Wednesday, 11 January 2023

TĂNG VIỆN TRỢ VŨ KHÍ CHO UKRAINE, PHƯƠNG TÂY HY VỌNG CHẤM DỨT NHANH CHIẾN TRANH (Anh Vũ / RFI)

 



NỘI DUNG :

Tăng viện trợ vũ khí cho Ukraina, Phương Tây hy vọng chấm dứt nhanh chiến tranh

Anh Vũ  -  RFI

.

Putin cố đấm ăn xôi, phương Tây đẩy nhanh quân viện giúp Ukraina chiến thắng

Thụy My  -  RFI

.

=============================================

.

.

Tăng viện trợ vũ khí cho Ukraina, Phương Tây hy vọng chấm dứt nhanh chiến tranh

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 10/01/2023 - 15:26

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20230110-t%C4%83ng-vi%E1%BB%87n-tr%E1%BB%A3-v%C5%A9-kh%C3%AD-c.....BB%A9t-nhanh-chi%E1%BA%BFn-tranh 

 

Cuộc chiến tranh tại Ukraina đã kéo dài gần một năm, giao tranh tiếp tục diễn ra ác liệt ở chiến trường miền Đông. Những ngày đầu năm 2023 này được ghi nhận bằng việc các đồng minh đồng loạt tăng tốc viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraina, dấu hiệu cho thấy phương Tây đặt kỳ vọng Kiev tạo được bước ngoặt trên chiến trường để sớm kết thúc chiến tranh.

 

https://s.rfi.fr/media/display/05843492-8d06-11ed-9506-005056bf30b7/w:980/p:16x9/AP23005362893317.webp

Ảnh minh họa xe tăng AMX-10 RC, không đề ngày được quân đội Pháp cung cấp hôm 05/01/2023. AP - Jeremy Bessat

 

Sau nhiều tháng trì hoãn, những ngày đầu năm này, lần lượt các nước Pháp, Mỹ, Anh và Đức thông báo mở rộng cung cấp các loại vụ khí như xe tăng, xe thiết giáp bộ binh cho Ukraina. Với Kiev, đây là bước ngoặt mới trong cuộc chiến chống xâm lược. Sau thông báo trên của các đồng minh, ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba đã vui mừng tuyên bố : « Thời kỳ của những giới hạn trong viện trợ vũ khí cho Ukraina đã qua ».

 

Giới quan sát ở phương Tây nhận định động thái này là một bước thay đổi lớn trong hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Ukraina. Cho đến nay, Mỹ và Đức vẫn rất thận trọng trong việc gửi khí tài mà NATO sử dụng sang Ukraina vì lo ngại Nga xem đây là hành động leo thang căng thẳng và bị coi là bên tham chiến.

 

Nhật báo Le Figaro nhận định, với quyết định giao chiến xa cho Kiev, các nước phương Tây không còn chỉ bằng lòng với việc giúp quân đội Ukraina kháng cự với quân đội Nga mà còn cho phép Ukraina phản công giành lại các vùng lãnh thổ mà Nga đang chiếm đóng. Các đồng minh của Kiev dường như đặt cược vào một chiến thắng trên chiến trường để nhanh chóng kết thúc cuộc chiến trong năm nay.  

 

Nếu kéo dài cuộc chiến tranh này, rõ ràng tương quan lực lượng hoàn toàn bất lợi cho Ukraina, mặt khác sự hỗ trợ quân sự của các nước phương Tây cũng sẽ suy giảm. Các đồng minh của Kiev lúc này hơn ai hết thấy cần phải kết thúc nhanh chóng cuộc chiến tranh này. Các nước trong Liên Hiệp Châu Âu không thể chịu được mãi tình trạng giá năng lượng tăng cao, lạm phát leo thang, dân chúng bất bình và xã hội mất ổn định. Tại Mỹ, dư luận ủng hộ hậu thuẫn quân sự cho Kiev cũng có chiều hướng suy giảm từ mùa hè vừa qua, đặc biệt với những thay đổi trên chính trường Mỹ gần đây.

 

Hơn nữa, kho vũ khí của các nước phương Tây cũng không phải là vô tận để đáp ứng nhu cầu của Kiev. Chính quyền Zelensky đã nhiều lần nói rằng nước này cần 600 đến 700 xe chiến đấu bộ binh cùng với 300 xe tăng từ phương Tây để có cơ hội chọc thủng hệ thộng phòng thủ kiên cố của Nga dọc tiền tuyến. Những nỗ lực tăng tốc viện trợ khí tài chiến đấu của phương Tây mới đây cho Kiev nếu tính về số lượng có lẽ chỉ là con số tượng trưng. 

 

Dù sao, giờ đây phương Tây thấy cần phải hành động nhanh hơn, sau một thời gian thăm dò tình hình trên chiến trường, thấy vũ khí phương Tây được quân đội Ukraina sử dụng tấn công Nga có hiệu quả nhất định. Bên cạnh đó, các giới chức phương Tây nhận thấy bất cứ thỏa thuận đình chiến tạm thời nào cũng có thể giúp Nga có thêm thời gian củng cố lực lượng và chuẩn bị cho các đợt tấn công tiếp theo.

 

Với vũ khí ngày càng uy lực từ phương Tây, hẳn là Ukraina sẽ có cơ hội lớn để phản công Nga trong thời gian tới. Các đồng minh hy vọng quân đội Kiev tạo được đột phát mới trên chiến trường. Kiev trông chờ vào vũ khí của phương Tây hy vọng lặp lại thành công trong chiến dịch phản công ở miền nam và đông nam đất nước hồi mùa thu năm ngoái. Nhưng nhiều chuyên gia quân sự cho rằng thành công của quân đội Ukraina trong năm 2022 một phần là nhờ những sai lầm chiến thuật của Nga, điều khó có thể lặp lại trong năm nay, khi quân đội Nga đã chuẩn bị cho cuộc chiến kéo dài tăng cường hệ thống phòng thủ trên khắp các mặt trận, mục tiêu là giữ đất tạo lợi thế trên bàn thương lượng nếu có.

 

Trong khi đó, thắng lợi của Ukraina lại hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố từ bên ngoài, trong đó có động lực và mức độ viện trợ vũ khí của phương Tây và cả những biến chuyển từ nước Nga của tổng thống Putin. Kremlin luôn cảnh báo việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraina sẽ chỉ càng làm trầm trọng thêm cuộc chiến hiện nay, dẫn đến nhiều thương vong mới và có nguy cơ leo thang thành xung đột quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO. 

 

-------------------------------

LIÊN QUAN

 

Putin cố đấm ăn xôi, phương Tây đẩy nhanh quân viện giúp Ukraina chiến thắng

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 10/01/2023 - 20:47Sửa đổi ngày: 10/01/2023 - 20:48

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20230110-putin-c%E1%BB%91-%C4%91%E1%BA%A5m-%C4%83n.....BA%BFn-th%E1%BA%AFng

 

Các báo Pháp ra hôm nay 10/01/2023 chú ý đến việc Ukraina và các đồng minh phương Tây đều mong cuộc chiến sớm chấm dứt. Đồng minh bắt đầu viện trợ những vũ khí có uy lực mạnh hơn, từ đại pháo Caesar, xe bọc thép cho đến hỏa tiễn phòng không Patriot. Chuyển biến này do Ukraina dũng cảm chiến đấu, còn Putin dù liên tiếp thua trận vẫn tiếp tục nướng quân. Sau những nỗ lực ngoại giao không thành công, giờ đây người ta đặt cược vào một chiến thắng quân sự của Ukraina.

 

https://s.rfi.fr/media/display/f183647c-9115-11ed-b48e-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/tank_15.webp

Ảnh minh họa : Các binh sĩ theo sau xe bọc thép Marder trong một cuộc thao diễn do bộ Quốc Phòng Đức tổ chức gần Hannover, ngày 28/09/2011. AP - Michael Sohn

 

Brazil : Một cuộc nổi dậy đã được báo trước

 

Le Monde chạy tựa « Brazil : Dân chủ rung chuyển vì cuộc tấn công vào trung tâm quyền lực », với La Croix « Brazil : Dân chủ bị đặt trước thách thức », Libération nhận xét « Brazil : Dân chủ mong manh ». Le Figaro đưa tít chính « Hưu trí : Thủ tướng Borne lăng-xê, đảng LR sẵn sàng ủng hộ cải cách », « Hưu trí : Những sửa đổi cuối cùng » - tựa trang nhất của Les Echos. 

 

Le Figaro nói về « Thất bại của một cuộc nổi dậy được lập trình ở Brazil ». Chính nhờ những quả lựu đạn gây điếc và hơi cay được trực thăng của quân cảnh thả xuống cùng với xe bọc thép tăng viện, mà hôm Chủ nhật chính quyền mới giành lại được Quốc Hội, Tòa án Tối cao và Dinh Tổng thống, đã bị hàng ngàn ủng hộ viên của cựu tổng thống Jair Bolsonaro tràn ngập trước đó.

 

Người biểu tình hầu hết từ một khu trại ủng hộ Bolsonaro được dựng lên từ 30/10, ngày mà nhà lãnh đạo cực hữu thất bại trước Luiz Inacio Lula da Silva. Số khác đến sớm hơn trên vài chục xe buýt từ các bang khác, đáp lời kêu gọi biểu tình chống chính quyền mới.

 

Từ hơn hai tháng qua, những người có cảm tình với Bolsonaro tố cáo cuộc bầu cử mà họ cho là gian lận, phong tỏa đường sá tại nhiều bang, đốt xe...Một số tập hợp tại những trại thường là đối diện với các cơ sở quân sự, đòi hỏi quân đội can thiệp. Những cuộc tụ tập được tổ chức quy củ, với các quầy phân phát nước uống, thức ăn. Cảnh sát đã bắt giữ trên 1.200 người và tịch thu nhiều chiếc xe buýt. Có những nhà quan sát cho rằng đây là hành động có tổ chức và được tài trợ.

 

.

Quân đội không can thiệp, cảnh sát liên bang bị nghi đồng lõa

 

La Croix giải thích « Chuyện gì đã diễn ra hôm 08/01 ở Brasilia ? ». Những sự kiện vừa qua giống như một bộ phim «remake» của vụ xâm nhập đồi Capitol ở Washington hôm 06/01/2021, do những người ủng hộ tổng thống Donald Trump phản đối kết quả bầu cử. Hôm Chủ nhật, tổng thống tân cử Lula đang thăm Araraquara, một thành phố của bang Sao Paulo bị nạn lụt, ông tố cáo vụ « đảo chánh ».

 

Giáo sư Frédéric Louault ở Bruxelles cho rằng có sự đồng lõa của cảnh sát liên bang. Họ không thể không biết về dự tính của người biểu tình vì thông tin được lan tỏa trên mạng xã hội. Còn quân đội vốn đầy quyền lực ? Tuy ông Jair Bolsonaro, bản thân là cựu lính nhảy dù, đã dành nhiều ưu ái cho giới quân nhân, nhưng hôm 08/01 quân đội không can thiệp. Còn về trách nhiệm của Jair Bolsonaro ? Cựu tổng thống đang ở Florida khi sự kiện xảy ra, ông ra đi trước khi người kế nhiệm nhậm chức, và rất cẩn trọng trong các tuyên bố công khai để tránh rủi ro.

 

Cũng theo ông Frédéric Louault, vụ tấn công này để lại những vết sẹo rất sâu, kết thúc thời kỳ vô ưu cho ông Lula. Ông đắc cử với tỉ lệ sát nút 51/49, phe Bolsonaro sẽ tìm ra những lý do để lại xuống đường, gây áp lực lên chính quyền. Libération cho rằng đây là cơ hội « bây giờ hoặc không bao giờ » để ông Lula làm yếu đi phe cực hữu. Le Monde tỏ ra lo ngại trước sự kiện xảy ra đúng hai năm sau vụ tấn công Capitol, về mối đe dọa đối với chế độ dân chủ non trẻ, sinh ra được 38 năm trên tàn tích của độc tài quân sự.

 

.

Chuyển giao xe tăng giúp Ukraina chuyển từ thủ sang công

 

Tại châu Âu, Le Figaro phân tích « Ủng hộ Ukraina : Ba việc khẩn cấp của phương Tây ». Loan báo chuyển giao xe tăng loại nhẹ của Pháp (AMX-10 RC), Mỹ (Bradley) và Đức (Marder) cho thấy đồng minh tăng tốc viện trợ quân sự cho Ukraina.

 

Đây cũng là bước ngoặt nhằm tạo điều kiện cho Kiev có thể tấn công vào cuối mùa đông khi mặt đất đông cứng giúp xe bọc thép di chuyển, hoặc vào đầu mùa xuân trước khi raspoutitsa - bùn lầy do băng tan - lại khiến xe cộ lại phải nằm yên. Chuyển giao xe tăng, phương Tây giúp quân đội Ukraina không chỉ kháng cự quân xâm lược, mà còn có thể tấn công trở lại. Giờ đây họ trông đợi vào chiến thắng có thể đưa các chiến binh Ukraina đến tận Crimée trong những tháng tới.

 

Trừ Vladimir Putin muốn kéo dài chiến tranh để có thời gian củng cố lực lượng, tất cả mọi người đều có lợi nếu kết thúc sớm. Trước hết là Ukraina. Dân số Ukraina có 43 triệu so với 143 triệu dân Nga, tương quan lực lượng rõ ràng là bất lợi. Nhất là nếu như phe dân tộc chủ nghĩa Nga và tình báo Ukraina cùng loan báo, điện Kremlin muốn động viên thêm nửa triệu tân binh. Ukraina có nguy cơ gặp khó khăn trước số lượng quân địch đông đảo.

 

.

Đánh nhanh thắng nhanh có lợi cho Kiev lẫn phương Tây

 

Sa lầy trong cuộc chiến mà những trận giao tranh trong cái lạnh nơi chiến hào ngày càng khắc nghiệt và sẽ còn nhiều người lính ngã xuống, về lâu về dài sẽ ảnh hưởng đến tinh thần, ý chí của những chiến binh Ukraina.

 

Các đồng minh phương Tây cũng rất mong cuộc chiến sớm chấm dứt. Giá điện tăng, lạm phát, bất ổn xã hội làm đau đầu các nhà lãnh đạo những nước lớn châu Âu, trong khi dự trữ vũ khí không đủ đáp ứng yêu cầu của Kiev. Tại Pháp, phe « Áo Vàng » đe dọa tái xuất ; ở Ý, thủ tướng Giorgia Meloni do dự không muốn cung cấp thiết bị phòng không cho Ukraina do sự chống đối của một bộ phận trong liên minh cầm quyền. Tại Đức, chính quyền vừa viện trợ cho Ukraina vừa run.

 

Ở Mỹ cũng tương tự nhưng với mức độ thấp hơn. Từ mùa hè, sự ủng hộ Ukraina giảm dần trong công luận, những ý kiến phản đối tăng lên trong đảng Cộng Hòa vừa giành được Hạ Viện. Còn Joe Biden hầu như bắt đầu tất cả những bài diễn văn về Ukraina bằng cách khẳng định ông sẽ không là « tổng thống kích hoạt Đệ tam Thế chiến ».

 

.

Putin cố đấm ăn xôi, phương Tây phải tăng tốc viện trợ vũ khí

 

Sự cần thiết phải hành động nhanh là lý do của những thay đổi gần đây trong quân viện. Ban đầu bị hạn chế do Putin dùng vũ khí nguyên tử để bắt bí, dần dà đồng minh bắt đầu gởi những thiết bị có uy lực mạnh hơn, từ đại pháo Caesar của Pháp cho đến hỏa tiễn phòng không Patriot của Mỹ. Chuyển biến này được tạo điều kiện thuận lợi nhờ những chiến binh Ukraina rất dũng cảm và chuyên nghiệp, biết tận dụng hoàn hảo những vũ khí được phương Tây viện trợ. Và cũng vì tổng thống Volodymyr Zelensky kiên quyết không chấp nhận đề nghị ngưng bắn và đàm phán, với nguy cơ phải nhượng bộ về Crimée.

 

Việc đẩy nhanh tiến độ còn là hậu quả sự ngoan cố của Putin. Những cố gắng của châu Âu nhằm làm Vladimir Putin tỉnh táo hơn đều thất bại, đã vậy mục đích chiến tranh của Putin không thay đổi theo những thất bại trên chiến trường. Truyền hình Nhà nước Nga hôm 31/12 còn ngang nhiên nói : « Dù các vị có thích hay không, nước Nga đã được mở rộng ! ». Matxcơva nay gọi cuộc xâm lăng của họ là « thánh chiến », hay cuộc chiến của NATO chống lại Nga. Còn Putin thì tuyên bố chỉ đàm phán nếu chính phủ Ukraina chấp nhận « thực tế mới về lãnh thổ ».

 

Sau khi hy vọng hòa dịu và tìm được một giải pháp chính trị cho cuộc chiến, các nhà lãnh đạo Mỹ chừng như đã nhận ra rằng không thể có được một thỏa hiệp nào từ nước Nga của Vladimir Putin. Tại Washington, cũng như tại các nước lớn châu Âu, giờ đây người ta đặt cược vào một chiến thắng quân sự của Ukraina.

 

.

Đôi bên đều phải bổ sung quân

 

Cũng về Ukraina, Le Figaro thử phác họa những vấn đề chính của cuộc chiến trong năm 2023. Tổng thống Volodymyr Zelensky trong lời chúc năm mới đã hứa hẹn 2023 sẽ là « năm chiến thắng ». Tại Kremlin, Vladimir Putin bắt đầu nói về « chiến tranh », không còn là « chiến dịch quân sự đặc biệt ».

 

Về tương quan lực lượng, quân đội Ukraina với 700.000 chiến sĩ sẽ « duy trì lợi thế về quân số », theo tướng Michel Yakovleff. Tướng Mỹ Mark Milley nói rằng Nga và Ukraina đều thiệt hại như nhau với 100.000 thương vong của mỗi bên. Nhưng theo nhiều nguồn khác thì phía Nga có đến 250.000 lính bị loại ra khỏi vòng chiến, trong đó có 80.000 tử trận.

 

Đô đốc Herrvé Blejean, phụ trách bộ tham mưu của Liên Hiệp Châu Âu cho rằng Kiev sẽ phải thành lập thêm ba binh chủng mới từ nay đến tháng 3/2023 với khoảng 75.000 quân nhân, đa số là bộ binh để có thể tiến hành những chiến dịch mới, tiếp theo đà thắng lợi vừa qua. Đối với Nga, dự kiến triển khai ồ ạt từ 300 đến 500.000 lính mới, chủ yếu để tăng thêm nhiều điểm bố phòng trên các vùng đất tạm chiếm.

 

.

Những mặt trận nào sẽ được mở ra ?

 

Quân Nga đã bị thiệt hại nặng nề về thiết bị với 70 % số hỏa tiễn dành cho các mục tiêu mặt đất đã bị hủy diệt, 60 % chiến xa, 20 % số khẩu pháo. Ukraina mất hơn 400 xe tăng, 1.500 xe đủ loại. Dù có sẵn kho vũ khí khổng lồ do Liên Xô để lại, Nga khó thể sản xuất thêm vì bị cấm vận một số công nghệ. Tướng Yakovleff cho biết tại Bakhmut, Nga bắt đầu hạn chế số đạn bắn ra. Phía Ukraina trông cậy rất nhiều vào viện trợ của phương Tây, tuy « không có nền kỹ nghệ nào được quy hoạch để phục vụ cho trận Verdun mỗi ngày ».

 

Sau những trận đánh lớn mùa thu rồi, tình hình chiến trường đến cuối năm gần như không thay đổi. Cả hai bên chắc chắn đều muốn làm một cú lớn càng sớm càng tốt. Tướng Yakovleff cho rằng Nga sẽ phải nhắm đến một mục tiêu mang tính biểu tượng cao, chẳng hạn bao vây Kiev như vụ vây hãm Sarajevo trước đây. Trong cuộc trả lời phỏng vấn The Economist giữa tháng 12, tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraina, Valeri Zaloujny cũng đã nêu ra khả năng quân Nga tấn công mạnh vào thủ đô Kiev « vào tháng Hai, tốt nhất là tháng Ba và tệ nhất ngay từ cuối tháng Giêng ». Tuy nhiên Nga có thể chọn mục tiêu khiêm tốn và khả thi hơn : chiếm trọn Donbass.

 

Ông Yakovleff cho rằng Ukraina sẽ có lợi khi chờ đợi « con sói ra khỏi rừng », nhưng nếu quân Nga không hành động, Kiev có thể nhắm vào biển Azov, Berdiansk, và cả Mariupol – tại sao không. Còn theo Thibaut Fouillet, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS), dù sao đi nữa Ukraina cũng cần đánh qua bên kia sông Dniepr, ranh giới thiên nhiên đang cản trở họ tiến sâu vào vùng Kherson. Đồng thời khai thông được tình hình ở Bakhmut, Lyman, Severodonetsk để mở đường sang Donbass.

 

.

Khả năng đàm phán và sự tồn tại của chế độ Putin

 

Có thể hy vọng mở được đàm phán ? Cuối mùa thu, có những tiết lộ về thảo luận giữa chính quyền Biden và Nga, chuyến thăm Kiev của cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, và nhiều cuộc trao đổi tù binh giữa đôi bên. Nhưng không có gì chắc chắn rằng chiến tranh sẽ kết thúc trong năm nay, bởi vì yêu sách của mỗi bên không hề tương hợp.

 

Putin đưa ra điều kiện tiên quyết là Ukraina phải công nhận cả bốn tỉnh đã bị ông ta « sáp nhập » dù không kiểm soát được hoàn toàn, có nghĩa là phải coi cả những khu vực chưa bị chiếm là của Nga ! Phía Ukraina đòi hỏi tái lập « toàn vẹn lãnh thổ », bồi thường thiệt hại và trừng phạt tội ác chiến tranh. Tướng François Chauvancy nhấn mạnh : « Thương lượng chỉ có thể diễn ra khi một trong hai bên tham chiến bị đánh tan tác, hay cả hai đều chấp nhận ý tưởng không ai có thể chiến thắng hoàn toàn »Ông Théron cho rằng vẫn có thể thương thảo về kỹ thuật giữa các đặc sứ hoặc bộ trưởng.

 

Putin và Zelensky có thể « sống sót » trong năm 2023 hay không ? Giảng viên Julien Théron của Sciences Po « không tin vào sự suy sụp tinh thần của Ukraina », đơn giản là vì nếu ngưng chiến đấu với Nga, đất nước này sẽ biến mất trên bản đồ. Với 97 % dân chúng ủng hộ, tổng thống Volodymyr Zelensky có thể yên tâm về công luận.

 

Tại Nga, tình hình tế nhị hơn. Tuy vậy đa số các chỉ trích đến từ phía những người cho rằng Kremlin phải đi xa hơn. Theo ông Théron, những ai hy vọng Putin bị lật đổ có thể sẽ thất vọng, và dù ông chủ điện Kremlin bị mất ghế, không có gì cho thấy sau đó chiến tranh sẽ dừng lại. Ngược lại, tướng Yakovleff tin rằng « chế độ Putin sẽ sụp đổ », có thể ngay trong năm nay. « Putin đang tạo ra tất cả những điều kiện để nước Nga tan vỡ ». Nhưng ông cho rằng phương Tây cần lo lắng trước khả năng này, vì hậu quả sẽ còn « trầm trọng hơn cả cuộc chiến tranh tại Ukraina ».

 

===========================================

 

XEM THÊM

 

Ukraine bắn rớt máy bay độc của Nga, lập tức đưa sang Mỹ giải mã bí mật. London tặng Kyiv xe tăng - YouTube

https://www.youtube.com/watch?v=2fwHOx6791Y

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats