Monday, 20 June 2022

THẾ GIỚI HÔM NAY : 20/06/2022 (The Economist)

 



 

Thế giới hôm nay: 20/06/2022

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

20/06/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/06/20/the-gioi-hom-nay-20-06-2022/

 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ​​sẽ mất thế đa số ở nghị viện, theo kết quả sơ bộ sau khi thùng phiếu đóng vào Chủ nhật. Dù liên minh theo đường lối trung dung của ông vẫn thắng, họ có thể sẽ mất hàng chục ghế trong Quốc hội 577 ghế của Pháp, khiến tổng thống khó thúc đẩy các cải cách hơn.

 

Nga nói cuộc tấn công vào Severodonetsk ở miền đông Ukraine đang diễn ra như kế hoạch và tuyên bố đã chiếm được khu dân cư Metyolkine ở rìa phía đông thành phố. Trong khi đó tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo cuộc chiến có thể sẽ kéo dài “nhiều năm.” Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nước ông “chắc chắn sẽ chiến thắng” khi đi thăm mặt trận phía nam.

 

Gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com của Trung Quốc công bố mức tăng trưởng doanh số bán hàng trong lễ hội mua sắm “618” thấp nhất từ ​​trước đến nay. Trong khoảng thời gian 18 ngày đến Chủ nhật, doanh số bán hàng của hãng chỉ tăng 10,3% so với 27,7% của cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy niềm tin tiêu dùng ở Trung Quốc đã bị lung lay nghiêm trọng do các đợt phong tỏa Covid-19 kéo dài, bên cạnh tình hình tăng trưởng kinh tế chậm đi.

 

Đức nói sẽ thực hiện các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo dòng chảy năng lượng trong trường hợp Nga giảm hoặc ngừng cung cấp khí đốt, như tập đoàn năng lượng Gazprom đã đe dọa. Cụ thể khí đốt sẽ bị cắt giảm trong công nghiệp và sản xuất điện. Tuy nhiên, bộ trưởng kinh tế Robert Habek cũng cảnh báo các nhà máy nhiệt điện than sẽ được dùng nhiều hơn để thay thế.

 

Thủ tướng Ireland nói việc Anh muốn viết lại thỏa thuận thương mại hậu Brexit đã ký với EU xoay quanh vấn đề Bắc Ireland là “hành vi phá hoại kinh tế.” Michael Martin lập luận rằng kế hoạch của Anh, được trình lên quốc hội vào thứ Hai tuần trước, là “chủ nghĩa đơn phương tồi tệ nhất.” EU đang tiến hành các động thái pháp lý chống lại Anh xoay quanh dự luật này.

 

Biểu tình lớn đã nổ ra ở thủ đô Tunis của Tunisia nhằm phản đối cuộc trung cầu dân ý về hiến pháp của Tổng thống Kais Saied vào ngày 25 tháng 7 tới. Những người phản đối tổng thống cho rằng các thay đổi do ông đề xuất sẽ đưa đất nước đến chế độ độc tài. Trước đó đã có biểu tình tương tự vào thứ Bảy và một cuộc đình công trên toàn quốc vào thứ Năm. Các đảng đối lập tuyên bố sẽ tẩy chay trưng cầu dân ý.

 

Sau khi khám nghiệm tử thi, cảnh sát Brazil cho biết nhà báo Anh Dom Phillips và chuyên gia về các dân tộc bản địa Bruno Pereira đã bị bắn chết bằng một khẩu súng sử dụng “loại đạn săn thông thường.” Hai người này mất tích ở Thung lũng Javari xa xôi gần hai tuần trước, và thi thể của họ được tìm thấy vào thứ Tư vừa qua. Ba nghi phạm đã bị bắt.

 

Con số trong ngày: 13%, là tỷ trọng của ngành chế tạo trong GDP của các nước OECD, thấp nhất trong lịch sử.

 

TIÊU ĐIỂM

 

Kỳ vọng lạm phát lên cao

Dù các nhà kinh tế dự đoán gia tăng lạm phát toàn cầu sẽ sớm kết thúc, công chúng lại nghĩ khác. Một thước đo toàn cầu về kỳ vọng lạm phát của mọi người trong năm tới hiện đạt mức 4% cho tháng 5, tăng từ 2,3% của một năm trước. Các thước đo kỳ vọng lạm phát khác dường như cũng đang tăng lên. Vấn đề là những kỳ vọng này sẽ chuyển hóa thành hành vi kinh tế thực tế – chẳng hạn như yêu cầu tăng lương hoặc các quyết định về giá cả – từ đó khiến lạm phát tăng.

Thật vậy, các ngân hàng trung ương có thể gặp khó khăn trong việc kiểm soát kỳ vọng lạm phát. Sau nhiều thập niên lạm phát thấp và ổn định, rất ít người chú ý đến những gì Jerome Powell, Christine Lagarde, hay Andrew Bailey, nói, hoặc thậm chí không biết họ là ai. Còn nhớ vào những năm 1980, chủ tịch Fed Paul Volcker đã nỗ lực xây dựng hình ảnh của mình như một nhân vật chống lạm phát. Ronald Reagan và Margaret Thatcher cũng được biết đến với lòng nhiệt thành chống lạm phát. Có lẽ đã đến lúc biến lạm phát thành kẻ thù của công chúng.

 

Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng sang vùng Sừng châu Phi

Trung Quốc dường như đang sửa lại chính sách “không can thiệp” bấy lâu nay của họ. Vào thứ Hai, một “hội nghị hòa bình” do Trung Quốc tổ chức sẽ khai mại tại Addis Ababa, thủ đô Ethiopia, sau khi nước này bổ nhiệm một đặc phái viên cho khu vực, nơi thường căng thẳng với các cuộc xung đột sắc tộc, lãnh thổ và tài nguyên, bao gồm cả cuộc nội chiến giữa chính phủ liên bang Ethiopia và vùng Tigray.

 

Trung Quốc không nói nhiều về mục đích của mình, ngoài việc giải quyết các thách thức về “an ninh, phát triển và quản trị.” Bảo vệ các khoản đầu tư kinh tế đáng kể trong khu vực có lẽ là mối quan tâm chính của họ. Nhưng Trung Quốc cũng không có khả năng sẽ đứng ra làm trung gian hòa giải trực tiếp cho cuộc nội chiến của Ethiopia. Các nhóm nổi loạn đều không được mời. Eritrea – nước thường gây ra bất ổn trong khu vực – cũng sẽ không tham dự. Nhìn chung, hội nghị khó có thể giải quyết tận gốc tình trạng bất ổn của vùng Sừng châu Phi.

 

Sri Lanka cầu cứu IMF

Những ngày này Sri Lanka thường khá vắng vẻ. Có lẽ chỉ có các quan chức hối hả đến họp khẩn cấp. Giao thông công cộng đã phải dừng. Từ thứ Hai, các trường học và văn phòng nhà nước cũng sẽ đóng cửa hai tuần. Thứ Sáu bắt đầu được tính là ngày nghỉ, trong nỗ lực tiết kiệm nhiên liệu. Với tình trạng mất điện kéo dài và thiếu thuốc men, Sri Lanka đang đứng trước một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Còn giá lương thực tăng vọt vì thiếu phân bón trầm trọng.

 

Một phái đoàn từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ đến thăm thủ đô Colombo vào thứ Hai để thảo luận về một gói giải cứu. Trước đó vào ngày 22 tháng 5, Sri Lanka lần đầu tiên vỡ nợ. Giá năng lượng cao và đại dịch covid-19 góp phần gây ra khủng hoảng, nhưng chính sách kinh tế sai lầm của chính phủ cũng không vô can. Vào tuần trước, thống đốc ngân hàng trung ương thừa nhận chính phủ đã có thể cầu cứu IMF sớm hơn. Nhưng muộn vẫn còn hơn không.

 

Quá trình thay đổi bản đổi ranh giới đơn vị bầu cử năm nay của Mỹ sắp khép lại

Thứ Hai là hạn chót cho Louisiana nộp bản đồ đơn vị bầu cử Quốc hội mới. Một thẩm phán liên bang đã bác bỏ đề xuất trước đó — vốn được cơ quan lập pháp bang do đảng Cộng hòa nắm thông qua dù bị thống đốc Dân chủ phủ quyết — vì vi phạm quyền bỏ phiếu do không có đủ số đơn vị có đa số là người da đen. Louisiana là tiểu bang duy nhất còn lại chưa có bản đồ cho cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11. Nếu phiên bản này được thông qua, chu kỳ tái phân chia khu vực đầy tranh cãi của Mỹ sẽ kết thúc.

 

Sau cuộc điều tra dân số mười năm một lần vào năm 2020, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã cạnh tranh nhau để vẽ lại bản đồ đơn vị bầu cử Quốc hội theo hướng có lợi cho họ, một quá trình được gọi là gerrymandering. Các tòa án thỉnh thoảng chặn những nỗ lực quá trớn — như ở Louisiana, để không gây ra bất bình đẳng cho các nhóm chủng tộc thiểu số. Ở một số bang, như Ohio, đảng Cộng hòa đơn giản là phớt lờ tòa án. Nhìn chung trên toàn quốc, cán cân đảng phái vẫn ổn định, nhưng số lượng các khu vực cạnh tranh đã giảm dần. Tòa án Tối cao thậm chí có thể sẽ phán quyết vào năm tới để mở rộng hơn nữa quyền gerrymandering của các bang. Các cử tri nhiều khả năng sẽ bị mắc kẹt với thêm nhiều ứng cử viên cực đoan hơn nữa.





No comments:

Post a Comment

View My Stats