Thursday, 27 April 2023

ĐIỀU CẦN LÀM ĐỂ CHỐNG LẠI LỆNH CẤM ĐÁNH BẮT CÁ CỦA TRUNG QUỐC Ở BIỂN ĐÔNG (Hoàng Sa, RFA)

 



Điều cần làm để chống lại lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông

Bình luận của Hoàng Sa
2023.04.26

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/what-needs-to-do-against-china-s-fishing-ban-in-the-scs-04262023113004.html

 

Đến hẹn lại lên

 

Ngày 13 tháng 3 năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc (MOA) đã công bố sửa đổi quy định thời gian cấm đánh bắt cá hàng năm sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15 /4/2023. Lệnh cấm đánh bắt áp dụng cho tất cả các loại tàu đánh cá, bao gồm cả tàu phụ trợ đánh cá.[1]

 

Lệnh cấm đánh bắt cá sẽ bắt đầu áp dụng từ ngày 1/5 và kéo dài không dưới ba tháng. Thời gian dỡ bỏ lệnh cấm đánh bắt do cơ quan quản lý thủy sản cấp tỉnh xác định và báo cáo MOA.

 

Lệnh cấm đánh bắt cá này áp dụng đối với các tàu cá từ bất kỳ quốc gia nào đánh bắt cá ở các khu vực Biển Bột Hải, Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông và do lực lượng Hải cảnh Trung Quốc thực hiện việc cấm này.

 

Trung Quốc đã đơn phương đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá này từ năm 1999.  Tuy nhiên, trước đây, lệnh cấm này chỉ kéo dài hai tháng, còn vài năm trở lại đây, lệnh cấm này được phía Trung Quốc kéo dài tới hơn ba tháng. Theo giải thích từ phía Trung Quốc, lệnh cấm đánh bắt cá này là “một phần trong nỗ lực của nước này nhằm thúc đẩy phát triển nghề cá trên biển một cách bền vững và góp phần cải thiện hệ sinh thái biển”.[2]

 

Mục đích thực sự của lệnh cấm đánh bắt cá

 

Nhưng có phải chính sách cấm đánh bắt cá của Trung Quốc thực sự dựa trên mối quan tâm đối với việc bảo vệ môi trường biển? Hay đó chỉ là một chiến lược cho phép Trung Quốc chèn ép các đối thủ và thể hiện chủ quyền mà họ đã tuyên bố chủ quyền đối với khu vực?

 

Vấn đề bền vững nghề cá biển thực sự là một vấn đề lâu dài và chưa được giải quyết, đặc biệt là ở Biển Đông. Nguồn lợi thủy sản rất cần thiết cho 190 triệu người cư trú ở các khu vực ven biển của Biển Đông, hơn 77% trong số họ phụ thuộc vào nguồn lợi thủy sản nổi để cung cấp lượng protein hàng ngày hoặc thu nhập gia đình.[3]

 

Nhu cầu cao này đòi hỏi một nguồn cung mạnh. Sản lượng đánh bắt hàng năm ở Biển Đông chiếm hơn 12% tổng số cá đánh bắt trên thế giới, dẫn đến tình trạng đánh bắt quá mức ở Biển Đông.[4]

 

Kể từ những năm 1980, trữ lượng thủy sản ở Biển Đông đã giảm nhanh chóng. Tính đến năm 2008, trữ lượng thủy sản của Biển Đông đã giảm. Đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo dõi (IUU) là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đánh bắt quá mức này và góp phần làm suy thoái môi trường biển.

 

Trớ trêu thay, Trung Quốc lại là quốc gia đứng đầu trong danh sách các đội tàu IUU trên thế giới. Hầu hết các hoạt động đánh bắt IUU của Trung Quốc được thực hiện bởi các tàu từ đội tàu đánh bắt xa bờ của Trung Quốc, đội tàu lớn nhất thế giới. Dữ liệu chính thức cho biết đội tàu này có khoảng 2.600 tàu. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây của Viện Phát triển Hải ngoại cho thấy số lượng tàu đánh bắt xa bờ của Trung Quốc có số lượng gần 17.000 tàu. Các ước tính khác cho biết tổng số tàu đánh bắt cá của Trung Quốc (tàu đánh bắt xa và gần) vào khoảng từ 200.000 đến 800.000 tàu.[5]

 

Các đội tàu của Trung Quốc đã tiến hành đánh bắt IUU ở các khu vực biển thuộc quyền tài phán của các quốc gia láng giềng, chẳng hạn như ở Biển Đông, Hoàng Hải và Biển Nhật Bản, và ở các ngư trường xa bờ, chẳng hạn như Đông Thái Bình Dương và Tây Đại Tây Dương ngoài khơi Nam Mỹ , Tây và Trung tâm Thái Bình Dương, Đông Nam Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương ngoài khơi Châu Phi.[6] Vì thế, khó có thể nói lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc chủ yếu để bảo vệ nguồn cá trên Biển Đông.

 

Ngoài ra, các hoạt động bồi lấp và quân sự hoá các thực thể tại Trường Sa và Hoàng Sa của Trung Quốc đã phá huỷ rất nhiều rạn san hô, dẫn đến môi trường biển bị tàn phá. Một nghiên cứu năm 2016 của các nhà khoa học đã cho biết: “… di sản thiên nhiên phong phú của Biển Đông, từ lâu bị đe dọa bởi đánh bắt quá mức, giờ đây phải đối mặt với một mối nguy sinh thái mới: Một chiến dịch của Trung Quốc nhằm xây dựng các đảo nhân tạo trên các rạn san hô đang tranh chấp ở Trường Sa và các nơi khác trên biển. Sáng kiến xây dựng đảo của Trung Quốc báo hiệu một lập trường hiếu chiến nhằm đảm bảo sự thống trị ở Biển Đông, một khu vực chiến lược có một số tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới và là một nguồn trữ lượng dầu mỏ tiềm năng.”[7]

 

Nếu thực sự muốn bảo vệ môi trường biển và nguồn cá trên Biển Đông thì Trung Quốc cần phải tự chấn chỉnh lại các hành động tàn phá của mình. Chính vì vậy, phần đông các nhà nghiên cứu trên thế giới thấy rằng Trung Quốc đang sử dụng chính sách môi trường như một công cụ để thể hiện sức mạnh ở Biển Đông.

 

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường khả năng giám sát đánh bắt cá trong khu vực, đặc biệt bằng cách cấp cho lực lượng Hải cảnh thẩm quyền có thể bắn và lai dắt các tàu nước ngoài.

 

Năm 2018, quyền kiểm soát lực lượng Hải cảnh đã được chuyển từ Hội đồng Nhà nước sang Quân uỷ Trung ương và một số tàu có khả năng chiến đấu trước đây được giao cho Hải quân Trung Quốc gần đây đã thuộc thẩm quyền của cơ quan này.[8] Những động thái này đã tạo cho lực lượng Hải cảnh Trung Quốc mang “đặc điểm quân sự rõ ràng”, “tạo điều kiện thuận lợi cho chủ nghĩa đơn phương và gây hấn ở các vùng biển tranh chấp.”[9]

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/what-needs-to-do-against-china-s-fishing-ban-in-the-scs-04262023113004.html/2014-05-30t000000z_1937145281_gm1ea5u13js01_rtrmadp_3_vietnam-china.jpg/@@images/3ebbf207-2151-45e4-9f47-01df9912a7d1.jpeg

Một tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở gần quần đảo Hoàng Sa vào thá 5 năm 2014. Reuters

 

 

Vi phạm luật pháp quốc tế

 

Hầu như mỗi năm khi lệnh cấm bắt đầu, các phản đối mạnh mẽ lại xuất hiện từ các quốc gia Biển Đông khác, đặc biệt là Philippines và Việt Nam.[10]

 

Có một số vấn đề pháp lý trong lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc. Đầu tiên là Trung Quốc có tư cách để tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá này hay không? Câu trả lời là không. Trung Quốc chưa bao giờ là quốc gia duy nhất có quyền đánh cá trong vùng biển này. Điều này là do Biển Đông không phải là một phần lãnh hải của Trung Quốc. Mặt khác, theo luật pháp quốc tế, Việt Nam được hưởng và có quyền đánh bắt cá trong vùng biển thuộc EEZ của mình theo quy định của UNCLOS 1982.

 

Trung Quốc hay nại ra “Đường chín đoạn” để tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông. Tuy nhiên, yêu sách này theo luật pháp quốc tế là không có cơ sở pháp lý. Ngoài ra, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với bốn nhóm thực thể ở Biển Đông và các vùng biển xung quanh cũng là thiếu cơ sở pháp lý. Không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc trong lịch sử đã thực hiện quyền kiểm soát độc quyền đối với các đảo và vùng biển của Biển Đông.

 

Theo Phán quyết năm 2016 của Toà trọng tài vụ Philippines kiện Trung Quốc thì cái gọi “quyền lịch sử” dù có tồn tại từ trước nào của Trung Quốc đều bị thay thế bởi chúng không tương thích với UNCLOS 1982. Do đó, mọi yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông và sự hiện diện quân sự của họ trong vùng biển tranh chấp chỉ vì yêu sách đơn phương của họ theo luật quốc tế là bất hợp pháp. Mặc dù lập trường của Trung Quốc trong việc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý, nhưng Trung Quốc vẫn triển khai lực lượng quân sự và ban hành chính sách về Biển Đông, trong đó có lệnh cấm đánh bắt cá để thể hiện và duy trì yêu sách đơn phương của họ đối với vùng biển rộng lớn này.

 

Việt Nam phải làm gì?

 

Một số nhà nghiên cứu cho rằng nếu Việt Nam và Philippines phản đối lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc, Trung Quốc có thể biến đổi hình ảnh hai quốc gia này không quan tâm đến việc đánh bắt bền vững ở Biển Đông, cho rằng họ đặt lợi ích quốc gia lên trên sự bền vững của môi trường.[11]

 

Nhưng nếu Việt Nam và Philippines chấp nhận chính sách đơn phương của Trung Quốc không đánh bắt cá ở Biển Đông trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8, thì cũng đồng nghĩa với việc hai quốc gia này ngầm công nhận quyền của Trung Quốc trong việc thực thi lệnh cấm đó ở vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền.

 

Chính vì vậy, các quốc gia như Việt Nam hay Philippines, một mặt chính thức phản đối lệnh cấm đánh bắt cá này của Trung Quốc để chống lại những yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời cũng cần giải thích rõ ràng lý do vì sao hai quốc gia này phản đối lệnh cấm này. Việt Nam hay Philippines cần chỉ rõ cho cộng đồng quốc tế biết, ai mới thực sự là kẻ đang tàn phá môi trường và nguồn cá ở Biển Đông.

 

_____________

Tham khảo:

 

[2] https://peoplesdaily.pdnews.cn/china/china-kicks-off-annual-summer-fishing-ban-in-south-china-sea-259396.html

 

[3] https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/13880292.2015.1044799?journalCode=uwlp20

 

[4] https://thediplomat.com/2016/07/the-south-china-sea-is-really-a-fishery-dispute/

 

[5] https://odi.org/en/publications/chinas-distant-water-fishing-fleet-scale-impact-and-governance/

 

[6] https://www.theguardian.com/environment/2020/aug/25/can-anyone-stop-china-vast-armada-of-fishing-boats-galapagos-ecuador

 

[7] https://e360.yale.edu/features/rising_environmental_toll_china_artificial_islands_south_china_sea

 

[8] https://thediplomat.com/2021/04/chinas-coast-guard-law-challenges-rule-based-order/

[9] https://www.jstor.org/stable/48617338

 

[10] https://tienphong.vn/viet-nam-phan-doi-trung-quoc-ban-hanh-lenh-cam-danh-bat-ca-o-bien-dong-post1527832.tpo

 

[11] https://www.policyforum.net/the-truth-behind-chinas-fishing-ban-in-the-south-china-sea/

 

-----------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á  Châu Tự Do

.

Tin, bài liên quan

BLOG

·        Cơ hội không được bỏ lỡ

·        Trung Quốc đã “đánh mất” Philippines như thế nào?

·        Đàm phán EEZ giữa Indonesia và Việt Nam thúc đẩy các đàm phán tương tự ở ASEAN

·        Học giả Trung Quốc bác bỏ thỏa thuận phân định biển Việt Nam – Indonesia

·        Trung Quốc và các hành động lấn lướt trên Biển Đông đầu năm 2023





No comments:

Post a Comment

View My Stats