Monday, 9 January 2023

NHỮNG LẦN NGA ĐỔI CHIẾN LƯỢC Ở UKRAINE (Foreign Affairs)

 



Những lần Nga đổi chiến lược ở Ukraine    

Thanh Tâm (Theo Foreign Affairs)

Thứ hai, 9/1/2023, 12:12 (GMT+7

 https://vnexpress.net/nhung-lan-nga-doi-chien-luoc-o-ukraine-4556526.html

 

Sau mỗi thất bại trên chiến trường Ukraine, Nga lại thay đổi chiến lược cùng các tính toán của mình để tiếp tục theo đuổi chiến dịch quân sự đến cùng.

 

Lệnh ngừng bắn đơn phương ở Ukraine mà Nga ban bố dịp Giáng sinh của người theo Chính thống giáo đã kết thúc từ rạng sáng 8/1 bằng đòn tập kích tên lửa vào thành phố Kramatorsk mà Nga tuyên bố đã "diệt 600 binh sĩ Ukraine". Dù tuyên bố này vấp phải nhiều hoài nghi và bị Ukraine bác bỏ, nó vẫn là dấu hiệu cho thấy giao tranh trên chiến trường sẽ không sớm kết thúc.

 

"Các nhiệm vụ do Tổng thống Vladimir Putin đặt ra cho chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ được hoàn thành. Và chắc chắn sẽ có một chiến thắng", Sergei Kiriyenko, phó chánh văn phòng thứ nhất của ông Putin, tuyên bố ngay khi lệnh ngừng bắn hết hiệu lực.

 

Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã kéo dài hơn 10 tháng, với nhiều lần Nga thay đổi chiến lược để thích ứng với thay đổi trên thực địa, chủ yếu là những bước lùi liên tiếp trên chiến trường khiến tham vọng của họ ngày càng bị thu hẹp, dù mục tiêu cuối cùng vẫn không đổi.

 

Chiến lược ban đầu của Tổng thống Vladimir Putin khi phát động chiến dịch ngày 24/2/2022 là "đánh nhanh thắng nhanh", lật đổ chính quyền thân phương Tây ở Kiev trong vài ngày để giành lợi thế tối đa.

 

Tuy nhiên, khi vấp phải sự kháng cự quyết liệt của Ukraine và phản ứng mạnh chưa từng thấy từ phương Tây, chiến lược này của Điện Kremlin đã thất bại. Nga buộc phải thay đổi chiến lược đánh nhanh thắng nhanh, chuyển sang vây hãm nhằm chiếm từng thành phố ở vùng Donbass, miền đông Ukraine.

 

Nhưng chiến lược này khiến giao tranh biến thành cuộc chiến tiêu hao, gây tổn thất nghiêm trọng cho cả hai bên. Cộng đồng tình báo Mỹ ước tính lực lượng Nga và Ukraine đã tổn thất khoảng 100.000 người mỗi bên, cả binh sĩ thiệt mạng và bị thương.

 

Dù Kiev và Moskva đưa ra thống kê thấp hơn nhiều, giới quan sát cho rằng các giao tranh trong đô thị, với hỏa lực pháo binh được tận dụng tối đa, đều gây thiệt hại nặng nề cho cả hai bên.

 

Theo Barry R. Posen, giáo sư khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ, sức chiến đấu bị tổn thất nặng là lý do cả Ukraine và Nga đều chạy đua bổ sung lực lượng. Ukraine cấm đàn ông dưới 60 tuổi rời khỏi đất nước và liên tục huy động quân bằng cách thành lập lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ, trong khi Nga liên tục điều các đơn vị dự bị tới tiền tuyến.

 

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Nga gặp nhiều khó khăn hơn trong nỗ lực bổ sung quân, vì lực lượng tốt nhất đã được điều đến Ukraine trong giai đoạn đầu chiến dịch và hứng chịu thiệt hại nặng nề.

 

"Trong giai đoạn đầu xung đột, quân đội Nga dường như đã huy động khoảng nửa lực lượng thường trực, tương đương 40 lữ đoàn. Những lữ đoàn này quy tụ hầu hết những người lính giàu kỹ năng và kinh nghiệm nhất của Nga", Posen nhận định. Điều này đồng nghĩa khoảng 40 lữ đoàn còn lại không phải là lực lượng tốt nhất mà Nga có.

 

https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/01/05/putin-jpeg-9804-1672920346.jpg?w=1020&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=N-ZIH9EebgMElRPRc3uqQg

Tổng thống Nga Putin thăm trung tâm huấn luyện ở tỉnh Ryazan ngày 20/10. Ảnh: Reuters.

 

Lực lượng bổ sung mà Nga tăng cường cho mặt trận vào đầu mùa hè năm ngoái đã liên tiếp chịu thất bại trên chiến trường, buộc các chỉ huy phải rút quân từ mặt trận này để bổ sung cho mặt trận khác.

 

Khi Ukraine tung "đòn hỏa mù" về chiến dịch tấn công Kherson, Nga đã hối hả điều chuyển những đơn vị tinh nhuệ nhất ở khu vực đông bắc xuống miền nam Ukraine để củng cố thế trận phòng thủ.

 

Tận dụng thời điểm tuyến phòng thủ của Nga ở đông bắc trở nên mỏng manh, Ukraine từ tháng 9/2022 bất ngờ phát động chiến dịch phản công, giành lại nhiều lãnh thổ ở Kharkov và khu vực xung quanh.

 

Tổng thống Putin nhận ra rằng ông cần nhiều quân hơn. Cuối tháng 9, ông ban bố lệnh động viên một phần, với mục tiêu bổ sung khoảng 300.000 quân từ lực lượng dự bị.

 

Quân đội Nga huấn luyện khoảng 250.000 lính nghĩa vụ mỗi năm, những người lính này trở thành quân nhân dự bị sau khi giải ngũ. Họ trở thành lực lượng nòng cốt trong đội quân được Nga huy động cho chiến dịch quân sự tại Ukraine.

 

Để ngăn chặn đà phản công của Ukraine, Nga đã hối hả điều ra chiến trường những người lính dự bị chưa được huấn luyện bổ sung đầy đủ. Nhưng sau đó, khi đà tiến của Ukraine chững lại, Nga đã dồn sức huấn luyện và trang bị cho khoảng 200.000 binh sĩ dự bị. Giới quan sát dự kiến lực lượng này sẽ sẵn sàng tham chiến vào cuối mùa xuân năm nay.

 

"Lực lượng mới có thể giúp củng cố hệ thống phòng thủ và gây thêm rất nhiều khó khăn cho nỗ lực giành lại lãnh thổ của Ukraine ở bốn tỉnh mà Nga tuyên bố sáp nhập. Họ thậm chí có thể được sử dụng để tiếp tục các cuộc tấn công giành thêm lãnh thổ trong tương lai", Posen cho hay.

 

Trong thời gian chờ huấn luyện lực lượng dự bị, quân đội Nga đối mặt quyết định rất khó khăn ở Kherson, thành phố miền nam Ukraine. Thành phố này nằm ở bờ tây sông Dnieper và liên tục bị quân đội Ukraine uy hiếp, trong khi tuyến tiếp tế trọng yếu gần như bị cắt đứt. Ông Putin một lần nữa đã thay đổi chiến lược, rút quân khỏi Kherson để chuyển sang thế phòng ngự bên bờ đông sông Dnieper.

 

"Không thể phủ nhận người Nga đã buộc phải rút lui khỏi Kherson và thực tế đó chắc chắn khiến ông Putin khó chịu. Tuy nhiên, họ được xem là đã thành công khi tránh được một cuộc tấn công lớn của Ukraine và bảo toàn được lực lượng. Việc rút khoảng 20.000 quân và hầu hết khí tài qua sông Dnieper không phải là nhiệm vụ dễ dàng", Posen cho hay.

 

Giáo sư Posen thêm rằng ngay cả khi bị tình báo phương Tây và Ukraine giám sát gắt gao, Nga vẫn có thể đảm bảo yếu tố bất ngờ trong chiến dịch rút khỏi Kherson. Cả Ukraine và NATO đều dự đoán sai về thời điểm Nga rút hết lực lượng. Các đơn vị cuối cùng của Nga ở Kherson vẫn bám chốt ngay cả khi họ biết các đơn vị gần bờ sông đang rút dần.

 

Theo chiến lược mới, Nga tập trung củng cố phòng tuyến ở bờ đông sông Dnieper bằng hệ thống hầm hào, công sự và boongke, cũng như bố trí mìn ở khắp nơi.

 

"Lực lượng Ukraine sẽ phải đối mặt với các cuộc giao tranh đẫm máu nếu tìm cách vượt sông để đẩy lùi lực lượng Nga khỏi phòng tuyến này", Posen nhận định.

 

Cùng thời gian đó, Nga cũng thay đổi chiến lược tập kích Ukraine. Tổng thống Putin và Bộ Quốc phòng Nga trước đây tuyên bố chỉ tấn công các mục tiêu quân sự, không nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự hay dân thường Ukraine.

 

Nhưng từ cuối tháng 9, Nga liên tục phóng tên lửa, máy bay không người lái (UAV) tự sát vào hệ thống sản xuất, truyền tải và phân phối điện của Ukraine. Các cuộc tập kích liên tiếp khiến hệ thống năng lượng của Ukraine gần như tê liệt, gây tác động nghiêm trọng và biến mùa đông thành cuộc chiến tàn khốc với dân thường Ukraine.

 

Các hệ thống quân sự hiện đại như phòng không, kiểm soát không lưu hoặc thu thập thông tin tình báo điện tử đều cần điện. Không có điện, Ukraine sẽ buộc phải sử dụng máy phát, nhưng quá trình này không dễ dàng và có thể làm giảm hiệu suất của các hệ thống.

 

Ngành công nghiệp vũ khí và đạn dược của Ukraine, cũng như phần lớn hệ thống đường sắt vận chuyển nhu yếu phẩm chiến tranh trên khắp đất nước phụ thuộc đáng kể vào lưới điện. Khi lưới điện bị tấn công, binh lính và dân thường sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào các đoàn tàu chạy bằng diesel và máy phát điện sử dụng nhiên liệu diesel hoặc khí đốt.

 

Các đồng minh phương Tây đang chạy đua giúp Ukraine khôi phục lưới điện, điều khiến Nga tin rằng chiến lược mới của họ đang phát huy hiệu quả, bởi các nỗ lực sửa chữa đều ảnh hưởng đến nguồn lực dành cho tiền tuyến.

 

"Điều đáng lo ngại nhất trong chiến dịch tập kích của Nga là Moskva biết họ đang làm gì. Lực lượng Nga tấn công một số lượng nhỏ mục tiêu và sử dụng tương đối ít vũ khí, nhưng gây ra hậu quả không nhỏ", Posen nói.

 

https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/01/05/afp-com-20221124-partners-075-4549-9095-1672920346.jpg?w=1020&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_GXVbVIi-v0ARPB5bjeu-A

Lực lượng cứu hộ gần những ngôi nhà bị phá hủy do pháo kích ở Kiev, Ukraine ngày 23/11. Ảnh: AFP.

 

Theo Posen, Nga giờ đây dường như theo đuổi mục tiêu đơn giản: giữ vững các vùng lãnh thổ đã kiểm soát, bằng cách co cụm lực lượng để củng cố phòng tuyến hẹp hơn, khiến Ukraine sẽ phải trả giá đắt cho mọi nỗ lực giành lại lãnh thổ. Cùng với đó, chiến dịch không kích hệ thống năng lượng sẽ gây tình cảnh khó khăn cho dân thường Ukraine và tốn kém cho đồng minh của Kiev.

 

Tổng thống Putin có thể hy vọng rằng cách tiếp cận này cuối cùng sẽ buộc Ukraine phải ngồi vào bàn đàm phán, hoặc hy vọng những tổn thất ngày càng lớn sẽ khiến Kiev dần từ bỏ quyết tâm giành lại lãnh thổ, dù nó có thể khiến cuộc chiến kéo dài.

 

"Câu hỏi lớn nhất hiện nay là liệu nỗ lực huấn luyện lực lượng dự bị của Nga có phát huy hiệu quả trên chiến trường hay không. Và liệu Mosksva có thể sản xuất hoặc nhập khẩu đủ vũ khí, đạn dược cần thiết cho một năm chiến đấu căng thẳng nữa hay không. Nếu câu trả lời là có, cuộc chiến có thể sẽ tiếp tục diễn ra ác liệt", Posen cảnh báo.

 

==============================

.

Những dân thường Ukraine cầm súng kháng cự lực lượng Nga

Khi chiến sự bùng phát, quân chính quy Ukraine ở Sumy được lệnh rút lui, buộc dân thường tại đây phải tự cầm súng chiến đấu bảo vệ thành phố. 

.

Lý do Ukraine muốn giành lại Crimea

Ukraine kiên quyết đặt mục tiêu giành lại Crimea, nhằm ngăn Nga dùng bán đảo làm bàn đạp tấn công, cũng như giảm ảnh hưởng của Moskva ở Biển Đen.

.

Nguy cơ 'tất cả cùng thua' khi xung đột Ukraine kéo dài

Mỹ không ngừng tăng viện trợ quân sự cho Ukraine, trong khi Nga không hạn chế chi tiêu quốc phòng, khiến xung đột nguy cơ kéo dài, gây thiệt hại cho tất cả các bên. 

 

Thanh Tâm (Theo Foreign Affairs





No comments:

Post a Comment

View My Stats