Friday, 6 January 2023

'LOẠN SỨ QUÂN', 3 NGÀY RỒI MÀ CỘNG HÒA VẪN CHƯA BẦU ĐƯỢC CHỦ TỊCH HẠ VIỆN (Người Việt)

 



‘Loạn sứ quân,’ 3 ngày rồi mà Cộng Hòa chưa bầu được chủ tịch Hạ Viện

Người Việt

January 5, 2023

https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/ukraine-nhan-xe-thiet-giap-cua-my-duc-bac-bo-lenh-ngung-ban-cua-nga/

 

WASHINGTON, DC (NV) – Hạ Viện Hoa Kỳ quyết định hoãn cuộc bầu cử chủ tịch tối Thứ Năm, 5 Tháng Giêng, sau ba ngày, qua 11 cuộc bỏ phiếu, chưa chọn được người lãnh đạo, dù đảng Cộng Hòa có 222 dân biểu, đang chiếm đa số.

 

Người làm chủ tịch Hạ Viện phải đạt số phiếu quá bán tối thiểu của tổng số 435 dân biểu, tức là 218.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/01/TS-11-vong-1-1536x1094.jpeg

Sau 11 vòng bỏ phiếu, Dân Biểu Kevin McCarthy vẫn chưa cầm được cái búa chủ tịch Hạ Viện mà ông mơ ước. (Hình: Win McNamee/Getty Images)

 

Hạ Viện hiện có 434 dân biểu, vì một người vừa qua đời, như vậy chủ tịch Hạ Viện vẫn phải cần 218 phiếu.

 

Đây là sự kiện xảy ra lần đầu tiên trong 164 năm qua. 

 

Hồi năm 1859, phải qua 133 lần bỏ phiếu trong hai tháng trời Hạ Viện Mỹ mới bầu được chủ tịch. Hồi năm 1923, phải qua chín vòng bỏ phiếu cơ quan lập pháp này mới có chủ tịch.

 

Chuyện xảy ra lần này là do 20 “fan cứng” của cựu Tổng Thống Donald Trump kiên quyết chận đường Dân Biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California), không cho ông thực hiện ước mơ, bắt đầu từ hôm Thứ Ba, 3 Tháng Giêng.

 

Trong số 20 người này, có 18 người “tin rằng” cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, mà ông Joe Biden thắng ông Donald Trump, là gian lận hoặc bị đánh cắp.

 

Trong ba ngày qua, các dân biểu Cộng Hòa ủng hộ và ông McCarthy cố gắng tìm cách thoả hiệp, khi đưa ra một đề nghị sơ bộ ban phát quyền lực nhiều hơn cho nhóm 20 dân biểu đang “ngáng đường” này.

 

Trước cuộc bỏ phiếu cuối cùng, lần thứ 11, trong ngày Thứ Năm, nhóm này lại tiếp tục chơi “chiêu phá phiếu” bằng cách đề cử hai người khác, trong số họ, không có tên trong các vòng bỏ phiếu trước đó, ra giành ghế với ông McCarthy.

 

Người được chọn đầu tiên là Dân Biểu Kevin Hern (Cộng Hòa-Oklahoma), chủ tịch Ủy Ban Nghiên Cứu Đảng Cộng Hòa. Dân Biểu Hern lại là người ủng hộ ông McCarthy, nhưng ông không tuyên bố sẽ từ chối ứng cử nếu ông McCarthy rút lui.

 

Ứng cử viên thứ nhì là cựu Tổng Thống Donald Trump, với lời đề cử của ông Matt Gaetz, dân biểu Cộng Hoà ở Florida.

 

Dân Biểu Gaetz hiện đang bị điều tra về các tố cáo quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên, môi giới bán dâm trẻ vị thành niên, nhưng ông nhất mực kêu oan.

 

Trong vòng bỏ phiếu thứ 11 này, tính bên phía Cộng Hoà, ông Trump chỉ được một phiếu, Dân Biểu Hern được bảy phiếu, 12 phiếu dành cho những ứng cử viên khác, và ông McCarthy được 200 phiếu.

 

Dân Biểu McCarthy tiếp tục thua nhóm 20 thành viên Cộng Hòa “nổi loạn” này trong vòng bỏ phiếu thứ 11, công với một dân biểu Cộng Hòa khác không bỏ phiếu. 


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/01/TS-11-vong-2-1536x1024.jpeg

Dân Biểu Matt Gaetz (Cộng Hòa-Florida) (phải), người phản đối ông Kevin McCarthy kịch liệt và đề cử cựu Tổng Thống Donald Trump vào chức chủ tịch Hạ Viện. (Hình: Win McNamee/Getty Images)

 

Với 222 thành viên đảng Cộng Hòa trong Hạ viện mới được bầu, ông McCarthy chỉ có thể để mất bốn phiếu để đạt được con số 218 cần thiết.

 

Trước đó, vào buổi sáng Thứ Năm, Dân Biểu McCarthy có vẻ lạc quan về các cuộc đàm phán diễn ra giữa các đồng minh của ông và một nhóm những người ủng hộ kiên trì.

 

“Tôi nghĩ rằng mọi người trong cuộc đều muốn tìm ra giải pháp,” ông McCarthy nói trên đường vào phòng họp Hạ Viện để tham gia vòng bỏ phiếu đầu tiên trong ngày, vòng thứ bảy tính từ hôm Thứ Ba.

 

Nhưng chưa đầy hai giờ sau khi các cuộc bỏ phiếu bắt đầu, một người có ảnh hưởng trong nhóm 20 “fan cứng” của ông Trump là Dân Biểu Scott Perry (Cộng Hòa-Pennsylvania) giận dữ cáo buộc ông McCarthy tiết lộ chi tiết các cuộc thương lượng.

 

Việc liên tục không bầu ra được một chủ tịch khiến Hạ Viện rơi vào tình trạng hỗn loạn, phần lớn là do các dân biểu không thể tuyên thệ nhậm chức và các dân biểu không thể có được văn phòng làm việc ngay tại Washington, DC lẫn địa phương của họ. 

 

Hiện tại, tất cả 434 thành viên của Hạ Viện về mặt lý thuyết họ là những dân biểu đắc cử chứ không là dân biểu thực thụ vì chưa được tuyên thệ.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/01/TS-11-vong-3-1536x1079.jpeg

Dân Biểu Hakeem Jeffries (Dân Chủ-New York) (phải), người Mỹ da màu đầu tiên trở thành thủ lãnh một chính đảng tại Hạ Viện. (Hình: Moneymaker/Getty Images)

 

Trước các cuộc bỏ phiếu hôm Thứ Năm, các nhà lãnh đạo phía Dân Chủ đã chỉ trích sự rối loạn nội bộ của đảng Cộng Hòa, đồng thời nhấn mạnh tác hại của việc kéo dài nhiều ngày không có chủ tịch Hạ viện gây ra cơ quan này và cả quốc gia.

 

“Chúng tôi không thể sắp đặt được các văn phòng ở địa hạt, để các thành viên Hạ Viện mới có thể làm việc phục vụ cử tri,” Dân Biểu Katherine Clark (Dân Chủ-Massachusetts), một lãnh đạo của đảng Dân Chủ, nói với các phóng viên tại Quốc Hội vào sáng Thứ Năm. “Ông Kevin McCarthy để cá nhân mình lên trên trong việc theo đuổi quyền lực bằng mọi giá, hiện đang nhấn chìm tiếng nói và nhu cầu của người dân Mỹ.”

 

Các thành viên đảng Dân Chủ cũng nhấn mạnh rằng việc không có chủ tịch Hạ Viện đang đe dọa an ninh quốc gia vì thông tin tình báo chỉ được cung cấp cho các nhà lập pháp sau khi họ tuyên thệ nhậm chức.

 

“Cuối cùng, tất cả những gì chúng tôi yêu cầu đảng Cộng Hòa làm là tìm ra cách tự tổ chức để Quốc Hội có thể thực hiện nghĩa vụ cho người dân Mỹ,” Dân Biểu Hakeem Jeffries (Dân Chủ-New York), trưởng khối thiểu số Hạ Viện, lên tiếng trong một cuộc họp báo.

 

Ông Jeffries vẫn tiếp tục nhận sự ủng hộ của toàn đảng Dân Chủ với 212 phiếu liên tục trong suốt 11 vòng bỏ phiếu vừa qua. (MPL) [đ.d.]

 

.

===============================================

.

.

Đảng Dân chủ bầu lãnh đạo mới tại Hạ viện để thay bà Nancy Pelosi

AP

01/12/2022

https://www.voatiengviet.com/a/dang-dan-chu-bau-lanh-dao-moi-tai-ha-vien-de-thay-ba-nancy-pelosi/6858140.html

 

Phe Dân chủ tại Hạ viện Mỹ hôm 30/11 đã giới thiệu thế hệ lãnh đạo mới với Dân biểu Hakeem Jeffries trở thành người Mỹ da màu đầu tiên lãnh đạo một đảng chính trị lớn trong Quốc hội vào thời điểm then chốt khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và những người thân cận của bà từ chức vào đầu năm sau.

 

https://gdb.voanews.com/022a0000-0aff-0242-c230-08dad3073ca2_w1023_r1_s.jpg

Ông Hakeem Jeffries là người da màu đầu tiên lãnh đạo một chính đảng lớn tại Quốc hội Mỹ

 

Thể hiện sự đoàn kết hiếm hoi của đảng sau thất bại trong cuộc bầu cử giữa kỳ, các đảng viên Dân chủ trong Hạ viện đã chọn vị dân biểu 52 tuổi đến từ New York, người cam kết sẽ ‘mang lại kết quả’ trong Quốc hội khóa mới, làm lãnh đạo của họ ở Hạ viện. Ông đã được nhất trí bầu lên trong một cuộc bỏ phiếu kín.

“Chúng tôi đứng trên đôi vai rộng của họ”, ông Jeffries nói về bà Pelosi và đội ngũ của bà sau khi được bầu.

Trước đó, ông phát biểu rằng “
Điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm nhờ vào sự trang trọng và nghiêm túc của thời khắc này là nắm bắt cơ hội ngay và làm việc tốt nhất mà chúng ta có thể làm cho người dân.”

Hiếm khi một đảng thua trong bầu cử giữa kỳ lại dễ dàng tập hợp lại. Điều này trái ngược hoàn toàn với sự náo loạn trong đảng Cộng hòa, hiện đang chật vật để đoàn kết xung quanh nhà lãnh đạo của họ là ông Kevin McCarthy với tư cách là chủ tịch Hạ viện mới vào lúc phe Cộng hòa chuẩn bị nắm quyền kiểm soát Hạ viện khi Quốc hội khóa mới họp vào tháng 1 năm sau.


Các cuộc bỏ phiếu kín trong nội bộ đảng Dân chủ hôm 30/11 để bầu ông Jeffries và các lãnh đạo hàng đầu khác diễn ra mà không có đối thủ.

Bộ ba lãnh đạo mới, với ông Jeffries đứng đầu, cũng bao gồm dân biểu Massachusetts Katherine Clark, 59 tuổi, người giữ kỷ luật đảng tại Hạ viện và dân biểu California 43 tuổi Pete Aguilar làm chủ tịch hội các thành viên Dân chủ tại Hạ viện.

Các tân lãnh đạo Dân chủ dự kiến sẽ lấp vào các vị trí của bà Pelosi và các phụ tá hàng đầu của bà – Lãnh đạo đa số Steny Hoyer, dân biểu từ Maryland, và dân biểu South Carolina James Clyburn, người giữ kỷ kuật đảng – khi các nhà lãnh đạo trong độ tuổi 80 này nhường chỗ cho thế hệ tiếp theo.

“Đó là thời điểm quan trọng đối với phe Dân chủ - khi chúng ta có thế hệ lãnh đạo mới”, dân biểu Chris Pappas phát biểu trước cuộc bỏ phiếu.

Dân biểu Dân chủ Cori Bush từ bang Missouri gọi cuộc bầu cử lãnh đạo này là ‘lịch sử’ và là ‘thời điểm để thay đổi’.

Măc dù đảng Dân chủ sẽ trở thành phe thiểu số Hạ viện tại Quốc hội khóa 118, họ sẽ có một số đòn bẩy nhất định vì thế đa số của đảng Cộng hòa dự kiến sẽ rất mỏng và sự kiểm soát của ông McCarthy trong đảng của ông rất mong manh.

Ông Jeffries từng là quản lý cuộc luận tội cựu Tổng thống Donald Trump đầu tiên tại Hạ viện.


Ông Jeffries hôm 30/11 nói rằng ông sẽ làm việc với các phe Cộng hòa ‘bất cứ khi nào có thể nhưng chúng tôi cũng sẽ phản công sự cực đoan bất cứ khi nào cần thiết’.

Bà Pelosi và ông Hoyer dự định tiếp tục sẽ ở lại Quốc hội, điều bất thường nhưng không phải là chưa từng có mà ông Jeffries gọi là ‘điều may mắn’ khi các lãnh đạo mới có thể được họ tư vấn.





No comments:

Post a Comment

View My Stats