Monday, 16 January 2023

TẠI SAO HÀN QUỐC ÂN XÁ CHO CÁC LÃNH ĐẠO THAM NHŨNG? (The Economist)

 



Tại sao Hàn Quốc ân xá cho các lãnh đạo tham nhũng?

The Economist

Phạm Thị Hồng Nhung, biên dịch

15/01/2023

https://nghiencuuquocte.org/2023/01/15/tai-sao-han-quoc-an-xa-cho-cac-lanh-dao-tham-nhung/

 

Cái cớ dùng sự khoan hồng để thúc đẩy đoàn kết dân tộc dường như không thuyết phục.

 

Năm nay, Lee Myung-bak hẳn sẽ là người trân trọng món quà Giáng sinh của mình nhất: vào ngày 27/12, ông Lee – tổng thống bảo thủ của Hàn Quốc giai đoạn 2008-2013 đã được ân xá bởi tổng thống đương nhiệm, Yoon Suk-yeol. Ông chỉ mới thụ án hơn 2 năm so với bản án 17 năm được tuyên vào năm 2020 vì tội nhận hối lộ và tham ô; đồng thời được miễn nộp 8,2 tỷ won (6,4 triệu USD) trong số 18,7 tỷ won tiền phạt và tài sản bị tịch thu. Ông là tổng thống thứ tư của Hàn Quốc được ân xá kể từ khi nước này dân chủ hóa vào năm 1987. Có rất nhiều lãnh tụ tham nhũng trên thế giới, nhưng việc họ bị xét xử – kết án – và sau đó được ân xá bởi người kế nhiệm hiếm khi xảy ra hơn. Tại sao điều này lại thường xuyên xảy ra ở Hàn Quốc?

 

Ân xá đóng một vai trò không mấy quan trọng trong các hệ thống pháp luật hiện đại. Ở nhiều nước gồm cả Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Sĩ, quyền ân xá phần lớn nằm trong tay cơ quan lập pháp. Ở các quốc gia khác chẳng hạn như Indonesia, chính phủ chỉ có thể ra lệnh ân xá nếu được Tòa án Tối cao ủng hộ. Các tổng thống Mỹ, đặc biệt là Donald Trump, đã vài lần bị cáo buộc lạm dụng quyền ân xá; nhưng ít nền dân chủ nào sử dụng ân xá cho mục đích chính trị như cách mà Hàn Quốc đang làm.

 

Truyền thống này bắt đầu với Chun Doo-hwan – nhà độc tài quân sự cuối cùng của Hàn Quốc và Roh Tae-woo – một đồng minh của ông Chun đồng thời là tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc sau dân chủ hóa. Hai người đều bị lĩnh án tù vào năm 1996 với tội danh nhận hối lộ, dàn dựng một cuộc đảo chính quân sự năm 1979, và có liên quan đến vụ sát hại những người biểu tình ủng hộ dân chủ năm 1980. Cả hai được trả tự do 1 năm sau đó. Năm 2018, Park Geun-hye – người kế nhiệm ông Lee và cũng là một chính khách bảo thủ – đã bị kết án tù vì tội nhận hối lộ và lạm quyền. Sau đó, bà được tổng thống kế nhiệm Moon Jae-in của đảng Minjoo ân xá vào tháng 12/2021.

 

Văn hóa hối lộ của Hàn Quốc tồn tại lâu hơn chế độ độc tài tham nhũng đã tạo ra nó. Chính trị của đất nước này là một cuộc chơi đẫm máu – điều giải thích cho việc đưa những người phạm tội tham nhũng ra trước công lý: không vị tổng thống nào ngần ngại dùng cảnh sát và văn phòng công tố để điều tra những đối thủ chính trị của mình. Nhưng lý do ân xá cho những người đã bị kết án lại khó giải thích hơn. Trong cả 4 trường hợp, đoàn kết dân tộc được các tổng thống viện dẫn để ân xá cho người tiền nhiệm của mình. Bên cạnh đó, sức khỏe sa sút của người thụ án cũng là một yếu tố cân nhắc.

 

Tuy nhiên, không có trường hợp nào được sự đồng thuận của công chúng. Các vụ ân xá của tổng thống Chun và Roh đã dẫn đến cuộc đụng độ giữa những người biểu tình và lực lượng cảnh sát chống bạo động năm 1997. Dư luận bị chia rẽ sâu sắc về việc có nên ân xá cho bà Park và ông Lee hay không. Một cuộc thăm dò tiến hành vào tháng 12/2022 trước khi ông Lee được trả tự do cho thấy 53% người dân Hàn Quốc tán thành và 39% phản đối việc này.

 

Trong vài trường hợp, việc ân xá mang ý nghĩa giúp tổng thống đương nhiệm tự bảo vệ mình. Nếu các vị tổng thống có thể bị điều tra bởi người kế nhiệm sau khi họ rời nhiệm sở, thì tại sao không thể hiện sự khoan hồng, tạo tiền lệ và kỳ vọng (một cách hợp lý) rằng mình cũng sẽ nhận được cách đối xử tương tự sau này. Trong các trường hợp khác, đó có thể là cách để xoa dịu một bộ phận cử tri. Bà Park được ân xá vài tháng trước cuộc bầu cử tổng thống. Ông Moon có thể đã tính toán rằng nếu bà Park chết trong tù, điều đó có thể ảnh hưởng đến cơ hội của ứng viên đại diện đảng của ông (dù vậy, người này cũng đã thất cử trước ông Yoon).

 

Việc ân xá cũng thường được thúc đẩy bởi các tương tác quyền lực trong giới tinh hoa chính trị. Các chính khách bị kết án thường có nhiều đồng minh quyền lực trong quốc hội – những người có thể ủng hộ việc ân xá. Tổng thống Yoon rõ ràng là fan của ông Lee – cựu tổng thống mà ông đã ân xá. Yoon đã đưa vào đội ngũ của mình những nhân sự từ chính quyền của người tiền nhiệm và thông qua nhiều chính sách tương tự. Tuy nhiên, ông cũng ân xá cho một số chính trị gia dính líu đến vụ bê bối của bà Park dù từng bỏ tù họ khi còn là công tố trưởng dưới thời ông Moon. Có thể Yoon đang hy vọng rằng các biện pháp ân xá sẽ giúp thống nhất đảng Quyền lực Nhân dân theo xu hướng bảo thủ của ông, vốn đang bị chia rẽ bởi những cuộc đấu đá nội bộ. Ông Lee và bà Park vẫn có ảnh hưởng rất lớn trong giới bảo thủ. Tổng thống Yoon, một nhân vật mới nổi về chính trị và là một người ngoài cuộc, có thể đang hi vọng có thể dọn đường để bước vào giới tinh hoa này.

 

Dù không còn là một công tố viên, ông Yoon vẫn thể hiện mình là một người đấu tranh cho công lý. Nhưng quyết định trả tự do cho một tội phạm có thể sẽ khơi dậy những vết thương cũ. Erik Mobrand từ Tập đoàn RAND (một viện nghiên cứu chính sách) cho rằng việc kết án các cựu tổng thống và đồng phạm của họ là những khoảnh khắc lịch sử đối với nền dân chủ Hàn Quốc. Trái với kỳ vọng thống nhất đất nước, việc hủy bỏ những bản án này có thể làm xói mòn niềm tin vào các thể chế ở đất nước này.

 

-------------------

Nguồn: Why does South Korea pardon its corrupt leaders?”, The Economist, 06/01/2023

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats