Wednesday, 1 June 2022

KHÔNG LỰC NGA "ĐÁNH ĐẤM" NHƯ THẾ NÀO? (Lê Tây Sơn / Saigon Nhỏ)

 



Không lực Nga “đánh đấm” như thế nào?

Lê Tây Sơn
31 tháng 5, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/khong-luc-nga-danh-dam-nhu-the-nao/

 

Trong cuộc chiến Ukraine, Nga đã bắn nhiều hỏa tiễn hơn so với số hỏa tiễn được bắn bởi bất kỳ quốc gia nào trong bất kỳ cuộc xung đột nào trên thế giới kể từ Đệ nhị Thế chiến, một kỷ lục. Nhưng theo các chuyên gia không chiến và dữ liệu mới mà tờ Newsweek thu thập được cho thấy tất cả không mang lại kết quả như Moscow mong muốn. “2,154 là số hỏa tiễn Nga đã tấn công các thành phố và cộng đồng của chúng tôi trong vòng hơn hai tháng. Thật khủng khiếp! – Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói vào tuần trước – Nga ném bom Ukraine không ngừng cả ngày lẫn đêm”.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/05/GettyImages-1240621522.jpg

Cảnh đổ nát tại Komyshuvakha (Zaporizhzhia Oblast, Ukraine), nơi hứng chịu đợt tấn công của 18 hỏa tiễn Nga vào giữa Tháng Năm 2022 (ảnh: Stringer/Anadolu Agency via Getty Images)

 

Thử so với chiến thuật của Không lực Mỹ

 

Tuy nhiên, không kích không giúp ích gì cho chiến thắng của Putin, ngoài việc mở ra những bài học quan trọng về chiến tranh tương lai. Kỷ lục thế giới tấn công bằng hỏa tiễn của Nga đã… tạo “điều kiện” để Ukraine bắn hạ chiếc máy bay thứ 200 của Nga, một kết quả đáng xấu hổ đối với một lực lượng không quân lớn gấp 15 lần đối phương! Sai lầm của Moscow trong việc không thiết lập được ưu thế trên bầu trời và nguồn cung vũ khí dẫn đường chính xác ngày càng cạn kiệt khiến cuộc chiến thêm khó khăn trong tình hình Nga không tận dụng được lợi thế áp đảo về quân số.

 

Chủ Nhật qua, Nga “khoe” đã tiêu diệt được 165 máy bay Ukraine kể từ khi bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt”, tức gần… gấp ba lần số máy bay chiến đấu có thể bay mà Ukraine có! Thống chế Không quân Anh về hưu Edward Stringer nhận định: “Vẫn không thấy dấu hiệu lực lượng không quân Nga có thể tiến hành một chiến dịch mới để giành lại ưu thế trên không”. Chiến dịch ở đây là nỗ lực phá hủy hệ thống phòng không của Ukraine, đặc biệt là làm tê liệt thông tin liên lạc và hệ thống cảnh báo sớm của Ukraine giúp quân đội nước này biết khi nào và từ đâu máy bay Nga sẽ đến.

 

Theo Stringer, Hoa Kỳ đã đặt ra “tiêu chuẩn vàng” cho một chiến dịch như vậy trong Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất, thông qua một “quy trình chiến thuật bài bản”. Một tướng lĩnh cao cấp của Không lực Hoa Kỳ đã nghỉ hưu, người giám sát các cuộc không chiến của Mỹ ở Iraq, Kosovo và Afghanistan giải thích:

 

“Qui trình đó là làm mù mắt kẻ thù, làm gián đoạn khả năng thông tin, bắn hạ máy bay chiến đấu và vô hiệu hóa sân bay của họ, làm hỏng hỏa tiễn đất đối không SAM, giành quyền kiểm soát bầu trời để bảo vệ lính Mỹ khỏi các cuộc tấn công từ trên không và làm suy giảm khả năng tác chiến của kẻ thù, giống như chúng ta đã làm tại Iraq năm 1991 và năm 2003. Nhờ vậy, quân đội mới giành được chiến thắng. Sẽ không bao giờ có thể chiến thắng nếu Mỹ không có lực lượng không quân mạnh mở đường”.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/05/GettyImages-1396455724.jpg

Một trực thăng Nga Mil Mi-8AMTSh bị bắn hạ tại Makariv, gần Kiev (ảnh: Nicola Marfisi/AGF/Universal Images Group via Getty Images)

 

Việc Nga không đi theo con đường này đã trở thành một “điều rất khó hiểu” của cuộc chiến Ukraine, một cuộc chiến khác thường khiến các nhà quan sát phương Tây đi hết từ bối rối này đến ngạc nhiên khác. Sau 48 giờ tấn công vào các hệ thống phòng không của Ukraine khi cuộc chiến bắt đầu, Moscow dường như đã từ bỏ việc theo đuổi cách làm được Mỹ xem là “ưu tiên số một” này.

 

Người Nga tấn công các sân bay và các ụ phòng không trong hai ngày đầu tiên nhưng hầu như không theo dõi hiệu quả đến đâu và bỏ lửng giữa chừng. Do đó, lực lượng không quân và phòng không khiêm tốn của Ukraine có thời gian để điều chỉnh, phân tán các hỏa tiễn phòng không, đặc biệt hỏa tiễn vác vai và tạo ra cái mà Stringer gọi là “Ưu thế trên không của người nghèo”. Sau đó, bị đe dọa bởi các hỏa tiễn SAM của Ukraine, Nga quyết định đưa ít máy bay ném bom ra ngoài chiến tuyến, giảm chỉ còn hơn 10% tổng số phi vụ, theo dữ liệu tình báo Mỹ được Newsweek kiểm chứng.

 

“Công phu”… phá cầu

 

Cách Odesa 60 km về phía Nam trên bờ Biển Đen là khu nghỉ mát Zatoka, nằm trải dài trên hai khe đất hẹp tạo thành cửa sông Dniester, con sông dài thứ ba châu Âu bên ngoài nước Nga. Cây cầu nối Odesa với một khu vực được gọi là Budjak, phần phía Nam của Bessarabia lịch sử, một tiền đồn của Đế quốc Ottoman được sáp nhập vào Nga năm 1812.

 

Với dân số 600,000, Budjak là cửa ngõ phía Nam của Ukraine để vào Romania, và chỉ có thể đến được khi đi qua cây cầu Zatoka (còn một cây cầu thứ hai, xa 30 dặm về phía Bắc, băng qua biên giới quốc tế vào lãnh thổ Transnistria ở Moldova nhưng ít được sử dụng vì có nhiều hạn chế và nguy hiểm). Cầu Zatoka nối hai mỏm cửa sông Dniester là cầu đường bộ và đường sắt dài 150 mét do Liên Xô xây dựng năm 1955 với nhịp giữa được nâng lên năm lần một ngày cho giao thông đường sông ra vào Biển Đen.

 

Nga đã nổ phát súng đầu tiên vào cầu Zatoka ngày 3 Tháng Ba, ngày thứ tám của cuộc chiến và nhắm vào một căn cứ quân sự gần đó. Đây cũng là lần thả bom chùm đầu tiên trong cuộc chiến. Ngay sau đó, Ukraine báo cáo bắn rơi chiếc máy bay đang thả bom của Nga, phi công thoát kịp. Ngày 15 Tháng Ba, tức mười hai ngày sau, Nga quay trở lại Zatoka, lần này dùng tàu chiến bắn phá cây cầu và các mục tiêu ở ba thị trấn ven biển gần đó. Nhiều nhà phân tích nghĩ rằng hai cuộc tấn công vào Zatoka, cách Odesa 60 km về phía Nam, là để mở đường cho một cuộc đổ bộ.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/05/GettyImages-1180656796.jpg

Cây cầu Zatoka trước khi bị phá hủy (ảnh: Ukrinform/Future Publishing via Getty Images)

 

Nhưng ý đồ của Nga đơn giản hơn: Tuyến đường đến Romania này là một hành lang trung chuyển cho hàng hóa không còn đi qua được các cảng Biển Đen vốn vận chuyển đến 70% kim ngạch ngoại thương của Ukraine. Phá cây cầu là loại bỏ hành lang này. Ngày 26 Tháng Tư, tức ngày thứ 62 của cuộc chiến, người Nga quay trở lại lúc 12g35 và tấn công trực diện cây cầu bằng ba hỏa tiễn hành trình.

 

Theo tình báo Mỹ, một hỏa tiễn bị hỏng kỹ thuật đã “đáp” xuống nước. Một chiếc bắn hụt và hỏa tiễn thứ ba va vào mép phía Đông của một nhịp cầu. Sáng hôm sau, lúc 6g45 sáng, người Nga trở lại lần nữa và tấn công cây cầu bằng hỏa tiễn hành trình. Tiếp đó, ngày 3 Tháng Năm, Nga quay trở lại cây cầu lần nữa và phóng ba hỏa tiễn hành trình.

 

Lúc đó, Nga đang tìm cách chiếm toàn bộ miền Nam Ukraine, bao gồm cả khu vực Odesa nên quyết tâm phá huỷ cây cầu. Cây cầu vẫn đứng vững. Một tuần sau, ngày 10 Tháng Năm, hỏa tiễn Nga quay trở lại. “Kẻ thù tiếp tục các cuộc tấn công vào cây cầu đã bị hư hại bắc qua cửa sông Dniester” – Bộ Chỉ huy Chiến dịch Ukraine cho biết. Tám đợt tấn công của Nga khiến cầu Zatoka trở thành một trong những mục tiêu cố định bị tấn công nhiều nhất. Ngày 16 Tháng Năm, hai hỏa tiễn hành trình nữa được phóng đến cầu Zatoka, hỏa tiễn thứ ba rơi xuống biển (theo tình báo Mỹ). Bộ Tư lệnh hành quân phía Nam Ukraine cho biết: “Tuyến đường bộ và đường sắt đã không hoạt động hơn hai tuần. Cây cầu bị hư hỏng nặng nên việc sửa chữa sẽ tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc”.

 

Câu chuyện cho thấy một mục tiêu lộ thiên như cây cầu Zatoka mà Nga tốn nhiều “công phu” như vậy với nhiều đạn dược như vậy thì rõ ràng không quân lẫn “xạ thủ” hỏa tiễn Nga rất có “vấn đề”.

 

Bắn đâu hụt đó!

 

Hỏa tiễn hành trình tầm xa được phát triển song song với bom thông minh đã trở thành vũ khí hiện đại được lựa chọn cho các cuộc tấn công vào các mục tiêu đặc biệt của Mỹ. Nhưng chi phí (hơn $1 triệu mỗi hỏa tiễn) đã hạn chế việc sử dụng chúng, kể cả đối với một quân đội nổi tiếng xài sang nhất thế giới như Mỹ. 32 năm qua, khoảng 2,300 hỏa tiễn Tomahawk đã được quân đội Hoa Kỳ sử dụng trên chiến trường, từ chiến dịch trừng phạt cuộc xâm lược Kuwait của Saddam Hussein đến các cuộc tấn công ở Nam Tư cũ và cuộc tấn công năm 2018 vào các cơ sở tình nghi sản xuất vũ khí hóa học của Syria.

 

Phần mình, mới đây Nga cho biết trong 85 ngày tấn công (tính đến 23 Tháng Năm), họ đã phóng thành công 2,275 hỏa tiễn. Tuyên bố này có đáng tin? Quân đội chơi sang đến vậy sao?

 

Giới quan sát nhận thấy, phần lớn lực lượng không quân Nga được sử dụng để hỗ trợ lực lượng mặt đất, chứ không quân Nga không phải một thực thể độc lập với học thuyết và chiến lược riêng hỗ trợ các mục tiêu chiến tranh lớn hơn bên ngoài nơi giao chiến. Nga có những phi đội ném bom để tấn công các mục tiêu chiến lược (trụ sở chính quyền, căn cứ quân sự, các nhà máy công nghiệp, dầu, điện, và mạng lưới giao thông) ngoài nơi giao chiến nhưng Nga đã thất bại trong việc phát triển một loại vũ khí tương đối rẻ (tương tự như bom dẫn đường bằng vệ tinh của Hoa Kỳ) để tấn công chính xác các mục tiêu mà không tốn kém nhiều.

 

Tính đến nay, Nga đã phóng 630 hỏa tiễn Iskander vào Ukraine từ Belarus và Nga. Trong khi đó, các tàu chiến và tàu ngầm phóng hỏa tiễn hành trình Kalibr (tương đương Tomahawk). Các khẩu đội chống hạm ven biển ở bán đảo Crimea bắn hỏa tiễn đất đối hạm Onyx. Trên không, các máy bay chiến đấu chiến thuật và máy bay ném bom hạng trung, hạng nặng bắn hỏa tiễn đất đối không Kh-22/32, Kh-55/555, Kh-59 và Kh-101. Hàng chục hỏa tiễn đạn đạo siêu thanh Kinzhal cũng được phóng đi.

 

Nhưng nhìn chung vấn đề là… bắn không trúng! Một quan chức cấp cao của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ (DIA) nhận định: “Nếu nhìn vào tổng thể các vụ phóng của Nga, có thể thấy, chỉ có dưới một nửa tổng số hỏa tiễn bắn trúng mục tiêu. Cứ 10 hỏa tiễn thì có 2,3 hỏa tiễn không rời được bệ phóng hoặc gặp vấn đề trong quá trình bay. Hai chiếc nữa bị trục trặc kỹ thuật dù bay được đến mục tiêu. Hai đến ba chiếc nữa bắn trượt”.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/05/GettyImages-143949136.jpg

Hỏa tiễn đạn đạo 9k720 Iskander (NATO gọi là SS-26 Stone) được phóng vào Ukraine nhưng hiệu quả không cao (ảnh: Sasha Mordovets/Getty Images)

 

“Chúng ta có thể kết luận, thành công hỏa tiễn của Nga chỉ dưới 40%” – một quan chức khác DIA nói. Ukraine cho biết họ đã bắn hạ 110 hỏa tiễn hành trình của Nga, gần 10% trong số đó bay vào không phận Ukraine. Cả hai quan chức giấu tên của DIA đều đồng ý: Chiến dịch phá hủy hệ thống phòng không của Ukraine mà Hoa Kỳ từng làm đã không được Nga thực hiện.

 

Nga cũng không tấn công vào mạng lưới điện hoặc hệ thống thông tin liên lạc dân dụng. Còn nữa, trong khoảng 20,000 phi vụ mà không quân Nga thực hiện cho đến nay, chưa đến 3,000 phi vụ đi vào không phận Ukraine! Thế chiến đấu cơ Nga bay đi đâu, phóng lên không trung để làm gì? Phi công… nhát không dám bay vào hay vì lý do nào khác?

 

Tất nhiên không thể nói tất cả những cuộc oanh tạc hoặc phóng hỏa tiễn của Nga xuống Ukraine đều thất bại. Rất nhiều nơi ở Ukraine đang trở thành bình địa. Tuy nhiên, Nga đã trả giá rất lớn với những tổn thất rất lớn. Và điều quan trọng rút ra ở đây là Nga đã vạch áo cho người xem lưng không chỉ khả năng thực chiến kém cỏi mà còn những lỗ hổng cực lớn trong thiết bị quân sự của họ.

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats