Wednesday 1 June 2022

SAU KHI CẤM VẬN DẦU NGA, EU TÌM CÁCH GIÚP UKRAINE XUẤT CẢNG LƯƠNG THỰC (Hiếu Chân / Saigon Nhỏ)

 



Sau khi cấm vận dầu Nga, EU tìm cách giúp Ukraine xuất cảng lương thực

Hiếu Chân
31 tháng 5, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/sau-khi-cam-van-dau-nga-eu-tim-cach-giup-ukraine-xuat-cang-luong-thuc/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/05/GettyImages-1240976691.jpg

Một trong những kho chứa lúa mì của Ukraine ở làng Kopyliv, cách thủ đô Kyiv 45 km, bị phi pháo của Nga phá hoại hôm 28 tháng Năm 2022. Trước chiến tranh, Ukraine là nước xuất cảng lúa mì hàng đầu thế giới nhưng nay hàng triệu tấn lúa mì bị bỏ mặc trong các hải cảng vì bị Nga phong tỏa, góp phần gây ra cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu. Ảnh Dogukan Keskinkilic/Anadolu Agency via Getty Images.

 

Một ngày sau khi đồng ý trừng phạt Nga bằng lệnh cấm nhập khẩu lượng dầu trị giá hàng tỷ đô la mỗi ngày, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hôm thứ Ba (31/5)  đã phải tìm cách giúp Ukraine xuất khẩu hàng triệu tấn ngũ cốc đang bị Nga phong tỏa tại các hải cảng. 

 

Ukraine là một “cường quốc” về sản xuất và xuất cảng lúa mì, hạt cải dầu và nhiều loại ngũ cốc. Ngay sau khi chiến tranh với Nga nổ ra, hải quân Nga đã phong tỏa các hải cảng của Ukraine trên biển Hắc Hải và biển Azov, khiến cho hàng chục triệu tấn ngũ cốc của Ukraine không xuất cảng được, đe dọa một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Phong tỏa hải cảng cũng là một chiến thuật của Nga nhằm triệt hạ nền kinh tế Ukraine.

 

Các nhà lãnh đạo EU đang có một hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày tại Brussels, thủ đô Bỉ. Ngày hôm qua hội nghị đã đồng ý cấm nhập cảng xăng dầu của Nga nhằm làm suy yếu nguồn tài chính cho hoạt động chiến tranh của Kremlin. Ngày hôm nay thứ Ba 31 tháng Năm 2022, EU tiếp tục thảo luận tìm phương cách nối lại việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, tránh nguy cơ xảy ra nạn đói ở một số nước nghèo ở châu Phi và Trung Đông, vốn dựa vào nguồn cung cấp lương thực của Ukraine.

 

Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, cơ quan hành pháp của EU, đã đổ lỗi cho Nga gây ra cuộc khủng hoảng lương thực và  cáo buộc Tổng thống Vladimir Putin đang “vũ khí hóa” lương thực thực phẩm. Cuộc khủng hoảng lương thực đang diễn ra “chỉ là lỗi của Nga”, bà von der Leyen nói và dẫn chứng sự kiện Nga đã phong tỏa 22 triệu tấn ngũ cốc ở Ukraine, bắn phá các nhà kho cất giữ lúa mì và đặt mìn các cánh đồng.

 

Châu Âu đã yêu cầu Nga mở “một hành lang an toàn” trên biển Hắc Hải bằng cách nới lỏng các biện pháp phong tỏa để các tàu biển chở ngũ cốc của Ukraine, và cả của Nga, được ra vào các hải cảng, vận chuyển lương thực ra thị trường thế giới. Kremlin cho biết, Nga chỉ thực hiện yêu cầu đó với điều kiện Ukraine phải tháo gỡ mìn quanh cảng Odessa trên biển Hắc Hải và Phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, phải nới lỏng các biện pháp cấm vận xuất khẩu hàng hóa Nga.

 

                                                                       ***

Nỗi lo một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang gay gắt khi Nga liên tục tấn công vào năng lực sản xuất và xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, cản trở nguồn cung cấp từ một trong những “lò bánh mì” của thế giới. Nhưng việc đàm phán để gỡ bỏ biện pháp phong tỏa của Nga đặt EU trước hàng loạt thách thức: đối đầu hoặc thỏa hiệp với Nga.

 

Về phần mình, Hoa Kỳ cũng nóng lòng muốn thúc đẩy việc xuất cảng ngũ cốc của Ukraine và Nga ra thị trường để góp phần làm giảm giá lương thực toàn cầu – một trong những yếu tố quan trọng gây ra lạm phát cao ở Mỹ và các nền kinh tế Phương Tây. Đại sứ, Trưởng phái bộ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Thomas-Greenfield cho biết Hoa Kỳ sẽ viết “thư bảo đảm” cho các hãng tàu biển và công ty bảo hiểm để họ yên tâm rằng vận chuyển ngũ cốc, phân hóa học của Nga ra thị trường là không vi phạm các lệnh cấm vận.

 

Trong một diễn biến liên quan, Nga có thể sẽ hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ – một thành viên NATO nhưng không là thành viên EU và có mối quan hệ gần gũi với Moscow – để mở đường xuất cảng ngũ cốc của Ukraine qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ. Báo The New York Times hôm thứ Ba 31 tháng Năm dẫn lời Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết một phái đoàn quân sự của Nga do Ngoại trưởng Sergei Lavrov dẫn đầu sẽ đến Ankara, thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 8 tháng Sáu sắp tới để thảo luận với Bộ Quốc Phòng Thổ Nhĩ Kỳ việc mở hành lang an toàn cho tàu bè chở ngũ cốc qua biển Hắc Hải. Được biết hôm qua thứ Hai, Tổng thống Nga Putin đã có cuộc điện đàm với người đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, tỏ ý muốn phối hợp với Thổ để nối lại việc xuất khẩu hàng hóa bằng đường biển. Ông Putin có vẻ lo ngại những chuyến tàu đến cảng Odessa để nhận ngũ cốc có thể chở theo vũ khí mà phương Tây viện trợ cho Ukraine. 

 

Hồi đầu tháng Năm, Liên Hiệp Quốc cho biết tổ chức quốc tế này muốn đứng ra dàn xếp một thỏa thuận về xuất cảng ngũ cốc giữa Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tránh một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

.

-------------------

.

.

Châu Âu đồng ý cấm nhập cảng dầu của Nga

Bình Phương

30 tháng 5, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/chau-au-dong-y-cam-nhap-cang-dau-cua-nga/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/05/GettyImages-1241004651.jpg

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel thông báo với báo chí khuya ngày 30 tháng Năm rằng EU đã phá vỡ được bế tắc và đạt thỏa thuận cấm nhập cảng xăng dầu của Nga bằng đường biển. Ảnh Didier Lebrun / Photonews via Getty Images

 

Sau nhiều tuần tranh cãi quyết liệt, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hôm thứ Hai 30 Tháng Năm 2022  đã đồng ý cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay, khai thông được sự bế tắc trong việc thỏa thuận về biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất đối với hành vi xâm lược của Nga tại Ukraine.

 

“Thỏa thuận cấm xuất khẩu dầu của Nga sang EU. Điều này ngay lập tức bao gồm hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga, cắt giảm một nguồn tài chính khổng lồ cho cỗ máy chiến tranh của nước này. Gây áp lực tối đa lên Nga để chấm dứt chiến tranh”, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết trong một tweet vào cuối ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày với 27 nhà lãnh đạo của khối.

 

Các nhà ngoại giao cho biết thỏa thuận này sẽ mở đường cho các biện pháp khác trong gói lệnh trừng phạt thứ sáu của EU đối với Nga, bao gồm việc loại ngân hàng lớn nhất của Nga, Sberbank, khỏi hệ thống thông tin thanh toán toàn cầu SWIFT.

 

Theo nội dung thỏa thuận được tiết lộ với báo chí, EU sẽ cấm nhập cảng dầu mỏ được vận chuyển bằng đường biển đến các hải cảng EU, nhưng không cấm việc nhập dầu được chuyển qua các hệ thống đường ống trên đất liền. Hai phần ba số dầu của Nga nhập cảng vào EU được vận chuyển bằng tàu biển, một phần ba được chuyển qua đường ống Druzhba tới các nước không giáp biển như Hungary, Ba Lan.

 

Một lệnh cấm vận dầu mỏ như vậy do đó sẽ không ảnh hưởng tới Hungary – một quốc gia không giáp biển, phụ thuộc nhiều vào dầu thô từ Nga – và những nước khác lo ngại về tác động kinh tế của lệnh cấm này. Cho đến nay, Hungary là nước phản đối mạnh nhất lệnh cấm nhập cảng dầu của Nga và khiến cho các cuộc thảo luận rơi vào bế tắc. Slovakia, Cộng hòa Czech và Đức, những nước cũng nhập cảng dầu của Nga bằng đường ống, cam kết loại bỏ nguồn cung cấp này trong khi Hungary không đưa ra bất kỳ sự đảm bảo nào như vậy.

 

Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã phê phán các nhà lãnh đạo EU quá mềm mỏng với Moscow. “Tại sao các vị phụ thuộc vào Nga, vào áp lực của họ chứ không phải là ngược lại? Nga phải phụ thuộc vào các vị mới phải. Tại sao Nga vẫn nhận được mỗi ngày gần một tỷ euro tiền bán dầu khí? Tại sao các ngân hàng của bọn khủng bố vẫn làm việc với châu Âu và hệ thống tài chính toàn cầu?” ông Zelenskiy nói trong một phát biểu qua video hằng ngày.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/05/GettyImages-1387659779-780x528-1.jpg

Người dân Berlin Đức đi xe đạp với biểu ngữ: “Nói không với xăng dầu và khí đốt của Putin” để phản đối hành động bắt chẹt của nhà lãnh đạo Nga. Ảnh Sean Gallup/Getty Images

 

Guồng máy chiến tranh của Tổng thống Vladimir V. Putin được tài trợ bằng nguồn thu từ việc bán dầu thô, xăng dầu tinh chế và khí đốt tự nhiên của Nga, chiếm phần lớn doanh thu xuất khẩu của đất nước, chủ yếu do các công ty năng lượng do nhà nước kiểm soát. Chiến tranh làm xăng dầu và khí đốt tăng giá, chỉ riêng các nước EU đã phải trả $23 tỷ mỗi tháng để mua dầu của Nga. 

 

Các nhà phân tích cho rằng Nga sẽ tiếp tục tìm được khách hàng mua dầu của mình, đặc biệt là hai khách hàng lớn Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng khối lượng bán và lợi nhuận có thể sẽ giảm đáng kể khi lệnh cấm vận của EU có hiệu lực.

 

Châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu của Nga – 27% lượng dầu thô nhập khẩu vào EU đến từ Nga. Với lệnh cấm vận mới, tình trạng thiếu khí đốt và dầu ở EU là một khả năng có thật.

 

-----------------

Đọc thêm:

·         Putin dùng khí đốt làm vũ khí, châu Âu chật vật đối phó

·         Kinh tế Nga: Đòn cấm vận bắt đầu “ngấm tới xương”

Luật cấm vận Nga của Mỹ được tuân thủ như thế nào?




No comments:

Post a Comment

View My Stats