Sunday, 1 January 2023

VỀ ĐÂU MỐI TÌNH NGƯU MÃ BẮC KINH - MOSCOW? (Hiếu Chân / Người Việt)

 




Về đâu mối tình ngưu mã Bắc Kinh-Moscow?

Hiếu Chân/Người Việt

December 30, 2022

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/ve-dau-moi-tinh-nguu-ma-bac-kinh-moscow/

 

Tổng Thống Vladimir Putin của Nga và Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc vừa gặp nhau qua video vào Thứ Sáu, 30 Tháng Mười Hai, trong bối cảnh cả Nga và Trung Quốc đều đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, buộc Moscow và Bắc Kinh phải dựa vào nhau nhiều hơn nữa.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/12/BL-Nga-Trung-Phoi-Hop-1536x1074.jpg

Ông Vladimir Putin (trái) và ông Tập Cận Bình tại Samarkand, Uzbekistan, hôm 16 Tháng Chín. (Hình minh họa: Sergei Bobylyov/AFP via Getty Images)

 

Chưa đầy một năm trước, ông Putin sang Bắc Kinh hội đàm với ông Tập và cả hai mạnh miệng tuyên bố một mối quan hệ “không giới hạn” – hình thành một liên minh chuyên chế thách thức trực tiếp Hoa Kỳ và Phương Tây. Mười tháng trôi qua và bây giờ cả hai ông đều nhận ra liên minh của họ đang ở thế yếu chưa từng thấy.

 

Cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine mà ông Putin bắt đầu ngay sau khi từ Bắc Kinh trở về hồi Tháng Hai làm cho nước Nga tổn thất ghê gớm về nhân mạng và nguồn lực, bị cô lập về ngoại giao, bị cấm vận ngặt nghèo về kinh tế. Ông Putin đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc để duy trì vẻ bề ngoài ổn định của chế độ.

 

Sau thành công vang dội về củng cố quyền lực tại Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc (CSTQ), ông Tập nay đang đối mặt với những bài toán khó về kinh tế và xã hội: Trung Quốc là nước lớn duy nhất đang phải căng sức đối phó với đại dịch COVID-19 mà họ ngạo mạn tưởng rằng đã khống chế được. Chiến lược “zero-COVID” khắc nghiệt đã làm cho nền kinh tế Trung Quốc bị chậm lại đáng kể, dự báo mức tăng trưởng tổng sản lượng nội địa chỉ vào khoảng 3.2%, rất thấp so với mục tiêu 5.5% mà Bắc Kinh đề ra.

 

Do tình thế ép buộc, vào đầu Tháng Mười Hai, đảng CSTQ phải đảo ngược chính sách, bãi bỏ các biện pháp phong tỏa khắc nghiệt, mở cửa biên giới và thúc đẩy các hoạt động kinh tế, chấp nhận để dịch bệnh lan rộng nhưng vẫn che giấu quy mô thực sự của thảm họa và khăng khăng từ chối sự giúp đỡ của Hoa Kỳ. Ông Tập không muốn sự giúp đỡ đó làm hỏng hình ảnh mà ông quảng bá với thế giới là một hệ thống chính trị ưu việt hơn chế độ dân chủ.

 

Và theo một não trạng đã được đúc khuôn từ lâu của các nhà độc tài, cả ông Tập và ông Putin đều không nhận trách nhiệm gây ra tình hình bi thảm của đất nước họ mà đổ thừa cho thế lực thù địch Phương Tây. Mở đầu cuộc điện đàm với ông Putin, ông Tập đánh giá “tình hình quốc tế phức tạp và luôn thay đổi,” đòi hỏi Nga và Trung Quốc phải cộng lực để đối phó. “Đương đầu với một tình hình quốc tế khó khăn và không rõ ràng, chúng tôi đang sẵn sàng xây dựng quan hệ hợp tác chiến lược với Nga, cung cấp cho nhau những cơ hội phát triển và là đối tác toàn cầu vì lợi ích của nhân dân hai nước chúng tôi và vì sự ổn định trên toàn thế giới,” ông Tập nói, theo bản ghi được truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải.

 

                                                           ***

 

Cuộc điện đàm trước hết là một nỗ lực mới nhất của ông Putin để thắt chặt thêm nữa quan hệ với ông Tập, tìm nguồn lực để duy trì cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Ukraine. Trong khi đó, Bắc Kinh coi đây là cơ hội để thu lợi về lâu dài, biến Moscow thành một đối tác đàn em trong cuộc đấu tranh chống Phương Tây.

 

Theo thông báo của Điện Kremlin, mở đầu cuộc gặp, ông Putin tán thành ý kiến của ông Tập rằng “tình thế bên ngoài rất bất lợi,” và tái khẳng định mối quan hệ Nga-Trung Quốc là “mô hình hợp tác giữa các cường quốc trong thế kỷ 21.” Ông Putin hy vọng hai nước sẽ gia tăng hợp tác về quân sự. “Hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự chiếm vị trí đặc biệt trong quan hệ của chúng ta. Nó tạo điều kiện thuận lợi cho an ninh của các quốc gia chúng ta và hỗ trợ sự ổn định ở các khu vực quan trọng,” ông Putin nói, theo nhật báo The New York Times.

Tuy vậy, trong cuộc gặp, ông Tập tỏ ra không mặn mà với ý kiến về tăng cường hợp tác quân sự. Dù hai nước vừa tổ chức tập trận hải quân chung ở biển Hoa Đông mà Tướng Valery Gerasimov, tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, mô tả là “một phản ứng chống lại sự gây hấn của quân đội Mỹ ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương” như tường thuật của nhật báo The Washington Post, nhưng Bắc Kinh vẫn không muốn ra mặt yểm trợ Nga về quân sự, không cung cấp các loại vũ khí và quân dụng mà Moscow cần cho cuộc chiến ở Ukraine, buộc ông Putin phải tìm tới nguồn cung cấp ở Bắc Hàn và Iran.

 

Ngoài quân sự, trọng tâm mà ông Putin và ông Tập nhắm tới là hợp tác kinh tế mà do các biện pháp cấm vận của Phương Tây, Nga càng ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong quan hệ thương mại, Trung Quốc mua của Nga dầu thô, khí đốt, thiết bị quân sự tân tiến, và các loại khoáng sản khác.

 

Đổi lại, Trung Quốc cung cấp cho Nga hàng hóa tiêu dùng và hàng kỹ thuật cao như xe hơi, điện thoại, công cụ giám sát đám đông… Theo Viện Tài Chính Quốc Tế ở Washington, DC, trong chín tháng đầu năm nay, Trung Quốc cung cấp một phần tư lượng hàng hóa nhập cảng của Nga, tăng gần gấp đôi so với mức 15% của chín tháng đầu năm ngoái. Tất cả xe hơi mang nhãn hiệu nước ngoài – có 11 nhãn hiệu như vậy – còn được bày bán ở Nga đều là xe Trung Quốc.

 

Khi phương Tây quay lưng với dầu khí của Nga thì Trung Quốc nổi lên thành khách hàng lớn nhất. Trong tháng này, đã ba lần tập đoàn khí đốt quốc doanh Gazprom của Nga công bố kỷ lục mới về lượng khí đốt bán sang Trung Quốc mỗi ngày. Và tuần trước, ông Putin chủ trì lễ khai trương một mỏ khí đốt mới ở Siberia, được khai thác chỉ để xuất cảng sang Trung Quốc.

 

Xem ra cả về quân sự và kinh tế, Moscow đều ở thế yếu, phụ thuộc, còn Bắc Kinh tìm mọi cơ hội để thu lợi.

 

                                                           ***

 

Có thể nói dòng tiền từ Trung Quốc đã giúp kinh tế Nga không bị sụp đổ dưới sức ép cấm vận của Phương Tây, nhưng quan hệ đó còn kéo dài bao lâu thì chưa biết trước được. Hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti của Nga hôm Thứ Năm, 29 Tháng Mười Hai, đăng bài nói Trung Quốc đang giúp Nga né tránh các lệnh cấm vận của Phương Tây, và nếu thông tin đó là đúng thì chắc chắn Bắc Kinh sẽ gặp không ít phiền phức.

 

Dù không công khai lên án cuộc xâm lược Ukraine của ông Putin và bảo vệ cho Moscow trên các diễn đàn quốc tế, Trung Quốc thừa nhận cuộc chiến đã gây nhiều khó khăn cho chính Bắc Kinh. Giá năng lượng tăng cao gây khó cho các nền kinh tế Châu Âu và làm giảm nhu cầu mua hàng Trung Quốc, và cuộc chiến cũng làm cho các chính phủ Châu Âu đoàn kết hơn với Hoa Kỳ trong các nỗ lực kiềm chế Bắc Kinh. Tại cuộc gặp trực tiếp với ông Putin ở Uzbekistan hồi Tháng Chín, ông Tập không giấu nỗi khó chịu về cuộc chiến này, và tuần trước, khi tiếp ông Dmitry Medvedev, cựu tổng thống Nga và cộng sự thân cận nhất của Putin, ông Tập đã yêu cầu “các bên liên quan phải hết sức kiềm chế.”

 

Cho nên, trong quan hệ với Nga, ông Tập đang gặp nhiều chuyện khó xử: Ông không mạo hiểm yểm trợ Nga một cách công khai để phải chịu sự trừng phạt của Phương Tây nhưng cũng không thể bỏ rơi ông Putin và có nguy cơ mất đi một đồng minh quan trọng nhất trong công cuộc chống Hoa Kỳ để rồi Trung Quốc phải đơn độc cạnh tranh với Phương Tây.

 

Tuy nhiên, vượt ra ngoài suy luận thông thường, mối quan hệ “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” giữa Moscow và Bắc Kinh sẽ bền vững vì cả hai đều coi Hoa Kỳ và thể chế dân chủ Phương Tây là mối đe dọa chung, cản trở các tham vọng địa chính trị và kinh tế của họ. Nga càng thảm bại thì càng bám chặt Trung Quốc. Nếu Nga chiến thắng trong cuộc chiến Ukraine thì Trung Quốc sẽ có lợi lớn về địa chính trị, ngược lại nếu Nga thua trận thì Trung Quốc còn bị thiệt hại lớn hơn nữa. Cuộc “hôn nhân” Moscow-Bắc Kinh vì thế sẽ không sụp đổ do thất bại của Nga trên chiến trường mà trái lại, vì Nga thất bại mà quan hệ Nga-Trung Quốc sẽ càng được củng cố. [đ.d.]





No comments:

Post a Comment

View My Stats