Thursday, 2 June 2022

SÀI GÒN MƯA TRẮNG TRỜI, KHU TRUNG TÂM LẠI NGẬP 'CHƯA TỪNG CÓ' (Người Việt Online)

 



Sài Gòn mưa trắng trời, khu trung tâm lại ngập ‘chưa từng có’

Người Việt

June 2, 2022

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/sai-gon-mua-trang-troi-khu-trung-tam-lai-ngap-chua-tung-co/

 

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Mưa lớn kéo dài hơn hai tiếng khiến nhiều tuyến đường tại trung tâm Sài Gòn và thành phố Thủ Đức ngập nặng. Nhiều chuyến bay không thể hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất.

 

Theo báo Người Lao Động, mưa xuất hiện từ trưa 2 Tháng Sáu rồi tạm ngưng, nhưng sau đó về chiều tối, mưa tăng trở lại kèm theo nhiều dông sét.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/06/VN-sai-gon-ngap-1-1068x712.jpg

Nhiều tuyến đường ở quận 1 như Bùi Viện, Cống Quỳnh, Lê Lai… ngập nặng khiến xe cộ đi lại khó khăn. (Hình: VNExpress)

 

Mưa lớn khiến khu vực các quận trung tâm như quận 1, quận 7, quận 8, quận 12, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, thành phố Thủ Đức, huyện Bình Chánh… ngập sâu ngay giờ tan tầm. Một số nơi xuất hiện tình trạng ngã đổ cây xanh do dông, lốc.

 

Tại quận 1, điểm ngập sâu nhất là đường Trương Định, đoạn từ đường Lê Lai đến Lê Thánh Tôn, nước ngập hơn nửa bánh xe. Nhiều người đi xe gắn máy, thậm chí xe hơi chạy qua đây bị chết máy khi cố lội qua đoạn đường này.

 

Nước bẩn và bốc mùi hối thối khiến một số người vừa lội qua chừng 50 mét, chân tay đã đỏ ửng, ngứa ngáy.

 

Bì bõm lội nước vì xe chết máy, chị Hạnh ở quận 3, cảm thán: “Chiều nay thấy mưa cũng lớn nhưng không ngờ trung tâm quận 1 lại ngập khủng khiếp như vậy!”

 

Ông Nguyễn Bảy, chạy xe ôm khu vực chợ Bến Thành, cho biết dù trời ngừng mưa gần một tiếng nhưng đường vẫn ngập nặng. Cũng theo ông Bảy, tình trạng này vẫn thường xuyên xảy ra tại đây mỗi khi mưa xuống.

 

Cơn mưa lớn cũng khiến nhiều tuyến đường như Phạm Văn Chiêu, Lê Văn Thọ, Nguyễn Văn Khối… ở quận Gò Vấp ngập nặng. Chẳng hạn, trên đường Nguyễn Văn Khối đoạn gần công viên Làng Hoa Gò Vấp, đến hơn 5 giờ chiều vẫn còn ngập sâu trong nước. Nước ngập hơn nửa bánh xe gắn máy, nhiều xe cộ đã bị chết máy khi đi qua đoạn ngập này.

 

Đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh, nước cũng không thoát kịp, chảy tràn trên đường. Ông Tiến, ngụ tại đây, cho biết đoạn đường này thường xuyên xảy ra ngập. Mưa không cần to thì nước đã lúp xúp, mưa to chút là ngập tràn vào nhà gây khó khăn cho việc kinh doanh sinh hoạt. Cứ mỗi lần ngập là xe dồn hết qua làn đường còn lại để tránh gây ùn ứ kéo dài.

 

Tương tự, theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ, tại đường Tô Ngọc Vân, gần giao lộ Phạm Văn Đồng, thành phố Thủ Đức, chỉ sau mưa khoảng 40 phút, khu vực này đã ngập lênh láng, có đoạn ngập sâu lút bánh xe gắn máy. Phần đường ray xe lửa đi qua đây cũng bị nước che khuất.

 

Đến 5 giờ chiều cùng ngày, nhiều xe cộ vẫn “chôn chân” hai bên đường chờ nước rút, buộc lực lượng cảnh sát giao thông đến đây để phân luồng, chỉ dẫn người dân đi tuyến đường khác tránh ngập.

 

Tại đường Quốc Hương, thành phố Thủ Đức, một đoạn đường dài khoảng 500 mét ngập khoảng 20 cm khiến xe cộ di chuyển khó khăn.

 

Nhiều đoạn nước sâu tới đầu gối người lớn, kéo theo túi nylon, hộp nhựa, cành cây nổi lềnh bềnh. Nhiều người dân sống hai bên đường phải dầm mưa ra dọn dẹp rác để nước rút xuống cống.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/06/VN-sai-gon-ngap-2-1068x798.jpg

Nhiều xe gắn máy chết máy khi đi qua “biển nước” trên đường Quốc Hương, phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức chiều 2 Tháng Sáu. (Hình: Trần Tiến Dũng/Tuổi Trẻ)

 

Trong khi đó, báo Zing dẫn lời đại diện Cảng Hàng Không Quốc Tế Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình, cho biết do ảnh hưởng thời tiết xấu, lúc 4 giờ chiều, năm chuyến bay trong và ngoài nước bị chậm, phải chờ để đến Tân Sơn Nhất. Cùng thời điểm, nhiều chuyến bay theo lịch trình đến Tân Sơn Nhất phải bay lòng vòng trên không, hoặc chuyển hướng đi Đà Lạt, do cơ quan không lưu không cho phép máy bay cất-hạ cánh.

 

Mới đây, Sở Xây Dựng thống kê ở thành phố có 39 tuyến đường thường ngập do mưa. Nguyên nhân là “cường độ mưa lớn trong thời gian ngắn, kết hợp địa hình trũng thấp cục bộ. Ngoài ra, hệ thống cống hiện hữu thiếu đồng bộ do đầu tư qua nhiều giai đoạn làm giảm tốc độ dòng chảy.” (Tr.N) [qd]





No comments:

Post a Comment

View My Stats