cạnh đó Macron cũng tỏ ra « amateur », đúng ra phải trả lời riêng báo chí trong nước và ngoại quốc. Và do tiếng Anh được sử dụng nhiều hơn, nên phiên bản trên Politico được phổ biến rộng rãi, gây bất bình. Ông Frédéric Mérand, trưởng khoa chính trị đại học Montréal, cho rằng cuộc trao đổi này lẽ ra nên trong khuôn khổ một cuộc hội thảo ở Sciences-Po chẳng hạn, chứ không phải trên báo chí.

 

Đài Loan, cuộc khủng hoảng không phải của châu Âu?

 

Như để phản bác ông Macron, xã luận của Le Monde nhấn mạnh « Đài Loan, một vấn đề cho châu Âu ». Chết cho Đài Loan chăng ? May mắn là chưa phải đặt ra câu hỏi này, nhưng sự thiếu vắng đối thoại Mỹ-Trung và căng thẳng về Đài Loan, khiến châu Âu cần phải cân nhắc về một quan điểm chung sớm hơn như đã nghĩ. Cũng như Libération, Le Monde cho rằng Pháp xưa nay vẫn chủ trương « là đồng minh nhưng không phải luôn có cùng quan điểm », tuy nhiên có hai vấn đề là thời điểm và cách trình bày.

 

Về thời điểm, phái đoàn Pháp vừa rời Hoa lục, quân đội Trung Quốc đã tiến hành ngay cuộc tập trận bao vây Đài Loan. Cách ông Macron diễn đạt suy nghĩ của mình dẫn đến những cách hiểu tiêu cực. Chẳng hạn khi đề cập đến một trong những quan ngại của châu Âu là sự thống nhất, Macron nói : « Trung Quốc cũng quan tâm đến thống nhất, và theo quan điểm của họ, Đài Loan là một bộ phận ». Như vậy chẳng khác nào Emmanuel Macron cào bằng quan hệ giữa 27 nước thành viên tự nguyện tham gia EU, với quan hệ giữa một đại cường toàn trị với một đảo quốc 24 triệu dân gắn bó cùng giá trị dân chủ.

 

Tổng thống Pháp gợi ra nguy cơ châu Âu « bị kẹt trong một cuộc khủng hoảng không phải của mình ». Trong khi đó nước Pháp muốn trở thành một cường quốc Ấn Độ-Thái Bình Dương, sự ổn định ở eo biển Đài Loan là lợi ích của tất cả. Ông cũng chưa nêu ra vấn đề căn bản mà châu Âu đang tránh né : Làm thế nào tránh cho nguyên trạng ở Đài Loan không bị phá vỡ? Phản ứng chung như thế nào trước viễn cảnh Trung Quốc xâm lăng hòn đảo ? Macron cho rằng đến một lúc nào đó sẽ phải bàn bạc. Nhưng theo Le Monde, trong bối cảnh chiến tranh đang diễn ra ở Ukraina, cần phải có thái độ rõ ràng.

 

Trung Quốc sắp chết đuối thập niên 60 đã trở thành con rồng hung dữ

 

Giáo sư Christian Saint-Etienne nhận xét trên Les Echos « Đứng trước con rồng Trung Quốc, nước Pháp không ngừng đi xuống ». Hồi năm 1964, khi Charles de Gaulle đi tiên phong trong việc công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Bắc Kinh đang rất yếu kém vì đấu tranh ý thức hệ và quân sự với Liên Xô (1962-1969), còn Pháp đang tăng tiến về kinh tế, kỹ nghệ. Thập niên 80, Pháp bán máy dò siêu âm cho hải quân Trung Quốc, tiến hành chương trình nguyên tử dân dụng giúp nước này độc lập về điện năng. Vụ thảm sát Thiên An Môn 1989 làm hình ảnh Trung Quốc đen tối hẳn đi trước cộng đồng quốc tế…

 

Rồi tất cả đã đảo ngược với việc Trung Quốc được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 1991, nhưng Mỹ không đòi hỏi đổi lại Bắc Kinh phải mở cửa kinh tế thực sự. Con mèo Trung Hoa tóm được tất cả những con chuột, và thời kỳ hậu kỹ nghệ đã tước mất móng vuốt của mèo Pháp. Emmanuel Macron quên rằng các đại cường chỉ biết có sức mạnh. GDP của Pháp năm 1964 cao gấp 6 lần Trung Quốc, còn năm 2023 kém gấp 6 lần.

 

Sai lầm của Macron là đến Bắc Kinh với ý định buộc Trung Quốc gây áp lực lên Nga về chiến tranh ở Ukraina. Thế nhưng Tập Cận Bình hoàn toàn có lợi trong cuộc chiến này – Nga bị yếu đi, rơi vào miệng con rồng như một trái cây chín rục. Ông Macron còn mời Ursula von der Leyen đi cùng, tuy bà luôn cứng rắn với Bắc Kinh. Tổng thống Pháp cũng quên mất lợi ích ở Thái Bình Dương, và không nhấn mạnh đến thâm hụt thương mại khổng lồ 54 tỉ euro. Một chuyến đi thất bại, ngoại trừ kỷ niệm êm đềm về bàn tay thân ái mà nước Pháp đã chìa ra cho một Trung Quốc cô độc, suýt chết chìm cách đây hơn sáu thập niên.

 

Ukraina: "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh"

 

Phóng sự của Le Monde viết về « Những người phụ nữ Ukraina trên tiền tuyến ». Hiện đang

có hơn 40.000 phụ nữ Ukraina đang phục vụ trong quân ngũ, trong đó khoảng 5.000 nữ chiến binh ở vị trí tác chiến.

 

Thứ trưởng quốc phòng Ukraina, bà Hanna Maliar cho biết ngoài ra còn có 19.000 nữ nhân viên dân sự tại các đơn vị cung ứng cho quân đội. Theo bà, « phụ nữ vẫn có thể hăng say theo đuổi binh nghiệp không khác gì nam giới ». Cô Andriana Arekhta, thuộc một đơn vị tác chiến, bị thương ở Kherson, là một cựu chiến binh từ thời Donbass bị xâm lấn năm 2014. Lúc đó quân đội chính quy không cho phụ nữ chiến đấu, nên sau khi tham gia cuộc cách mạng Maidan, cô gia nhập tiểu đoàn quân tình nguyện Aidar.

 

Những nữ chiến binh chiến đấu cũng giỏi như các đồng đội nam, và sau nhiều cuộc vận động, đến năm 2018 Ukraina thông qua luật cho phép phụ nữ tác chiến. Từ khi quân Nga tràn sang ngày 24/02/2022, giới nữ tham gia quân đội và lực lượng phòng vệ đông đảo hơn. Kiev đang chuẩn bị loại quân phục và áo giáp phù hợp với nữ giới, cùng với dịch vụ y tế thích ứng. Tuy nhiên vẫn có những chỉ huy từ chối bố trí nữ chiến binh vào các vị trí trên tuyến đầu.

 

Phương Tây vẫn ủng hộ Kiev sau một năm kháng chiến

 

Cũng về Ukraina, Le Figaro nhận thấy « Phương Tây vẫn không lùi bước ». Quân Ukraina vẫn giữ được Bakhmut, nơi diễn ra những trận đánh ác liệt nhất, và làm thất bại nhiều cuộc tấn công của quân Nga. Dù bị sa lầy trên chiến trường - 250.000 lính và 80 % xe thiết giáp bị loại khỏi vòng chiến - Kremlin vẫn không từ bỏ mục tiêu. Chuyên gia Michel Goya cho biết : « Tại Donbass, mặt trận của Nga vững chắc hơn so với hồi tháng Chín. Vùng Donetsk trở nên kiên cố nhất thế giới, chỉ đứng sau vùng phi quân sự Triều Tiên ». Theo ông, « một trận tấn công không đủ mà phải nhiều trận ». Crimée bị Nga biến thành pháo đài nên khó thể chinh phục.

 

Trên thực địa, vũ khí phương Tây giao chậm hơn dự kiến do kỹ nghệ quốc phòng sản xuất không kịp, dự trữ thấp sau nhiều thập niên giải trừ quân bị, và còn do một số nước vẫn chần chừ. Tuy nhiên một trong những bất ngờ của cuộc chiến tranh này là dư luận phương Tây vẫn ủng hộ Ukraina. Theo nghiên cứu mới đây của ECFR tại 9 nước Liên Hiệp Châu Âu (EU), có 61 % người dân đồng tình với việc Kiev tái chiếm toàn bộ lãnh thổ, dù chiến tranh có phải kéo dài hơn.

 

Đa số nước châu Âu tin rằng bây giờ không còn là lúc để đàm phán và ngưng bắn, mà là vấn đề tương quan lực lượng trên chiến trường. Và châu Âu cũng đã học được cách bình thản hơn trước những đe dọa về vũ khí nguyên tử của Kremlin, cho rằng nguy cơ này rất thấp. Nhờ quyết tâm của Ba Lan và các nước Baltic, châu Âu dần dà trở thành nhân tố có sức nặng bên cạnh NATO và Mỹ. Kết quả phản công của Kiev sẽ mang lại những hệ quả quan trọng trong thời gian tới. Ông Goya giải thích : « Nếu thành công, sẽ còn phải đánh tiếp để đi đến cùng ; còn nếu thất bại, các mặt trận rạn vỡ, lực lượng đôi bên đều kiệt sức, chiến tranh sẽ kéo dài và có thể phải thay đổi mục tiêu chiến lược ».

 

Lộ tài liệu mật: Mỹ mất nguồn tin, Ukraina phải đổi kế hoạch tác chiến?

 

Trong khi đó Les Echos lo ngại « Vụ tiết lộ tin tình báo Mỹ có thể gây tác hại cho Ukraina ». Hơn 100 tài liệu mật bị phổ biến trên các mạng xã hội mô tả cụ thể những trang bị của Ukraina và chỉ ra những điểm yếu của phòng không, vào lúc Kiev đang chuẩn bị phản công. Kể từ vụ Snowden cách đây 10 năm, Hoa Kỳ chưa bao giờ bị lộ tài liệu mật nhiều như vậy. Chính quyền hết sức lo ngại, vì những thông tin này vừa mang tính thời sự (tháng Hai và tháng Ba), vừa ở cấp rất cao, cho thấy Mỹ can thiệp sâu vào cuộc chiến.

 

Cho dù các cơ quan chức năng vẫn còn đang thẩm định tính xác thực, nhưng các nhân viên được báo chí tiếng Anh hỏi riêng đều cho rằng đó là những tài liệu mật nhạy cảm được bộ tổng tham mưu soạn cho các nhà lãnh đạo chính trị cao cấp. Trong cuộc họp báo hôm thứ Hai, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby đề nghị các phóng viên không đưa lại những thông tin « không dành cho công chúng ». Nhiều văn bản do mạng xã hội đăng lại đã được sửa đổi theo hướng có lợi cho Nga.

 

Tình trạng của lực lượng Ukraina được cho biết rất chi tiết nên quân Nga có thể lợi dụng. Libération dẫn báo Mỹ cho hay, Ukraina đang thành lập 12 lữ đoàn, trong đó có 9 được Washington huấn luyện và trang bị. Một số tài liệu mô tả cả thực lực của các đơn vị Ukraina trên thực địa, với tổng kết cụ thể về vũ khí, đạn dược của họ. Lữ đoàn số 10 còn được cho là mũi nhọn của cuộc phản công sắp tới. Kiev sẽ phải điều chỉnh lại kế hoạch của mình.

 

Kể từ đầu tháng Năm, phòng không Ukraina hầu như không còn hỏa tiễn tầm trung để đối phó với các cuộc oanh kích. Có thể hiểu được vì sao tổng thống Volodymyr Zelensky không ngừng kêu gọi các đồng minh trợ giúp. Một thông tin gây bối rối nữa là 97 thành viên đặc nhiệm NATO có mặt ở Ukraina. Những tài liệu trên đây cho thấy tình báo Mỹ đã thâm nhập sâu vào mọi cấp ở Nga, như vậy Matxcơva sẽ truy lùng các điệp viên trong những tuần, những tháng tới.

 

XEM THÊM

TÀI LIỆU MẬT - CHIÉN TRANH UKRAINA

Tình báo Mỹ nghi ngờ về khả năng phản công của quân đội Ukraina

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats