Thursday, 27 April 2023

GIỚI NGOẠI GIAO TRUNG HOA ĐẨY NHỮNG NƯỚC KHÁC ĐẾN GẦN ĐÀI LOAN (Chris Horton  / The China Project)

 



Giới ngoại giao Trung Hoa đẩy những nước khác đến gần Đài Loan

Chris Horton  / The China Project

Trà Mi dịch thuật

POSTED ON APRIL 26, 2023   

https://dcvonline.net/2023/04/26/gioi-ngoai-giao-trung-hoa-day-nhung-nuoc-khac-den-gan-dai-loan/

 

Giận dữ trỗi dậy khắp châu Âu và hơn thế nữa sau khi Lu Shaye, đại sứ Trung Hoa tại Pháp, đặt nghi vấn vị thế pháp lý của Ukraine và những quốc gia khác trước đây thuộc Liên Xô. Đó là giai đoạn mới nhất của sự sụp đổ nhanh chóng bất ngờ trong chính sách ngoại giao của Trung Hoa.

 

https://thechinaproject.com/wp-content/uploads/2023/04/image1-5.jpg

Theo đại sứ Bắc Kinh tại Pháp, Lú Shāyě (卢沙野 Lô Sa Dã), những nước thuộc Liên Xô cũ không có “tư cách pháp lý quốc tế”. Nhận xét của ông đã bị Bộ Ngoại giao Trung Hoa đính chính. Ảnh chụp màn hình từ cuộc phỏng vấn với LCI.

 

Ngay cả với những tiêu chuẩn ngày càng thấp về mối quan hệ rạn nứt của Trung Hoa với thế giới dân chủ, tuần trước không phải là một tuần tốt cho ngoại giao Trung Hoa — ít nhất là dưới mắt giới quan sát nước ngoài.

 

Trong khoảng thời gian một tuần, giới ngoại giao Trung Hoa đã đe dọa 150.000 người Philippines đang làm việc ở nước ngoài, ngay sau đó lại mâu thuẫn gay gắt với Nam Hàn và công khai đặt nghi vấn về vị thế quốc gia của 14 nước thuộc Liên Xô cũ. Điểm chung của ba màn kịch này là chén thánh và điều cấm kị của Đảng Cộng sản Trung Hoa: Đài Loan.

 

Mặc dù ý định của Bắc Kinh có thể là khiến những nước sợ hãi khi duy trì sự ủng hộ hiện trạng xuyên eo biển và tránh xa việc củng cố chủ quyền thực tế của Đài Loan, nhưng những phản ứng ban đầu cho thấy giới ngoại giao Trung Hoa có thể đã góp phần châu Âu, Nam Hàn, Philippines trở nên cứng rắn. Hậu quả của những căng thẳng ngoại giao này như thế nào vẫn còn phải chờ xem, nhưng nếu lịch sử gần đây là một dấu hiệu, thì nó có thể có những ảnh hưởng lớn đến quan hệ của Trung Hoa với thế giới dân chủ.

 

Trường hợp điển hình: Những nỗ lực của Trung Hoa vào tháng 12 năm 2021 nhằm ép buộc Litva không tiến gần hơn về mặt kinh tế với Đài Loan đã thúc đẩy sự ủng hộ đối với công cụ chống cưỡng chế đang chờ phê chuẩn của EU — từ ngữ của văn kiện này đã đúc kết vào cuối tháng 3 — mà nếu được thông qua, sẽ đáp trả hành động của Trung Hoa nhằm mục đích chống lại những quốc gia EU như một phản ứng tập thể.

 

Phản ứng dữ dội vì phát biểu của đại sứ Trung Hoa tại Pháp

 

Phát biểu trên truyền hình Pháp vào thứ Sáu tuần trước, Lú Shāyě 卢沙野, đại sứ Trung Hoa tại Pháp, đã gây phản ứng tức giận ở những thủ đô trên khắp châu Âu khi ông tỏ ra nghi ngờ về tính hợp pháp của những quốc gia từng bị Liên Xô chiếm đóng trước đây.

 

Khi trả lời câu hỏi về Crimea trong một cuộc phỏng vấn trên đài tin tức và thời sự LCI, Lu lặp lại luận điệu mà Bắc Kinh dùng với Đài Loan, nói rằng những nước đó lịch sử là thuộc Nga. Ông tiếp tục, đề cập đến phần còn lại của Liên Xô cũ, nói rằng 14 quốc gia độc lập với Moscow vào những năm 1990 “không có tư cách hiệu quả nào theo luật pháp quốc tế, bởi vì không có thỏa thuận quốc tế nào xác nhận tư cách họ là những quốc gia có chủ quyền.”

 

Sự phẫn nộ lan rộng khắp châu Âu vào cuối tuần qua. Vào Chủ nhật, một nhóm gồm hơn 80 dân biểu châu Âu đã ký một lá thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao và châu Âu của Pháp Catherine Colonna yêu cầu bà tuyên bố Lu là người không chấp nhận được (persona non grata) và trục xuất ông ta. Lời kêu gọi chưa từng có đó đã được đăng trên tờ báo Le Monde của Pháp.

 

Những bình luận của Lu chiếm hầu hết thời gian trong cuộc họp báo hàng ngày của Bộ Ngoại giao Trung Hoa hôm thứ Hai (xem bản chép lại bằng tiếng Anhtiếng Trung). Tuyên bố của Lu chiếm trang nhất của báo chí, với phát ngôn viên của Bộ, Máo Níng (毛宁, Mao Trữ), trả lời câu hỏi đầu tiên bằng cách nói rõ ràng rằng

 

“Trung Hoa tôn trọng tư cách là quốc gia có chủ quyền của những nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ sau khi Liên Xô tan rã.”

.

Mao Trữ, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Hoa

 

Trả lời câu hỏi về việc liệu Bắc Kinh có coi Ukraine là một quốc gia có chủ quyền hay không – câu hỏi thứ sáu được đặt ra liên quan đến những bình luận của Lu – Mao lộ rõ vẻ bực tức đã cười cộc lốc trước khi trả lời:

 

“Câu hỏi này đang cố tình lèo lái. Quốc gia bạn đề cập là một quốc gia đầy đủ tư cách thành viên của Liên Hiệp Quốc. Mọi người đều hiểu rằng chỉ những quốc gia có chủ quyền mới có thể trở thành quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc. Trung Hoa đã thiết lập và phát triển mối quan hệ lành mạnh với Ukraine phù hợp với những mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Năm nguyên tắc cùng sống chung hòa bình. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm chia rẽ hoặc phá vỡ quan hệ của Trung Hoa với những nước liên hệ đều là cố ý xấu và sẽ không thành công.”

 

.

Mao Trữ

 

Câu trả lời của Mao đáng chú ý ở chỗ hậu ý là sự công kích Đài Loan, vốn không phải là thành viên Liên Hiệp Quốc, mặc dù đảo quốc này có chủ quyền và chưa bao giờ bị Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kiểm soát. Ngoại trưởng Đài Loan, Joseph Wu (吳釗燮 Wú Zhāoxiè, Ngô Chiêu Tiếp), nói với The China Project rằng ông và người dân Đài Loan biết việc bị từ chối chủ quyền là một sự “xúc phạm” như thế nào.

 

Wu nói nhận xét của Lu :

 

“Chứng tỏ rằng P.R.C. bỏ qua hiện trạng và luật pháp quốc tế, cho dù ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hay châu Âu.

Điều đáng mừng cho Đài Loan là với sự thức tỉnh của châu Âu trước những nhận xét của đại sứ Trung Hoa, người dân ở châu Âu giờ đây đã hiểu vấn đề CHND Trung Hoa là gì và giờ đây họ có thể hiểu rõ hơn về hiện tình của Đài Loan. Chúng tôi hy vọng rằng sự hiểu biết mới này sẽ góp phần vào sự hỗ trợ chung của Châu Âu đối với Đài Loan và có thể dẫn dắt tất cả những nước dân chủ đoàn kết và chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa độc tài.”

 

.

Ngô Chiêu Tiếp, Ngoại trưởng Đài Loan

 

Dân biểu quốc hội Litva Dovilė Šakalienė nói với The China Project rằng những bình luận của Lu là một trường hợp nói to lên phần thầm kín. Šakalienė là thành viên của ủy ban quốc phòng và an ninh quốc gia, đồng thời là phó chủ tịch nhóm quan hệ quốc hội Đài Loan. Bà nói:

 

“Tuyên bố của đại sứ Trung Hoa tại Pháp tiếp tục phủ nhận luật pháp và hiệp ước quốc tế của chính phủ Trung Hoa, cũng như nỗ lực hướng tới sự cai trị của kẻ mạnh nhất. Litva ủng hộ một trật tự thế giới dựa trên luật lệ và bác bỏ mọi nỗ lực đưa nền chính trị thế giới trở lại đầu thế kỷ 20.”    (Dovilė Šakalienė)

 

Nhấn mạnh mức độ tai hại của những bình luận của Lu, tòa đại sứ P.R.C. tại Pháp đã đăng một tuyên bố trên trang web của họ cho thấy rằng Lu không phát biểu thay cho Bắc Kinh mà cho chính ông ta.

 

“Nhận xét của Đại sứ Lu Shaye về vấn đề Ukraine không phải là một tuyên bố chính trị, mà là sự thể hiện quan điểm cá nhân trong một cuộc tranh luận trên truyền hình. Nó không nên bị soi xét quá mức. Lập trường của Trung Hoa về những vấn đề liên quan không thay đổi.” (Tòa đại sứ P.R.C. tại Pháp)

 

Yáng Hán (杨涵, Dương Hàm) cựu nhân viên ngoại giao Trung Hoa tại Sydney từ năm 1998 đến năm 2001, hiện đang sống ở Úc, nói với The China Project qua email rằng có sự đồng cảm với Nga và ác cảm với Ukraine trong số những người có quyền quyết định hàng đầu ở Bắc Kinh, đồng thời nói thêm rằng mối quan hệ Nga-Trung ngày càng gần gũi đang đi đến một “vòng luẩn quẩn”. Yang nói :

 

“Những quốc gia thuộc Liên Xô cũ đang có thiện cảm với Đài Loan một phần vì liên minh của Trung Hoa với Nga.”  (Dương Hàm)

 

Đe dọa kiểu xã hội đen

 

Một tuần trước những bình luận của Lu tại Pháp, Huang Xīlián (黄溪, Hoàng Khê Liên), đại sứ Trung Hoa tại Philippines, đã chỉ trích quyết định của Manila cho phép quân đội Hoa Kỳ sử dụng một số hải cảng ở phía bắc Philippines, gần Đài Loan.

 

Phát biểu tại một cuộc họp do tòa đại sứ TH tài trợ về quan hệ Trung Hoa-Philippines, Huang đã đưa ra lời đe dọa trần trụi đối với những người chủ nhà của mình, nói rằng :

 

“Philippines được cảnh giác nên phản đối dứt khoát ‘sự độc lập của Đài Loan’ thay vì châm ngòi cho việc cho phép Hoa Kỳ dùng những căn cứ quân sự gần eo biển Đài Loan nếu quý vị quan tâm đến 150.000 công nhân Phillipnes đang làm việc ở nước ngoài.” (Hoàng Khê Liên, đại sứ Trung Hoa tại Philippines)

 

Theo dữ liệu của chính phủ Đài Loan, tính đến cuối tháng 2, có 158.000 người Philippines cư trú tại Đài Loan.

 

Trung Hoa dùng chiến thuật vùng xám trong khu vực ven biển của Đài Loan bằng các dùng những tàu đánh cá và lực lượng tuần duyên của họ, và đã nắm quyền kiểm soát lãnh thổ trước đây do Manila quản lý – đáng chú ý nhất là Bãi cạn Scarborough. Đó là lý do tại sao đối với nhiều người ở Philippines, tuyên bố của Huang là chẳng còn gì mù mờ che đậy.

 

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Jonathan Malaya đã đưa ra một tuyên bố cho biết:

 

“Mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi ở Đài Loan là sự an toàn và hạnh phúc của hơn 150.000 người Philippines đang sinh sống và làm việc trên đảo. Chúng tôi coi thường bất kỳ nỗ lực nào của khách ở ở đất nước của chúng tôi dùng yếu tố này để đe dọa và gây sợ hãi cho chúng tôi.”  (Jonathan Malaya)

 

Tổng thống Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr. đã thẳng thắn hơn về Trung Hoa so với người tiền nhiệm của ông, Rodrigo Duterte. Vào tháng 2, Marcos cho biết “thật khó tưởng tượng” rằng Philippines, một đồng minh theo hiệp ước của Hoa Kỳ, lại có thể đứng ngoài cuộc xung đột với Đài Loan.

 

Ngoài chính phủ, những chính khách đối lập ở Manila đã bày tỏ sự tức giận trước lời đe dọa của Huang. Trong một tuyên bố ngày 16 tháng 4, Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros của đảng đối lập Akbayan kêu gọi phủ tổng thống yêu cầu Trung Hoa triệu hồi Huang. Bà nói:

 

“Ông ấy không có quyền là một nhà ngoại giao nếu ông ấy không thể giao tiếp với chúng tôi một cách tôn trọng và trang nghiêm. Ông ấy, cùng với những tàu của TH và những đảo nhân tạo ở Biển Tây Philippines, nên thu dọn đồ đạc và rời đi.”   (Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros)

 

Hontiveros, một người theo khuynh hướng xã hội và cựu nhà báo, cũng lên tiếng đòi quyền tự quyết cho Đài Loan. Bà nói:

 

“Chúng tôi ở Philippines tôn trọng quyền tự quyết của người dân Đài Loan và quyền này phải được tất cả những quốc gia khác cùng chia sẻ hành tinh này ủng hộ, thậm chí kể cả chế độ độc tài của Trung Hoa.”

 

Quan hệ Bắc Kinh-Seoul tiếp tục xấu đi

 

Nam Hàn, một đồng minh hiệp ước khác của Hoa Kỳ, cũng đang vướng vào một cuộc tranh cãi ngoại giao với Trung Hoa .

 

Vào ngày 19 tháng 4 trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol tuyên bố phản đối bất kỳ sự thay đổi nào đối với hiện trạng xuyên eo biển bằng vũ lực, tức là nỗ lực xâm chiếm Đài Loan của Trung Hoa, đồng thời so sánh sự hiếu chiến của Trung Hoa đối với Đài Loan với chương trình hạch tâm của Bắc Hàn, coi cả hai là đặc trưng cho vấn đề toàn cầu.

 

Ngày hôm sau, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Hoa , Wāng Wénbīn (汪文斌, Uông Văn Bân), đã phản biện Yoon trong cuộc họp báo hàng ngày của bộ. Bộ Ngoại giao Seoul mô tả câu trả lời của Vương là “không tả xiết.”

 

Vào Chủ nhật, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Hoa , Sūn Wèidōng (孙卫东, Tôn Vệ Đông), đã long trọng gửi công hàm đại diện cho phái viên của Seoul tại Trung Hoa về những bình luận của Yoon, nói rằng :

 

“Có một thực tế ai cũng biết là vấn đề Bán đảo Bắc Hàn và vấn đề Đài Loan hoàn toàn khác nhau về bản chất và quan điểm, vĩ độ và kinh độ, và hoàn toàn không thể so sánh được.”  (Tôn Vệ Đông)

 

Dưới thời người tiền nhiệm của Yoon, Moon Jae-in, Nam Hàn đã cố gắng duy trì khoảng cách bằng nhau giữa Trung Hoa và Hoa Kỳ trong khi tỏ ra lạnh nhạt với Nhật Bản, cựu thực dân của mình. Jada Fraser, một nhà phân tích tập trung vào An ninh  Ấn Độ-Thái Bình Dương, và chủ biên của Georgetown Journal of Asian Affairs tại Washington, cho biết, nhưng ông Yoon, người nhậm chức một năm trước, đã đổ lỗi cho những chính sách thân Bắc Kinh của ông Moon đã làm đảo lộn sự cân bằng trước đây mà theo đó Nam Hàn điều hợp chính sách Trung Hoa của mình cùng với Hoa Kỳ và Nhật Bản.

 

“Mặc dù Yoon đã nhận nhiều chỉ trích tcủa giới phân tích vì phần lớn kiềm chế những thay đổi chính sách đối ngoại quan trọng có thể làm đảo lộn quan hệ với Trung Hoa, nhưng ông ấy đã mang lại kết quả ngoài mong đợi khi nói đến việc củng cố quan hệ Seoul-Tokyo và hợp tác an ninh ba bên với Hoa Kỳ.”   (Jada Fraser)

 

Fraser nói với The China Project, Yoon cũng đã nhấn mạnh vào những giá trị dân chủ tự do khi thể hiện chính sách đối ngoại của mình. Bà nói thêm:

 

“Yoon có thể coi việc lên tiếng cho Đài Loan là một phần trong việc theo đuổi mục tiêu đưa Nam Hàn Quốc bước lên vũ đài quốc tế.”  (Jada Fraser)

 

Những hậu quả của tuần qua đối với chính sách ngoại giao của Trung Hoa sẽ không được biết đến trong một thời gian, nhưng có một điều dường như rõ ràng: Đài Loan đang nổi lên như một phép thử để xác định lập trường của những nước trong cuộc tranh luận dân chủ chống lại chủ nghĩa độc tài. Với việc Đài Loan và Hoa Kỳ chuẩn bị bầu tổng thống mới vào năm tới, khuynh hướng này khó có thể sớm giảm bớt.

 

https://www.chinafile.com/sites/default/files/assets/images/profile/chris-horton_0.jpg

Tác giả | Chris Horton là một nhà báo làm việc tại Đài Bắc, Đài Loan. Ông đã viết về châu Á trong hơn một chục năm, gồm những chủ đề như tin tức, chính trị, kinh doanh, du lịch, môi trường, thể thao và nghệ thuật.

 

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


 

Nguồn:  China’s diplomats are driving other countries to sympathize with Taiwan | Chris Horton | The China Project | April 24, 2023 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats