Nhã Duy
17/01/2023
https://baotiengdan.com/2023/01/17/cuoi-nam-nhin-lai-nguoi-viet/
Một cuối tuần trong những ngày cuối năm, tôi nhận lời sang chơi với vợ chồng người bạn, vai em bên Florida. Đêm đầu tiên trò chuyện, bắt sang chuyện mùa lễ cuối năm, anh chồng đưa điện thoại chụp vài tấm ảnh tặng quà cuối năm cho các nhân viên của mình. Anh bảo, họ rất cảm động khi mỗi người đều nhận được những món quà giá trị khác nhau, tùy theo thâm niên. Vợ chồng anh có hai tiệm nails với khoảng trên dưới hai chục nhân viên.
Một anh bạn chung bàn tinh ý nhận ra điểm đặc biệt trong những tấm ảnh nên hỏi lại rằng, tại sao tiệm chỉ có thợ nước ngoài mà không phải thợ Việt, những người vốn chuyên nghiệp và chiếm áp đảo nghề nails. Quả thật là không có bất cứ người thợ Việt nào khác. Thấy câu chuyện thú vị, tôi hỏi thêm vài cái được mất và sự khác biệt giữa những người thợ Cuba, vốn là cộng đồng thiểu số đông đúc nơi anh ở và những thợ Việt Nam.
Anh kể, thợ Cuba chân chất, vui vẻ, làm việc đoàn kết nâng đỡ nhau. Họ chẳng kèn cựa nhau và kèn cựa với chủ. Thợ mới vào làm là họ hướng dẫn, nhường khách cho người thợ mới. Họ làm được bao nhiêu tiền thì ký check trả bấy nhiêu, không kèo nài, đòi ăn chia tỉ lệ tiền mặt như thợ Việt khi xin việc.
Còn cái mất? – Tôi hỏi.
– Họ làm không giỏi và nhanh như thợ Việt, anh. Chắc ba thợ Cuba mới bằng hai thợ Việt. Họ không chịu làm nhiều giờ, chiều sáu giờ đã muốn về và muốn nghỉ cả cuối tuần hay Chủ Nhật, không ham làm như thợ Việt.
– Nếu vậy là chủ sẽ mất thu nhập phải không? Tại sao bạn chỉ mướn toàn thợ Cuba?
– Đỡ nhức đầu anh. Mình đối xử tốt tí thì họ làm việc trung thành, tận tụy với chủ, với tiệm. Còn thợ Việt là anh phải “deal” với vô số chuyện, đối xử cỡ nào họ cũng trở mặt dễ dàng. Nhức đầu lắm! Mà em chỉ muốn tiệm lúc nào cũng vui vẻ và kiếm vừa đủ.
Chuyện thợ nails Việt thì tôi nghe nhiều, biết nhiều. Có vài lần còn được nhờ xem giúp trát tòa, giấy tờ tranh chấp, kiện tụng giữa các thợ hay tiệm với nhau. Chủ tố thợ, thợ tố chủ.
Nghe qua thấy ai cũng có cái lý của mình, chẳng biết ai đúng, sai. Nhưng trong thâm tâm, tôi cũng nhận thấy có điều gì đó sai sai từ cả đôi bên. Và biết rằng đó là công việc trong một môi trường phức tạp.
Nói chuyện, gặp gỡ với riêng từng người thợ trong nghề này, xem ra họ cũng thông thường như bất kỳ người Việt nào khác. Họ đi chùa, niệm Phật hay đến nhà thờ mỗi cuối tuần. Tâm tánh họ cũng tử tế, có thể trở thành bạn tốt của một hay nhiều người nào đó trong vòng giao tiếp của họ. Nhưng lấp ló, ẩn hiện lòng tham sân si, so đo, ích kỷ. Họ cũng tự ti lẫn tự tôn. Mà nói chung, há đó không phải là đặc tính chung của hầu hết con người, cứ gì nghề nails?
Vậy mà vào trong môi trường làm việc chung với những người Việt, họ trở thành một con người khác hẳn. Cái gì tiềm ẩn, tệ hại nhất trong người mình bộc lộ hết ra ngoài. Họ đốp chát, hung dữ với những người tương tự. Hay với kẻ tệ hơn. Như một bản năng sinh tồn. Nó tạo ra những câu chuyện có thực và cái nhìn không mấy hay ho về thế giới nails.
Mà công bằng thì nghề nails là nghề nghiệp chính đáng và chẳng có gì để xem nhẹ. Đôi khi chỉ vì một số người trong nghề mà tạo ra thành kiến cả với một cái nghề đã giúp cho cộng đồng người Việt có cơ ngơi, nuôi con ăn học như vậy.
Nói thật, nhiều khi tôi nghĩ thế giới nails cũng chỉ thể hiện tâm tánh cùng bản chất của không ít người Việt mà thôi. Cũng tham, sân, si, hỉ, nộ, ái, ố có đủ. Cái tôi và sự ích kỷ, cao ngạo nằm sẳn trong người. Họ cũng chẳng phải là những người quá tệ, khi giao tiếp với người tốt, môi trường tốt thì họ lành tính hơn, ít bộc lộ chúng ra. Nhưng chỉ cần chen vào một đôi người xấu tánh thì nó kích động cả đám đông. Rốt cuộc, nhìn vào mỗi cá nhân thì chắc cũng chẳng đến nỗi nào, mà quần tụ lại với nhau là có chuyện.
Những ngày đầu năm, hay cuối năm Ta này, Toronto bên Canada đang dậy sóng. Nghe bảo những tổ chức cộng đồng người Việt ở đây đang cự cãi, dắt nhau ra tòa tranh tụng. Không có gì ngạc nhiên. Họ chỉ lặp lại điều đã từng xảy ra với vô số tổ chức đại diện cộng đồng người Việt tại nhiều thành phố có đông người Việt sinh sống mà thôi.
Những người thiện lương, tử tế thì cố sống tốt, sống đẹp nhưng phần nhiều lặng lẽ, khép kín. Người chao đảo thì lấy cái dở, sự dữ để tìm kiếm đồng minh, cứu cánh về cái xấu tiềm ẩn bên trong. Rốt lại, số người Việt thiện lương trở thành thiểu số, hiện ra bên ngoài là hình ảnh một cộng đồng, một dân tộc có nhiều điều đáng nói.
Bạn sẽ bảo sắc dân nào chẳng có chuyện tốt, xấu. Đúng vậy, nhưng cứ lấy điều này để bào chữa, tự bịt mắt trước những điều chưa được thì chúng ta cứ lẩn quẩn với nhau trong tình trạng chẳng khó khăn gì không nhận thấy.
Một cá nhân cũng dễ dàng chao đảo khi bị cái xấu bao quanh, tấn công và ngược lại, nếu một cộng đồng biết đoàn kết, hòa ái, tương trợ nhau thì mỗi cá nhân cũng có xu hướng sống tử tế hơn.
Cuối năm nhìn lại, chỉ với lòng mong ước người Việt, nước Việt sẽ tốt đẹp hơn. Bởi tôi còn tin là người Việt có đủ phẩm cách để trở thành một cộng đồng, một dân tộc tốt hơn những gì đang được phô bày.
Có thể điều này vượt quá tầm tay cùng trách nhiệm của mỗi cá nhân nhưng há không phải là vấn đề xã hội đáng suy ngẫm cho tất cả chúng ta hay sao?
No comments:
Post a Comment