Friday, 28 April 2023

KỂ TỪ NGÀY 31 THÁNG TƯ (Ngô Nhân Dụng)

 



Kể từ ngày 31 tháng Tư

Ngô Nhân Dụng

27/04/2023

https://www.voatiengviet.com/a/ke-tu-ngay-31-thang-tu-/7068605.html

 

Vương Hồng Sển đã mô tả các hành động gọi là “Giải phóng.” Sau khi kể chuyện cà kê Kép Tư Út hát bài Anh Khóa đời xưa, tiếp đến chuyện bây giờ ngôi nhà Tổng Đốc Phương bị tháo gỡ bán qua Đài Loan, bỗng nhiên cụ Vương viết...

 

https://gdb.voanews.com/EE454D9C-210B-440F-B680-76C4B8DEA978_w1023_r1_s.jpg

Vương Hồng Sển chia sẻ được nỗi niềm của người dân miền Nam ngậm ngùi nghĩ tới “buổi sau ngày 30 tháng Tư!”

 

Xin nói ngay, không có ngày 31 tháng Tư trong dương lịch, được Giáo Hoàng Gregory XIII áp dụng từ ngày 24 tháng Hai năm 1582.

 

Nhà văn Vương Hồng Sển là người sáng tác ra câu “ngày 31 tháng Tư năm 1975,” trong hồi ký Nửa Đời Còn Lại. Cụ tự giới thiệu là người “máu Hoa pha máu Việt đã bốn đời không nói được tiếng Phước Kiến” (trang 21, Văn Nghệ, California, 1995). Cụ mang tên Hán Việt là Vương Hồng Thạnh (hay Thịnh), nhưng khi làm giấy khai sanh viết thành Sển theo cách nói tiếng Phúc Kiến. Cụ đã nổi tiếng với những cuốn Sài Gòn Năm XưaThú Chơi Sách, Thú Chơi Cổ Ngoạn và nhiều bài báo về các thú chơi này từ trước năm 1975. Cuốn Hơn Nửa Đời Hư, in năm 1993 ở Sài Gòn và bị kiểm duyệt xóa bỏ rất nhiều, hai năm sau được nhà Văn Nghệ tái bản ở Mỹ, mới được đầy đủ.

 

Năm 1993, đã ngoài 90 tuổi, cụ vẫn gắng sức ngồi viết kể tiếp những chuyện đời mình qua cuốn Nửa Đời Còn Lại (Văn Nghệ, California, 1996). Trong cuốn tự truyện thứ nhì này, có hai chỗ Vương Hồng Sển nhắc đến ngày 31 (sic) tháng Tư năm 1975! Lần đầu, cụ viết: “... tôi xin được lẩn thẩn lấy theo sức học đáy giếng mà luận việc trên cao để được tỏ chút nỗi lòng một dân Nam thấp hèn buổi 31 – 4 – 1975.” (trang 285). Nhắc lại: một dân Nam thấp hèn buổi 31 tháng Tư 1975!

 

Lần viết lộn thứ hai là đoạn Vương Hồng Sển bàn về các cựu thần Nhà Lê đầu thế kỷ 19, qua câu thơ Truyện Kiều “hàng thần lơ láo phận mình ra đâu!” khi họ phải làm bầy tôi triều Nguyễn. Cụ kể, “... tôi đây đã trải cảnh chịu đựng sau ngày 31 – 4 – 1975 ở Sài Gòn, làm tôi bắt nhớ Nguyễn Du năm 1802, ...” (trang 291) Vương Hồng Sển đã viết rất dài về tâm sự Nguyễn Du; biện luận rằng trong thân phận “hàng thần lơ láo” đó Tố Như không thể bình tâm mà sáng tác truyện Kiều được.

 

Vương Hồng Sển nhắc đến ngày “đổi đời” này một lần nữa khi mô tả quang cảnh một khu phố Sài Gòn đang thay đổi. Lần thứ ba này thì cụ viết đúng, “... từ ngày 30 – 4 – 1975 và hiện nay đã trở nên phố xá tấp nập lớp buôn bán, lớp làm cửa hàng to ...” (trang 333).

Ba lần viết đến ngày 30 tháng Tư, hai lần lộn thành ngày 31.

 

Có phải cụ Vương Hồng Sển tuổi già nên viết lộn? Hay là người đánh máy bấm lộn nút số 0 thành số 1?

 

Giả thuyết thứ hai không đáng tin. Vì nếu người đánh máy bấm ngón tay sai thì chắc có thể bấm lộn số zero qua số 9 chứ không thể là số 1, vì trên bàn máy hai số zero và số 1 xa nhau, một ở đầu, một ở cuối hàng số.

 

Giả thuyết thứ nhất cũng khó tin. Tác giả có thể tuổi già đã lẫn, nhưng viết sai tới hai lần, đúng vào những chỗ khiến con số 30 viết thành 31 rất có ý nghĩa, thì khó tin. Hơn nữa, Vương Hồng Sển là nhà văn rất thích hài hước, thường dùng ngôn ngữ châm chọc từ các vua, quan tay sai, bọn háo danh, trọc phú, cho tới cả bạn bè.

 

Khi đọc cả cuốn Nửa Đời Còn Lại này, chúng ta thấy ông già rất minh mẫn. Ông nhắc lại những chuyện thời 1922, 1946, vẫn nhớ và ghi lại từng chi tiết. Vương Hồng Sển nổi tiếng là người có thói quen ky cóp cất giữ các kỷ vật, ghi chép các biến cố trong đời mình rất cẩn thận. Ông còn giữ cái toa thuốc của Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh viết ngày 17 Septembre 1924. Cho nên, có thể đoán khi cụ Vương viết hai lần ngày 30 ra 31 như vậy, phải là cố ý. Đó là một cách phát biểu ý kiến về chính trị.

 

Cuốn hồi ký vẫn theo “lối văn Vương Hồng Sển!” Tức là cụ kể chuyện miên man, chuyện nọ xọ chuyện kia, lối văn “cà rởn, cà tửng”, nhái giọng Phuc Kiến, Triều Châu theo phong thái Miệt Vườn. Lâu lâu, tác giả “đánh du kích” một câu thấm thía. Đó là những lúc bàn xéo về chính trị! Viết 30 thành 31 là một lối cà rởn để gửi một thông điệp cho những người đồng cảnh, đồng điệu cùng cười với nhau!

 

Hai lần “cố ý” viết ngày 30 ra ngày 31, tác giả kể lể tâm tình như đang muốn trút ra những “nỗi riêng lớp lớp sóng vùi.” Lần thứ nhất, cụ tự nhận mình thấp hèn như ốc ngồi đáy giếng đòi bàn luận việc “trên cao,” dù chỉ bàn một câu chuyện văn học. Tự nhận mình làm thân “ốc ngồi đáy giếng”, là cách người miền Bắc gọi là “nói kháy.” Không biết các quan ở trên hay thằng dân ở dưới đứa nào mới đúng là ốc ngồi đáy giếng! Cụ đổi thành ngữ “ếch ngồi đáy giếng” thành “ốc” cũng cố ý. Con ếch còn được kêu oang, con ốc chỉ ngậm miệng!

 

Lần viết lộn thứ hai, Vương Hồng Sển nhắc đến thời đoàn quân của Nguyễn Ánh ra chiếm Bắc Hà. Khi quân miền Bắc thất trận, chỉ có hai người trong giới sĩ phu bị chế độ mới hành hạ. Một là Phan Huy Ích, cựu thần Nhà Lê bị bỏ tù; hai là Cống Chỉnh, theo nhà Tây Sơn, bị đánh đến chết vì thù riêng. Cụ Vương nhắc chuyện cũ, chính là để so sánh với chính sách lừa bắt hàng trăm ngàn sĩ quan, công chức miền Nam cho vào tù mút mùa sau năm 1975!

Vương Hồng Sển thấm thía thân phận đau đớn vì mất tự do của một trí thức miền Nam. Có lúc đang bàn chuyện Phạm Quỳnh, cụ đánh một câu: “trong nầy ngày nay có miệng mà khó nói nên lời, có tay cầm viết mà khó ghi lời nào khỏi bị sửa chữa, cắt xén – vả lại tôi là người gì mà được phép nói ...?” (trang 267). Viết hai chữ “trong nầy” tức là trong miền Nam. Viết “ngày nay” tức thời cộng sản đô hộ, khác thời trước 1975. Chỉ viết bốn chữ, “trong nầy”và “ngày nay” đủ tả nỗi niềm một nhà văn “không được phép nói!”

 

Tôi là người gì mà dám nói? Nhưng có lúc cụ Vương vẫn phải nói, như khi cụ lên tiếng bênh vực một danh nhân Miền Nam vẫn bị Cộng Sản buộc tội và bêu riếu một cách thô bạo, bất công, là Phan Thanh Giản. Bênh vực Phan Thanh Giản là táo bạo, chống lại cả guồng máy “tuyên giáo” của Đảng Cộng Sản! Sau khi biện luận để phục hồi danh dự Phan Thanh Giản, Vương Hồng Sển viết: “... người đời nay học thuyết mới, tư tưởng theo mới, quên ơn kẻ trồng cây, quên ơn sanh thành đào tạo, ...” Những “học thuyết mới, tư tưởng theo mới” này là chủ nghĩa Mác xít!

 

Năm 1975, lẫn trong đám các nhà văn, nhà thơ và học giả miền Bắc vào Sài Gòn, có nhiều người mang thái độ kiêu ngạo của đoàn quân thắng trận. Họ lên mặt “dạy dỗ, cải tạo” giới văn nghệ và học thuật miền Nam theo đúng đường lối đảng. Nhiều người làm công tác rồi phải “báo cáo” lên cấp trên. Cảnh tiếp xúc hai miền Nam Bắc lúc đó, Vũ Hoàng Chương đã diễn tả qua hai câu: “Rằng vách có tai, thơ có họa – Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh!”

 

Những người trí thức Sài Gòn như Vương Hồng Sển, cùng Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Thụy Long, Bình Nguyên Lộc, Dương Nghiễm Mậu,vân vân, chọn sống ẩn dật, không chịu ra hợp tác với bọn vua quan mới. Cụ Vương viết: “Tôi dư biết cho thân, thà làm dế sống trong hang, có lẽ được yên thân hơn là múa gáy cho trẻ nhỏ nó biết chỗ trốn, chúng đổ nước ngập hang, bắt dế về nuôi trong hộp diêm, hộp quẹt, thỉnh thoảng bắt ra đá độ, gãy càng queo râu toi mạng” (trang 84). Nói đến thân phận con dế “nuôi trong hộp quẹt, thỉnh thoảng bắt ra đá độ,” cũng là một cách “nói móc” những nhà văn theo đuôi cộng sản.

 

Vương Hồng Sển đã mô tả các hành động gọi là “Giải phóng.” Sau khi kể chuyện cà kê Kép Tư Út hát bài Anh Khóa đời xưa, tiếp đến chuyện bây giờ ngôi nhà Tổng Đốc Phương bị tháo gỡ bán qua Đài Loan, bỗng nhiên cụ Vương viết: “Dân Sài Gòn tự khoe tiến bộ ký quỹ, gửi tiền nhà băng, Giải phóng vào, hốt sạch sành sanh, thua xa dân Thổ Trà Vinh, Sốc Trăng ... bán lúa mùa nầy xong, chôn bạc giữa lẫm rồi đổ lúa mới lên trên ...” (trang 57) Nhắc lại phương cách cất giấu tiền của dân Thổ đời xưa, để so sánh với dân Sài Gòn thời 1975, chỉ cốt viết một câu kết án: “Giải phóng vào, hốt sạch sành sanh!” Trong 7 chữ, Vương Hồng Sển cực tả một vụ cướp bóc đại quy mô, bây giờ còn gọi là “ăn cướp hoành tráng.” Hốt sạch sành sanh! Như vậy gọi là “giải phóng!” Ai đọc tới câu này mà không nghĩ ra, là phụ lòng Vương Hồng Sển!

 

Vương Hồng Sển chia sẻ được nỗi niềm của người dân miền Nam ngậm ngùi nghĩ tới “buổi sau ngày 30 tháng Tư!” Có lúc kể chuyện Sài Gòn đời xưa, từ năm 1867, trải qua trào Tây, trào Nhật, cụ lại quay qua nói chuyện vua Napoleon III bên Pháp. Rồi chợt cảm khái: “Trở lại người dân đất Sài Gòn, như tôi đã nói, dám chắc không dân nào trí lanh tay xảo hơn. Khi bỏ áo giáp, tuột giầy trận, chịu đi đầy, bán từ bàn thờ tổ tiên, bán ván gõ để nằm dưới gạch, căn đầy kiếp đọa, tiếc đã muộn ...” (trang 55). Những nét chấm phá độc đáo: Kẻ thì “bỏ áo giáp, tuột giầy trận, chịu đi đầy;” người ở lại nhà thì “bán bàn thờ tổ tiên, căn đầy kiếp đọa!” Và tất cả đều “tiếc đã muộn!” Nếu trước đây mọi người biết đoàn kết với nhau hơn, cùng chung sức chống lại một chế độ, một chủ nghĩa lạc hậu, man rợ, hiếu chiến và tàn ác, thì đâu đến nỗi này!

 

Tiếc đã muộn! Chỉ ba chữ, ba chữ gói ghém bao nhiêu nỗi đoạn trường của cái thời buổi “31 tháng Tư!”





No comments:

Post a Comment

View My Stats