Sunday 30 April 2023

ĐÀM PHÁN BIÊN GIỚI TIẾN TRIỂN DÙ PHE CỰC ĐOAN CAM BỐT KÍCH ĐỘNG, VIỆT KIỀU BỊ KỲ THỊ (Thụy My / RFI)

 



Đàm phán biên giới tiến triển dù phe cực đoan Cam Bốt kích động, Việt kiều bị kỳ thị

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 29/04/2023 - 23:52

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20230429-%C4%91%C3%A0m-ph%C3%A1n-bi%C3%AAn-gi%E1%.....BB%B3-th%E1%BB%8B

 

Nguyệt san Le Monde Diplomatique số tháng Năm có bài viết về tranh chấp biên giới giữa Việt Nam và Cam Bốt mang tựa đề « Và ở giữa, dòng Mêkông vẫn cuộn chảy ». Trên thế giới, hiện có khoảng 50 đường biên giới trên bộ đang bị tranh chấp giữa các nước láng giềng. Một số biến thành xung đột, số khác đóng băng, và một số đang được giải quyết, như Hà Nội và Phnom Penh đang thương lượng từ hơn 15 năm qua.

 

https://s.rfi.fr/media/display/29a2a308-e6d5-11ed-960e-005056a90321/w:980/p:16x9/biengioi_01-3.webp

Ảnh tư liệu : Sĩ quan quân đội Cam Bốt (T) và Việt Nam (P) trước một cột mốc biên giới mới đặt giữa tỉnh Gia Lai và Rattanakiri, ngày 26/12/2015. AP - Hau Dinh

 

Biên giới Việt-Miên, tồn tại lịch sử hậu thuộc địa

 

Bài phóng sự bắt đầu bằng việc mô tả trạm biên phòng nằm giữa Mộc Bài và Bavet, nơi du khách ngoại quốc thường xuyên đi qua. Trên các áp-phích trước trạm gác, là tấm bản đồ từ thời vua Minh Mạng (1820-1841). Tuy mục tiêu hàng đầu là khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Hoàng Sa và Trường Sa, cũng có thể thấy vương quốc Đại Nam thời đó bao gồm cả thủ đô Cam Bốt hiện nay và kéo dài đến hồ Tonlé Sap.

 

Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích tương đương với Hà Lan, nằm trong số những vùng đất phì nhiêu nhất thế giới. Hồi thế kỷ 18, có bốn nhóm chủng tộc sinh sống tại đây : người Việt, Khmer, Chàm và người Hoa. Nhưng kể từ hậu bán thế kỷ 19, người « Annamite », tên người Pháp gọi dân thuộc địa Việt Nam, ngày càng đông đảo. Pháp khuyến khích người Việt, được cho là siêng năng hơn, di chuyển về phía Cam Bốt để làm việc trong các đồn điền cao su, và đến đầu thập niên 50, người Việt Nam chiếm gần 1/3 dân số Phnom Penh.

 

Sau khi hai nước độc lập, việc quản lý kiều dân - người Việt ở Cam Bốt và người Khmer ở Nam Việt Nam, được gọi là Khmer Krom - là thách thức lớn cho hai Nhà nước hậu thuộc địa. Người Pháp để lại đường biên giới chia đôi đồng bằng sông Cửu Long, nhưng không phù hợp với dân số sống rải rác kiểu « da beo ».

 

Tổng thống Ngô Đình Diệm buộc nửa triệu người Khmer Krom phải « Việt Nam hóa » tên họ, trong bối cảnh căng thẳng về ngoại giao và quân sự với Phnom Penh. Trên nửa triệu người Việt vẫn tiếp tục sống ở Cam Bốt cho đến cuối thập niên 60. Ông Diệm đề nghị cấp đất gần biên giới để cố thúc đẩy hồi hương, nhưng họ vẫn gắn bó với cách sống miền sông nước. Cho đến khi Lon Nol đảo chánh ngày 18/03/1970, xảy ra nhiều vụ thảm sát người Việt, đa số Việt kiều phải chạy về Việt Nam.

 

Việt kiều, nạn nhân của phe dân tộc chủ nghĩa Cam Bốt

 

Hiện nay người Việt tại Cam Bốt dù có gốc gác từ nhiều đời, sinh đẻ tại đây vẫn không được nhập quốc tịch, hàng năm phải đóng khoảng 250.000 riel (60 euro) cho thẻ tạm trú. Một luật năm 1996 đã biến người gốc Việt thành vô tổ quốc, chỉ có thể nhập tịch nếu chứng minh được gia đình đã sinh sống từ nhiều thế hệ - một điều nan giải vì kho lưu trữ đã bị tiêu hủy thời Khmer đỏ. Tình trạng của 1,3 triệu người Khmer ở Việt Nam thì khác hẳn : họ được cấp quốc tịch Việt, nhưng luôn hướng về Cam Bốt.

 

Liên đoàn người Khmer của Kampuchia Krom (KKF) vẫn tích cực hoạt động, đòi quyền tự quyết. Tâm trạng thù địch người Việt nơi người Khmer rất lớn. Nhà đối lập Sam Raincy hiện lưu vong tại Pháp nhiều lần tổ chức nhổ các cột mốc biên giới, kích động nhiều vụ xung đột giữa nông dân hai nước trong năm 2015. Việc thương thảo về đường biên giới dài 1.200 kilomet đã được bắt đầu từ 2006. Phía Việt Nam do thứ trưởng ngoại giao phụ trách, hiện nay là ông Nguyễn Minh Vũ ; phía Cam Bốt là quốc vụ khanh phụ trách biên giới Var Kim Hong. Ông này cho biết đôi bên đã nhìn nhận đường biên do Pháp ấn định năm 1954.

 

Tuy nhiên đối lập phản đối, và Hun Sen đòi thương lượng lại, vì áp lực nội bộ, dù cựu vương Norodom Sihanouk năm 2005 cho rằng đàm phán lại là « tự sát ». Hai nước đã thỏa thuận được 90 % đường biên giới, bản đồ đã được nộp lên Liên Hiệp Quốc, số còn lại vẫn đang thương thuyết. Phe dân tộc chủ nghĩa ở Phnom Penh tuyên truyền rằng « người Pháp đã tặng đồng bằng sông Cửu Long cho người Việt ». Nhưng nguyệt san dẫn lời ông Raoul-Marc Jennar, cố vấn ngoại trưởng Cam Bốt, nhắc lại rằng « Vua Khmer Ang Duong đã từ chối nhận lại Kampuchea Krom năm 1845, trước khi người Pháp đến rất lâu ».

 

.

Những mánh khóe của Matxcơva để né cấm vận

 

Về cuộc chiến tranh ở Ukraina, L'Express có bài điều tra « Matxcơva đã tránh né các trừng phạt như thế nào ».Nga chưa bao giờ bị cấm vận dữ dội như vậy. Kể từ ngày 24/02/2022, trên 3.000 cá nhân và công ty Nga bị Mỹ trừng phạt, 1.500 đơn vị khác bị Liên Hiệp Châu Âu nhắm đến, chưa kể việc hạn chế nhập khẩu (vàng, sản phẩm công nghệ cao, dầu khí…). Kinh tế xuống dốc, ngay cả Vladimir Putin cũng công nhận, thị trường chứng khoán sụp đổ, lạm phát chạm đỉnh. Nhưng các hỏa tiễn Nga trang bị chip bán dẫn vẫn tiếp tục trút xuống Ukraina, những drone mua của Iran và Trung Quốc trong đó có phụ tùng phương Tây vẫn giết người vô tội ở Kiev.

 

Theo L’Express, Matxcơva đã chuẩn bị từ năm 2014, sau khi chiếm Crimée và bị đuổi khỏi nhóm G8. Chế độ tìm kiếm các đồng minh mới, và đẩy nhanh porovot na vostok (xoay trục sang hướng đông) gắn với Trung Quốc. Những nước có hệ thống tài chánh thiếu minh bạch được ưu tiên, như Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Thổ Nhĩ Kỳ, một số nước châu Á. Nhờ lập ra các công ty bình phong, Nga mua được những mặt hàng lưỡng dụng cần thiết, đặc biệt là những loại chip tinh vi cho vũ khí.

 

Một cuộc điều tra của tổ chức độc lập C4ADS cho thấy từ 2014 đến 2022, đã có 281 chuyến hàng nhạy cảm từ các chi nhánh của tập đoàn Trung Quốc China Poly Group được giao cho các tổ chức quốc phòng Nga. Một tháng trước khi gây chiến, một nhánh của tập đoàn này xuất khẩu phụ tùng radar hỏa tiễn cho tập đoàn số 1 của Nga là Almaz Antey. Reuters sau khi tham khảo số liệu hải quan nhận thấy trên 15.000 chuyến hàng chứa linh kiện điện tử phương Tây đã đến Nga trước ngày 24/02/2022.  Còn theo Free Russia Foundation, Thổ Nhĩ Kỳ tuy không hề sản xuất được chất bán dẫn, đã bán sang Nga 86 triệu đô la trong năm 2022, tăng gấp…28.000 lần so với năm trước đó.

 

Về dầu khí, Ấn Độ và Trung Quốc nay là khách hàng chính, tiêu thụ 90 % dầu thô Nga. Công ty quốc doanh Sovcomflot của Nga đã chuyển giao việc quản lý trên 90 tàu dầu và mê-tan sang Sun Ship, một chi nhánh ở Dubai. Đáng ngại hơn nữa là một « đoàn tàu ma » trên biển Baltic và những tàu chở dầu khác được cắt định vị để khỏi bị theo dõi.

 

.

Putin không thể duy trì chiến tranh cường độ cao

 

The Economist nhận định « Kinh tế Nga có thể chịu đựng được một cuộc chiến tranh kéo dài, nhưng với cường độ mạnh hơn nữa thì không ».Chính phủ các nước đã đóng băng 100 tỉ đô la tài sản tư nhân của Nga, nhưng giới tài phiệt Nga sở hữu đến 400 tỉ đô la ở ngoại quốc. Hàng từ Bắc Kinh bán sang Nga tăng gấp đôi, xe hơi hạng trung hiệu Haval của Trung Quốc nay trở thành phổ biến nhất. Quỹ đầu tư công vẫn còn rủng rỉnh 150 tỉ đô la.

 

Tuy nhiên việc bổ sung vũ khí không chỉ là vấn đề tiền bạc, mà còn phải luồn lách để mua linh kiện sản xuất ra vũ khí, trao đổi hay nhập của nước khác. Một thách thức lớn là nhân sự : nhiều binh lính đã tử trận, rất nhiều người chạy ra nước ngoài. Theo FinExpertiza, số công nhân viên dưới 35 tuổi ở Nga đã giảm mất 1,3 triệu người trong năm qua. Putin có thể duy trì chiến tranh trong một thời gian, nhưng không thể giữ được ổn định kinh tế và mức sống. In thêm tiền sẽ gây lạm phát, và dù có chi thật nhiều tiền, cũng không thể trụ được lâu với bộ máy cồng kềnh và tham nhũng hiện nay.

 

.

Nga liên tục oanh kích, Kiev cần chiến đấu cơ để đối phó

.

Về phía Kiev, Courrier International đặt vấn đề « Chuyển giao phi cơ chiến đấu cho Ukraina liệu có thể làm thay đổi chiều hướng cuộc chiến hay không ». Chuyên giaRoman Svitan nhấn mạnh, không có máy bay, phải giành giựt từng mét đất với quân địch và tổn thất gấp 10 lần. The Economist khẳng định « Ukraina đang cần những chiến đấu cơ mới để có được chiến thắng ».

 

Từ khi bị xâm lăng, Không quân Ukraina đã bị mất 60 chiến đấu cơ, tức 40 % số lượng trước chiến tranh, chỉ còn lại hơn 80 chiếc - theo một tài liệu Mỹ bị rò rỉ. Nga có gần 500 chiếc, không chỉ áp đảo về số lượng mà cả về radar và hỏa tiễn tầm xa. Nhưng do phòng không Ukraina hiệu quả, máy bay Nga đành phải oanh kích từ xa. Từ tháng 10/2022, những đợt tấn công dồn dập bằng drone khiến Kiev đành phải sử dụng một lượng lớn hỏa tiễn địa-không (SAM). Tình hình tạm ổn trong những tuần lễ gần đây, nhưng nếu thiếu hỏa tiễn, Ukraina sẽ phải chọn lựa việc bảo vệ các thành phố, cơ sở hạ tầng quan trọng, những căn cứ quân sự, để tránh trường hợp như Mariupol bị Nga biến thành bình địa.

 

Ba Lan và Slovakia đã chi viện 8 chiếc MiG-29, nhưng phụ tùng hiếm hoi, Kiev cần một đội phi cơ mới. Chiếc Gripen của Thụy Điển hoàn toàn đáp ứng nhu cầu vì được chế tạo nhằm bảo vệ không phận trước máy bay Nga, và có thể hạ cánh xuống những phi đạo ngắn, thậm chí trên xa lộ nếu các căn cứ bị hỏa tiễn tấn công.; và có thể tiếp nhiên liệu, vũ khí chỉ trong 10 phút. Vấn đề là có quá ít Gripen : Thụy Điển chỉ có gần 100 chiếc, và do bị Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chận gia nhập NATO, nước này cũng phải lo tự vệ.

 

.

F-16 cho Ukraina ?

 

Lý tưởng nhất là F-16, năm 2020 chiếm 30 % phi đội của các nước châu Âu thành viên NATO. Kiev nhắm vào những chiếc đã qua sử dụng : năm ngoái Na Uy đã loại biên một số, Đan Mạch, Bỉ, Hà Lan cũng có ý định tương tự. Phụ tùng thay thế có sẵn ở nhiều nước, tuy nhiên bất lợi là F-16 đắt tiền, tình trạng các sân bay Ukraina. Vũ khí mang theo cũng quan trọng không kém.

 

Theo chuyên gia Justin Bronk, chỉ cần một phi đội 8-12 chiếc Gripens cũng đủ để máy bay Nga phải tránh xa nếu được trang bị Meteor, hỏa tiễn không đối không tân tiến nhất thế giới. Có điều phương Tây lo ngại loại hỏa tiễn này rơi vào tay Nga. Cựu tướng Không quân Mỹ David Deptula lấy làm tiếc rằng nếu bắt đầu từ năm ngoái, những chiến đấu cơ hiện đại nay đã trong tay Kiev. Còn nếu hành động bây giờ, Ukraina có thể có được 30 chiếc F-16 từ nay cho đến cuối năm.

 

Trả lời phỏng vấn L'Express, cựu bộ trưởng quốc phòng Ukraina, ông Andriy Zagorodnyuk tin tưởng rằng với cuộc phản công, « Chúng tôi sẽ tái chiếm được hầu hết lãnh thổ ». 

 

.

Vì lòng ái quốc, dân Ukraina thi nhau đóng thuế

 

Cũng về Ukraina, The Economist cho biết sau khi bị Nga xâm lăng vào tháng Hai năm ngoái, bộ trưởng tài chánh Serhiy Marchenko dự báo một cách rất logic là thu ngân sách sẽ lao dốc. Nhưng ông đã đoán sai : dù GDP năm 2022 sụt mất 29 %, nhưng nguồn thu của Nhà nước chỉ giảm 14 %.

 

Tại sao xuất nhập khẩu, du lịch suy sụp, điện chập chờn khiến khó khai thuế nhưng số thu vẫn cao ? Chủ yếu là nhờ doanh nghiệp và công dân đóng thuế nhiều hơn mức cần thiết để ủng hộ công cuộc bảo vệ tổ quốc. Số tiền thu vào lên đến trên 900 triệu đô la. Một luật sư ở Kiev kể lại, lúc Ukraina bắt đầu bị xâm lăng, khi một khách hàng hỏi liệu công ty của mình có thể nộp thuế trước được không, ông suýt rơi nước mắt. Nhưng dần dần đã trở nên chuyện bình thường, và một năm sau, tất cả trên 100 khách hàng đều muốn trả trước tiền thuế.

 

Thậm chí một số người Ukraina sống ở ngoại quốc từ nhiều năm cũng bắt đầu đóng thuế tại nguyên quán. Đáng ngạc nhiên nhất là cơ quan thuế vụ thông qua internet tiếp tục nhận được tiền thuế từ các vùng bị chiếm đóng, trừ Crimée. Dù bị áp lực mạnh, năm ngoái 2,3 triệu người dân và doanh nghiệp tại các lãnh thổ bị tạm chiếm đã nộp 9,5 tỉ đô la cho chính quyền Ukraina.

 

.

Không nhìn ra bản chất, Macron không lay chuyển nổi bức tường

 

Trên lãnh vực ngoại giao, bình luận về quan hệ giữa Pháp và Nga, nhà báo Isabelle Lasserre trên L’Express cho rằng « Với Putin, Macron đã va phải một bức tường ». Phương Tây nhiều lần muốn tái thúc đẩy quan hệ với Nga, nhưng không chịu học những bài học trước đó. Không chỉ có tổng thống Pháp, mà Barack Obama cũng từng muốn « reset ». Nhưng Pháp toàn nhìn các nước Đông Âu theo lăng kính của Nga, trong khi tất cả các quốc gia này đều từng bị người Nga xâm lăng và chiếm đóng.

 

Ông Emmanuel Macron sau khi thất bại với Vladimir Putin đã thử sức với Tập Cận Bình. Nhưng tại Nga cũng như tại Trung Quốc, ý thức hệ đóng vai trò lớn hơn nhiều so với các nước dân chủ, ý đồ đế quốc của Putin được đặt cao hơn lợi ích kinh tế. Macron mù quáng không thấy được bản chất của chế độ Putin, hành động đơn độc không tham vấn các đồng minh châu Âu. Nhất là lại khẳng định không liên kết với Hoa Kỳ, vào lúc đang phải đối phó với cuộc chiến xâm lược của Nga, và sự chống đối ngày càng tăng của Trung Quốc.

 

Erdogan, bản sao của Putin

 

Le Point nói về « Erdogan, Putin của eo biển Bosphore ». Cuộc bầu cử tổng thống ngày 14/05 tới có thể đưa Thổ Nhĩ Kỳ dấn sâu vào chế độ chuyên quyền như nước Nga, hoặc quay lại với dân chủ. Ông Recep Tayyip Erdogan từ 20 năm qua đã bắt chước Vladimir Putin rất nhiều. Cũng như đồng nhiệm Nga, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã thao túng các định chế để tập trung quyền lực cho cá nhân, độc tài và hoang tưởng. Truyền thông bị bịt miệng, đối lập bị bỏ tù. Bao quanh Erdogan cũng là các tài phiệt, nạn tham nhũng, phe nhóm. Cũng như Putin, ông mơ tái lập đế chế xưa, đưa quân sang chiếm đóng nước khác, cụ thể là miền bắc Syria.

 

Điểm khác biệt là trên nguyên tắc Thổ Nhĩ Kỳ ở phía phương Tây, là thành viên quan trọng của NATO và ứng cử viên Liên Hiệp Châu Âu (EU). Erdogan đóng cả hai vai, vừa làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột Ukraina, vừa ve vãn ông chủ điện Kremlin. Thổ Nhĩ Kỳ mua hỏa tiễn phòng không của Nga, không áp dụng trừng phạt, ngáng chân không cho Thụy Điển vào NATO, đe dọa Hy Lạp. Cũng như Sa hoàng mới đặt trọn số phận chính trị vào cuộc xâm lăng Ukraina, vị Sultan mới trông cậy vào cuộc bầu cử tổng thống và Quốc Hội.

 

Nếu thất bại, và nếu ông ta chấp nhận thất cử - một điều khó thể xảy ra - Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chật vật quay lại với phương Tây, cho dù vấn đề người Kurdistan vẫn còn đó. Ngược lại, nếu Erdogan thắng cử, ông ta có thể sẽ ngự trị suốt đời. Những cuộc bầu cử tới, giống như ở Nga, chỉ là bình phong để nhà độc tài hợp pháp hóa chiếc ghế. Và những trò phá rối như ở Libya, Syria, Thượng Karabakh, đông Địa Trung Hải, chỉ là khúc dạo đầu cho một chính sách thù địch với phương Tây. Những tháng gần đây, Vladimir Putin giúp đỡ tối đa để Erdogan có thể tái đắc cử. Nhiều tỉ đô la được Matxcơva đổ vào xây dựng một nhà máy điện nguyên tử lớn ở Akkuyu, đồng thời trợ lực cho đồng tiền Thổ Nhĩ Kỳ. Đối với Kremlin, có được một đội quân thứ năm trong lòng NATO thì vài tỉ đô cũng xứng đáng.

 

.

Trung Quốc dẫn dụ các nước phương Nam để đối đầu thế giới dân chủ

 

Le Point cũng lo ngại viễn cảnh « Phương Tây bị bao vây », The Economist nhận xét về « Mưu toan mới nhất của Trung Quốc để tập hợp thế giới chống lại các giá trị phương Tây ». Sau Sáng kiến Văn minh Toàn cầu (GCI), lại đến Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI), hầu như là nhằm trao quyền phủ quyết cho những cường quốc như Nga và Trung Quốc về an ninh khu vực.

 

Mới đây tổng thống Brazil hoàn toàn đứng về phe Trung Quốc và Nga. Ông Lula gia tăng lệ thuộc kinh tế vào Bắc Kinh, giao phó cho Hoa Vi (Huawei) mạng 5G, ký 20 thỏa thuận hợp tác, sử dụng đồng nhân dân tệ, đổ trách nhiệm cho phương Tây gây biến đổi khí hậu trong khi Trung Quốc là nước gây ô nhiễm nhất hành tinh. Ông ta cũng nói theo giọng điệu Nga, đổ cho phương Tây gây ra cuộc chiến tranh ở Ukraina…

 

Sự ủng hộ Trung Quốc và Nga vô điều kiện của Lula da Silva càng gây sốc vì phương Tây đã hỗ trợ hết mình để ông chiến thắng đối thủ Jair Bolsonaro. Bắc Kinh đang ra sức dẫn dụ các nước phương Nam, và Le Point cho rằng đã đến lúc định ra một chiến lược chung đối với các quốc gia đang phát triển, trong bối cảnh đối đầu với các đế chế toàn trị.

 

 

Tựa chính các tuần báo

 

Le Point tuần này giới thiệu những tên tuổi trong ngành y ở Pháp thuộc 14 chuyên khoa.

 

L'Express phân tích « Sự suy sụp của Jean-Luc Mélenchon », thủ lãnh đảng cực tả Pháp.

 

L'Obs chạy tựa « Nghệ thuật được phi thực dân hóa », về việc các viện bảo tàng trao trả cổ vật cho các nước châu Phi.

 

 Courrier International dành hồ sơ cho trí thông minh nhân tạo (AI) sau những hồ hởi ban đầu lại đến lo lắng, liệu công cụ này sẽ vượt qua con người hay không.

 

Trang nhất của The Economist nói về « Quốc gia sống sót : Israel 75 tuổi ».

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats