Wednesday 15 June 2022

NHÀ VĂN LÀ AI và TẠI SAO NÊN ĐỘC LẬP VỀ TÀI CHÍNH? (Đoàn Bảo Châu)

 



Nhà văn là ai và tại sao nên độc lập về tài chính?  

Đoàn Bảo Châu

15/6/2022  03:40    

https://www.facebook.com/DoanBaoChau21165/posts/pfbid02PKKYny5qXZu87oqYyqoSPKSYVBEZ6B3Qt9p3Lnwg7wmBHn9X16aLB8ytEawP464ol

 

Văn học, hội hoạ, âm nhạc, phim ảnh… đều là những môn nghệ thuật để thể hiện tư tưởng, khát vọng, thế giới quan của cá nhân hay của một nhóm nghệ sỹ.

 

Người cầm bút mà phải viết theo chỉ thị, theo định hướng, ấy là dạng thợ viết, thợ chữ, là loa đài được bật hay tắt theo ý cấp trên, dạng ấy không xứng đáng được gọi là nhà văn mà được gọi là bút nô.

 

Tiếng Anh có thành ngữ: “Không có bữa trưa nào miễn phí”, ý nói rằng những gì giá trị nếu muốn có được thì phải trả một giá nào đấy, không bằng cách này hay cách khác.

 

Nếu một nhà văn được một công ty tài trợ in một cuốn sách, thì về sau khi công ty kia bị phát hiện có một số vấn đề thì liệu anh ta hay chị ta có dám viết về điều ấy hay không? Chắc là không bởi người Việt có câu: Ăn cây nào, rào cây ấy!

 

Đây chính là lý do tại sao những người là thành viên của Hội Nhà văn Việt Nam có rất ít đóng góp cho xã hội. Tư tưởng bị tù túng thì làm sao có tác phẩm hay được? Tôi biết, Hội Nhà Văn Việt Nam được sinh ra bởi nhà nước, được nuôi bởi kinh phí nhà nước thì đương nhiên ngòi bút của họ phải theo định hướng của nhà nước.

 

Nhưng không phải cái gì được sinh ra như thế nào, được làm như thế nào trong quá khứ thì cứ nên tiếp tục như vậy. Lý do bởi xã hội thay đổi, quan niệm con người thay đổi, tư tưởng con người thay đổi thì cách quản lý, vận hành các hội nghề nghiệp cũng nên thay đổi.

 

Chẳng phải nhà nước đã có hơn 800 cơ quan báo chí được viết theo định hướng rồi sao, tại sao những người viết văn, một lĩnh vực gần với nghệ thuật hơn cũng nhất nhất phải làm theo định hướng?

 

Những người đứng đầu nhà nước nên nhìn nhận lại việc này để làm nhẹ ngân sách của một đất nước vốn không hùng mạnh gì về kinh tế. Hơn nữa, nên nới lỏng sợi dây nối giữa chính trị và văn học hay nghệ thuật nói chung. Một chính trị gia xuất sắc không có nghĩa là người am hiểu về văn học, nghệ thuật. Vậy tại sao ông ta, bà ta lại có thể định hướng được cho người làm nghệ thuật?

 

Nhà văn là những người theo đuổi đam mê văn học, một đam mê xa xỉ giữa thời đại kim tiền. Người theo đam mê ấy đáng trân trọng nhưng đấy là lựa chọn của mỗi cá nhân. Nếu cứ phải được động viên, được nâng đỡ thì mới viết được thì người ấy không thể nào thành một nhà văn trưởng thành được và tôi nghi ngờ sự đóng góp xã hội của những người như vậy.

 

Hãy đổi mới tư duy. Người viết văn là một nghề cần phải học về kĩ năng viết, cách xây dựng cốt truyện, nắm vững về lý thuyết để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật. Nếu tác phẩm ấy tốt, xã hội sẽ công nhận và mua để trả lại công lao động nghệ thuật của anh/chị ta.

 

Nhưng không phải cứ viết văn thì nghiễm nhiên thành cao quý, bởi nghề nào cũng có sang có hèn, có thành đạt, có thất bại, có người được chiếu sáng lộng lẫy trong vinh quang, có người bị quên lãng trong bóng tối.

 

Xã hội sẽ tôn vinh người cầm bút khi họ đã có đóng góp cho xã hội chứ không phải cứ nhìn các mác nhà văn là người ta nể trọng. Nhà văn lớn, trước hết cần một nhân cách lớn.

 

ĐBC

 

Lý Thuyết Tiểu Thuyết

 

.

82 BÌNH LUẬN   

 

.

Quang Minh Vu

Ở nước ngoài, hầu như mọi người làm về nghệ thuật đều là những người hành nghề tự do. Nghĩa là họ tự kinh doanh bằng tác phẩm của họ và có nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước như bao ngành nghề khác. Có lẽ, ở Việt nam - một trong không nhiều quốc gia - mới có nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ... "mậu dịch", có nghĩa họ là công chức nhà nước làm nghệ thuật, ăn lương của nhà nước (và dĩ nhiên, phải tuân theo nhiệm vụ của nhà nước giao cho họ là chủ yếu). Bởi đảng muốn lãnh đạo mọi chuyện, nên họ được sử dụng như công cụ của đảng và được trả công bằng tiền của dân, do đảng tự ý lấy từ ngân sách ra, thông qua các cơ quan liên quan của chính quyền mà thực chất là của đảng. Thành ra, họ phụ thuộc vào đồng lương đó và dĩ nhiên phải làm theo...đồng tiền đó. Ở Việt nam, muốn có độc lập hành nghề cũng không dễ, nhất là nghệ thuật. Lôi thôi là bị qui kết. Dù bây giờ có thể hành nghề tự do hơn, nhưng lối đi vẫn hẹp và tai vạ vẫn lửng lơ đâu đó trên đầu.





No comments:

Post a Comment

View My Stats