Monday, 9 January 2023

2023 và 10 MỐI NGUY CỦA THẾ GIỚI (theo TIME)

 



2023 và 10 mối nguy của thế giới 

Đàn Chim Việt

06/01/2023

https://www.danchimviet.info/2023-va-10-moi-nguy-cua-the-gioi/01/2023/27876/

 

https://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2023/01/324181802_927140001786666_1090486018158103442_n-768x429.jpg

Vladimir Putin và Tập Cận Bình

 

1- Putin bất hảo

Một nước Nga do Putin lãnh đạo bị dồn vào chân tường sẽ biến từ người thu xếp các vấn đề toàn cầu thành quốc gia bất hảo sừng sỏ nhất thế giới, gây ra mối nguy nghiêm trọng và lan rộng cho châu Âu, Mỹ và xa hơn. Sa lầy tại Ukraine, không còn gì để mất thêm sau khi bị phương Tây cô lập và trả đũa, đối mặt với nhiều áp lực trong nước phải thể hiện sức mạnh, Nga sẽ chuyển sang chiến tranh bất đối xứng chống lại phương Tây thông qua hàng nghìn vụ gây rối, pháo kích lẻ tẻ thay vì bằng sự gây hấn công khai dựa vào sức mạnh quân sự và kinh tế mà Nga không còn.

 

Lời hù dọa hạt nhân của Putin sẽ leo thang. Các tin tặc liên hệ với Điện Kremlin sẽ tăng cường các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi vào các công ty, chính phủ và cơ sở hạ tầng phương Tây. Nga sẽ thò tay mạnh vào các cuộc bầu cử phương Tây bằng cách hỗ trợ và tài trợ một cách có hệ thống cho những thông tin sai lệch và những nhóm theo chủ nghĩa cực đoan. Các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng của Ukraine sẽ tiếp tục.

 

Tóm lại, một nước Nga bất hảo là mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu, các hệ thống chính trị phương Tây, không gian mạng và an ninh lương thực. Chưa kể tất cả người dân Ukraine.

 

2- Hoàng đế Tập

Tập Cận Bình đang nắm chặt quyền chỉ huy bao la đối với hệ thống chính trị của Trung Quốc kể từ sau Mao Trạch Đông, không gặp nhiều giới hạn khi muốn thực hiện chủ trương và chính sách dựa trên dân tộc chủ nghĩa. Vì không có tiếng nói bất đồng nào thách thức quan điểm của mình, khả năng Tập mắc phải những sai lầm chiến lược lớn cũng bao la, tạo thành một thách thức toàn cầu to lớn do vai trò quá bao trùm hiện nay của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới.

 

Trong năm nay có rủi ro trong ba lĩnh vực, tất cả đều bắt nguồn từ Hoàng đế này. Sự lây lan của COVID sẽ tiếp tục, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng vì những  quyết định dựa vào ý muốn của một người. Nỗ lực kiểm soát của ông Tập đối với nền kinh tế Trung Quốc sẽ tạo ra các quyết định tùy tiện, bất ổn định của chính sách và làm tăng thêm tính bất định của  một quốc gia vốn đã suy yếu sau hai năm kiểm soát Covid một cách cực đoan. Cuối cùng, quan điểm dân tộc chủ nghĩa và chính sách đối ngoại quyết đoán của Tập sẽ ngày càng kích động sự phản kháng từ phương Tây và từ các nước láng giềng châu Á của Trung Quốc.

 

3- Vũ khí gây rối hàng loạt

Những tiến bộ gần đây làm thay đổi cách trí tuệ nhân tạo (AI) lèo lái, kiểm soát  con người và gây xáo trộn xã hội, và năm 2023 sẽ là điểm bùng phát cho xu hướng này. Một hình thức mới, được gọi là AI phát sinh, sẽ cho phép người dùng tạo ra hình ảnh, video và chữ viết y như thật, chỉ cần một vài câu ra lệnh. Trong một số trường hợp, máy móc sẽ bắt chước trí tuệ của con người, khiến cho người ta không biết cái nào là do AI, cái nào là do con người tạo ra. Những tiến bộ trong lĩnh vực deepfake, nhận dạng khuôn mặt và phần mềm tổng hợp giọng nói sẽ khiến quyền kiểm soát hình ảnh của con người trở thành tàn tích của quá khứ.

 

Những công cụ này sẽ giúp những kẻ chuyên quyền làm suy yếu nền dân chủ ở nước ngoài và kìm hãm sự bất đồng chính kiến ở trong nước, giúp những kẻ mị dân và dân túy biến AI thành vũ khí để đạt lợi ích chính trị hẹp hòi, khiến dân chủ và xã hội dân sự phải trả giá.

 

4- Những sóng chấn động của lạm phát

Cú sốc lạm phát toàn cầu khởi sự từ Mỹ vào năm 2021 và ảnh hưởng toàn thế giới vào năm 2022 sẽ có tác động lan tỏa mạnh mẽ về kinh tế và chính trị vào năm 2023. Nó sẽ là nguồn chính của suy thoái kinh tế toàn cầu, làm tăng thêm sự biến động của thị trường và căng thẳng tài chính, đồng thời tạo ra những tác động gây rối trong lĩnh vực chính trị ở mọi khu vực trên thế giới.

 

5- Iran vẫn còn lù lù

Các cuộc biểu tình chống chính phủ trên cả nước vẫn tiếp tục. Iran đã leo thang chương trình hạt nhân theo kiểu đầy kịch tính, bịt mọi nẻo đường khôi phục thỏa thuận hạt nhân. Và bây giờ Iran lại cung cấp vũ khí giết người cho quân đội Putin. 2023 sẽ có những cuộc đối đầu mới giữa phương Tây và Iran, khi nước này phải đối mặt với những chống đối ở bên trong và đả kích ở bên ngoài.

 

6- Khủng hoảng năng lượng

Sự kết hợp của các yếu tố địa chính trị, kinh tế và sản xuất sẽ tạo ra điều kiện thị trường năng lượng siết chặt hơn nhiều, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2023, làm tăng chi phí cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, làm tăng gánh nặng tài khóa đối với các nước nhập khẩu và mở rộng rạn nứt giữa OPEC+ và các nước tiêu thụ nhiều năng lượng.

 

7- Phát triển toàn cầu bị chững lại

Trong vòng 50 năm qua, GDP toàn cầu tăng gấp ba lần, hầu hết mọi quốc gia đều trở nên giàu có hơn và hơn một tỷ người đã thoát khỏi cảnh nghèo đói cùng cực để gia nhập hàng ngũ tầng lớp trung lưu, lần đầu tiên trong lịch sử. Thành quả đó đã bị đảo ngược bởi những cú sốc mạnh va vào nhau: đại dịch Covid-19, cuộc chiến Nga-Ukraine và sự gia tăng lạm phát toàn cầu.

 

Trong năm 2023, hàng tỷ người sẽ dễ bị tổn thương hơn do những thất thoát kinh tế, an ninh và chính trị. Tầng lớp trung lưu toàn cầu sẽ thu hẹp và tiếp theo là những bất ổn chính trị trong nội bộ và giữa các quốc gia.

 

8- Liên bang hay lang bang Hoa Kỳ?

Cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022 tại Mỹ đã tránh được một cuộc khủng hoảng hiến pháp ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống kế tiếp, sau khi cử tri cho rơi đài hầu như tất cả các ứng cử viên nào phủ nhận hoặc đặt câu hỏi về tính hợp pháp của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Nhưng Hoa Kỳ vẫn là một trong những quốc gia phân cực chính trị và mất đoàn kết nhất trong số các nền dân chủ công nghiệp tiên tiến khi bước vào năm 2023.

 

Sự khác biệt gay gắt về chính sách giữa các tiểu bang đỏ và xanh sẽ khiến các công ty Mỹ và nước ngoài khó coi Mỹ là một thị trường có mạch lạc, bất chấp Hoa Kỳ có thế mạnh kinh tế rõ ràng. Nguy cơ bạo lực chính trị vẫn còn cao.

 

9- Tik Tok bùng nổ

Ra đời từ giữa những năm 1990 đến đầu những năm 2010, Thế hệ Z (sinh từ 1997 đến 2012) là thế hệ đầu tiên không thể sống mà thiếu internet. Các thiết bị kỹ thuật số và phương tiện truyền thông xã hội đã kết nối đám này xuyên biên giới để thực sự tạo ra thế hệ toàn cầu đầu tiên. Và điều đó khiến họ trở thành một tác nhân chính trị và địa chính trị mới, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu.

 

Thế hệ Z có cả khả năng và động lực tụ tập để định hình lại chính sách của chính quyền và doanh nghiệp, khiến hoạt động các công ty ở khắp mọi nơi trở nên khó khăn hơn và gây xáo trộn chính trị chỉ bằng một nút bấm.

 

10- Căng thẳng về nước

Năm nay, căng thẳng về nước sẽ trở thành một thách thức toàn cầu và mang tính hệ thống… trong khi các chính phủ vẫn coi đó là một cuộc khủng hoảng tạm thời. Căng thẳng về nước đòi hỏi phải chuyển đổi từ khủng hoảng nước sang quản lý rủi ro về nước. Sự thay đổi đó sẽ không thành hiện thực vào năm 2023, khiến các nhà đầu tư, công ty bảo hiểm và công ty tư nhân phải tự mình tìm ra cách giải quyết.

 

Tranh tối tranh sáng

Liệu điều kiện kinh tế xấu hơn ở Mỹ và châu Âu có ảnh hưởng đến mức viện trợ cho Ukraine chống Nga trong năm 2023?

 

Liệu Liên minh châu Âu sẽ duy trì sự đoàn kết mạnh mẽ bất chấp những dự đoán về xáo trộn nội bộ để giải quyết những thách thức có ưu tiên?

 

Liệu Đài Loan có trở thành một cuộc khủng hoảng an ninh?

 

Liệu những khó khăn nội bộ ở cả hai nước sẽ khiến căng thẳng chiến tranh công nghệ Mỹ – Trung vẫn còn trong tầm kiểm soát?

 

(Theo Time)

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats