Monday, 20 June 2022

HỆ QUẢ VỤ VIỆT Á : TIỀN HOA HỒNG KHỦNG và NẠN KHAN HIẾM THUỐC Y TẾ (BBC News Tiếng Việt)

 



Hệ quả vụ Việt Á: Tiền hoa hồng khủng và nạn khan hiếm thuốc y tế

BBC News Tiếng Việt

21/06/2022

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-61868802

 

Tin tức hôm 20/06/2022 cho hay giám đốc CDC Đà Nẵng là cái tên mới nhất trong danh sách rất dài các quan chức y tế Việt Nam bị khởi tố vì đại án Việt Á.

 

Vụ đại án làm rung chuyển ngành y tế còn có một hệ quả khác là gây nên tâm lý sợ đấu thầu thuốc và thiết bị y tế, dẫn tới hậu quả là bệnh nhân thiếu thuốc và vật tư y tế trầm trọng.

 

Chiều 20/6, Giám đốc CDC Đà Nẵng, ông Tôn Thất Thạnh, đã bị khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng về hành vi "tham ô tài sản", Cổng thông tin điện tử Bộ Công an Việt Nam đưa tin.

 

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng đã khám xét, thu giữ tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án tại nơi ở và nơi làm việc của ông Thạnh.

 

Kết quả điều tra xác định từ năm 2020-2021, ông Tôn Thất Thạnh đã chỉ đạo nhân viên "thoả thuận với Công ty Việt Á, làm giả sổ sách, chứng từ báo cáo tiêu hao tăng lên so với thực tế sử dụng các bộ kit xét nghiệm Covid-19 mua của Việt Á".

 

Ngoài ra, hàng chục ngàn bộ kít được tài trợ cũng bị "hô biến" thành hàng Việt Á.

 

Tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạn là hơn 4 tỷ đồng.

 

Ngoài ông Tôn Thất Thạnh, cơ quan cảnh sát điều tra cũng tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Trưởng khoa xét nghiệm CDC Đà Nẵng), và cấm đi khỏi nơi cư trú Lê Thị Kim Chi (nhân viên khoa xét nghiệm CDC Đà Nẵng) về cùng tội danh.

 

Ông Thạnh chỉ là một cái tên trong danh sách rất dài các lãnh đạo CDC trên toàn quốc bị bắt vì nhận hoa hồng trong đại án Việt Á. Có tới 62/63 tỉnh, thành phố mua kít xét nghiệm Covid-19 của Việt Á, đơn vị duy nhất không mua là TP.HCM.

 

Đại án Việt Á: 'Quy mô kinh khủng, còn thế lực nào đằng sau?'

Việt Nam: Bộ Công an và Quốc phòng phối hợp điều tra vụ Việt Á

Covid-19: 'Khó hiểu vì kit xét nghiệm Việt Á được các bộ VN chấp thuận'

 

"Hoa hồng" trên hoạn nạn của đồng bào

 

Theo báo cáo chính thức của Bộ Công an Việt Nam, cách thức làm việc của Công ty Việt Á tại các CDC khá giống nhau, đều là nâng khống giá cao hơn giá thành sản xuất rồi câu kết với các lãnh đạo CDC để chỉ định thầu cho Việt Á.

 

"Để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, tăng doanh thu lợi nhuận và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, Phan Quốc Việt còn thoả thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn", báo cáo nêu rõ.

 

Trong vụ án tại CDC Hải Dương, theo Bộ Công an Việt Nam, ông Phan Quốc Việt đã chi tiền 'hoa hồng' cho Phạm Duy Tuyến, giám đốc CDC, số tiền gần 30 tỷ đồng.

 

"Theo lời khai ban đầu của Phan Quốc Việt thì Việt đã 'bắt tay' với các đối tác nâng khống giá kit xét nghiệm lên khoảng 45%, số tiền Việt Á thu về trong vụ này là trên 500 tỷ đồng; số tiền 'hoa hồng' cho các 'đối tác' là gần 800 tỷ đồng", một báo cáo của Bộ Công an cho thấy.

 

Luật sư Nguyễn Chiến, đại biểu Quốc hội khoá 14, nói trên VOV: "CDC Bắc Giang nhận 'hoa hồng' 44 tỷ đồng trên tổng giá trị hợp đồng là 148 tỷ đồng, nghĩa là tới 30%, một con số không ai có thể ngờ. 'Ăn' ngay giữa lúc đồng bào cả nước hoạn nạn là hành vi không thể chấp nhận được".

 

Luật sư Chiến khẳng định để có sự nâng giá thiết bị này phải có sự câu kết, móc ngoặc giữa bên mua và bên bán để cùng trục lợi.

 

VIDEO : https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-61868802

Ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh bị khởi tố, tạm giam, khám nhà

 

Trong khi Bộ Công an Việt Nam khẳng định việc điều tra, truy tố nhằm ngăn chặn những "biến thể Việt Á" trong tương lại, thực tế hai chữ "hoa hồng" dường như lại không hề xa lạ với những người trong ngành y. Vụ án ở Bệnh viện Bạch Mai cũng liên quan đến việc móc ngoặc nâng khống giá để ăn chênh lệch.

 

Vụ án VN Pharma nhập thuốc giả cũng có bóng dáng của "hoa hồng". Nguyễn Minh Hùng, nguyên Tổng giám đốc VN Pharma, khai tại toà rằng công ty này cũng nâng khống giá thuốc và chi hàng tỷ đồng tiền hoa hồng cho các bác sĩ và lãnh đạo bệnh viện.

 

"Để bán được thuốc tại các bệnh viện, công ty phải chi phí hoa hồng. Với tất cả các loại thuốc, chúng tôi đều phải chi khoản tiền này", báo Người Lao động trích lời một bị cáo Lê Thị Vũ Phương (nguyên kế toán trưởng VN Pharma) trong phiên toà năm 2017.

 

Thiếu thuốc do 'e ngại bị thanh tra'

 

Tuy nhiên, song song với hàng loạt lãnh đạo CDC và Bộ Y tế bị bắt giam, tình trạng thiếu thuốc và sinh phẩm y tế lại đang xảy ra ở các bệnh viện và trung tâm y tế.

 

Ngày 17/06, trong một thông báo đăng trên website, Bộ Y tế Việt Nam thừa nhận một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là do "tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ được thanh tra, kiểm tra, do vậy không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm của một số địa phương và đơn vị".

 

"Một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung như trước, nhưng các đơn vị vẫn tỏ ra lúng túng hoặc e ngại trong tổ chức thực hiện,"

 

"Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc ung ứng hàng hoá cho các đơn vị công do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, khó khăn", thông báo có đoạn.

 

Là địa phương duy nhất không liên quan đến đại án Việt Á nhưng Sở Y tế TP HCM cũng thừa nhận đang có hiện tượng nhân viên y tế ngại mua sắm, đấu thầu thuốc và các trang thiết bị vật tư y tế do sợ mắc sai phạm, bị kỷ luật.

 

Hồi tháng 5, một bệnh nhân 4 tuổi ở Phú Yên bị rắn độc cắn và được đưa đi cấp cứu tại trung tâm y tế huyện ngay trong đêm. Bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện tỉnh, bác sĩ liên hệ cả 2 bệnh viện tại TP HCM nhưng đều không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia. Sau 5 ngày nằm viện, bệnh nhân suy gan, thận, không đáp ứng thuốc nên được đưa về nhà và qua đời một ngày sau đó.

 

Phát biểu trước Quốc hội hồi tháng 5, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (bác sĩ, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) khẳng định "không thể vì những vi phạm xảy ra mà cả một ngành tê liệt".

 

Ông Hiếu cũng cho rằng những người trong ngành y đang 'loay hoay' vì đụng đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai khi hệ thống luật pháp chưa hoàn chỉnh".

 

Ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tỏ ra có quyết tâm lớn trong việc truy cứu các quan chức nhiều bộ ngành liên quan đến vụ Việt Á, từ ngành quân y, Bộ Y tế cho tới Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

 

Việc bắt cả Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và Chủ tịch HN Chu Ngọc Anh (cựu lãnh đạo Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường) hồi đầu tháng 6 đã gây chấn động chính trường Việt Nam.

 

------------------

Xem thêm:

Ông Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh có thể bị tù 15-20 năm?

Việt Nam: Bộ Công an và Quốc phòng phối hợp điều tra vụ Việt Á

Covid-19: 'Khó hiểu vì kit xét nghiệm Việt Á được các bộ VN chấp thuận'





No comments:

Post a Comment

View My Stats