Dầu
khí : Nga đổi chiến thuật, đấu dịu với phương Tây ?
Thanh
Hà - RFI
Đăng
ngày: 17/01/2023 - 14:56
Cạn tiền,
Matxcơva đánh tiếng để xuất khẩu trở lại dầu khí sang châu Âu ? 2022
là một năm « rất khó khăn » đối với Gazprom. Lãnh đạo tập đoàn dầu
khí số 1 của Nga, Alexei Miller nhìn nhận như trên trong buổi họp báo hôm
28/12/2022. Trước đó phó thủ tướng Nga đặc trách về năng lượng Alexandre Novak
để ngỏ khả năng « xuất khẩu khí đốt trở lại cho Ba Lan, Đức qua đường ống
Yamal ».
Ảnh
minh họa: Hệ thống ống dẫn khí đốt kết nối với vùng khai thác Bovanenkovo, ở
bán đảo Yamal, Vòng Bắc Cực AFP/File
Phải chăng
đây là những dấu hiệu để lộ lo ngại của điện Kremlin trước nguy cơ cạn nguồn
tài trợ cho chiến tranh Ukraina ?
Chuyên
gia Carl Grekou,
chuyên gia Trung Tâm Nghiên Cứu Về Triển Vọng Kinh Tế và Thông Tin Quốc Tế
-CEPII phân tích về chính sách của Nga trong gần một năm qua, dùng năng lượng
như một công cụ phục vụ chiến tranh đặc biệt là qua việc đòi được thanh toán bằng
đồng rúp để lách lệnh trừng phạt của Âu Mỹ và tiếp tục thu vào ngoại tệ.
.
Năng
lượng, một chiêu bài hết thiêng ?
Cận lễ
Giáng Sinh theo truyền thống của người Công Giáo, tại Matxcơva phó thủ tướng
Alexandre Novak, được hãng tin Nga Tass trích dẫn, tuyên bố đang trông thấy
« cơ hội khởi động lại đường ống dẫn khí đốt Yamal » dẫn sang thị trường
Ba Lan và Đức, hai cổng vào châu Âu của các nhà sản xuất Nga. Châu Âu, theo ông
Novak vẫn là một « thị trường có giá trị » và chính khách này lấy làm
tiếc là đường ống Yamal đã bị « khóa lại » vì những lý do
« chính trị ».
Vào lúc tổng
giám đốc Gazprom nhìn nhận xuất khẩu khí đốt của đại tập đoàn này sang thị trường
Liên Hiệp Châu Âu (và Thụy Sĩ) cho cả năm 2022 giảm 55 %, tuyên bố của phó thủ
tướng Nga đặc trách về năng lượng, khiến công luận đặt câu hỏi : Châu
Âu mà đứng đầu là Ba Lan và Đức có còn mặn mà với kế hoạch khởi động lại đường ống
Yamal hay không ?
Câu trả lời
có thể là không vì những lý do như sau : một là trong thời gian qua, Liên
Hiệp Châu Âu đã đa dạng hóa các nguồn năng lượng, bớt phụ thuộc vào khí đốt
để chuyển sang khí hóa lỏng LNG. Điểm thứ nhì là do bị Nga « bỏ
rơi », thị trường lớn nhất của Gazprom trong 9 tháng qua đã đa dạng hóa
các nguồn cung cấp, chủ yếu là nhắm tới từ Mỹ đến các đối tác ở châu Phi hay
Trung Đông … Điểm thứ ba là ngay trước mắt, khác hẳn với hồi mùa hè và mùa
thu vừa qua, kho dự trữ của phần lớn các nước trong Liên Âu khá đầy, (Ba Lan
thông báo dự trữ khí đốt đã « đầy » đến 96 %, của Đức là 88 %) cho
nên các bên không mấy vồn vã trước đề xuất của Matxcơva cho đường ống Yamal
« hoạt động trở lại ».
Thêm vào
đó Liên Âu không quên rằng từ khi chiến tranh Ukraina khai mào, điện Kremlin
thường xuyên dùng lá bài năng lượng để khi thì trục lợi, lúc thì mặc cả hoặc đe
dọa phương Tây. Tính đến đầu tháng 12/2022, do tác động chiến tranh Ukraina, 27
thành viên Liên Âu đã phải rót cho các tập đoàn Nga hơn 930 tỷ euro để đổi lấy
một khối lượng dầu khí « ít hơn » so với hồi 2021 theo thẩm định của
hãng tin Mỹ Bloomberg.
Ngay từ
tháng 4/2022 tập đoàn dầu khí Nga dọa ngừng xuất khẩu khí đốt cho Ba Lan qua đường
ống Yamal, để đòi Vacxava thanh toán bằng đồng rúp. Điều mà chính quyền Ba La dứt
khoát từ chối. Hệ quả kèm theo là Vacxava chấm dứt hợp đồng mua khí đốt với
Gazprom từ mùa xuân năm ngoái. Bruxelles coi việc đòi các khách hàng thanh toán
bằng rúp là một thủ thuật để Nga vừa bắt chẹt các đối tác phương Tây, vừa để tiếp
tục thu vào ngoại tệ, lách các đòn trừng phạt tài chính Âu Mỹ ban hành.
Trả lời
RFI Việt ngữ, chuyên gia về tiền tệ, Carl Grekou của Trung Tâm Nghiên Cứu
Về Triển Vọng Kinh Tế và Thông Tin Quốc Tế -CEPII đánh giá về thực chất, đòi hỏi
của Matxcơva được thanh toán bằng rúp không làm xáo trộn thị trường năng lượng
toàn cầu :
Carl
Grekou : « Cuối
tháng 3/2022, qua lời tổng thống Vladimir Putin, Nga bắt đầu đòi quốc
tế thanh toán bằng rúp, qua đó ép phương Tây duy trì kênh giao thương với
Matxcơva. Để thực hiện mục tiêu đó ngân hàng Gazprobank trực thuộc tập đoàn dầu
khí Gazprom đóng vai trò trung gian. Một cách cụ thể, các tập đoàn quốc tế muốn
mua vào năng lượng của Nga phải mở tài khoản bằng đồng rúp tại Gazprobank, ngân
hàng này không bị Âu, Mỹ trừng phạt. Họ dùng tài khoản này để thanh toán cho
các nhà cung cấp Nga. Ngân Hàng Trung Ương Nga thu về đô la hay euro từ
Gazprobank và hoán chuyển các ngoại tệ đó sang đồng rúp. Về thực chất các hoạt
động trao đổi mậu dịch với các hãng dầu khí của Nga không thay đổi gì nhiều
nhưng đây là một đòn chính trị gây nhiều tranh cãi trong nội bộ châu Âu và nhiều
quốc gia từ chối chấp thuận yêu sách của Nga (...)
Không
có sự lựa chọn nào khác, Hungary bắt buộc phải thanh toán bằng đồng rúp cho
Nga. Trái với nhiều quốc gia khác, như Pháp hay Đức, tuy không chính thức nói
ra và vẫn mạnh mẽ tuyên bố trừng phạt Nga xâm chiếm Ukraina, song các nước này
cũng vẫn tiếp tục mua vào năng lượng của Nga. Thay đổi duy nhất là họ phải qua
thêm một trung gian là ngân hàng Gazprobank và họ vẫn thanh toán bằng đô la hay
euro ».
Nga tính
toán những gì khi đòi khách hàng thanh toán hóa đơn năng lượng bằng đồng
rúp ?
Carl
Grekou :
« Lợi thế đầu tiên đối với Nga là đòi được thanh toán bằng đồng rúp cho
phép Matxcơva vẫn thu vào ngoại tệ, tức là vẫn có đô la và euro trong lúc mà dự
trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương Nga ở hải ngoại đã bị phong tỏa. Như vậy
là trong gần một năm qua, Nga vẫn có đô la và euro để tiếp tục mua bán với một
phần của thế giới, giảm nhẹ bớt tác động của lệnh cấm vận. Nhưng việc Âu Mỹ
và Nhật thông qua biện pháp áp giá trần đánh vào dầu thô của Nga, đương nhiên
tình hình sẽ khó khăn hơn đối với chính quyền ở Matxcơva.
Thêm
vào đó, tôi xin lưu ý rằng, Trung Quốc cũng rất thận trọng khi mua bán với Nga.
Để thanh toán hóa đơn dầu hỏa, Bắc Kinh tránh dùng đồng nhân dân tệ vì muốn
tránh tạo cái cớ cho Mỹ trừng phạt Trung Quốc về kinh tế hay thương mại. Lợi thế
thứ hai là đòi được thanh toán bằng rúp đã là một cái phao giúp kinh tế Nga tuy
bị khó khăn nhưng vẫn không bị nhận chìm. Sau cùng đối với công luận trong nước
biện pháp này cho phép chính quyền của ông Putin khẳng định với người Nga rằng
các biện pháp trừng phạt của phương Tây không có hiệu quả ».
.
Mùa
xuân 2023 : Nga đứng trước giai đoạn đầy gian nan
Tổng thống
Vladimir Putin trong nhiều lần phát biểu qua đài truyền hình với quốc dân để bảo
vệ « chiến dịch đặc biệt » tại Ukraina, từng tuyên bố dân châu Âu sẽ
không có sưởi trong những tháng mùa đông giá rét, kinh tế của Liên Hiệp Châu Âu
tê liệt khi không có năng lượng của Nga. Cho đến tận tháng Giêng 2023 đúng là
các tập đoàn công nghiệp lớn của Đức, của Pháp ... đều nơm nớp lo thiếu điện để
sản xuất. Không ít trong số giới tiểu thương tại châu Âu phải đóng cửa vì không
thể thanh toán hóa đơn tiền điện… Nhưng may mắn thay, kinh tế Liên Âu đã
« không bị sụp đổ » như điện Kremlin từng dự báo. Bộ trưởng Năng Lượng
Đức -thành viên trong Liên Âu lệ thuộc nhiều hơn cả vào dầu khí của Nga, từ giữa
tháng 12/2022 quả quyết « thời kỳ đen tối nhất đã qua ».
Về dầu hỏa,
trong 9 tháng kể từ khi chiến tranh Ukraina khai mào, Trung Quốc và Ấn Độ đã
nhanh chóng thay thế Liên Hiệp Châu Âu để mua vào năng lượng của Nga, nhưng tất
cả các dự báo đều cho thấy hai nguồn tiêu thụ đó bắt đầu có dấu hiệu bị
bão hòa. Các dự báo không mấy lạc quan về viễn cảnh tăng trưởng Trung Quốc và
đây không mà một tin vui đối với Nga.
Nhưng đối
với giới trong ngành, thách thức đặt ra cho ngành dầu khí Nga là các biện pháp
trừng phạt của phương Tây bắt đầu có hiệu lực.
Carl
Grekou : « Ngày
05/12/2022 lệnh cấm vận nhập khẩu dầu thô của Nga vận chuyển qua đường biển có
hiệu lực. Đến tháng 2/2023 thêm một đợt trừng phạt thứ nhì nữa nhắm vào dầu lọc
và các sản phẩm chế biến từ dầu hỏa, trong đó có dầu diesel. Điều đó có nghĩa
là trên nguyên tắc giá dầu sẽ còn tiếp tục tăng lên thêm. Đây là cái giá phải
trả nhưng thể hiện quyết tâm của Liên Âu giảm bớt lệ thuộc vào dầu khí của Nga.
Đồng thời để lấp vào chỗ trống, Liên Âu đã liên tục tìm kiếm các nguồn cung cấp
dầu và khí đốt khác để thay thế. Đó là Mỹ, là các nước trong vùng Vịnh, và cả
châu Phi ».
Như vậy là
trong chưa đầy ba tháng, ngành dầu hỏa của Nga phải đối mặt với nhiều đợt trừng
phạt. Francis Perrin, chuyên gia về năng lượng, giám đốc nghiên cứu Viện Quan Hệ
Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp lưu ý : xuất khẩu dầu hỏa của Nga và
châu Âu đã bắt đầu giảm từ năm ngoái, nhưng với các loạt trừng phạt có hiệu lực
từ ngày 05/12/2022, châu Âu mất đi gần 90 % dầu hỏa của Nga. Đây là một
đòn mạnh đối với cả phía cung lẫn phía cầu. Nga đã phải « hối hả đi
tìm các nguồn tiêu thụ khác » chủ yếu là sang châu Á-Trung Quốc và Ấn Độ.
Ngay cả trên hai thị trường này, dầu hỏa của Nga đang bị dầu ở Trung Đông cạnh
tranh. Bằng chứng rõ rệt nhất là trong những 12/2022 đã không xảy ra hiện tượng
« một cơn sốt dầu ».
.
Lỗ
hổng trong ngân sách của Liên bang Nga
Trong khi
đó tại Matxcơva, bộ Tài Chính và Ngân hàng Trung ương trong tuần lễ dầu tiên của
năm 2023 thông báo « bán bớt ngoại tệ » để thu hẹp bội chi ngân sách.
Ngày 13/01/2023 Matxcơva bắt đầu bán bớt một khối lượng nhân dân tệ đang nắm giữ
để thu về chưa đầy 800 triệu đô la.
Chuyên gia
Nga Vasily Karpunin, thuộc cơ quan tư vấn tài chính BCS Express trụ sở tại
Matxcơva thẩm định : « Nguồn thu nhập của chính phủ Nga trong tháng 2
và tháng 3/2023 có khả năng giảm sụt » do tác động từ các biện pháp cấm vận
dầu hỏa Âu Mỹ ban hành có hiệu lực từ ngày 05/12/2022. Kinh tế trưởng của ngân
hàng Nga CentroCredit Bank, Evgeny Suvorov đi sâu hơn vào chi tiết
: « khoản thất thu trong tháng 2 và 3 có thể sẽ sẽ cao gấp đôi -
thậm chí là gấp ba so với thiệt hại hồi tháng Giêng/2022 » tức sẽ dao động
khoảng từ 100 đến 150 tỷ rúp – tương đương với khoảng từ 1,5 đến 2,2 tỷ đô la.
Theo lời
các chuyên gia Nga, để có được một ngân sách quốc gia cân bằng, -không kể các
khoản chi tiêu phụ trội do chiến tranh Ukraina gây nên, Nga cần có được bảo đảm
một thùng dầu phải được bán ra với giá từ 70 đô la trở lên. Hiện tại, trung
bình giá dầu hỏa trên thị trường dao động ở mức 55 đô la/thùng.
Thực ra
chiến tranh Ukraina chưa tàn, cuộc đọ sức về năng lượng giữa một trong những
nguồn cung cấp chính là Nga với phương Tây không thể sớm kết thúc. Điều chắc
chắn duy nhất là sau gần một năm chiến tranh Ukraina, kinh tế Nga không sụp đổ
như một số dự báo. Đổi lại thì dù bị mất đi các nguồn cung cấp dầu khí của Nga,
dù có liên tục bị đe dọa thiếu hụt năng lượng, nhưng cỗ máy công nghiệp của
châu Âu vẫn không bị tê liệt. Cho đến hiện tại thì dân châu Âu chưa bị mất điện
hay dù chỉ một ngày.
Điều đó
khiến một số nhà bình luận tạm thời cho rằng trước mắt tổng thống Putin thất bại
trong ý đồ muốn « biến năng lượng thành vũ khí » buộc Âu Mỹ bỏ rơi
Kiev để mặc cho nước Nga xâm chiếm Ukraina.
Châu Âu
trước mắt mạnh mẽ tuyên bố « trừng phạt » dầu khí Nga, nhưng rồi,
« với thời gian, mọi việc rồi cũng sẽ đâu vào đấy khí đốt của Nga rồi
đây sẽ quay trở về với châu Âu ». Bộ trưởng Năng Lượng Qatar Saad
Sherida al-Kaabi kiêm lãnh đạo tập đoàn năng lượng quốc gia Qatar Energy tuyên
bố như trên trong khuôn khổ diễn đàn về năng tượng tổ chức tại Abu Dhabi hôm
14/01/202.
.
No comments:
Post a Comment