Sunday 30 April 2023

'NHỮNG TÙ KHÚC THÁNG TƯ' TƯỞNG NIỆM THÁNG TƯ ĐEN (Lâm Hoài Thạch / Người Việt)

 



 

‘Những Tù Khúc Tháng Tư’ tưởng niệm Tháng Tư Đen

 Lâm Hoài Thạch/Người Việt

April 29, 2023

https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/nhung-tu-khuc-thang-tu-tuong-niem-thang-tu-den/

 

WESTMINSTER, California (NV) – Viện Việt Học, Westminster, vừa tổ chức buổi văn nghệ chủ đề “Những Tù Khúc Tháng Tư” vào Chủ Nhật, 16 Tháng Tư, gần dịp 48 năm ngày Sài Gòn thất thủ, miền Nam Việt Nam bị rơi vào tay Cộng Sản Bắc Việt, 30 Tháng Tư, 1975 – 30 Tháng Tư, 2023.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/04/DP-Tu-Khuc-Thang-Tu-1-1536x927.jpg

Ban văn nghệ Việt Việt Học đồng ca bài “Chuyến Tàu Về Nam” của Việt Long tại buổi văn nghệ “Những Tù Khúc Tháng Tư” ở Viện Việt Học, Westminster. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

 

Cô Nguyễn Kim Ngân, giám đốc Viện Việt Học, cho biết: “Nhân kỷ niệm lần thứ 48 ngày 30 Tháng Tư sắp đến, chúng tôi xin giới thiệu đêm văn nghệ đặc biệt, qua chủ đề ‘Những Tù Khúc Tháng Tư,’ để tưởng niệm dân quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) từng bị giam cầm và có một số đã chết trong các trại tù Cộng Sản, sau ngày miền Nam Việt Nam bị mất.”

 

“Đây cũng là dịp để bày tỏ và lòng biết ơn của các thế hệ tiếp nối đối với những người đã một thời vì đại cuộc cùng đứng chung trong một chiến tuyến để bảo vệ nền tự do, dân chủ cho đồng bào miền Nam Việt Nam,” cô Kim Ngân chia sẻ thêm.

 

Theo ban tổ chức, biến cố đau buồn của dân tộc vào cuối Tháng Tư, 1975, mang đến sự mất mát, đau lòng của dân tộc, vì hơn nửa triệu người đã bị Cộng Sản đưa vào các trại tập trung rộng lớn trên khắp ba miền đất nước. Các thân phận tù nhân không có bản án, không ghi rõ ngày về. Rồi cũng từ những trại tù đó, những “Tù Khúc” được ra đời theo năm tháng buồn trôi. Và ban tổ chức gọi những dòng nhạc đó là “Những Tù Khúc Tháng Tư.”

 

Điều hợp chương trình với cô Kim Ngân là cựu tù Tạ Quang Hoàng. Ông là một nhân chứng tại trại tù ở Nam Hà, Bắc Việt.

 

Nhà văn Tạ Quang Hoàng đã xuất bản vài quyển sách. Sách của ông đúc kết nhiều tù khúc, nhiều truyện kể từ trại tù Nam Hà. Những tác phẩm này được do những tù binh lúc còn bị giam cầm ở những trại tù của Cộng Sản Việt Nam sáng tác.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/04/DP-Tu-Khuc-Thang-Tu-2-1536x1287.jpg

Ca sĩ Hương Thơ trình diễn bài “Người Tù Khổ Sai” của Nguyễn Văn Tấn. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

 

Ông nói: “Những ‘Tù Khúc Tháng Tư’ gồm những ca khúc để cho các anh em tù nhân sống trong trại tập trung được bày tỏ sự uất hận của họ, nhưng cũng tạo những niềm vui của thân phận tù đày, đồng thời cũng cho các anh có hy vọng, một niềm tin vào sự tranh đấu cuối cùng của lẽ phải. Thế nên, cũng từ những tù khúc này, anh em đã an ủi, nhắc nhở nhau về việc giữ gìn sức khỏe để vượt qua những khó khăn trong cảnh tù đày.”

 

Chương trình mở đầu với bài “Anh Ở Đây” của Thục Vũ (cựu Trung Tá Vũ Văn Sâm), qua tiếng hát của Ngọc Quỳnh. Bài nhạc có nội dung bày tỏ tình yêu thương của những bạn tù dành cho gia đình và người thân.

 

Bài “Mưa Buồn Long Giao” được phổ thơ của thi sĩ Hà Thượng Nhân, cựu giám đốc Đài Phát Thanh Quốc Gia, dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, và chủ nhiệm nhật báo Tiền Tuyến, cơ quan chính thức của Quân Đội VNCH. Bài thơ này được nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm, một nhạc sĩ nổi tiếng trước 1975, chuyên soạn những bài thánh ca và hùng ca, soạn thành ca khúc. Cả hai nghệ nhân này đều mang cấp bậc trung tá VNCH.

 

Bài “Mưa Buồn Long Giao” được tiếp nối chương trình qua tiếng hát Chế Tùng.

 

Quý Hà bùi ngùi xúc cảm khi hát bài “Thành Phố Lá Me Xanh” qua những ca từ “Không bao giờ quên được thành phố thân yêu/Hàng me xanh phủ mãi bao con đường/Trời gió rắc lá me rơi trên tóc/Bối rối tơi bời, lộng lẫy như ngàn hoa bướm… “

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/04/DP-Tu-Khuc-Thang-Tu-3-1536x1346.jpg

Cô Nguyễn Kim Ngân (trái), giám đốc Viện Việt Học, và cựu tù Tạ Quang Hoàng tại buổi văn nghệ “Những Tù Khúc Tháng Tư” ở Viện Việt Học, Westminster. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

 

Nhạc sĩ Trần Lê Việt, cũng là một tù nhân, soạn bài nhạc này vào năm 1980 tại trại tù Vĩnh Quang (Vĩnh Phú), qua nỗi buồn của tác giả nhớ về hình ảnh của những hàng cây me trên đường phố Sài Gòn. Khi đến trại tù Z30B, Xuân Lộc, tác giả đã cùng những bạn tù đã soạn nhiều ca khúc, và họ đã lén lút thành lập Nhóm Hát Tù Ca.

 

“Tâm Sự Người Lính Biệt Động Quân” của Vũ Cao Hiến, qua phần tứ ca bao gồm Quý Hà, Ái Liên, Ngô Hoàng Oanh, và Ngọc Quỳnh, ghi lại hình ảnh hành quân của những người lính trẻ Biệt Động Quân với chiếc ba lô và cây súng, canh giặc ngày đêm bên chiến hào. Từ tiền tuyến, đôi khi những người lính trẻ nhớ về đôi mắt người yêu tại hậu phương xa xôi lắm.

 

Những bài tiếp nối cũng từ những cựu tù nhân sáng tác tại trong tù như những bài: “Nhớ Không Gian” của Vũ Cao Hiến (Ngô Hoàng Oanh hát), “Chiều Yên Bái” của Chung Tử Bửu (Ái Liên hát), “Người Tù Khổ Sai” của Nguyễn Văn Tấn (Hương Thơ hát), “Chúa Nhật Của Người Tù” của Trần Ngọc Phong (Lâm Dung hát), “Đôi Giày Dũng Sĩ” của Nguyễn Hồng (Trần Tuấn Hải hát), “Xin Làm Cỏ Biếc Vướng Chân Em Đi” thơ Hà Thượng Nhân, nhạc Vũ Đức Nghiêm (Bùi Khanh hát), và “Cơn Mưa cam Lộ” của Vũ Cao Hiến (Chế Tùng hát).

 

Ngoài ra, có những bài nhạc không do tù nhân soạn, nhưng cũng xuất phát từ lòng ray rứt, đau khổ của họ, và họ đã chia sẻ những nỗi uất hận đó cho những nhạc sĩ sáng tác thành ca khúc.

 

Dòng nhạc của nhạc sĩ Phan Văn Hưng được xuất hiện sau 1975, tác giả đã sáng tác nhiều bài nhạc được xem như loại nhạc “Căm Phẫn Ca” nói lên nỗi đau thương của quê hương, dân tộc.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/04/DP-Tu-Khuc-Thang-Tu-4-1536x1033.jpg

Chế Tùng hát bài “Mưa Buồn Long Giao,” thơ Hà Thượng Nhân, nhạc Vũ Đức Nghiêm. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

 

Bài nhạc “Nếu Em Nghe Bài Hát Này” do nhạc sĩ Phan Văn Hưng soạn, phỏng theo thơ của Nam Dao, cũng là người bạn đời của nhạc sĩ. Lời bài thơ là của người tù gởi về cho vợ mình trong cơn hấp hối tại trại tù. Lâm Dung đã nức nở trong những ca từ: “Nếu em nghe qua bài hát này/Thì anh đã khuất theo rặng đường mây/Nếu em nghe những lời giã từ/Thì xin đôi mắt ngưng đọng mùa thu…”

 

Nhà văn Nguyễn Đình Toàn đã đóng góp nhiều sáng tác văn học nghệ thuật dưới dạng tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch nói, bút ký. Tác phẩm “Áo Mơ Phai” của ông đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật VNCH 1973. Sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975, ông bị đi tù hết 10 năm qua nhiều trại tù.

 

Bài “Hãy Thắp Cho Nhau Một Ngọn Đèn” do nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn sáng tác từ trại tù gởi về cho vợ của mình, như một lời nhắn nhủ với gia đình và các bạn tù, hãy sống với ý chí phấn đấu trong mọi hoàn cảnh. Ca sĩ Hương Thơ hát bài này với âm thanh đệm đàn guitar của Phạm Tú.

 

Ngoài tiết mục ca nhạc, nhà thơ Nguyên Dzuy, cũng là một cựu tù, đọc bài thơ “Tù Khúc Điểm Nhạc Tháng Tư Đen:” “Tù nhân khốn khổ bốn phương trời/Khúc nhạc bi ai lạnh buốt người/Điểm lại tù đày lòng uất hận/Nhạc rừng trỗi dậy đưa hồn nước/Tháng Tư năm ấy nhớ muôn đời/Tư liệu khổ sai tù tập thể/Đen màu tang tóc khổ buồn rơi.”

 

Bài “Hai Hàng Cây So Đũa” thơ của nhà báo Nguyên Huy, nhạc của Trọng Minh, được trình bày qua tiếng hát Minh Hòa.

 

Minh Hòa kể lại: “Khoảng năm 1980, nhiều trại tù miền Bắc được dời về miền Nam. Bài nhạc này là được viết từ trại tù Z30A, Long Khánh. Lúc đó, tôi là vợ của tù nhân Nguyễn Chí Việt cùng những người phụ nữ khác đi trên chiếc xe Lambro chở khách để mang thực phẩm cho thân nhân của mình đang bị ở tù. Hai bên đường vào trại tù này có hai hàng cây so đũa. Lúc đó, vợ của tù nhân Nguyên Huy có mang hai đứa con lên thăm anh trong trại tù. Sau đó anh Nguyên Huy mới sáng tác bài thơ ‘Hai Hàng Cây So Đũa,’ và người bạn tù là nhạc sĩ Trọng Minh đã soạn bài thơ này thành ca khúc.”

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/04/DP-Tu-Khuc-Thang-Tu-5-1536x1219.jpg

Minh Hòa trình bày “Những Hàng Cây So Đũa,” thơ Nguyên Huy, nhạc Trọng Minh. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

 

Bài nhạc “Thăm Nuôi” kể lại câu chuyện của người con gái đi thăm anh ruột mình trong trại tù, thì gặp một tù nhân trẻ cũng là bạn tù của anh. Rồi từ cơ duyên nào đó, họ đã yêu nhau và trở thành đôi vợ chồng khi chàng được ra khỏi tù. Người cựu tù may mắn có được người vợ trẻ đẹp đó chính là nhạc sĩ tù ca Nguyễn Văn Tấn. Ông đã đóng góp cho chương trình văn nghệ đặc biệt này hai bài nhạc “Thăm Nuôi” và “Người Tù Khổ Sai,” được ông sáng tác lúc còn ở trại tù Nam Hà.

 

Bài nhạc “Thăm Nuôi” tiếp tục chương trình với tiếng hát của Trần Tuấn Hải.

 

“Chuyến Tàu Về Nam” của Việt Long, tức cựu tù Nguyễn Chí Việt, cựu đại úy Nhảy Dù. Tác giả viết theo kỷ niệm của chuyến tàu đưa những tù nhân được trả tự do đi từ miền Bắc về miền Nam, và ông cũng là một trong những cựu tù đó. Khi đến miền Nam, tàu dừng tại trạm để cho khách trên tàu mua thức ăn. Khi biết được trên tàu chở những tù nhân được thả về, mấy em nhỏ bán hàng rong cho họ thức ăn mà không lấy tiền, vì trong số các em này có nhiều em là con cháu của những cựu quân nhân VNCH.

 

Hoạt cảnh thứ hai là có một ông tật nguyền với đôi nạng gỗ. Người đàn ông này là cựu chiến sĩ VNCH bị mất một chân trên chiến trận. Ông biết trên chuyến tàu này chở toàn những cựu sĩ quan của VNCH, trong đó, có thể có những đơn vị trưởng của mình ngày xưa. Cựu chiến sĩ thương phế binh VNCH bỏ đôi nạng trên tay và đứng thẳng một chân, rồi đưa tay chào kính những tù nhân đó. Cho đến khi chuyến tàu khuất dạng thì người thương phế binh mới bỏ tay xuống.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/04/DP-Tu-Khuc-Thang-Tu-6-1536x1377.jpg

Cựu tù nhạc sĩ Nguyễn Văn Tấn và vợ. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

 

Cũng từ những bối cảnh cảm động đó, cựu tù Nguyễn Chí Việt đã soạn ra ca khúc “Chuyến Tàu Về Nam” và lấy bút hiệu Việt Long là tên con trai mình. Bài nhạc này do toàn ban văn nghệ Việt Việt Học đồng hát, kết thúc chương trình.

 

Trong số đồng hương đến dư, cựu tù Trần Chương Lương, tức nhà thơ Tha Nhân, kể lại với phóng viên nhật báo Người Việt: “Chúng tôi bị các cán bộ giữ tù cho biệt danh là ‘500 Thằng Lười’ trong trại tù Cây Cầy A, thuộc tỉnh Tây Ninh. Sở dĩ chúng tôi có biệt danh này là lúc chúng tôi đi tù, mà cộng sản còn gọi là đi cải tạo. Thật ra họ đâu cải tạo chúng tôi được, và chỉ bắt anh em chúng tôi đi làm công tác lao động để phục vụ cho các cán bộ trại tù mà thôi. Nhưng vì anh em chúng tôi đi lao động không hết mình, và nhiều khi chúng tôi còn chống đối, nên họ mới đặt cho chúng tôi biệt danh là ‘500 Thằng Lười.’”

 

Cựu tù Phạm Gia Đại, một trong những tù nhân cuối cùng sống trong cảnh tù đày 17 năm, với những đau thương, mất mát suốt những năm dài, đã ghi lại tất cả những gì ông trải qua trong cuốn hồi ký “Những Người Tù Cuối Cùng,” xuất bản năm 2011.

 

Ông tâm tình với nhật báo Người Việt: “Mỗi lần Tháng Tư trở về thì tôi cảm thấy bồi hồi, xúc động và đau đớn khi nhìn thấy đất nước của chúng ta quá bi đát và chịu nhiều khổ nạn, không biết đến bao giờ thì chấm dứt những khổ nạn đó. Nhưng dù sao, chúng ta cũng cầu nguyện Ơn Trên, một ngày nào đó, chúng ta sẽ được trở lại quê hương mình để xây dựng lại nền tự do dân chủ cho dân tộc Việt Nam.”

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/04/DP-Tu-Khuc-Thang-Tu-7-1536x921.jpg

Đông đảo đồng hương tham dự buổi văn nghệ “Những Tù Khúc Tháng Tư” tại Viện Việt Học, Westminster. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

 

Theo ban tổ chức, có thể từ những ‘Tù Khúc Tháng Tư’ sẽ tạo nên dòng nhạc tù. Những dòng nhạc tù khác với những dòng nhạc ngoài đời, vì những bài tù ca nói lên những uất ức, những phản kháng nào đó, được xuất hiện trong một không gian và thời gian nhất định.

Không gian là các trại tù, còn thời gian là vào khoảng Tháng Sáu, 1975 cho đến Tháng Năm, 1992, tức là lúc chỉ còn 20 người tù cuối cùng, trong đó có Tướng Lê Minh Đảo. Có thể sau này, có những tù khúc khác được ra đời, bởi vì một số cựu tù được về với gia đình, nhớ lại những sự đau lòng, mất mát, uất hận lúc còn ở trong tù, rồi soạn thành ca khúc. [đ.d.]

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats