Sunday, 22 January 2023

AI ĐẦU TIÊN GỌI CHÍCH CHÒE LÀ CHÍCH CHÒE? (Hoang Thụy Hưng)

 



AI ĐẦU TIÊN GỌI CHÍCH CHÒE LÀ CHÍCH CHÒE?   

Hoang Thụy Hưng

19-1-2023  03:59    

https://www.facebook.com/groups/6218204858190933/posts/6250153831662702/

 

AI ĐẦU TIÊN GỌI CHÍCH CHÒE LÀ CHÍCH CHÒE?

DƯƠNG TƯỜNG

 

Tháng 11/1995, trong chuyến thăm trường Đại học Columbia ở New York, tôi có dịp gặp P. Gordon, một nhà nghiên cứu Việt Nam học. Thật là một ngạc nhiên thú vị được bàn luận về thơ Việt Nam với một người Mỹ trên đất Mỹ. Trong cuộc trò chuyện, Gordon hỏi tôi đôi điều liên quan đến “cây diêu bông”: nó thuộc họ thực vật nào, hình dáng ra sao? tên khoa học của nó là gì? v.v... Bởi lẽ ông đã đọc và đã mê bài thơ Lá diêu bông của Hoàng Cầm và, cũng như khá nhiều độc giả khác, nhất định tin rằng có một loài cây gọi là “diêu bông” thật trong thiên thiên. Ông nói đã tra tất cả các loại từ điển tiếng Việt mà không ra. Tôi bèn nhân danh là bạn của nhà thơ xin lỗi đã để ông mất công đuổi theo một cái bóng bởi lẽ loài cây bí ẩn kia chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của nhà thơ mà thôi.

 

Diêu bông, tôi giải thích, thuộc loại từ “bịa”, tương tự như nonce-word (từ đặt ra để dùng trong một trường hợp đặc biệt) của Anh/Mỹ, nó còn quá mới để được đưa vào từ điển “chính quy” trong tình hình ngành từ điển học sơ sinh của Việt Nam chưa phát triển đủ mức để soạn ra những từ điển đặc chuyên kiểu Dictionary of Nonce-words của Anh/Mỹ hoặc Dictionaire des Neologisines của Pháp.

 

Do đâu mà nẩy ra cái từ diêu bông phi ngữ nghĩa song lại đầy biểu năng trực cảm ấy? Nói cách nào đó, diêu bông không biểu nghĩa, mà chủ yếu là biểu âm. Một trong những đặc thù của cái đẹp nơi chữ thơ, tôi nghĩ, là sự lên ngôi của con âm thay vì con nghĩa. Hãy một lần nữa nghe bà cô tổ Hồ Xuân Hương của chúng ta biểu âm sự nứt ra của một động Hương Tích: Bày đặt kìa ai khéo khéo phòm

 

Cái động từ phòm (hình như chỉ được dùng hai lần trong thơ Hồ Xuân Hương, ngoài ra không gặp ở đâu khác) cũng thuộc loại từ “bịa” phi ngữ nghĩa mà biểu năng trực cảm của nó kỳ diệu đến nỗi ai cũng hiểu tác giả định nói gì. Không có khả năng như tạo hóa “bịa” ra, chẳng hạn, một động Hương Tích thì nhà thơ “bịa” ra chữ! Những chữ tinh khôi tự nhiên như bản thân sự sống, vừa ra đời đã trở thành những thực thể.

 

Thi sĩ, tôi quan niệm, là kẻ đầu tiên kéo thế giới ra khỏi vùng khuyết danh. Mà khuyết danh có nghĩa là chưa tồn tại. Thi sĩ cho sự vật một cái tên mà trước đó nó chưa có - tức là đưa nó vào tồn tại. Ai đầu tiên gọi chích chòe, khi nó còn khuyết danh, là chích chòe, người ấy đích thị là một nhà thơ. Loài chim ấy ắt đã có từ rất lâu trước đó, người ta hẳn đã nhiều lần thử đặt cho nó một cái tên nhưng không đậu và chỉ đến khi ai đó, trong một lóe chớp thần hứng, bật thốt lên hai âm tiết chích chòe trúng pắp, không gì thay thể nổi, thì nó mới thực sự tồn tại, thêm cho trời đất một cái gì không chỉ đơn thuần là một loài chim.

 

Hoàng Cầm đã “bịa” ra một loài cây cho ai kia bỏ một đời đi tìm lá dẫu biết chẳng bao giờ thấy được. Hư ảnh đã ngự vào đời thực, trở thành một thực thể trường tồn, chí ít cũng dài lâu hơn đời nhà thơ.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats