Monday, 23 January 2023

TƯ DUY MỞ : TỪ MỘT GÓC ĐỘ CỦA TRIẾT HỌC (Nguyễn Thị Từ Huy)

 



Tư duy mở: Từ một góc độ của triết học    

Nguyễn Thị Từ Huy

21/01/2023 

https://tiasang.com.vn/doi-moi-sang-tao/tu-duy-mo-tu-mot-goc-do-cua-triet-hoc/

 

Tư duy mở là phẩm tính cho phép con người trở thành người với tất cả sức mạnh trí tuệ và nội tâm của mình, trong khi tương tác với ngoại giới. Và tư duy mở trở thành điều kiện thiết yếu cho các thành quả mà các cộng đồng người đã và sẽ đạt tới.

 

.

Tư duy mở: cách hiểu phổ biến

 

Tư duy mở (trong ngôn ngữ hằng ngày chúng ta sử dụng một từ đồng nghĩa khác: “đầu óc cởi mở”) được dùng phổ biến để chỉ năng lực tự đặt mình vào vị thế của người khác, năng lực tiếp nhận được cách suy nghĩ của người khác, để đạt tới sự đồng cảm về nhận thức, tức là năng lực thấu hiểu người khác. Nhờ vậy mà hiểu rõ ý nghĩa của việc được nghe người khác trình bày ý kiến của họ, hiểu rõ tầm quan trọng của những kiến thức mà người khác mang lại và công nhận giá trị của những kiến thức ấy. Điều đáng nói, khi hiểu được những điều này thì lợi ích không phải chỉ dành cho người khác, mà người có tư duy mở được hưởng lợi rất nhiều từ đó.

 

Những lợi ích thông thường của tư duy mở mà các định nghĩa cung cấp cho chúng ta: nhờ có tư duy mở con người mới có khả năng gia nhập được vào thế giới của kẻ khác, gia nhập vào những thế giới khác với thế giới của mình, tiếp nhận ở đó những điều mới mẻ, khác lạ, và làm phong phú thêm thế giới của mình, hoặc, quan trọng hơn, làm thay đổi thế giới của mình. Tư duy mở tạo ra sự gặp gỡ giữa các tinh thần khác nhau, nó cho phép con người học hỏi cách suy nghĩ của người khác, học hỏi các kinh nghiệm quý báu vốn là kết quả của những cách suy nghĩ ấy và sử dụng các kết quả đó như những điều kiện cho thành công của chính mình. Tư duy mở cho phép con người tránh được sai lầm nhờ việc học hỏi những người khác, đồng thời phát triển nhanh hơn và có những kết quả tốt hơn, so với việc nếu chỉ dừng lại trong phạm vi các kinh nghiệm cá nhân của riêng mình. Và để cho các tinh thần khác nhau có thể gặp gỡ nhau thì nguyên tắc lựa chọn của tư duy mở là nguyên tắc đối thoại, nhờ đối thoại mà mọi tiếng nói có thể cất lên và được lắng nghe.

 

Dĩ nhiên, hiểu người khác, tiếp nhận suy nghĩ của người khác, không có nghĩa là ba phải, không có nghĩa là thu nạp tất cả mọi thứ và đánh mất suy nghĩ riêng của mình. Trái lại, tư duy mở luôn đi kèm với một phẩm chất khác của tư duy: năng lực phản biện. Con người xây dựng nhân vị độc đáo của mình nhờ sự kết hợp giữa đầu óc cởi mở và đầu óc phản biện. Các xã hội người phát triển dựa trên sự kết hợp giữa tư duy mở và tư duy phản biện. Với tư duy mở, con người có thể tự điều chỉnh, tự thay đổi chính mình, trong một hành trình được thiết lập cùng với tập thể để tạo nên sự thay đổi và phát triển của cả tập thể.

 

========================

Để cho các tinh thần khác nhau có thể gặp gỡ nhau thì nguyên tắc lựa chọn của tư duy mở là nguyên tắc đối thoại, nhờ đối thoại mà mọi tiếng nói có thể cất lên và được lắng nghe. Tư duy mở còn luôn đi kèm với một phẩm chất khác của tư duy: năng lực phản biện.

========================

 

Tóm lại, một cách ngắn gọn: tư duy mở là điều kiện cần thiết cho sự thay đổi và là điều kiện cần thiết cho sự phát triển, của cá nhân và xã hội. Một điều chắc chắn là hầu hết những thành tựu và tiến bộ mà loài người có được là nhờ những người mang trong mình sức mạnh của một đầu óc cởi mở, luôn tò mò, không ngừng đặt câu hỏi về thế giới xung quanh, không ngừng tìm hiểu về những gì chưa biết, những người khám phá không mệt mỏi, bền bỉ chinh phục những giới hạn mới với tinh thần mở đến vô tận.

 

Trong khi hoàn toàn đồng ý với định nghĩa phổ biến trên đây về tư duy mở, tôi muốn nêu ra một vài suy nghĩ về vấn đề này từ góc độ triết học, từ một góc rất hẹp của triết học.

 

.

Dụ ngôn “Cái hang” của Platon

 

Hình : https://tiasang.com.vn/wp-content/uploads/2023/01/tu-duy-mo-anh-1-1170x700.png

Dụ ngôn “Cái hang” của Platon. Ảnh: MatiasEnElMundo / Getty Images

 

Những phân tích về tư duy mở trong bài này xuất phát từ việc quay trở lại với một trong những câu chuyện triết học đầu tiên, hết sức nổi tiếng vì sự sâu sắc và những lớp nghĩa chưa bao giờ cạn kiệt của nó, đó là dụ ngôn Cái hang của Platon, được viết trong cuốn Cộng hòa. Những kiệt tác (dù là trong lĩnh vực sáng tạo, tư tưởng, hay bất kỳ lĩnh vực nào) sẽ luôn mở: chúng luôn có thể được tiếp cận và được khai thác từ những góc độ mới, để từ đó mà các ý nghĩa mới được hiển lộ. Dụ ngôn Cái hang đã được diễn giải theo nhiều cách khác nhau, vô số tầng nghĩa của nó đã được các nhà phân tích chỉ ra, từ thời đại này qua thời đại khác. Và chúng ta vẫn có thể tìm thấy trong đó một tầng ý nghĩa gắn với vấn đề tư duy mở. Trước tiên, cần tóm tắt câu chuyện của Platon:

 

Một cái hang tưởng tượng có cửa vào mở ra ánh sáng. Phía sâu, cuối hang, những tù nhân bị trói trên những chiếc ghế, từ khi còn nhỏ, đầu cũng bị sợi dây buộc cố định theo một hướng khiến họ chỉ nhìn thấy duy nhất bức tường trước mặt. Trên cao và sau lưng họ, có một ngọn lửa, là nguồn sáng duy nhất trong hang. Giữa ngọn lửa và họ, một bức tường thấp dựng lên trên con đường chạy ngang, trên tường có những con rối nhảy múa, và đoàn người cầm những đồ vật đủ các loại diễu qua sau bức tường thấp đó, có người trò chuyện có người im lặng. Ngọn lửa phía sau phản chiếu hình ảnh của các đồ vật lên bức tường trước mặt những người bị trói trên ghế, và họ nhìn thấy bóng mờ của chúng trên tường. Chân bị trói và đầu bị cố định, họ không thể nhìn thấy các đồ vật thực, cũng không thể nhìn thấy chính họ và những người trong hang, ngoài những cái bóng phản chiếu trước mặt. Họ chỉ có thể nghe thấy tiếng những âm thanh dội lại trên tường, không thể nghe thấy những âm thanh thực sự. Cũng sau lưng họ, có một lối đi dọc, dẫn ra thế giới bên ngoài hang.

 

https://tiasang.com.vn/wp-content/uploads/2023/01/tu-duy-mo-anh-2-1.jpg

 Nhà thiên văn học Giordano Bruno bị hỏa thiêu vì tuyên bố Trái đất tròn, trái với quan niệm của nhà thờ thời bấy giờ.

 

Điều gì sẽ xảy ra, một cách tự nhiên, nếu người ta tháo xiềng cho họ và giải phóng họ khỏi tình trạng không biết? Platon đặt câu hỏi như vậy và phần tiếp theo của câu chuyện mô tả điều đó.

 

Giả định rằng một người được cởi trói và bị cưỡng ép phải đứng dậy ngay tức khắc, bị bắt phải xoay cổ, phải quay người lại, bước đi và nhìn trực tiếp vào ngọn lửa. Những vận động đó khiến anh ta cảm thấy đau đớn toàn thân, khiến mắt bị tổn thương. Khi tiến về phía sau, anh nhìn thấy những đồ vật và những sinh vật thật, nhưng do bị ngọn lửa làm lóa mắt, anh tưởng chúng là những ảo ảnh, và vẫn nghĩ những cái bóng trên tường kia mới là vật thực.

 

Tiếp đó, người ta dùng sức mạnh lôi anh đi theo con đường gồ ghề, chông gai, dẫn lên cao. Trải qua một hành trình gian nan, đau đớn dữ dội, cuối cùng anh cũng bị dẫn ra khỏi hang và đến dưới mặt trời. Ánh sáng rực rỡ của nó ngay lập tức làm mắt anh đau nhức, chói lóa, đến mức gần như mù, không nhìn được gì nữa. Rồi mắt anh quen dần với tình trạng mới.  Khi đã hoàn toàn thoải mái và quen thuộc với ánh sáng mặt trời, anh đạt tới chỗ phân biệt được các cấp độ tồn tại khác nhau của sự vật: trước hết là bóng của các vật, rồi đến hình ảnh phản chiếu của con người và sự vật trên mặt nước, tiếp theo là chính bản thân sự vật. Đêm đến, anh nhìn thấy ánh sáng của mặt trăng và các thiên thể trên bầu trời. Dĩ nhiên, anh nhìn thấy ánh sáng mặt trời và chính bản thân mặt trời như nó trong thực tế. Tóm lại, anh có thể nhìn thấy vạn vật ở sự tồn tại thực của chúng. Từ đó, anh hiểu rằng cần nắm bắt mọi vật trong ánh sáng mặt trời, vì mặt trời là cội nguồn của sự thật, và là cội nguồn của vạn vật.

 

Khi nhớ lại tình trạng đã trải qua trong hang anh cảm thấy hạnh phúc vì đã có cơ hội thoát khỏi bóng tối để đến với nhận thức sáng rõ về sự vật, và biết rằng mình không thể sống cuộc đời tù nhân dưới hang nữa. Anh thà làm việc cực khổ như những người lao động nghèo nhưng được sống với mặt trời và nhận biết mọi vật, chứ không muốn bị kìm kẹp với những ảo ảnh sai lầm như trước đây nữa. Anh trở lại hang với mong muốn giải phóng cho những người đang bị giam cầm ở đó.

 

Lúc vào lại trong hang, bóng tối khiến anh quáng mắt, không nhìn thấy rõ xung quanh. Những người bị trói cho rằng mắt anh đã hỏng do ra khỏi hang, và họ không muốn bắt chước anh. Nếu anh cố gắng giải thoát cho họ, rất có thể anh sẽ bị họ giết chết ngay lập tức.

 

Kiệt tác này đã được diễn giải theo nhiều hướng khác nhau (trong đó có cả các diễn giải của chính tác giả, Platon) mà tôi không nhắc lại ở đây. Tôi sẽ tái diễn giải nó từ góc độ vấn đề tư duy mở.

 

.

Tư duy mở: hành trình vượt thoát của cá nhân và cộng đồng

 

Trong dụ ngôn này, con người bị cầm tù trong lòng đất, bị kẹt giữa hai bức tường, bị trói chặt trên ghế. Tất cả những gì họ thấy là những hình bóng của một số vật ít ỏi được phản chiếu trên bức tường trước mặt. Và họ tưởng những hình ảnh phản chiếu đó là bản thân các vật thực. Những chi tiết này ẩn dụ cho sự nghèo nàn, hạn chế, và cả những nhầm lẫn, ảo tưởng trong nhận thức của con người. Đồng thời cũng là ẩn dụ cho sự khép kín về tư duy của con người. Một khi bị ràng buộc bởi hoàn cảnh bên ngoài thì người ta chỉ có thể nhìn theo một hướng, hệ quả là chỉ có thể nghĩ theo một hướng duy nhất; và sự hạn chế, hẹp hòi, đóng kín trong tư duy là điều không thể tránh khỏi. Những tù nhân trong hang chỉ có thể có một kiểu tư duy đóng, tư duy khép kín, hậu quả của tình trạng bị giam cầm, bị trói buộc. Nhìn từ góc độ khác, tư duy khép kín chính là một thứ nhà tù giam hãm đầu óc con người, nó giới hạn nhận thức và sự hiểu biết của con người trong khuôn khổ chật hẹp của nó.

 

====================================

Một tư duy đóng muốn chuyển thành tư duy mở, đòi hỏi phải có khoảng thời gian cần thiết. Và nếu tư duy đang ở tình trạng khép kín, để chuyển thành tư duy mở, nhất thiết con người phải chịu đựng những vật vã, đau đớn không thể tránh khỏi.

=====================================

 

Những tù nhân trong hang không nhìn thấy gì ngoài những cái bóng trước mặt, họ không nhìn thấy những người khác, hơn thế, họ không nhìn thấy cả chính mình, Platon nói như vậy. Hậu quả của kiểu tư duy khép kín không chỉ ở việc nhận thức về thế giới bên ngoài bị giới hạn, không chỉ chỗ thiếu hiểu biết về người khác, về những cái khác với mình. Mà hậu quả trầm trọng còn là ở chỗ không biết gì về chính mình, không có nhận thức về bản thân.

 

Nhưng cái hang của Platon không bị bịt kín, nó có một cửa hang, một lối đi dẫn ra bên ngoài, tức là một con đường thoát. Điều này muốn nói rằng con người luôn có cơ hội và khả năng thoát ra khỏi tình trạng trí tuệ bị giam hãm, luôn có con đường để giải phóng cho tư duy của mình, để đặt tư duy vào trạng thái mở. Thế giới bên ngoài chính là cái khác với cái hang, đến với thế giới bên ngoài tức là đến với cái khác, là rời bỏ hiện trạng đang có để mở về phía khác mình, từ đó mà tiếp cận với thực tế, với tồn tại đích thực, với sự thật. Tuy nhiên, đó là một hành trình cực khổ, đòi hỏi phải trải qua những sai lầm, những đau đớn về tinh thần và thể chất, đòi hỏi phải tự vượt lên chính mình và vượt lên trên hoàn cảnh.

 

Trong câu chuyện, Platon đề cập đến ba thời điểm lúc người tù được giải phóng phải chịu cơn đau thể chất, đó là những thời điểm có sự thay đổi căn bản về trạng thái, và có sự thay đổi trong tiếp xúc với các loại ánh sáng khác nhau. Lần đầu tiên là khi được tháo xiềng, các vận động làm cơ thể đau đớn, và nhìn thấy ngọn lửa thật, bị lóa mắt và nhìn không rõ. Lần thứ hai, quá trình thoát hang gian khổ khiến cho cơ thể đau đớn khủng khiếp, và khi ra khỏi hang, đối diện với ánh sáng rực rỡ của mặt trời, mắt đau dữ dội, chói lóa, gần như bị mù, không nhìn thấy gì. Lần thứ ba là khi trở lại chốn cũ, bóng tối tù mù trong hang lại khiến mắt bị quáng và cũng nhìn không rõ. Như vậy, khi đang từ bóng tối đột ngột tiếp xúc với ánh sáng, và khi từ nơi ánh sáng trở về tiếp xúc với bóng tối, con người gặp khó khăn trong việc nhận biết mọi vật xung quanh.

 

Ta có thể hiểu Platon muốn nói rằng, khi thay đổi trạng thái, con người cần phải thích nghi, và cần thời gian để thích nghi. Cũng vậy, một tư duy đóng muốn chuyển thành tư duy mở, đòi hỏi phải có khoảng thời gian cần thiết. Và nếu tư duy đang ở tình trạng khép kín, để chuyển thành tư duy mở, nhất thiết con người phải chịu đựng những vật vã, đau đớn không thể tránh khỏi. Hành trình thoát ra khỏi hang cũng tức là hành trình thoát ra khỏi chính mình, thật không dễ dàng.

 

Hình : https://tiasang.com.vn/wp-content/uploads/2023/01/tu-duy-mo-anh-3-1.jpg

            Socrate phải trả giá bằng chính sinh mạng mình cho những quan điểm đi trước thời đại.

 

Vượt thoát chính mình, tự giải phóng khỏi những giới hạn của bản thân, đó là một công cuộc rất khó khăn, đau khổ. Khi người tù được giải thoát quay trở lại hang với ý định cứu những bạn tù khác, thì những người bị trói có thể giết anh để chống lại việc được anh giải thoát. Điều này thực sự đã xảy ra với Socrate. Platon kể chi tiết này như một ẩn dụ về cái chết của Socrate, vị triết gia (thầy của Platon và là cha đẻ của triết học phương Tây) đã bị những công dân thành Athène vĩ đại giết chết, chỉ vì ông muốn giúp họ thoát khỏi sự thiếu hiểu biết, và vì họ không chấp nhận và không chịu đựng được kiểu tư duy khác biệt của ông. Cái giá mà những người có tư duy mở phải trả là rất đắt, nếu tập thể chưa sẵn sàng với cách tư duy này và vẫn còn trong tình trạng đầu óc khép kín, như với trường hợp Socrate, ông đã phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình. Và sau ông, ở mọi thời đại, các trí thức, triết gia, các nhà khoa học tiếp tục phải trả giá cho tư duy mở của họ. Trong danh sách dài dằng dặc theo suốt lịch sử nhân loại, ta có thể kể đến một số tên tuổi: nhà thiên văn học Bruno chết trên giàn thiêu, Galileo vào tù, triết gia John Locke phải sống lưu vong ở Hà Lan nhiều năm, Rousseau bị truy nã và lưu vong khắp châu Âu trong một thời gian dài, Voltaire có lúc bị bắt giam, nhà văn Victor Hugo cũng bị trục xuất và lưu vong suốt mười chín năm… chỉ vì họ là những người có tư duy mở, mà thời đại lại chưa kịp mở cùng với họ.

 

Tuy nhiên, đau đớn và trả giá là cần thiết, khi mà cùng với nó, con người có thể từ bóng tối ngu dốt bước ra ánh sáng của sự hiểu biết. Đó là một hành trình siêu vượt cho phép kiểm nghiệm, thể hiện, và khẳng định phẩm tính người. Mọi sự siêu vượt đều không dễ dàng và phải trả giá. Socrate hiểu rõ như vậy, nên, thay vì bỏ trốn để bảo toàn mạng sống, ông đã vui vẻ chấp nhận chén thuốc độc, để cho, không chỉ mình ông, mà nhân loại có thể vượt thoát chính mình. May mắn là ngày nay một phần nhân loại hiểu rõ giá trị sự hy sinh của Socrate và những người như ông, vì vậy, trên thế giới, các xã hội tiến bộ và phát triển đã tạo ra các cơ chế thích hợp để bảo vệ, khuyến khích, thúc đẩy phẩm chất mở của tư duy, bảo vệ và khuyến khích những người có tư duy mở. Điều này tác động trở lại, khiến cho xã hội của họ càng phát triển và tiến bộ hơn.

 

Sự thay đổi tư duy không chỉ cần đến thời gian, cần chấp nhận đau khổ và trả giá, mà còn cần đến những điều kiện khác. Một trong những điều kiện quan trọng nhất, đó là giáo dục. Bản thân Platon diễn giải dụ ngôn Cái hang của ông từ góc độ giáo dục. Giáo dục là con đường nhanh nhất, hiệu quả nhất cho việc hình thành tư duy mở cho các cá nhân và cho toàn xã hội, và đảm bảo cho tư duy mở được phát triển một cách bền vững; dù rằng giáo dục cũng cần thời gian mới có thể xây dựng hay thay đổi nhận thức và cách suy nghĩ của con người. Cách tốt nhất để cả một cộng đồng có được tư duy mở là đào luyện cho trẻ em suy nghĩ theo hướng mở, theo phương pháp mở.

 

===================================================

Giáo dục là con đường nhanh nhất, hiệu quả nhất cho việc hình thành tư duy mở cho các cá nhân và cho toàn xã hội, và đảm bảo cho tư duy mở được phát triển một cách bền vững.

====================================================

 

Vì vậy, việc đào tạo những con người có tinh thần cởi mở và có các kỹ năng tư duy mở trở thành nhiệm vụ của trường học. Học sinh cần được dạy để hiểu rằng, mỗi người nhìn thế giới theo một cách riêng, tùy thuộc vào những giới hạn không thể tránh khỏi (về không gian, thời gian, gia đình, xã hội…), nhưng nếu mỗi người đưa vào được trong đầu óc mình cách nhìn và cách nghĩ của nhiều người khác, thì có thể thoát khỏi tính chất nhỏ mọn, chủ quan, thoát khỏi các giới hạn chật hẹp, để trở nên rộng mở, bao dung, và nhờ đó mà có thể đạt tới tầm phổ quát. Platon cũng nhấn mạnh vai trò của giáo dục đối với sự phát triển năng lực nhận thức và xây dựng một cộng đồng đạt tới trạng thái lý tưởng.

 

Tư duy mở, như vậy, là một trong những năng lực người điển hình: năng lực mở trí tuệ vào những gì chưa biết, năng lực thám hiểm và chinh phục những chân trời xa lạ, năng lực vượt thoát các giới hạn bên ngoài và bên trong, từ đó thiết lập cá tính, bản sắc độc đáo, giá trị riêng của cá nhân, tất cả những gì gắn với phẩm chất sáng tạo cái mới nơi con người. Nói cách khác, tư duy mở là phẩm tính cho phép con người trở thành người với tất cả sức mạnh trí tuệ và nội tâm của mình, trong khi tương tác với ngoại giới. Và tư duy mở trở thành điều kiện thiết yếu cho các thành quả mà các cộng đồng người đã và sẽ đạt tới. □

 

------------

Xem thêm:

 

Loạn dịch hay loạn… cảnh báo?

 

Suy giảm 90% san hô ở Vịnh Nha Trang

 

VINATOM – Lightbridge ký thỏa thuận hỗ trợ tư vấn cho CNEST

 

Phân hữu cơ không mùi hôi từ lông gà

 

Nghĩ về việc chuẩn hóa chính tả tiếng Việt hiện nay

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats