Thursday, 2 June 2022

PHÁ NÁT HÀNH LANG THOÁT LŨ, HÀ NỘI CẦN MỘT CUỘC 'ĐẠI PHẪU' (Thạch Thảo / Saigon Nhỏ)

 




Phá nát hành lang thoát lũ, Hà Nội cần một cuộc ‘đại phẫu’

Thạch Thảo
2 tháng 6, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/pha-nat-hanh-lang-thoat-lu-ha-noi-can-mot-cuoc-dai-phau/

 

.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/05/Ngap2.jpg

Biển nước ở trung tâm Hà Nội sau cơn mưa

 

Mới đây, mạng xã hội VN xôn xao cười cợt về phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà khi ông giải thích việc ngập lụt ở Hà Nội là do: “Mưa lớn bất thường trong một thời điểm thì không hạ tầng nào chống chịu được”. KTS Trần Huy Ánh, Hội KTS Hà Nội, cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do hành lang thoát lũ bị cắt xẻ để xây dựng các dự án bất động sản.

 

Nhiều năm qua Hà Nội dựa vào sông Tô Lịch để thoát nước nội đô mỗi khi mưa lũ, hoặc chia nước sang các khu vực trũng của Từ Liêm, Thanh Trì… Những khu vực đó gọi là vùng bán ngập. 

 

Gần đây, với tốc độ đô thị hoá, bê-tông hoá, những vùng bán ngập đó không còn, việc thoát nước càng trở nên khó khăn. Chính vì thế, khi nước chưa kịp đổ vào các con sông đã bị lưu lại trong các khu dân cư… vì mặt bằng nền khu dân cư đã cao hơn, chia cắt các hệ thống thoát nước. 

 

Giai đoạn đầu những năm 2000, khi Hà Nội chủ trương mở rộng về phía Tây nên đã cấp hàng loạt dự án khu đô thị ở đây. Những dự án này chủ yếu nằm trong hành lang thoát lũ đã được vẽ từ thời Pháp. 

 

Trong bản Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 có nhắc tới vấn đề ‘Hành lang xanh’, thực chất được vẽ ra nhằm hạn chế xây dựng, giành đất để giữ sinh thái… Bản chất Hành lang xanh nằm trên toàn bộ hành lang thoát lũ sông Đáy của người Pháp xây dựng. 

 

Tuy nhiên, nhiều dự án bất động sản đã được phê duyệt lại nằm chèn trên hành lang xanh, hay nói cách khác là nằm trên hành lang thoát lũ.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/06/tha.jpg

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh. Ảnh Vietnamnet

 

Các dự án bất động sản đó đã ngăn chặn, chia cắt hành lang thoát lũ: Chỗ nào trũng thì giữ nước lại, đường thì tràn đi… Khi các khu đô thị ven đường xây dựng, phần trũng nhất lại chính là đường, cho nên cứ mưa to, nền nhà cao hơn nền đường, phố biến thành sông chính là như vậy. 

 

Có thể nhìn thấy rất rõ, những nơi trũng sâu, ngập sâu và đầu tiên chính là những vị trí nền đường chặn ngang qua hành lang xanh/hành lang thoát lũ của Đại lộ Thăng Long, nằm giữa sông Nhuệ, sông Đáy. Vì thế, đó là nơi ngập nặng nhất.

 

Bây giờ, nước chưa kịp xuống đến sông để thoát đã bị lưu giữ thành túi nước cục bộ bên trong khu đô thị. Trận mưa chiều ngày 29 Tháng Năm vừa qua, nhiều tuyến phố biến thành sông nhưng rõ ràng nước sông không lớn, nghĩa là cống thoát ra sông không kịp. 

 

KTS Trần Huy Ánh đề nghị, nên sử dụng giải pháp khu trú nước trong từng vùng để thoát nước. 

 

Có những nơi thoát nước tự nhiên, có những nơi thoát nước bắc cầu: Nước không thể tự chảy ra sông thì phải có cách để dẫn nước ra sông bằng bơm cưỡng bức. 

 

Thuật ngữ chuyên ngành gọi là xây dựng các ắc-quy nước, tức là trữ nước lại khi mưa to và sau này sử dụng chính những ắc-quy nước đó để bơm tưới cây, rửa đường… Tiếp theo là có các trạm bơm cưỡng bức, dùng trạm bơm để bơm thoát nước. 

 

Việc quy hoạch Hà Nội chưa hợp lý nên đặt ra rất nhiều vấn đề: Thoát nước, chất lượng môi trường kém… Một bản quy hoạch được xây dựng nhiều năm, có giá trị dài hạn nhưng lại do cán bộ lãnh đạo với nhiệm kỳ ngắn hạn thực thi nên nó để lại những tồn tại, bất cập trong hạ tầng.

 

Bây giờ nhìn thấy úng ngập thì rất khó chịu, nhưng cần biết một điều, biến đổi khí hậu bao giờ cũng đi kèm nhau, có úng ngập sẽ có khô hạn…. 

 

Cấp thoát nước không chỉ cứ chăm chăm tống nước đi để hết ngập, mà còn có nhiệm vụ giữ nước lại để sử dụng cho những ngày khô hạn. Đó là bài toán cân bằng nước, đòi hỏi phải trữ nước. Mà trữ nước, không ai cất giữ nước thối cả, phải là nước sạch. Như vậy, phải có cả thoát nước, xử lý nước thải và lưu trữ nước, kết hợp với các công trình ngầm khác nữa. 

 

KTS Trần Huy Ánh đánh giá: Hà Nội đang sử dụng bài toán thoát nước của những thế kỷ trước, thừa kế lại phương án thoát nước đã xưa cũ, không còn phù hợp. 

 

Diện tích Thủ đô trong những năm qua đã tăng gấp 10 lần diện tích tự nhiên (so sánh từ năm 2003 đến 2022), dân số tăng gấp đôi. Như vậy, việc con người chiếm hữu không gian của thiên nhiên là vô cùng nhiều. Việc đầu tư ngược lại để nâng cao chất lượng sống cho Hà Nội rất hạn chế, nếu như không nói là đã cạn kiệt.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats