Tuesday, 17 January 2023

NHỮNG CHUYẾN LY HƯƠNG CỦA NGƯỜI GIÀ Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG (Võ Kiều Bảo Uyên, Nhung Nguyễn)

 



 

Những chuyến ly hương của người già Đồng bằng Sông Cửu Long 

Võ Kiều Bảo Uyên, Nhung Nguyễn

16/12/2022

https://tiasang.com.vn/dien-dan/nhung-chuyen-ly-huong-cua-nguoi-gia-dong-bang-song-cuu-long/

 

Những biến đổi về môi trường, khí hậu đã đẩy người lớn tuổi ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) phải rời quê tìm đường mưu sinh.  

 

https://tiasang.com.vn/wp-content/uploads/2022/12/Ly-huong-anh-1-1170x700.jpg

Bà Nguyễn Thị Áp (63 tuổi) tại chỗ ngủ của mình – một tầng hầm để xe ở chung cư nơi bà làm nhân viên vệ sinh. Ảnh: Thành Nguyễn

 

Chuyến rời quê đầu tiên trong đời bà Nguyễn Thị Áp* là khi bà đã bước qua tuổi 63. Sáng sớm một ngày tháng Bảy, người phụ nữ tóc bạc trắng xách giỏ quần áo, một mình ra lộ bắt xe đi khỏi quê nhà Chợ Mới, An Giang, tỉnh thượng nguồn ĐBSCL đến Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). Không chỉ mưu sinh, với bà, đó còn là một cuộc chạy trốn.

 

Khoản nợ hơn 100 triệu đồng tích tụ “từ ngày còn mần lúa”, lãi chồng lãi, cùng bệnh tim của người chồng đã đẩy bà Áp – gần như cả đời chỉ quen ruộng vườn – đến đô thị xa lạ tìm kiếm việc làm. Đích đến ban đầu trong kế hoạch của bà là Bình Dương, khu công nghiệp lớn nhất nước, nhưng những hàng xóm đi trước rỉ tai rằng nơi ấy chỉ có việc cho người trẻ. Cuối cùng, theo lời họ hàng chỉ, bà đặt cược vào TPHCM, nơi sẵn công việc làm thuê qua ngày.

“Ruộng đã bán. Con cái có gia đình riêng, và cũng khổ. Dì ở lại [quê] hết đời cũng không thể trả hết nợ”, bà Áp nói, không quên dặn người phỏng vấn giấu danh tính vì sợ chủ nợ nhận ra.

 

Cùng những đồng hương miền Tây, bà Áp chỉ là một gương mặt trong luồng di cư một chiều, kéo dài hơn một thập kỷ qua và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Vùng đất trù phú nhất cả nước đang không thể nuôi sống và làm giàu cho cư dân của chính nó. Từ năm 2009, ĐBSCL đã chứng kiến gần 1,1 triệu người – tương đương dân số của một tỉnh – rời đi. So với các khu vực khác, đồng bằng này có tỷ lệ nhập cư thấp nhất, tỷ lệ xuất cư cao nhất, và là vùng duy nhất có tỷ lệ tăng dân số gần như bằng 0.

 

Đây là một hiện thực trái ngược so với năng lực của khu vực này. Trong những năm đầu của Đổi Mới, nền nông nghiệp do ĐBSCL nuôi dưỡng chính là một trong những đòn bẩy cho tiến trình thoát nghèo và cú bứt phá của kinh tế đất nước. Đến nay, đây vẫn là trụ cột vững chắc cho phát triển. Không chỉ là kho lương thực chính nuôi sống cả nước, mỗi năm ĐBSCL còn đóng góp khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản quốc gia.

 

Tuy nhiên vùng đất này vẫn đang phải đối mặt với nghịch lý khi sự thịnh vượng không được phân bổ đồng đều và thích đáng đến chính những nông dân tạo ra nó. Báo cáo thường niên 2020 và 2022 của VCCI Cần Thơ và Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright chỉ ra, dù giáp ranh với đầu tàu kinh tế Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long vẫn mắc kẹt ở phía sau, giữa các thách thức của đói nghèo, mức sống chênh lệch và thiếu hụt việc làm. Thu nhập bình quân của người dân nơi đây vẫn thấp hơn cả nước và tỷ lệ thiếu việc làm cao thứ hai toàn quốc.

 

--------------------------------------------------------------------------------------------------

Nước biển dâng do Trái đất nóng lên, lún do khai thác nước ngầm không chỉ làm xâm nhập mặn và xói mòn trầm trọng hơn, mà còn đẩy nhanh sự hao mòn của mảnh đất cuối nguồn. Các nhà khoa học dự đoán, người dân chỉ có thể tiếp tục sinh sống được ở Đồng bằng này  không quá 80 năm nữa.

-------------------------------------------------------------------------------------------------

 

Báo cáo kết luận rằng những cú sốc liên tiếp từ suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, tác động của các con đập thượng nguồn ken đặc trên sông Mekong đã lấy đi nguồn sinh kế của hàng triệu người dân ĐBSCL, khiến di cư trở thành một chiến lược ứng phó. Trong dòng người bỏ thôn ấp, hơn một nửa ở độ tuổi 20-39, để lại phía sau một đồng bằng có tốc độ già hoá nhanh nhất nước.

 

Nhưng áp lực nghèo đói và môi trường không chừa độ tuổi, ngay cả thế hệ cư dân lớn tuổi của đồng bằng giờ đây cũng khó có thể trụ lại đồng quê kiệt quệ. Những nông dân lâu năm như bà Áp bị đẩy vào dòng di cư, không phải đi kiếm tìm tương lai như người trẻ, mà là cuộc vật lộn tồn tại ở điểm cuối cuộc đời. Đó cũng không phải là một cuộc ra đi có chuẩn bị, thời gian và sức khỏe đủ để thích ứng với một môi trường khác biệt hoàn toàn với quãng đời trước đó. Thiệt thòi hơn nhóm di cư sức dài vai rộng chiếm đa số, các con số thống kê về họ mờ nhạt trong các báo cáo, họ bị lọt giữa các chính sách đón lao động nhập cư vốn đầy lỗ hổng của đô thị. Không có cuộc đời mới nào sau chuyến đi, chỉ có bước từ tương lai vô định nơi quê nhà sang một thực tại bấp bênh ở thành phố.

 

.

Khi dòng sông đổi khác

 

Khởi điểm của món nợ dẫn đến cuộc ra đi của bà Áp nằm ở hơn hai thập niên trước, lúc gia đình bà còn những mảnh ruộng. Hệ thống đê bao và kênh thoát lũ được khẩn trương hoàn thiện khi ấy đã chuyển nước lũ ra ngoài nội đồng, cho phép các hộ xuống giống ngay trong mùa nước về, tăng từ một năm một lên hai vụ lúa, thậm chí về sau một số nơi lên ba vụ. Công trình đã giúp Đồng bằng sông Cửu Long tăng sản lượng lúa đưa Việt Nam từ một đất nước thiếu ăn trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Thế nhưng nhiều nông dân chưa kịp phất đã “sụm”. Cái giá phải trả cho chính sách chống lũ là chặn luôn cả phù sa có trong lũ vào ruộng đồng.

 

https://tiasang.com.vn/wp-content/uploads/2022/12/Ly-huong-anh-2-1170x700.jpg

Một con kênh cạn trơ đáy ở huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang, ngày 2/5/2020. Ảnh: Thành Nguyễn.

 

“Nước không vào được, thì không có phù sa, đất bị kém dần, lúa bị thất, phải bỏ tiền mua phân bón nhiều hơn. Mấy mùa lúa rớt giá, không có lời để bù vô”, bà Áp nhớ lại những năm sau đó. “Cứ vậy mà nợ lậm mỗi năm một ít”.

 

Không sống được với cây lúa, bên sông Vàm Nao, nhánh sông nối liền hai dòng Tiền Giang và Hậu Giang, vợ chồng bà quyết định bán ruộng, bắt đầu mưu sinh bằng nghề xe ôm, chở hàng thuê cho các tiểu thương chợ gần nhà.

 

Nhắc đến mảnh ruộng năm xưa, đến giờ bà Áp vẫn còn trăn trở “nếu giữ được nó, biết đâu mình đã không đi”. Nhưng người trồng lúa ĐBSCL đâu chỉ kẹt trong đê bao ngăn lũ mà còn đang nghèo đi bởi mạng lưới đập thuỷ điện dày kịt bên kia biên giới.

 

Mekong đã không còn là dòng chảy tự nhiên khi bị hơn 300 thủy điện đã hoặc sắp được xây trên thượng nguồn băm cắt; trong đó có 6 “siêu đập” do Trung Quốc vận hành. Không chỉ hạ thấp lưu lượng nước, các hồ chứa của đập thuỷ điện đã ngáng đường phù sa, trầm tích đổ về hạ nguồn. Ủy hội sông Mekong xác định, kể từ năm 1994, lượng phù sa hằng năm đổ về hạ lưu đã giảm mạnh từ 147 triệu tấn xuống chỉ còn 66 triệu tấn vào năm 2013. Dự kiến con số này sẽ tiếp tục giảm xuống chỉ khoảng 42 triệu tấn một năm.

.

-------------------------------------------------------------------------------------------------

Để tăng cơ hội việc làm và đảm bảo công bằng trả lương cho người cao tuổi khi tham gia thị trường lao động, bà Trần Bích Thủy, Help Age International, cũng đề xuất TPHCM và các tỉnh ĐBSCL thành lập các trung tâm đào tạo lại nghề, giới thiệu việc làm chuyên hỗ trợ nhóm dân số này.

-------------------------------------------------------------------------------------------------

.

Đất nghèo sinh nợ vẫn chưa phải là rủi ro lớn nhất với nông dân. Khi con sông bị đói phù sa và trầm tích, đồng nghĩa với bị thiếu đi lượng vật chất cần thiết bồi đắp, kiến tạo nên Đồng bằng; cùng với hậu quả của hoạt động khai thác cát ở hạ nguồn, nó đã gây ra những trận sạt lở kinh hoàng, đe doạ tính mạng cư dân hai bên bờ. Ký ức của bà Áp đến giờ vẫn không nguôi ám ảnh về người phụ nữ đang mang thai chết trong trận sạt lở hơn mười năm trước. Đấy là lúc mảnh đất thôn ấp dưới chân bà bỗng dưng rơi tọt xuống lòng Vàm Nao, buộc cả xóm phải dời nhà vào sâu bên trong.

 

Ở đầu kia thành phố, cách chung cư bà Áp đang dọn dẹp chừng 5 km, một khu đô thị mới đang dần mọc lên. Tròn một năm nay, vợ chồng Lê Thị Chinh, 54 tuổi và Lương Văn Thơ, 59 tuổi rời quê Bạc Liêu đến đây làm công nhân cốp pha cho các công trình về sau là những toà nhà được đặt tên bằng tiếng Anh khiến cả hai không thể gọi thành tên chính xác.

 

Họ đã quyết định giã từ đồng ruộng sau khi đi qua hai đợt hạn mặn năm 2016 và 2020 làm chết hàng chục ngàn hecta lúa, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng trên cả hạ lưu Đồng bằng. Những kinh nghiệm cấy trồng dày dặn được vợ chồng Chinh đúc kết từ nhiều thế hệ hoàn toàn bị vô hiệu hoá trước dòng nước mặn đột ngột đổ về kênh ngòi.

 

“Lúa đang trổ, nước mặn lấn vô làm lúa bị dựng cờ, chết trắng. Không có lúa ăn, lại mất tiền phân bón, phải đi vay nợ. Từ từ nợ đẻ thêm mỗi năm, đành phải sang đất trả”, trên tay giờ cầm nón công trường, người nông dân nhớ lại lý do bán đất của mình.

 

Chính quyền địa phương đánh giá đây là lần hạn mặn “khốc liệt nhất lịch sử trong vòng 100 năm qua”. Nguyên nhân được xác định do thuỷ điện giữ nước ở thượng nguồn khiến hạ nguồn không đủ nước đẩy mặn đang bò sâu vào trong nội đồng. Hiện tượng El Niño và La Niña cũng được cho là thủ phạm tiếp tay khiến mùa khô ở đây nắng nóng hơn, kéo dài hơn, dẫn đến hạn mặn cực đoan.

 

https://tiasang.com.vn/wp-content/uploads/2022/12/Ly-huong-anh-3-1170x700.jpg

Một ruộng lúa ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre nứt nẻ, bỏ hoang vì ảnh hưởng của hạn mặn, hồi tháng 3/2020. Ảnh: Thành Nguyễn

 

Nhưng đấy vẫn chưa phải là đòn đánh cuối cùng vào vùng châu thổ rộng hơn 40.000 km2, ngôi nhà chung của 18 triệu cư dân. Dưới tác động của con người và tự nhiên, đồng bằng có tuổi đời hơn 4.000 năm đang ngày càng mong manh, dễ thương tổn. Nước biển dâng do Trái đất nóng lên, lún do khai thác nước ngầm không chỉ làm xâm nhập mặn và xói mòn trầm trọng hơn, mà còn đẩy nhanh sự hao mòn của mảnh đất cuối nguồn. Các nhà khoa học dự đoán, người dân chỉ có thể tiếp tục sinh sống được ở Đồng bằng này  không quá 80 năm nữa.

 

Không đợi đến thời điểm ấy, bà Chinh và bà Áp kể, làng quê của cả hai từ nhiều năm nay đã không còn mấy người trẻ ở lại. Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA), hầu hết những người rời đi đã chọn Đông Nam Bộ – nơi có hàng loạt các nhà máy đang cần một lực lượng nhân công trẻ, khoẻ – là điểm đến.

 

Chuyên gia sinh thái học chính trị Kimberley Thomas, Đại học Temple (Hoa Kỳ) thừa nhận di cư đem lại cho người dân Đồng bằng một lối ra khỏi những bất trắc đang xảy ra ở quê nhà thông qua những cơ hội việc làm và nguồn thu nhập mới. Nhưng bà nhấn mạnh “không phải cuộc ra đi nào cũng là tự nguyện”.

 

“Đó là những quyết định được đưa trong hoàn cảnh bị ép buộc, khi bị đặt vào tình thế thiếu các lựa chọn khả dĩ khác”, TS. Thomas, người đang nghiên cứu về các rủi ro môi trường và tính dễ bị tổn thương của ĐBSCL, nói.

 

Trong dòng di cư trẻ tuổi, có con trai của vợ chồng Chinh. Nhưng mức lương anh nhận được chỉ vừa đủ chạm tới mức sống tối thiểu, không đủ để gửi tiền về quê phụ đỡ cha mẹ. Theo một nghiên cứu sắp được công bố của Viện nghiên cứu Đời sống xã hội (Social Life), gần 78% công nhân ở TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai khó đảm bảo các chi phí sinh hoạt hằng tháng như tiền thuê nhà, ăn uống,… Những người di cư trẻ lại càng không đủ sức giúp cho gia đình ở quê về tài chính.

 

“Người già ở quê không muốn phiền con cháu, họ tự tìm cách “xoay””, Chinh giải thích.

Và vì vậy, họ chọn cách rời quê.

 

.

Họ sẽ đi đâu?

 

Không phải nơi nào cũng sẵn lòng đón nhận nhóm di cư này. Các khu công nghiệp ở hầu hết Đông Nam Bộ chỉ rộng cửa với di dân trẻ tuổi, những người lớn tuổi như Áp và vợ chồng Chinh gần như bị loại khỏi thị trường lao động này. TS. Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Social Life cho biết, ngay cả các nhà máy mới mọc lên ở ĐBSCL cũng chỉ tuyển nhân công trẻ dưới 35 tuổi, người lớn tuổi không có cơ hội ngay tại quê nhà.

 

Phát triển nhiều loại hình kinh tế với nhu cầu lớn nguồn lao động phi chính thức, TPHCM trở thành điểm dừng chân của những lao động già. Nhờ họ hàng đi trước dẫn dắt, bà Áp nhanh chóng có việc làm. Tháng đầu ở Thành phố, bà bán vé số dạo. Nhưng giò cẳng đau mỏi, cũng không rành đường xá, bà ít khi dám đi bộ quá xa khỏi khu nhà bà thuê chỗ tắm, ngủ giá 10 ngàn mỗi đêm chung với nhiều người lao động khác; xấp vé cuối ngày vẫn thường đầy trong tay. Theo chân người chị dâu còn lớn tuổi hơn cả mình, bà chuyển sang làm nhân viên vệ sinh cho một chung cư ở quận trung tâm.

 

Viện trưởng Viện Social Life nhận xét với vốn liếng kinh tế lẫn kỹ năng hạn hẹp, những người cao tuổi khi đến Thành phố Hồ Chí Minh thường phải làm các công việc có tính chất “nguy hiểm – dơ bẩn – khó nhọc”.

 

“Nếu [họ-pv] muốn quay lại quê làm nông, cũng không còn đất canh tác”, ông nói thêm.

 

Đô thị lớn nhất nước mở cánh cửa cho nguồn nhân công không còn sức khoẻ dồi dào nhưng đặt họ bên lề trong hầu hết chính sách phát triển của thành phố, càng khoét sâu hơn khoảng cách giữa điểm đến và người đi.

 

Các công trường tại TPHCM chỉ có việc làm và trả lương cho vợ chồng bà Chinh vào ngày nắng ráo, ở mức 350 ngàn đồng/ngày cho đàn ông và 330 ngàn đồng/ngày cho phụ nữ. “Họ nghĩ đàn bà làm kém hơn đàn ông”, bà Chinh giọng bực bội kể, tay đang cởi đôi giày lấm tấm xi măng.

 

https://tiasang.com.vn/wp-content/uploads/2022/12/vo-chong-CT-1170x700.png

Vợ chồng Lê Thị Chinh, 54 tuổi và Lương Văn Thơ tại nhà trọ ở Q.2, TPHCM Ảnh: Cương Trần

 

Vợ chồng bà cũng nhận tiền công ngang vậy trong hơn một năm làm thợ hồ ở một khu công nghiệp ở Bà Rịa-Vũng Tàu trước khi kịp bắt chuyến xe đò cuối cùng chạy về quê trong đợt phong toả mùa hè năm ngoái. Tuy nhiên, bà Chinh tính mức lương đó vẫn “ngon” hơn ở quê làm lúa, nghề vợ chồng bà gắn bó từ ngày trẻ, thế nên thành phố vừa mở cửa, cả hai đã gấp gáp lên đường.

 

Bà Chinh và chồng bà, ông Thơ không biết đi xe máy, cũng không dám đạp xe vì sợ xe cộ cuồn cuộn trên đường, bèn tìm thuê chỗ trọ gần nơi làm để lội bộ. Chuyến đi xa đầu tiên ra khỏi tuyến đường mấp mô gạch đá, cỏ dại mọc qua gối nối nhà trọ đến công trường của hai vợ chồng diễn ra vào đêm ông Thơ gục xuống do bệnh sỏi thận. Cả hai không biết số điện thoại đường dây nóng cấp cứu nào trong thành phố, đành bấm bụng thuê taxi chở đến một bệnh viện theo lời khuyên của tài xế. Ông Thơ không có bảo hiểm y tế, viện phí đã ngốn gần hết tháng lương của hai người. Ông cũng không thể gấp rút mua bảo hiểm ngay sau đó do không có hộ khẩu ở đây, cũng không có đăng ký tạm trú như bao người di cư khác.

 

“Chính sách quản lý dân số theo hộ khẩu đã khiến người di cư lớn tuổi không tiếp cận được các phúc lợi xã hội”, Lộc đánh giá. “Họ không được lãnh các trợ cấp của hộ nghèo, cho người cao tuổi ở nơi đến, mà phải về tận quê xa xôi.”

 

.

Chuẩn bị cho tương lai

 

Đại dịch Covid-19 càng làm lộ rõ sự mong manh của của tấm lưới an sinh xã hội đối với người di cư, nhất là người di cư lớn tuổi và ở nhóm lao động phi chính thức. Nhiều người đã phải chịu cảnh đói ăn, bị mắc kẹt trong những căn nhà trọ ẩm thấp, đông đúc, đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao. Các gói hỗ trợ tài chính của Chính phủ và Thành phố đã bỏ lọt hoặc đến chậm với người lao động di cư khi chính quyền địa phương nắm danh sách cư dân theo hộ khẩu và giấy tạm trú.

 

Theo Trần Bích Thuỷ, Giám đốc Quốc gia tổ chức HelpAge International tại Việt Nam, người lao động di cư cao tuổi luôn là nhóm dễ bị tổn thương, gặp nhiều rủi ro khi chuyển đến các đô thị nơi mà cơ sở hạ tầng và môi trường xã hội vốn đã không thân thiện với độ tuổi của họ.

 

“Ngoài giao thông đi lại, thử tưởng tượng một người già di chuyển chậm, có bệnh nền sẽ khó khăn như thế nào khi phải sống trong một phòng trọ chật chội, khép kín, thậm chí không có nhà vệ sinh riêng”, Thuỷ nêu vấn đề. “Hầu hết nhà trọ không có thiết kế riêng cho những khách thuê này.”

 

Giám đốc Quốc gia tổ chức HelpAge International tại Việt Nam nhận định, người già di cư ở các thành phố lớn diễn ra ngày càng nhiều, và hiện tượng này có thể sẽ phát triển trong những năm tới trong bối cảnh Việt Nam “chưa giàu đã già”. Ngân hàng Thế giới ước tính, 25% dân số trong nước dự kiến ​​sẽ trên 60 tuổi vào năm 2049, Việt Nam là một trong số quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

 

“Nếu họ đã không còn lựa chọn nào, ngoài đến thành phố, thì cần một chính sách đặc thù riêng cho những người di cư này để hành trình đi của họ không đơn độc, và cũng để hỗ trợ họ kịp thời nếu có dịch bệnh, thiên tai xảy ra trong tương lai”, Thuỷ nói thêm.

 

Để tăng cơ hội việc làm và đảm bảo công bằng trả lương cho người cao tuổi khi tham gia thị trường lao động, bà cũng đề xuất TPHCM và các tỉnh ĐBSCL thành lập các trung tâm đào tạo lại nghề, giới thiệu việc làm chuyên hỗ trợ nhóm dân số này.

 

Theo Nguyễn Đức Lộc, điều quan trọng là phải thừa nhận người lao động di cư lớn tuổi đã và đang đóng góp vào sự phát triển của Thành phố, cần có một cái nhìn và chính sách công bằng hơn với họ.

 

“Đó cũng là cách chuẩn bị cho tương lai khi thế hệ người di cư trẻ bấy giờ già đi”, ông nhấn mạnh.

 

Ông Thơ không có lương trong những ngày nằm viện nên dù chưa khỏi bệnh hoàn toàn, đã chóng quay lại công trường. Trong căn phòng trọ 12 m2, bên kia là những cao ốc rực rỡ ánh đèn, bữa cơm tối của hai người thường chỉ có trứng, bởi họ không đủ sức đi bộ xa đến chợ cách đó gần 4km. Sức khoẻ dần hao hụt nhưng cả hai không tính ngày về. Mảnh ruộng của một người con còn ở quê bị ngập úng do năm nay mưa, lũ về nhiều bất thường càng củng cố hơn quyết tâm trụ lại Thành phố của ông bà.

 

Với bà Áp, hơn ba tháng xa quê, giờ đây bà cảm thấy nhớ nhà, bắt đầu thấy “oải” những bậc thang trong chung cư bà lau chùi mỗi ngày. Nhưng người phụ nữ ĐBSCL này cũng chưa bao giờ có ý định quay về.

 

“Giờ mình còn khỏe thì bám ở đây, về quê có còn gì để sống”, bà nói, tay vỗ vỗ tấm lưng hay đau của mình.□

 

————

* Tên nhân vật  đã thay đổi.

 

Bài viết nhận được sự tài trợ của Mạng lưới Báo chí Trái đất của Internews

 

-------------------

Xem thêm:

·        Kỷ luật và sự tiến bộ của xã hội

·        Những công nghệ chăm sóc sức khỏe hứa hẹn trong năm 2017

·        Ghép tế bào gốc tạo máu: Triển vọng và thách thức

·        Năm nay có thể là năm nóng nhất

·        Nghiêng về bảo tồn hơn trùng tu





No comments:

Post a Comment

View My Stats