Friday 14 April 2023

HÌNH ẢNH TỔNG THỐNG PHÁP BỊ SỨT MẺ Ở PHƯƠNG TÂY NHƯNG KHÔNG HẲN Ở MỌI NƠI TRÊN THẾ GIỚI (Trọng Nghĩa / RFI)

 



Hình ảnh TT Pháp bị sứt mẻ ở phương Tây nhưng không hẳn ở mọi nơi trên thế giới

Trọng Nghĩa  -  RFI

Đăng ngày: 13/04/2023 - 15:10

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230413-h%C3%ACnh-%E1%BA%A3nh-tt-ph%C3%A1p-b%E1%BB%8B-s....BA%BF-gi%E1%BB%9Bi

 

Nhân chuyến công du Trung Quốc kết thúc ngày 07/04/2023, tổng thống Pháp Emmanuel Macron một lần nữa lại “gây bão” trong công luận phương Tây với một số phát biểu bị cho là “theo đuôi” Bắc Kinh, phá hoại mặt trận chung cần thiết để đối phó với các thế lực độc tài, qua đó làm hoen ố hình ảnh của ông.

 

Tuy nhiên, trong một bài phân tích ngày 12/04, hãng tin Pháp AFP đã trích dẫn một số chuyên gia cho rằng, dù bị đả kích ở một phần châu Âu và Hoa Kỳ, những tuyên bố của tổng thống Pháp không nhất thiết bị bỏ ngoài tai tại phần còn lại của thế giới.

 

Phát biểu gây tranh cãi của tổng thống Pháp được ông đưa ra sau khi kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước ở Trung Quốc. Trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ báo mạng Mỹ Politico và nhật báo kinh tế Pháp Les Echos (được tờ báo Pháp công bố nguyên văn ngày 09/04), ông Macron đã cho rằng Châu Âu không nên máy móc đi theo (“être suiviste”) Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột về Đài Loan.

 

Tuyên bố xuất phát từ mong muốn nâng nước Pháp và Liên Âu lên hàng cường quốc có trọng lượng trên thế giới, ngang tầm với các đại cường như Mỹ hay Trung Quốc, đã bị một phần công luận tại châu Âu và Hoa Kỳ cực lực đả kích, cho rằng tổng thống Pháp đã làm sứt mẻ hình ảnh của mình khi tiếp tay cho tham vọng bành trướng của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phá hoại chính sách chung của Liên Âu nhằm đối phó với Bắc Kinh.

 

Tuy nhiên, theo AFP, một số chuyên gia lại thấy rằng những nhận xét gây tranh cãi ở phương Tây đó của ông Macron cũng được gửi đến một phần của thế giới đang có tâm lý chống phương Tây, vốn có thể hoan nghênh quan điểm không liên kết với hai cường quốc hàng đầu của thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc.

 

Một loạt phát biểu “gây sốc”

 

Phải nói rằng đây không phải là lần đầu tiên mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron gây sóng gió tại phương Tây với những tuyên bố của ông, từ các vấn đề liên quan tới Nga gần đây, cho đến nhận định về khối NATO trước đó.

 

Về cách đối phó với nước Nga đã xua quân xâm lược Ukraina từ ngày 24/02/2022, tổng thống Pháp vào tháng 6 năm 2022 đã làm dấy lên tranh cãi khi lập luận rằng không nên “làm nhục” nước Nga, nếu muốn tìm ra một “lối thoát” ngoại giao khi hai đối thủ hạ vũ khí.

 

Trước đó, vào tháng 10/2019, trong một bài phỏng vấn dành cho tuần báo Anh rất có uy tín, ông Macron đã không ngần ngại cho rằng Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO vào khi ấy đang lâm vào tình trạng “chết não” (mort cérébale), tố cáo sự thiếu điều phối giữa các đồng minh sau tuyên bố của Mỹ về việc rút quân khỏi miền bắc Syria và các cuộc tấn công sau đó của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực…

 

Theo nhà nghiên cứu Michel Duclos, cố vấn đặc biệt tại Viện Montaigne ở Paris, với các tuyên bố sau chuyến thăm Trung Quốc,  “hình ảnh của tổng thống Pháp đã bị sứt mẻ”, biến ông thành một người không còn đáng tin cậy.

 

Nếu trước đây, nguyên thủ quốc gia Pháp có “một ưu thế trong các cuộc họp quốc tế vì ông được cho là thông minh hơn những người khác”, thì giờ đây, ông đã trở thành một “nhà lãnh đạo không đáng tin cậy trên một chủ đề cực kỳ phức tạp, nhạy cảm và dễ bùng nổ”.

 

Đối với nhà nghiên cứu tại Viện Montaigne, điều đáng lo ngại là những động thái “khiêu khích” của tổng thống Macron có nguy cơ “dẫn đến việc nước Pháp tự đặt mình ra bên lề”, với kết cuộc là củng cố thêm vai trò lãnh đạo của Mỹ.

 

Tác hại không đến mức nghiêm trọng

 

Tuy nhiên, theo AFP, nhiều nhà phân tích khác lại cho rằng tác hại của các tuyên bố không đến mức nghiêm trọng như kể trên, điều được thấy qua phản ứng chừng mực của các đồng nhiệm phương Tây của tổng thống Pháp Macron.

 

Đối với nhà nghiên cứu Pháp Bruno Tertrais, thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS (Fondation pour la recherche stratégique), các tuyên bố của tổng thống Pháp sau chuyến công du Trung Quốc “chỉ làm sâu đậm thêm một chút tại châu Âu và Hoa Kỳ hình ảnh một Emmanuel Macron thường hay khiêu khích trên các vấn đề quốc tế nhạy cảm”.

 

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này lưu ý rằng sau sáu năm đứng đầu nước Pháp, tổng thống Macron vẫn “duy trì được sức quyến rũ và không khơi dậy phản ứng bác bỏ mà một số người tiền nhiệm của ông đã phải chịu”.

 

Theo ông Tertrais, tổng thống Macron hiện vẫn có thể dựa vào “tuổi thọ” và “thâm niên” của mình, những “điểm quan trọng tại Hội Đồng Châu Âu và Hội Đồng Bắc Đại Tây Dương.”

Dĩ nhiên là những lời chỉ trích của "các lãnh đạo chính trị và các nhà bình luận hàng đầu” sẽ “tác động đến nhận thức chung về nước Pháp”, nhưng theo chuyên gia Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược, việc hầu hết những người đồng cấp chính của ông Emmanuel Macron không phản ứng gì cho thấy rằng họ “đã quen với các tuyên bố thẳng thừng của tổng thống Pháp” và biết rõ rằng những phát biểu đó “thường chỉ phản ánh thái độ tự do hoặc thậm chí là dụng tâm khiêu khích của ông trong các cuộc đàm phán không chính thức”.

 

Bertrand Badie, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Học Viện Chính Trị Science-Po Paris, cũng lưu ý rằng “những tiếng hú (phản đối) đến từ những nhân vật khá ngoài lề”, trong lúc thái độ im lặng của những người đối thoại chính của ông Macron, như thủ tướng Đức Olaf Scholz, chứng tỏ rằng về cơ bản, họ không bất đồng với TT Pháp về cách tiếp cận với Trung Quốc,

hoặc về nhu cầu đảm bảo chủ quyền của châu Âu.

 

Tranh cãi bùng lên trong những ngày qua, theo giáo sư Badie, chỉ là “một cơn bão trong một tách trà”.

 

Lập trường không chọn bên của Pháp cũng có sức hấp dẫn

 

Một điểm khác được giáo sư Badie nêu bật là, mặc dù lập trường không liên kết của Pháp có thể “gây khó chịu nơi một bộ phận tại châu Âu, trong thế giới phương Tây hoặc thậm chí trong tầng lớp chính trị Pháp, nhưng lập trường đó có thể được cảm nhận tương đối tốt trên thế giới” ngoài Trung Quốc, nước đã không ngừng ca ngợi lời lẽ của tổng thống Pháp.

 

Theo giáo sư Badie, tại các nước châu Phi, vốn không cảm thấy lo ngại về cuộc chiến ở Ukraina chẳng hạn và ngày càng lộ vẻ “bực tức” trước việc phương Tây dồn sức giúp Kiev, lập trường của Emmanuel Macron có thể được đón nhận nồng nhiệt.

 

Đối với chuyên gia này, tổng thống Pháp cũng đã hiểu rằng các quốc gia mới nổi như Ấn Độ hay Brazil, hay một tổ chức như Liên Hiệp Châu Phi, không còn là những “nhân vật phụ” hay tác nhân giữ vai trò thứ yếu.

 

Trong bối cảnh nước Pháp bị “thất bát” ở châu Phi, và liên tiếp bị những cái “tát tai ở Trung Đông, ở Liban, ở Syria hay ở Iran”, tổng thống Macron đang “cố gắng thoát ra khỏi pháo đài phương Tây để nói chúng ta đang sống trong thế giới và bởi vì chúng ta đang ở trong thế giới, Châu Âu phải được xây dựng trong thế giới’”.

 

------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Tổng thống Pháp Macron: « Đồng minh » chứ không phải là « chư hầu » của Mỹ

 

Tập Cận Bình tìm cách khai thác sự bất đồng của châu Âu bằng cách « tâng bốc » Macron

 

Macron công du Trung Quốc: Thất bại ngoại giao

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats